Cuộc khủng hoảng sắp tới của hệ thống pháp luật TQ

Print Friendly, PDF & Email

495582461KF020_TIANANMEN_SQ

Nguồn: Jerome A. Cohen, “A Looming Crisis for China’s Legal System”, ChinaFile, 22/02/2016.

Biên dịch: Trần Quốc Nam | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Các thẩm phán và luật sư tài năng đang bỏ nghề bởi ý thức hệ tiếp tục thống lĩnh nền pháp quyền.

Ở Trung Quốc, chính trị tiếp tục kiểm soát luật pháp. Giới lãnh đạo hiện nay vứt bỏ rất nhiều giá trị pháp luật phổ quát mà Trung Quốc đã chấp nhận – ít nhất về nguyên tắc – dưới chế độ cộng sản ở một số giai đoạn trước. Ví dụ, ngày nay việc thảo luận tự do về cải cách hiến pháp, thậm chí trong phạm vi các trường đại học và các tạp chí học thuật, cũng không phải là một hoạt động an toàn. Và việc thảo luận ở cấp trung ương về sự độc lập của ngành tư pháp khỏi Đảng Cộng sản vẫn là một đề tài bị cấm đoán.

Tuy nhiên, vẫn có sự phản kháng dè dặt, dù thụ động. Giới luật gia không hài lòng nhưng họ không dám nói ra vì sợ mất việc. Một số thì đơn giản là bỏ cuộc.

Theo như tin đưa, tại Bắc Kinh, nhiều thẩm phán gần đây đã từ chức để tìm công việc khác, như làm luật sư, ra kinh doanh hay đi vào con đường học thuật. Sự bất mãn này có thể trở thành một cuộc khủng hoảng đối với hệ thống pháp luật của Trung Quốc.

Khi thảo luận về cải cách pháp luật trong nước ở Trung Quốc, cần ghi nhớ những tiến bộ to lớn mà hệ thống pháp luật đương đại Trung Quốc đạt được kể từ sau khởi đầu tai hại của nó. Ba thập niên đầu tiên của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, 1949-1979, là một thảm họa về luật pháp. Đến năm 1957, quyết định của Mao Trạch Đông, lãnh tụ Đảng Cộng sản cẩm quyền, trong việc nhập khẩu mô hình pháp lý của Liên Xô – một phiên bản xã hội chủ nghĩa của hệ thống pháp luật lục địa Tây Âu – chứng tỏ là một thất bại. Ba giai đoạn bất ổn do ý thức hệ nghiêm trọng – Phong trào chống Hữu khuynh 1957-1958, Đại nhảy vọt ngay sau đó, và Cách mạng văn hóa bắt đầu vào năm 1966 – đã phá hủy mọi nỗ lực xây dựng một hệ thống pháp lý chính quy, dù là hệ thống Xô-viết hay hệ thống nào khác. Sau cái chết của Mao Trạch Đông năm 1976, khi lãnh đạo đảng Đặng Tiểu Bình quyết định thay đổi đường lối chính trị và kinh tế đất nước, Trung Quốc đã thực hiện một nỗ lực cải cách pháp luật khác, phục hồi mô hình Xô viết. Nhưng Đặng dựa vào đó, bổ sung các yếu tố pháp lý phương Tây, và ở một mức độ đáng kể đã mở cửa Trung Quốc đón các giá trị và cách thi hành pháp lý phổ quát.

Kể từ năm 1979, bất chấp những thay đổi chính trị và đôi khi là sự đàn áp tàn nhẫn, Trung Quốc chứng kiến ​​việc xây dựng một hệ thống pháp lý toàn diện. Chính quyền Trung Quốc đã ban hành nhiều bộ luật trọng yếu, điều chỉnh hầu hết các chủ thể và nhanh chóng tạo ra một môi trường pháp lý đủ mạnh để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, thương mại và nhập khẩu công nghệ. Họ cũng đã xây dựng nên các thể chế và nhân sự cần thiết để thực thi hệ thống luật mới này: Có khoảng 200.000 thẩm phán và số công tố viên tương đương, cũng như một số lượng lớn các nhà quản trị pháp lý ở Bộ Tư pháp và các cơ quan khác của chính phủ ở trung ương, tỉnh và các địa phương. Hiện nay Trung Quốc có hơn 250.000 luật sư, và mỗi doanh nghiệp lớn của Trung Quốc, dù là quốc doanh, tư nhân hay hợp doanh, đều phải có tư vấn pháp lý, trong đó hầu hết doanh nghiệp lớn đều có bộ phận pháp chế riêng. Để đáp ứng các nhu cầu này, một hệ thống giáo dục pháp luật phát triển cao đang thực hiện việc đào tạo nhiều chuyên gia hơn.

Đây là một thành tựu quan trọng chỉ trong hơn 37 năm. Khi tôi lần đầu tiên đến thăm Trung Quốc năm 1972, hầu như không tồn tại hệ thống giáo dục pháp luật vì cuộc cách mạng văn hóa, các trường đại học bị đóng cửa trong một thập niên. Hiện nay có gần 700 trường và khoa luật bậc đại học (có lẽ quá nhiều để có thể có đủ số giáo viên giỏi). Hơn nữa, hệ thống giáo dục pháp luật này chịu ảnh hưởng phương Tây nặng nề, đặc biệt từ Hoa Kỳ, ít ra cho đến rất gần đây, và hàng năm có vài trăm nghìn người dự kỳ thi tuyển vào đoàn luật sư cấp quốc gia mà chỉ một tỷ lệ nhỏ vượt qua được.

Tuy nhiên, không rõ liệu Trung Quốc có thể đi tiếp từ đây để xây dựng nên những gì mà chúng ta có thể thừa nhận là một hệ thống pháp luật có thể dự đoán được​, khả tín và độc lập hay không. Ngày nay có một sự bất mãn rất lớn trong dân chúng đối với hệ thống tư pháp vốn xử lý hơn 14 triệu vụ kiện mỗi năm. Người dân thấy rõ các tòa án địa phương đầy tham nhũng. Sự bảo trợ mang tính địa phương chủ nghĩa làm cho tòa án ít cởi mở hơn trong việc xét xử công bằng các quyền lợi nằm ngoài khu vực địa lý trực tiếp của mình. Quan hệ (Guanxi) – tức ảnh hưởng của người thân, bạn bè và các mối quan hệ – là vấn đề lớn nhất.

Các thẩm phán học cấp ba với ai? Con em của họ là ai? Bạn của bạn là ai? Những câu hỏi này ngấm vào hệ thống và thường làm xói mòn sự xét xử công bằng. Và, tất nhiên, sự can thiệp chính trị là dễ thấy. Chính quyền hay đảng bộ địa phương, hoặc các đại biểu Đại hội nhân dân địa phương sử dụng quyền lực ngầm của họ để gây ảnh hưởng bất lợi đến việc có thể ra phán quyết một cách độc lập, công bằng.

Sự bất mãn cũng dâng cao trong đội ngũ của chính hệ thống pháp luật. Sự thành công to lớn của ba thập kỷ giáo dục và thực tiễn pháp luật đã tạo ra một tầng lớp tài năng pháp lý mới. Vì vậy, một lượng lớn nhân sự – cán bộ lập pháp, thẩm phán, công tố viên, luật sư, nhà quản lý, học giả pháp lý, và thậm chí cả cảnh sát – muốn sống trong một hệ thống pháp luật thực sự, không phải một hệ thống có vẻ bề ngoài liêm chính nhưng được vận hành tùy tiện. Họ coi trọng cải cách pháp luật và biết rằng việc này là cần thiết trong việc không chỉ ban hành luật lệ có chất lượng, mà còn để thực hiện chúng. Ở Trung Quốc, như nhiều người quan sát thấy, thực hành pháp luật nghiêm chỉnh vẫn vô cùng khó khăn. Đáng tiếc là các cải cách tư pháp mới có thể gây thất vọng. Nhiều thẩm phán trẻ bỏ nghề vì triển vọng nghề nghiệp của họ bị hạn chế bởi cách cải cách tòa án đang được tiến hành, vốn thường ưu ái những người có thâm niên trình độ thấp, còn số cán bộ an vị là những người không có khả năng nâng cao uy tín và thẩm quyền của tòa án.

Hiện nay, cải cách tư pháp là một trong những thách thức chính đối diện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Bất chấp việc nhấn mạnh đến “pháp quyền”, ông Tập lại muốn tòa án địa phương phục tùng quyền lực của các quan chức trung ương Đảng và cán bộ tư pháp. Ông ta không muốn thẩm phán địa phương độc lập với chính quyền trung ương, song ông có ý chấm dứt những ảnh hưởng làm bóp méo bản án ở địa phương. Còn quá sớm để nói liệu nỗ lực này và các nỗ lực song song khác có giúp cải thiện năng lực, vị thế và thu nhập cho các thẩm phán được không. Nhưng sự bất mãn của đông đảo công chúng đối với tòa án chắc chắn sẽ tiếp tục, đặc biệt đến mức các tòa án tiếp tục được hướng dẫn là không nên thụ lý các vụ án nhạy cảm, gây tranh cãi.

Mối quan hệ của Đảng đối với hệ thống pháp luật là một vấn đề sẽ không mất đi. Về nguyên tắc, đảng kiểm soát hệ thống pháp luật ở mọi cấp độ; ủy ban chính trị-pháp luật trung ương vốn hoạt động nhân danh ủy ban trung ương đảng và lãnh đạo Bộ Chính trị sẽ hướng dẫn mọi thể chế pháp lý phải làm gì. Nhưng có những cuộc tranh luận nội bộ về phạm vi các hướng dẫn này và các cơ quan chính phủ nào phải là đôi tai tư pháp của đảng. Theo truyền thống, đảng cho phép các cơ quan cảnh sát trọng yếu – như Bộ Công an và Bộ An ninh quốc gia – gây ảnh hưởng nhiều hơn lên quá trình tố tụng hình sự so với Bộ Tư pháp, công tố viên (Viện kiểm sát) và tòa án. Có một số nỗ lực đổi mới gần đây để hạn chế ảnh hưởng của đảng đối với việc ra phán quyết tư pháp trong các vụ kiện riêng lẻ và để giảm ảnh hưởng tương đối của cảnh sát lên quá trình này. Tuy nhiên, với mức minh bạch thấp trong địa hạt pháp luật của Trung Quốc, sự tiến bộ trên mặt trận này là khó theo doi đối với người không chuyên môn, đặc biệt là người nước ngoài.

Vai trò của đảng trong tư pháp hình sự đã trở nên rõ rệt khác thường trong cuộc vận động chống tham nhũng hiện nay. Trong quan hệ với khoảng 90 triệu đảng viên, đảng còn quan trọng hơn nhiều so với hệ thống tư pháp hình sự chính thức. Chính các Ủy ban kiểm tra và kỷ luật đảng ở trung ương và địa phương (DIC) là nơi bắt giữ đảng viên để điều tra trước cả khi các nhà điều tra của chính phủ chính thức ra tay. Sau đó, thường là sau nhiều tháng biệt giam và thẩm vấn bắt buộc, DIC quyết định liệu các nghi phạm có bị khai trừ đảng và giao cho chính quyền truy tố hình sự hay không, hay sẽ trả tự do hay kỷ luật hành chính họ. Các đảng viên bị DIC bàn giao để truy tố thường phải chịu án tù. Chẳng mấy minh bạch, nhưng điều rõ ràng là thủ tục pháp lý của DIC hoàn toàn không được hiến pháp hay luật pháp cho phép và là một sự vi phạm hiển nhiên các quyền hiến định của người bị tình nghi.

Trớ trêu thay, hiến pháp của Trung Quốc, trên nhiều khía cạnh, là một văn kiện được xây dựng khá hợp lý – vấn đề nằm ở chỗ thực thi. Từng có các nỗ lực được tiến hành để thực thi hiến pháp thông qua tòa án, nhưng, bất chấp các ngoại lệ, đảng vẫn từ chối thực hiện điều này. Hiến pháp, căn cứ theo các điều khoản, là do Uỷ ban thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân diễn giải và áp dụng. Thỉnh thoảng, các luật sư và nhà hoạt động nhân quyền kiến nghị Ủy ban Thường vụ giải thích, nhưng Ủy ban này lại không nhiệt tình thực hiện vai trò quyền lực của mình.

Điều này không có nghĩa hiến pháp là vô nghĩa. Đôi khi ủy ban cố gắng tác động gián tiếp và khôn khéo lên cách các vấn đề liên bộ và các cuộc thảo luận chính sách được thực hiện, và thậm chí lên cách thức tòa án xử lý các cáo buộc nhất định. Và hiến pháp ít nhất giúp người dân Trung Quốc biết rằng họ có quyền được đảm bảo các quyền tự do ngôn luận, hội họp, biểu tình và lập hội cũng như không bị giam giữ tùy tiện. Các đảm bảo hiến định này có thể trở thành tiêu chuẩn cho tương lai.

Các viễn cảnh trước cải cách tư pháp trước mắt ở Trung Quốc khá mờ mịt. Một thực tế ít được biết đến làm nổi bật thực tế này. Cha của Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo chính trị nổi tiếng Tập Trọng Huân, đảm trách cải cách lập pháp của đất nước từ năm 1981 đến 1983 sau khi được phục chức sau nhiều năm bị thanh trừng và vu khống trong cuộc Cách mạng Văn hóa. Kinh nghiệm cay đắng của bản thân đã khiến Tập Trọng Huân nhận ra tầm quan trọng của quyền tự do ngôn luận, nó cho phép mọi người trong và ngoài đảng phát biểu tự do, thậm chí cả khi ý tưởng của họ mâu thuẫn với các chính sách và cương lĩnh của giới lãnh đạo đương quyền. Ông chủ trương ban hành một đạo luật bảo vệ các ý kiến ​​khác nhau và ngăn ngừa người dân bị trừng phạt hình sự, hoặc khai trừ khỏi đảng, hoặc các trừng phạt khác vì bày tỏ sự bất đồng với giới lãnh đạo. Tập Trọng Huân công khai thừa nhận rằng, để tối đa hóa sự tiến bộ, Trung Quốc phải cho phép các khác biệt về quan điểm. Ngày nay, đáng tiếc, con ông bác bỏ tấm gương tốt đó và đòi hỏi “sự trung thành tuyệt đối” của những người lẽ ra sẽ là những nhà cải cách pháp luật, cũng như bất kỳ ai khác.

Tiểu luận này dựa trên bài nói chuyện được trình bày tại một hội nghị ở Hồng Kông ngày 15/01/2016 về vấn đề quản trị của Trung Quốc, do New York Review of Books và Đại học Hồng Kông đồng tài trợ.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]