Tác giả: Nguyễn Thế Phương
Tại Ấn Độ Dương, Trung Quốc bắt đầu mở rộng ảnh hưởng và gia tăng sự hiện diện. Điều này khiến Ấn Độ cảm thấy lo ngại bởi Ấn Độ Dương cũng là nơi tồn tại nhiều lợi ích cả về an ninh và kinh tế của New Delhi.
Với sự gia tăng các chuyến thăm bằng tàu hải quân trong những năm gần đây đến các nước Đông Nam Á, các phương tiện truyền thông tiếp tục dự đoán về tham vọng Thái Bình Dương của Ấn Độ, với Đông Á là điểm đến cuối cùng. Trong khi đó, các hoạt động ngoại giao hải quân của New Delhi ở Ấn Độ Dương lại khá khiêm tốn. Và mặc dù đóng góp khá nhiều cho các hoạt động đảm bảo an ninh hàng hải và chống cướp biển ngoài khơi Somalia, song trong nhận thức phổ biến, những nỗ lực của Hải quân Ấn Độ trong khu vực Ấn Độ Dương chỉ dừng lại mức hiện diện cảnh sát và khá “lành tính”.
Tuy nhiên những động thái trong một vài tháng vừa qua đã cho thấy, Hải quân Ấn Độ vẫn tập trung lực lượng ở khu vực ở Ấn Độ Dương. Học giả Abhijit Singh thuộc Viện Phân tích và Nghiên cứu Quốc phòng nhận định, bên cạnh chính sách Hướng Đông đến khu vực Đông Á, Hải quân Ấn Độ vẫn có chính sách Hướng Tây, với mục tiêu chủ yếu là Tây Ấn Độ Dương.
Tháng 2 năm 2015, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đến thăm Sri Lanka, Seychelles và Mauritius đồng thời khẳng định các nước này vẫn là mối quan tâm hàng đầu của New Delhi trong khu vực. Sau khi cải thiện các mối quan hệ, Ấn Độ cũng nỗ lực tiến hành các dự án liên kết phát triển và tăng cường an ninh hàng hải ba bên với Sri Lanka, Seychelles và Maldives.
Nỗ lực ngoại giao hải quân của New Delhi cũng không còn giới hạn trong việc xây dựng và củng cố các mối quan hệ chính trị. Tháng 4 năm 2015, Hải quân Ấn Độ đã tiến hành chiến dịch Rahat sơ tán hơn 4.000 người Ấn Độ và khoảng 900 người nước ngoài khỏi cuộc nội chiến ở Yemen. Đây được xem là một trong những thành công lớn về ngoại giao của hải quân nước này cũng như cho thấy năng lực và mức độ tin cậy của New Delhi trong cam kết gìn giữ hoà bình thế giới và ứng phó thảm hoạ nhân đạo.
Nằm trong chiến lược Hướng Tây, Hải quân Ấn Độ cũng bắt tay vào kế hoạch hợp tác an ninh và xây dựng năng lực bền vững với các quốc gia vùng vịnh Ả-rập. Bốn tàu hải quân Ấn Độ đã lên đường hướng thẳng đến vùng vịnh với đích đến là UAE, Saudi Arabia, Qatar và Kuwait hồi đầu tháng này. Chuyến thăm sẽ kéo dài một tháng đi cùng với các hoạt động giao lưu văn hoá và tập trận chung giữa lực lượng Ấn Độ với các nước chủ nhà.
Đối với các nhà quan sát hàng hải, chiến lược Hướng Tây của Ấn Độ được thúc đẩy bởi hai cân nhắc cần thiết. Thứ nhất, các tuyến đường biển xuyên qua Bắc Ấn Độ Dương là một trong những con đường quan trọng nhất thế giới, ngay cả chính bản thân New Delhi cũng hưởng lợi từ những tuyến đường này. Thứ hai, khu vực Trung Đông là nơi tập trung nhiều người Ấn Độ sinh sống và làm việc, góp phần đem về cho đất nước nguồn ngoại tệ không nhỏ hàng năm.
Tuy nhiên, lý do chính khiến Ấn Độ tăng cường “hướng Tây” xuất phát từ một trong những đối thủ cạnh tranh chính: Trung Quốc. Sáng kiến về Con đường Tơ lụa trên biển đã “vắt ngang” khu vực Ấn Độ Dương, đi qua nhiều nước trong khu vực và trực tiếp thách thức đến ảnh hưởng cũng như an ninh quốc phòng của Ấn Độ trong khu vực. Những báo cáo gần đây cho thấy Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng căn cứ hải quân mới ở Djibouti và bắt đầu đẩy mạnh hoạt động ở khu vực Ấn Độ Dương. Hơn ai hết Ấn Độ hiểu rõ những động thái đó ảnh hưởng như thế nào đến an ninh quốc phòng.
Ngoài ra, mối quan hệ đang ngày càng được củng cố giữa Hải quân Ấn Độ và lực lượng hải quân các nước vùng Vịnh một lần nữa cho thấy sức mạnh hải quân còn có thể được sử dụng như một công cụ đối ngoại hiệu quả. Trong trường hợp này, New Delhi đã cho thấy một công cụ quan hệ kiểu mới: thông qua công cụ của “sức mạnh cứng” để thực hiện mục tiêu của “sức mạnh mềm”. Bằng các sáng kiến vùng Vịnh, Hải quân Ấn Độ đang nỗ lực xây dựng hình ảnh một đối tác đáng tin cậy và có thể hỗ trợ, trui rèn các mối quan hệ lâu dài từ đó giúp định hình môi trường chiến lược Ấn Độ Dương.
Quay trở lại khu vực Đông Bắc Á để cùng nhìn nhận về chính sách xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản – một quốc gia có vai trò chính trị ngày càng quan trọng trong các vấn đề an ninh khu vực. Việc Tokyo chính thức mở cửa nền công nghiệp quốc phòng và gia nhập thị trường vũ khí thế giới là một bước tiến quan trọng. Dẫu vậy vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức mà Nhật Bản sẽ gặp phải. Dù cả Ấn Độ và Australia đều bày tỏ sự quan tâm nhiều đến máy bay tìm kiếm và cứu hộ US-2 cũng như tàu ngầm lớp Soryu, song đó cũng chỉ là những sự quan tâm bất thường. Về lâu dài, nhiều khả năng nền công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản sẽ tập trung vào việc xuất khẩu các trang thiết bị nhỏ gọn hơn thay vì những hợp đồng xuất khẩu vũ khí lớn như vậy.
Ngày 1 tháng 4 năm 2014, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã mở ra trang mới cho lịch sử công nghiệp quốc phòng nước này khi quyết định dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí và đề ra “Ba nguyên tắc về Chuyển giao các thiết bị và công nghệ quốc phòng”. Điều này cho phép Tokyo xuất khẩu vũ khí ra nước ngoài nhưng với điều kiện đối tác phải trải qua quá trình sàng lọc nghiêm ngặt nhằm bảo đảm rằng việc mua bán vũ khí sẽ chỉ vì thúc đẩy hoà bình thế giới và an ninh của Nhật Bản. Mặc dù động thái này không nhận được nhiều sự chú ý cũng như vấp phải nhiều sự tranh cãi như các sáng kiến an ninh khác của ông Abe, song đây là sự thay đổi đáng kể trong thế trận quốc phòng của Nhật Bản.
Vậy điều gì đã khiến ông Abe quyết định dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí? Theo Tiến sĩ Jeffrey Hornung thuộc Quỹ Hoà bình Sasakawa, có 3 động lực chủ yếu thúc đẩy Nhật Bản xuất khẩu vũ khí. Tokyo muốn (1) cắt giảm chi phí mua sắm quốc phòng trong nước, (2) tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ và (3) trở thành một đối tác chủ động, tích cực.
Động lực đầu tiên xem ra khá hợp lý khi giá các trang thiết bị vũ khí của Nhật Bản luôn ở mức “trên trời” bởi chi phí nghiên cứu và phát triển rất đắt đỏ. Chỉ có một cách có thể khiến giá vũ khí của Nhật hạ thấp đó là sản xuất và xuất khẩu với số lượng nhiều. Một ví dụ thực tiễn là nếu Tokyo giành chiến thắng trong hợp đồng cung cấp tàu ngầm cho Australia và Ấn Độ, giá thành của mỗi tàu ngầm Soryu sẽ giảm xuống do chi phí dành cho nghiên cứu và chế tạo Soryu đã được bù đắp một khoản nhất định.
Tuy nhiên, việc dỡ bỏ lệnh cấm có thể giúp giảm giá thành vũ khí Nhật trong thời gian tới hay không vẫn còn là câu hỏi mở. Thực tế cho thấy có thể sẽ mất nhiều năm hay thậm chí là vài thập kỷ để điều đó có thể trở thành sự thật, đó là còn chưa tính đến tính cạnh tranh của vũ khí Nhật Bản trên thị trường thế giới. Ông Stephen T. Ganyard, người đứng đầu Avascent International nhận định, việc thế giới không có nhu cầu đối với vũ khí Nhật là một trở ngại cho chính quyền Tokyo, xuất phát từ việc thiếu đi tầm nhìn, có quá ít sản phẩm quân sự có tính cạnh tranh và giá quá “chát”.
Tại khu vực Đông Nam Á, có một thực tế trớ trêu là những nước có khả năng tiếp nhận những vũ khí xuất khẩu đầu tiên của nền công nghiệp quốc phòng Nhật Bản, như Việt Nam, Phillipines, Malaysia, Indonesia và Thái Lan lại không có đủ khả năng mua. Trong khi đó, các quốc gia có đủ tiềm lực để mua những sản phẩm tốt nhất của Tokyo, như Singapore, lại sẽ vẫn tiếp tục tìm kiếm nguồn cung cấp vũ khí từ Hoa Kỳ. Do vậy, rõ ràng lợi ngắn ngắn hạn từ việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu, xét dưới khía cạnh kinh tế, là có vấn đề.
Thực tế cho thấy vẫn còn khá nhiều rào cản đáng kể, chẳng hạn như việc Nhật Bản không có kinh nghiệm trong việc sử dụng xuất khẩu vũ khí như một công cụ của chính sách đối ngoại. Mặc dù các nguyên tắc chính trị đã được vạch ra song vẫn chưa được hệ thống hoá và các nhà thầu quốc phòng sẽ khó lòng tham gia cuộc chơi mới cho đến khi những nguyên tắc mơ hồ này được làm sáng tỏ. Thêm vào đó, rủi ro trong việc sàng lọc và kiểm tra các đối tác là rất lớn và sẽ là thảm hoạ nếu xảy ra sai sót. Vấn đề không chỉ ở tài chính mà còn ở uy tín và hình ảnh của Tokyo cũng như các công ty của nước này trên thị trường thế giới. Rõ ràng, những tập đoàn lớn của Nhật Bản như ShinMaywa, Mitsubishi, Kawasaki, Hitachi và Toshiba không muốn bị gắn mác “lái buôn của thần chết”. Đây cũng là lý do vì sao giới chức Tokyo tỏ ra háo hức thúc đẩy các hợp đồng bán máy bay US-2 hơn là những vũ khí quân sự khác. Bởi lẽ, việc chỉ bán một thiết bị phi quân sự ở giai đoạn đầu mở cửa xem ra vẫn an toàn và không ảnh hưởng tiêu cực nhiều đến uy tín và hình ảnh quốc gia như khi bán thiết bị quân sự.
Tuy nhiên, lợi ích của việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí sẽ giúp nền công nghiệp quốc phòng Nhật Bản dần trở nên có “kỷ luật” và thích ứng với thị trường thế giới. Tăng cường sản xuất và xuất khẩu vũ khí cũng sẽ giúp củng cố tiềm lực nền công nghiệp nội địa Nhật, giảm dần sự lệ thuộc vào Hoa Kỳ và có thêm chi phí tài trợ các dự nghiên cứu và phát triển trong tương lai.
Một số tin vắn quốc phòng đáng chú ý
Nhật Bản thành lập cơ quan chuyên trách thúc đẩy xuất khẩu và cắt giảm giá thành vũ khí. Ngày 01 tháng 10, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, ông Gen Nakatani chính thức thông báo thành lập Cơ quan Hậu cần, Công nghệ và Mua sắm (ATLA). Cơ quan mới này trực thuộc Bộ Quốc phòng, với số lượng nhân viên tuyển dụng lên tới 1.800 người, trong đó bao gồm 400 nhân viên được cử đến từ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Các bộ phận như Cục Tài chính và Thiết bị Bộ Quốc phòng, Văn phòng Xây dựng và Mua sắm thiết bị cũng như Viện nghiên cứu và Phát triển Kỹ thuật Bộ Quốc phòng sẽ được sáp nhập làm một và nằm trong ATLA.
Trung Quốc thử nghiệm trực thăng tấn công hạng nhẹ thế hệ mới Z-11WB, vốn là biến thể quân sự của máy bay chở khách hạng nhẹ AC-311. Chuyến bay được thực hiện vào ngày 28 tháng 9 vừa qua tại Cảnh Đức Trấn, cũng là nơi đặt trụ sở Tổng công ty Công nghiệp hàng không Changhe. Báo cáo của Trung Quốc cho biết Z-11WB đã được sửa đổi lại cho phù hợp với mục đích “hỗ trợ mặt đất, tấn công, trinh sát chiến trường, chỉ huy, chống khủng bố, chống ma túy, chống buôn lậu và một số nhiệm vụ khác”. Những hình ảnh trước đó cho thấy phía mũi trực thăng có gắn thiết bị quang điện tử và giá treo bom hai bên cánh.
Đài Loan sẽ nhận được hỗ trợ và huấn luyện tích cực từ Mỹ tại Biển Đông, theo như Dự luật ngân sách quốc phòng (NDAA) vừa được Hạ viện xem xét thông qua. Một “Sáng biển Biển Đông” mới được nhắc đến trong mục 1261 trong NDAA đã nhắc tới việc hỗ trợ Đài Loan, bên cạnh một loạt nước khác như Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam, Brunei và Singapore “nhằm tăng cường an ninh và nhận thức hàng hải”. Đặc biệt, NDAA có đoạn kêu gọi Mỹ hỗ trợ “các nỗ lực của Đài Loan nhằm “kết hợp các chiến thuật sáng tạo, phi đối xứng để cân bằng lại sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc”. Ở đây bao gồm cung cấp “tàu tấn công nhanh, tên lửa bờ, hệ thống sửa chữa, mìn tấn công, và tàu ngầm”.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]