06/10/1973: Chiến tranh Yom Kippur làm tăng căng thẳng Mỹ-Xô

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Yom Kippur War brings United States and USSR to brink of conflict, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1973, cuộc tấn công bất ngờ của liên quân Ai Cập và Syria vào Israel đã khiến Trung Đông rơi vào tình trạng hỗn loạn và đe dọa đẫn đến xung đột trực tiếp Mỹ – Xô, lần đầu tiên kể từ Khủng hoảng Tên lửa Cuba năm 1962. Mặc dù đối đầu thực tế trên chiến trường đã không nổ ra giữa hai quốc gia, các sự kiện xung quanh Chiến tranh Yom Kippur đã phá hủy nghiêm trọng quan hệ Mỹ – Xô, đồng thời làm phá sản chính sách Hòa hoãn (détente) của Tổng thống Richard Nixon.

Thoạt tiên, có vẻ Ai Cập và Syria sẽ nắm chắc phần thắng. Được trang bị vũ khí tối tân của Liên Xô, hai nước này hy vọng sẽ trả thù cho thất bại nhục nhã trong Chiến tranh Sáu ngày năm 1967. Mất cảnh giác, người Israel ban đầu đã thất thế trước cuộc tấn công từ hai phía, dù vậy những cuộc phản công của họ đã dần xoay chuyển tình thế, nhờ vào hậu thuẫn quân sự to lớn từ Mỹ, cũng như sự vô tổ chức trong hàng ngũ lực lượng Syria và Ai Cập.

Syria đã bị đẩy lùi khi quân đội Israel chiếm Cao nguyên Golan có tầm quan trọng chiến lược. Quân Ai Cập thậm chí còn tồi tệ hơn: khi rút lui qua sa mạc Sinai, hàng ngàn binh sĩ của họ đã bị quân đội Israel bao vây và tiêu diệt.

Ngoại trưởng Henry Kissinger, cùng với những người đồng cấp Liên Xô của mình, đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn dù rất bấp bênh. Khi rõ ràng rằng Israel sẽ không chấm dứt cuộc bao vây quân đội Ai Cập (vốn đã cạn kiệt lương thực và thuốc men vào thời điểm này), Liên Xô đe dọa sẽ có hành động đơn phương để giải cứu họ. Căng thẳng bùng lên ở cả Washington và Moskva; lực lượng quân sự của Mỹ đã đưa ra báo động Cấp độ 3 (Cấp độ 5 sẽ khởi động các cuộc tấn công hạt nhân). Liên Xô đã rút lại lời đe dọa của mình nhưng thiệt hại cho quan hệ song phương là nghiêm trọng và kéo dài.

Kissinger đã rất cố gắng để mang lại một thỏa thuận hòa bình ba bên, giữa Israel với Syria và Ai Cập. Trong diễn biến được gọi là “ngoại giao con thoi” (shuttle diplomacy), vị bộ trưởng ngoại giao đã bay từ nước này sang nước khác để đàm phán các chi tiết của hiệp định hòa bình. Cuối cùng, quân Israel đã rút khỏi một số vị trí của họ trên bán đảo Sinai và Syria, trong khi Ai Cập hứa sẽ từ bỏ việc sử dụng vũ lực trong quan hệ với Israel. Syria miễn cưỡng chấp nhận kế hoạch hòa bình, nhưng vẫn kiên quyết phản đối sự tồn tại của nhà nước Israel.