Nguồn: Yun Sun, “China’s Preferred World Order: What Does China Want?” CSIS Pacnet, No. 62, 21/09/2015.
Biên dịch: Trần Quốc Nam | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Khi Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Hoa Kỳ, thế giới chờ đợi các câu trả lời của hai nhà lãnh đạo về các vấn đề tồn đọng lâu nay trong quan hệ song phương. Đặc biệt, có nhiều dự đoán xung quanh các giải thích về quan điểm căn bản của Trung Quốc đối với trật tự toàn cầu. Dù sẽ đưa ra các tuyên bố và đề xuất với câu chữ được viết kỹ lưỡng để trấn an Mỹ về mục đích ôn hòa của Trung Quốc, nhưng ông Tập lại đóng khung chúng bằng việc phô bày sức mạnh, các sáng kiến táo bạo mới ở khu vực và sự quyết đoán trên nhiều mặt trận. Ông Tập cần phải giải thích mục tiêu chung cuộc của Trung Quốc là gì.
Câu trả lời trực tiếp nhất cho đến nay là: Trung Quốc muốn có nhiều hơn. Cụ thể hơn, Trung Quốc muốn ba điều: có ảnh hưởng nhiều hơn, được tôn trọng hơn, và không gian rộng hơn.
Trong các cuộc phỏng vấn suốt mùa hè qua ở Bắc Kinh, các chuyên gia cùng sử dụng một lối so sánh để giải thích hành vi của Trung Quốc: Trung Quốc từ một đứa bé giờ đã trưởng thành và do đó họ cần bộ trang phục mới bởi bộ cũ đã bị chật. Nói cách khác, khi sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự của Trung Quốc lớn lên, Trung Quốc “xứng đáng” có nhiều không gian hơn trong khu vực. Theo nghĩa này, bản chất xét lại trong cách ứng xử của Trung Quốc là rõ ràng.
Dưới chính quyền của ông Tập, khuynh hướng xét lại này đã tăng tốc. Dưới ngọn cờ “đại phục hưng dân tộc Trung Hoa”, ông Tập tái xác định các nhiệm vụ quan trọng nhất của chính sách đối ngoại của Trung Quốc là “dấn bước đến thành công” (奋发 有为 – phấn phát hữu vi). Chính sách nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình “ẩn mình chờ thời ” (韬光养晦 – thao quang dưỡng hối) gần như hoàn toàn biến mất khỏi cẩm nang chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
Giới ngoại giao Trung Quốc trở nên hết sức cứng rắn, đến nỗi một số nhà phân tích về Trung Quốc gọi đùa họ là “Bộ bất thương lượng” (Ministry of non-negotiation). Những phản hồi tiêu cực (của các nước) – chẳng hạn như sự quan ngại và phản đối phương cách đối ngoại mới của Trung Quốc – bị coi như là “những khó khăn thông thường” trong giai đoạn đầu của việc thiết lập một trật tự thế giới mới. Các nhà ngoại giao và học giả Trung Quốc rất tự tin cho rằng khi Trung Quốc thực hiện phong cách quyết đoán mới này, các nước láng giềng và các phần còn lại của thế giới sẽ bị khuất phục và chịu ghép mình vào “tình trạng bình thường mới” (new normal).
Trong giới hoạch định chính sách đối ngoại Trung Quốc, chuyện nước này vươn lên hàng đầu chẳng cần phải tranh luận gì nữa. Dù ít người ở Trung Quốc nghi ngờ việc Mỹ vẫn đang là siêu cường duy nhất trên thế giới, nhưng thậm chí còn ít người hơn nghi ngờ việc Trung Quốc chắc chắn sẽ vượt qua Mỹ – vấn đề chỉ là khi nào mà thôi. Vì vậy, theo quan điểm của Trung Quốc, đề xuất xây dựng một “mối quan hệ cường quốc kiểu mới” và các cuộc thảo luận sôi nổi về làm thế nào để tránh được “bẫy Thucydides” chẳng liên quan gì đến quá trình chuyển đổi quyền lực. Thay vào đó, những đề xuất đó tập trung vào việc quản lý quá trình chuyển đổi này ra sao – nói cách khác là làm sao để thay thế Mỹ một cách hòa bình và ít gây xáo trộn nhất.
Được các nguyên tắc chỉ đạo và nhãn quan tươi sáng về tương lai của ông Tập thúc đẩy, guồng máy đối ngoại của Trung Quốc tỏ ra tự tin. Nhiều nhà nghiên cứu người Trung Quốc đùa (hoặc thậm chí nghiêm túc) khẳng định rằng Trung Quốc thích mọi thứ của trật tự toàn cầu hiện tại và thích cả việc giữ nguyên trạng – chỉ có điều Bắc Kinh phải thế chỗ Washington trong hệ thống đó. Trong khi nhiều người thừa nhận nhiều khả năng Trung Quốc không thể đạt được mục tiêu đó dưới triều đại ông Tập (2012-2022), nhiều người lại nhìn thấy khả năng thực tế là Trung Quốc trước tiên sẽ thiết lập sự thống trị này ở châu Á.
Vì mục đích này, các học giả Trung Quốc nghĩ ra các lập luận đầy sáng tạo để làm xói mòn và phủ nhận vai trò của Mỹ ở châu Á. Một số người thách thức bản sắc của Mỹ như là một cường quốc châu Á khi cho rằng mặc dù Mỹ là một cường quốc châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ lại không phải là một nước châu Á và do đó không có vai trò tự nhiên tại đây. Những người khác quả quyết rằng do Thái Bình Dương “đủ lớn cho cả Mỹ lẫn Trung Quốc”, Hoa Kỳ nên tự bằng lòng với nửa đông Thái Bình Dương và ngưng xen vào chuyện của Trung Quốc ở nửa phía tây. Các học giả Trung Quốc gọi hệ thống đồng minh của Mỹ là “lỗi thời” và “gây bất ổn” đối với trạng thái cân bằng quyền lực mới ở châu Á, và đòi Mỹ phải hoặc giải thể hoặc ít nhất là điều chỉnh hệ thống đồng minh của mình để tạo không gian cho sự thống trị của Trung Quốc.
Về cơ bản, ván bài cuối như ý của Trung Quốc bắt đầu với một dàn xếp an ninh châu Á do Trung Quốc thống trị trong ngắn hạn, và về dài hạn là một cơ cấu quyền lực toàn cầu do Trung Quốc lãnh đạo. Trung Quốc sẵn sàng ban thưởng cho các nước nào chịu hợp tác bằng sự thịnh vượng kinh tế, các hàng hóa công cũng như các lợi ích thiết thực, nhưng bù lại Trung Quốc đòi hỏi sự thần phục, hợp tác, hay ít ra đồng ý về các vấn đề Trung Quốc cho là quan trọng. Quan điểm này gợi nhớ hệ thống triều cống xưa kia của Trung Quốc ở Đông Nam Á, với Trung Quốc là vị bá chủ “thịnh vượng và nhân từ” vốn dẫn tới sự thần phục của các nước trong khu vực và định hình mong muốn của họ. Đổi lại sự thần phục đó, các nước này nhận được các phần thưởng kinh tế cũng như văn hóa và công nghệ tiên tiến. Trong một khuôn khổ như vậy, sức mạnh áp đảo của Trung Quốc và vị thế nhân từ của họ là điều kiện cần và đủ để đảm bảo cho sự phục tùng của các nước khác. Các đề xuất xây dựng một “cộng đồng có chung vận mệnh” hay “Một vành đai, Một con đường” (一带一路 – Nhất đới nhất lộ) đều được lồng vào trong trật tự dĩ Hoa vi trung đó.
Tầm nhìn về thế giới của ông Tập đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng và thực hiện các nguyện vọng mới của Trung Quốc. Thất vọng với một “thập kỷ không có hành động lớn” thời Hồ Cẩm Đào, ông Tập được cho là một người theo chủ nghĩa hiện thực, tin vào cả chính trị cường quyền lẫn vận mệnh lãnh đạo thế giới của Trung Quốc. Hơn nữa, chiến dịch chống tham nhũng của ông, sự thành công trong chính trị cấp cao trong nước cũng như sự củng cố quyền lực trong hệ thống đã tạo điều kiện cho ông theo đuổi tiến trình chính sách đối ngoại ưa thích mà không gặp phải các thách thức đáng kể từ bên trong.
Các ý kiến khác nhau tồn tại bên trong và bên ngoài hệ thống, nhưng rồi chúng nhanh chóng bị dập tắt hay cho ra rìa. Một số học giả dè dặt về khả năng đứng vững về kinh tế và rủi ro chính trị của các cuộc vận động như “Một Vành đai, Một Con đường”, nghi ngờ sự khôn ngoan của việc sớm thách thức Mỹ trong khi Mỹ vẫn còn là siêu cường duy nhất trên thế giới. Tuy nhiên, toàn bộ hệ thống tuyên truyền được huy động để bảo vệ và thúc đẩy chỉ một tiếng nói, và tiếng nói đó ủng hộ ông Tập. Chính phủ bác bỏ các phê phán nhưng hoan nghênh khuyến nghị “có tính xây dựng” về cách khắc phục các vấn đề trong kế hoạch của ông Tập. Vì vậy, đối với các nhà phân tích và học giả Trung Quốc, thuận theo thái độ “cứng rắn” của ông Tập là thiết thực về chính trị và có lợi về kinh tế cho họ. Thách thức kế hoạch này thì ngược lại.
Ngoài khát vọng bản năng về quyền lực, sự tôn kính và uy quyền tối cao, bản thân Trung Quốc cũng tự vấn về một vấn đề căn bản hơn: làm thế nào để sự lãnh đạo của Trung Quốc có thể được các nước khác chấp nhận mà không cần mua chuộc hay cưỡng bức? Họ hiểu rằng sự tôn kính không thể đến do bị đòi hỏi và sự sợ hãi không đồng nghĩa với sự tôn trọng. Do vậy, cho đến nay, Trung Quốc chưa hiểu được rằng, làm lãnh đạo đòi hỏi phải có một nhãn quan vượt quá lợi ích quốc gia hạn hẹp và cần đi kèm những hành động vì lợi ích của khu vực và thế giới, thậm chí đôi khi phải trả giá bằng các lợi thế ngắn hạn. Quyền lãnh đạo đòi hỏi Trung Quốc tiếp nhận đầy đủ nhiều giá trị và chuẩn mực quốc tế chung cũng như Trung Quốc phải biểu thị sự can đảm về chính trị. Vì lẽ đó, Trung Quốc hãy còn một chặng đường dài để đi.
Sự tự tin thái quá của Trung Quốc gây ra quan ngại vì nhiều lý do. Nhãn quan của họ về một trật tự thế giới mới không được Hoa Kỳ và nhiều nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương chia sẻ. Các nhãn quan khác hẳn nhau về trật tự toàn cầu sẽ tạo nên sự xung đột về mặt ý thức hệ cũng như thực tiễn, mặc dù nhãn quan của cả Mỹ lẫn Trung Quốc về một trật tự thế giới lý tưởng đều có ưu và nhược điểm. Theo nghĩa đó, quan niệm sai lầm của bản thân và nhận thức sai lầm của người khác cũng có thể là những yếu tố gây bất ổn nhất trong quan hệ Mỹ-Trung trong nhiều năm tới.
Yun Sun ([email protected]) là chuyên viên cao cấp tại Trung tâm Stimson và là nghiên cứu viên không thường trú của Viện Brookings. Bài phân tích này dựa trên đợt nghiên cứu thực địa ở Trung Quốc của tác giả mùa hè vừa qua.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]