Tượng Nhân Sư có từ bao giờ?

Print Friendly, PDF & Email

2015-10-11-1

Nguồn:How old is the Great Sphinx?”, History.com (truy cập ngày 11/10/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Lê Hoàng Giang

Tượng Nhân Sư lớn ở Giza, một bức tượng đá vôi khổng lồ có thân sư tử và đầu người đội mũ trùm của pharaoh, là biểu tượng quốc gia của cả Ai Cập cổ đại và hiện đại, và là một trong những tượng đài nổi tiếng nhất thế giới. Nhưng bất chấp tính biểu trưng của bức tượng, các nhà nghiên cứu địa chất, khảo cổ, Ai Cập học, và các lĩnh vực khác vẫn tiếp tục tranh luận về “câu đố” trường tồn của Nhân Sư: Chính xác thì tượng Nhân Sư đã có từ khi nào?

Theo tri thức phổ thông, bức tượng đá nguyên khối này đã được khoảng 4.500 tuổi, và được dựng cho Khafre, một pharaoh thuộc Triều đại thứ Tư của Ai Cập từng sống vào khoảng năm 2603-2578 TCN. Lăng mộ của ông là kim tự tháp cao thứ hai ở Giza, sau Đại Kim tự tháp của Khufu[1] – cha của ông. Để bù đắp cho việc có kích thước nhỏ hơn, kim tự tháp của Khafre được xây trên nền đất cao hơn và được bao quanh bởi nhiều kiến trúc phức tạp hơn với vô số những bức tượng, trong đó có tượng Nhân Sư, với đầu Nhân Sư được cho là đã được tạo hình theo chính vị pharaoh này.

Tuy nhiên, không phải ai cũng tin rằng tượng Nhân Sư được dựng cho Khafre. Vào giữa thế kỷ 19, một số nhà Ai Cập học đã chỉ ra rằng mặc dù tượng Nhân Sư nằm trong khu vực kim tự tháp thường được xác định là của Khafre, không có dòng chữ khắc nào ở thời kỳ đó cho thấy giữa ông và bức tượng có liên hệ trực tiếp. Sau này, rất nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng bức tượng gắn với cha của Khafre là Khufu hoặc với một trong những người con của Khafre là Djedefre. Gần đây hơn, một lý thuyết đã xuất hiện, cho rằng bức tượng có nguồn gốc từ trước đó rất lâu, khoảng 9.000 năm trước. Những người ủng hộ giả thuyết này chỉ ra rằng phần đá vôi ở gần đỉnh của bức tượng Nhân Sư đã bị xói mòn phần lớn, và họ lập luận rằng lần cuối cùng khu vực này có lượng mưa đủ để gây ra mức độ xói mòn như vậy trên đá vôi là năm 7.000 TCN.

Clip về tượng Nhân Sư. Nguồn: History.com.

Khi xác định nguồn gốc của tượng Nhân Sư có từ thời xa xưa đến vậy đồng nghĩa với đề xuất rằng bức tượng là sản phẩm của một nền văn minh tiên tiến có từ trước Ai Cập cổ đại – một quan điểm hấp dẫn, dù rất gây tranh cãi. Phần lớn học giả vẫn chấp nhận quan điểm truyền thống là tượng Nhân Sư có từ thời Khafre, lập luận rằng lý thuyết mới này không xét đến tất cả bằng chứng hiện có. Do được dựng bằng loại đá vôi tự nhiên ở cao nguyên Giza, còn gọi là núi Mokkatam, nên tượng Nhân Sư sẽ bị xói mòn rất nhanh, điều này giải thích vì sao bức tượng trông cổ xưa hơn tuổi thật của nó. Hơn nữa, sự xói mòn nói trên còn có thể là do nước thoát ngấm xuống nền đất bên dưới hoặc nước lũ từ sông Nile, thay vì nước mưa ngấm vào tượng. Theo Hiệp hội Nghiên cứu Ai Cập Cổ đại (Ancient Egypt Research Association – AERA), những bằng chứng về kiến trúc và địa chất đều bổ trợ cho kết luận là tượng Nhân Sư và những ngôi đền lân cận đều được xây dựng cùng với toàn bộ khu phức hợp kim tự tháp Khafre, và thực chất là một trong số những tượng đài cuối cùng được hoàn thành.

—————-

[1] Còn gọi là Kim tự tháp Kheops.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]