Nguồn: Joseph E. Stiglitz & Adam S. Hersh, “The Trans-Pacific Free-Trade Charade”, Project Syndicate, 02/10/2015.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Khi các nhà đàm phán và bộ trưởng từ Mỹ và 11 quốc gia dọc vành đai Thái Bình Dương gặp nhau tại Atlanta để nỗ lực hoàn thiện nội dung của Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì chúng ta cần phải đưa ra một số phân tích tỉnh táo. Dường như hiệp định thương mại và đầu tư lớn nhất trong lịch sử khu vực này không giống như những điều chúng ta đã nghĩ.
Bạn sẽ nghe nói nhiều về tầm quan trọng của TPP đối với “thương mại tự do”. Thực tế, đây là một thỏa thuận để quản lý các mối quan hệ thương mại và đầu tư của các nước thành viên dựa trên vận động hành lang của các tập đoàn kinh doanh hùng mạnh nhất trong mỗi quốc gia. Có thể thấy rõ ràng ngay từ những vấn đề chính mà các nhà đàm phán vẫn còn đang mặc cả rằng TPP không phải là về thương mại “tự do”.
New Zealand đã đe dọa không ký hiệp định vì cách thức quản lý sản phẩm bơ sữa của Canada và Mỹ. Australia không hài lòng với cách Mỹ và Mexico quản lý thương mại về đường. Còn Mỹ thì không hài lòng với cách Nhật quản lý thương mại về gạo. Các ngành công nghiệp này được ủng hộ bởi các khối cử tri đáng kể ở trong nước mình. Và chúng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm liên quan tới cách mà TPP có thể thúc đẩy một chương trình nghị sự đi ngược lại thương mại tự do.
Đầu tiên, hãy xem xét những gì mà hiệp định sẽ làm để mở rộng quyền sở hữu trí tuệ cho các công ty dược phẩm lớn, như những gì chúng ta biết từ những văn bản đàm phán bị rò rỉ ra ngoài. Nghiên cứu kinh tế ủng hộ lập luận rằng quyền sở hữu trí tuệ sẽ giúp đẩy mạnh nghiên cứu y tế. Nhưng các bằng chứng thực tế lại cho thấy điều ngược lại: khi Tòa án Tối cao Liên bang ra tuyên bố vô hiệu hóa bằng sáng chế về kiểm tra gien BRCA (liên quan đến bệnh ung thư vú – NBT) của hãng Myriad, điều này đã dẫn đến nhiều đổi mới giúp tạo ra các phương pháp kiểm tra y tế tốt hơn với chi phí thấp hơn. Thật vậy, các điều khoản trong TPP sẽ hạn chế cạnh tranh mở và làm tăng giá thuốc cho người tiêu dùng tại Mỹ và trên toàn thế giới – một điều đi ngược lại nguyên tắc của thương mại tự do.
TPP sẽ quản lý thương mại dược phẩm thông qua một loạt các thay đổi quy tắc có vẻ rất phức tạp về các vấn đề như “liên kết bằng sáng chế” (patent linkage), “độc quyền dữ liệu” (data exclusivity), và “sản phẩm y sinh” (biologics). Kết quả cuối cùng là các công ty dược phẩm sẽ được phép mở rộng – có thể gần như vô hạn – độc quyền của họ trên các loại thuốc được cấp bằng sáng chế, loại các loại thuốc phổ thông giá rẻ ra khỏi thị trường, và ngăn chặn đối thủ cạnh tranh chế tạo ra các loại thuốc tương tự trong nhiều năm. Đó là cách mà TPP sẽ quản lý thương mại cho ngành công nghiệp dược phẩm nếu như Mỹ đạt được mục tiêu đàm phán của mình.
Tương tự, hãy xem xét làm thế nào Mỹ hy vọng sẽ sử dụng TPP để quản lý thương mại đối với ngành công nghiệp thuốc lá. Trong suốt nhiều thập niên, các công ty thuốc lá Mỹ đã sử dụng các cơ chế tranh tụng pháp lý về đầu tư nước ngoài được tạo bởi các thỏa thuận như TPP để chống lại các quy định nhằm kiểm soát vấn nạn hút thuốc trong y tế cộng đồng. Thông qua điều khoản Giải quyết Tranh Chấp giữa Nhà đầu tư và Quốc gia (Investor-State Dispute Settlement – ISDS), các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có quyền kiện chính quyền quốc gia thông qua các thủ tục trọng tài tư mang tính ràng buộc đối với những quy định mà họ cho là sẽ làm giảm bớt lợi nhuận dự kiến của mình.
Các tập đoàn quốc tế xem ISDS là cần thiết để bảo vệ quyền sở hữu tài sản ở những nơi còn thiếu pháp quyền và tòa án đáng tin cậy. Nhưng lập luận này là vô lý. Người Mỹ đang tìm kiếm các cơ chế tương tự trong một thỏa thuận lớn khác với Liên minh châu Âu là Hiệp định Thương mại Tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP) mặc dù chất lượng của hệ thống pháp luật và tư pháp của châu Âu là không có gì đáng nghi ngờ.
Chắc chắn là các nhà đầu tư – dù ở bất kỳ nước nào – cũng đáng được bảo vệ khỏi việc trưng thu hoặc các quy định phân biệt đối xử. Nhưng ISDS còn đi xa hơn nữa: Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư khi bị mất lợi nhuận dự kiến có thể và đã được áp dụng ở cả những nơi mà quy định không hề có phân biệt đối xử và lợi nhuận được tạo ra bằng cách gây hại cho cộng đồng.
Tập đoàn Philip Morris International đang theo đuổi các vụ kiện như vậy nhằm chống lại Australia và Uruguay (không phải là thành viên TPP) vì các yêu cầu buộc các bao thuốc lá phải mang các nhãn cảnh báo. Canada, vài năm trước cũng đã bị đe dọa bởi một vụ kiện như vậy, đã nhượng bộ không đưa ra yêu cầu dán nhãn cảnh báo tương tự.
Với bức màn bí mật xung quanh các cuộc đàm phán TPP, chúng ta không thể biết liệu thuốc lá có bị loại trừ khỏi ISDS hay không. Nhưng dù thế nào thì vấn đề chính vẫn còn đó: những quy định như vậy khiến chính phủ gặp khó khăn khi thực hiện các chức năng cơ bản, gồm bảo vệ sức khỏe và an toàn cho công dân, đảm bảo ổn định kinh tế, và bảo vệ môi trường.
Thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu các quy định này đã được thông qua khi tác hại chết người của amiăng được phát hiện trước đây. Thay vì đóng cửa các công ty sản xuất và buộc họ phải bồi thường cho những người bị hại, thì theo ISDS, các chính phủ sẽ phải trả tiền để các nhà sản xuất không giết chết các công dân của họ. Người nộp thuế sẽ bị đánh thuế hai lần – lần đầu là để trả tiền cho những thiệt hại về sức khỏe gây ra do amiăng, lần thứ hai là để bồi thường cho lợi nhuận mà các nhà sản xuất bị mất đi khi chính phủ can thiệp nhằm ngăn chặn một sản phẩm nguy hiểm.
Cũng không có gì phải ngạc nhiên khi các thỏa thuận quốc tế của Mỹ là để tạo ra “thương mại được quản lý” chứ không phải thương mại tự do. Đó là những gì sẽ xảy ra khi quá trình hoạch định chính sách không có sự tham gia của những bên liên quan phi kinh tế – đó là chưa kể các nghị sĩ dân cử trong Quốc hội.
Joseph E. Stiglitz, Nobel kinh tế và Giáo sư tại Đại học Columbia, từng là Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của Tổng thống Bill Clinton và Phó Chủ tịch Cấp cao và Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới. Cuốn sách gần đây nhất của ông, đồng tác giả với Bruce Greenwald, là Xây dựng một xã hội học tập: Cách tiếp cận mới đối với tăng trưởng, phát triển và tiến bộ xã hội (Creating a Learning Society: A New Approach to Growth, Development, and Social Progress.)
Adam S. Hersh là chuyên gia kinh tế cấp cao tại Viện Roosevelt và là Học giả khách mời tại Tổ chức Sáng kiến Đối thoại Chính sách của Đại học Columbia.
Copyright: Project Syndicate 2015 – The Trans-Pacific Free-Trade Charade
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]