Niềm đau của một số người Việt lưu vong thời nhà Minh

ktt_20-5_noidanh5_kienthuc

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

1. Trường hợp Hồ Nguyên Trừng

Khó mà tin được rằng Lê Trừng, tức Hồ Nguyên Trừng, người Việt Nam thành công nhất dưới thời nhà Minh, lại phải ôm một niềm đau. Thành công của Hồ Nguyên Trừng lớn đến nỗi đã là mục tiêu ghen tỵ của dân bản xứ. Qua tác phẩm Hoàng triều kỳ sự thuật [Thuật việc lạ thời triều Minh], Vương Thế Trinh, một sử gia nổi tiếng thời Gia Tĩnh chép: “Một người Giao Chỉ, tên Lê Trừng, chưa hề đậu đại khoa [Tiến sĩ], được đặc cách giữ chức Thượng thư bộ Công!”

Sách Vạn Lịch dã hoạch biên ca tụng Lê Trừng là người đầu tiên chế tạo hỏa khí cho Trung Quốc:

“Bản triều [triều Minh] dùng hỏa khí đánh giặc, là chiến cụ công hiệu bậc nhất từ xưa đến nay; nhưng sự tinh diệu của khí giới này, có được từ khi Văn Hoàng đế [Thái Tông] bình Giao Chỉ. Tức dùng ngụy Tướng quốc Ðại vương Lê Trừng nước Việt làm quan bộ Công chuyên việc chế tạo và lưu truyền từ đấy. Nay trong cấm quân có cơ quan gọi là Thần Cơ doanh, binh sĩ doanh này là những người chuyên chế tạo hỏa pháo. Người đương thời cho rằng các kỹ thuật thần kỳ từ xưa đến nay, không thể hơn được.” Sách Minh sử cảo chép trong cung đình tế “Kim Cổ hiệu giác thiết pháo chi thần” tức tế Lê Trừng. Sách Dã kýchép thêm: “Nay phàm tế binh khí đều tế Lê Trừng.”

Bằng cớ nào dám bảo một nhân vật đứng vào hàng số một về nhiều phương diện như được nêu trên, lại mang một niềm đau? Ðể tìm hiểu, chúng ta hãy lược qua thân thế sự nghiệp của con người này: Hồ Nguyên Trừng là con trưởng của Hồ Quí Ly, đáng lý phải được cha giao cho ngôi vua, nhưng vì lý do chính trị khiến người em là Hồ Hán Thương được lên thay thế. Lúc bấy giờ, tuy Hồ Quí Ly đã giành ngôi của nhà Trần, nhưng giấu không báo cho triều đình nhà Minh biết. Nhân Hồ Hán Thương là con của Hồ Quí Ly và Huy Ninh Công chúa [1] ; Quí Ly cố tình hợp pháp hoá việc giành ngôi bằng cách trao quyền cho Hán Thương. Rồi Hán Thương [tên xưng với triều đình nhà Minh là Hồ Ðê] tâu với vua Thái Tông [nhà Minh] rằng con cháu nhà Trần đã chết hết, y là cháu ngoại nhà Trần tạm thời trông coi việc nước, trong khi chờ đợi xin sắc phong.

“Ngày 3 tháng 4 năm Vĩnh Lạc thứ nhất [21/4/1403]

Quyền trông coi việc nước An Nam, Hồ Đê, sai sứ dâng biểu, sản phẩm địa phương mừng lên ngôi; cùng tâu như sau:

‘Trước đây Thiên triều Thái tổ Cao Hoàng đế nhận mệnh trời thống nhất hoàn vũ; vương trước là Trần Nhật Khuê [2] với lòng thành cho người đến triều cống trước các nước Di khác, được đội ơn ban tước cho làm Vương cai quản đất đai. Nhưng chẳng may sau khi Nhật Khuê mất, con cháu và các chi thứ đều bị tuyệt tự, không có người thừa kế. Thần là cháu ngoại nhà Trần, được dân chúng suy tôn quyền coi việc nước, chủ việc cúng tế, đến nay đã 4 năm rồi; nhờ ơn Thánh đức đất nước được bình an. Nhưng danh phận chưa được chính, nên khó lòng đốc suất được kẻ dưới, dâng biểu lên cũng không có danh hiệu để xưng! Cúi mong ơn trời phong tước cho thần để cho nước bị phế được phục hưng, chốn hoang di có sự thống trị; Thần phụng mệnh tiến cống đến chết không hai lòng.’

Việc đưa xuống bộ Lễ bàn luận. Bộ Lễ tâu: ‘Dân Di xa xôi thường cẩu thả khó tin, nên sai sứ sang điều tra.’ Thiên tử chấp thuận.” [3]

Sử nước ta chép việc Hồ Quí Ly muốn biết Hồ Nguyên Trừng có khí tượng làm vua hay không, bèn ra câu đối thử:

Thử nhất quyển kỳ thạch, hữu thì vi vân vi vũ dĩ nhuận sinh dân (Hòn đá lạ bằng nắm tay này, có lúc làm mây làm mưa để nhuần thấm sinh dân)

Trừng đáp lại như sau:

Giá tam thốn tiểu tùng, tha nhật tác đống tác lương dĩ phù xã tắc (Cây thông nhỏ mới ba tấc kia, ngày sau làm rường làm cột để chống nâng xã tắc) [4]

Quí Ly thấy chữ “lương đống” (rường cột) biểu tượng cho chức quan, nên không đưa Trừng lên làm vua. Câu chuyện này chỉ có giá trị như một giai thoại, chứ không phải là một sự kiện lịch sử!

Tuy không được làm vua, nhưng Hồ Nguyên Trừng được ban quyền chỉ huy quân đội, tước Ðại vương. Khi quân Minh sắp sang đánh nước ta, mối lo lớn nhất của Trừng là sợ dân không theo, nên đã từng tâu với Quí Ly như sau: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi.”

Ðiều nhận xét của Hồ Nguyên Trừng, đúng với tình trạng đất nước thời bấy giờ. Hồ Quí Ly cải cách nhanh, muốn làm mạnh đất nước trong một thời gian ngắn, dùng chính sách hà khắc khiến lòng người chán ghét. Sự kiện này cũng được Nguyễn Trãi phản ảnh tương tự qua Bình Ngô đại cáo:

Vì họ Hồ chính sự phiền hà,
Ðể đến nỗi lòng người oán hận.

Một người có tầm nhìn lịch sử sáng suốt như Hồ Nguyên Trừng, ắt phải thấy được dân Việt có truyền thống “Thà làm đầu gà hơn làm đuôi trâu”; truyền thống này còn được Sứ giả Trung Quốc Lý Giác ca tụng khi đến thăm nước ta dưới thời vua Lê Ðại Hành, qua bài thơ Ðường luật có câu:

Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu
(Ngoài bầu trời [Trung Quốc] còn có một bầu trời [Việt Nam] chiếu sáng ở đằng xa)

Nói cách khác, Hồ Nguyên Trừng phải thấy dân tộc ta có truyền thống tự chủ, ắt phải vùng lên giành độc lập trong một ngày không xa; thì việc giúp cho nhà Minh chế súng, quan quân họ sẽ dùng để bắn lại đồng bào mình, quả là một tội lớn đối với đất nước! Nhưng khi bị bắt, phần vì bị ép buộc, phần vì mạng sống bị đe dọa, Hồ Nguyên Trừng đã phạm phải lỗi lầm này.

Niềm đau của Hồ Nguyên Trừng thấy được, bởi trong thời gian dài làm việc đã không nạp đơn để được thăng thưởng. Việc làm này trái với qui định hành chánh thời bấy giờ, ắt phải được bạn đồng liêu, cùng cấp chỉ huy trực tiếp nhắc nhở; nhưng Trừng không thay đổi ý định, để cuối cùng bị bộ Hộ đàn hạch như sau:

“Ngày 17 tháng 3 năm Tuyên Đức thứ nhất [24/4/1426]

Bộ Lại tâu về việc khảo mãn Lê Trừng, Chủ sự ty Doanh Thiện Thanh Lại thuộc bộ Công. Trừng trải qua 9 năm không đến bộ nạp lý lịch; nay trải qua 2 lần khảo xét mới nạp lý lịch, như vậy trái với quy chế. Thiên tử phán: ‘Trừng có tội lớn tại An Nam, Hoàng tổ [vua Thái Tổ] tha và dùng. Nay phạm tội nhỏ, có thể tha được.’” [5]

Hành động chống đối tiêu cực của Hồ Nguyên Trừng, có lẽ ý ngầm muốn nói rằng: “Các ngươi bắt ta làm điều trái với lương tâm; vì mạng sống đe dọa buộc phải làm, nhưng ta không thèm chức tước của các ngươi!” Ðây là tâm sự của kẻ muốn vớt vát tấm lòng trung trinh trong chặng đường cùng, cũng giống như tâm sự nàng Kiều trong Ðoạn trường tân thanh:

Chữ trinh còn một chút này,
Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan.

Nhưng Hồ Nguyên Trừng đối diện với những đối thủ không vừa; họ không bắt lỗi, mà lại tiếp tục thăng chức. Thời Tuyên Tông, Trừng được thăng chức Hữu Thị Lang, rồi Lang trung; lương được phát toàn bằng gạo, một đặc ân thời bấy giờ:

“Ngày 3 tháng Giêng năm Tuyên Đức thứ 33 [18/1/1428]

Mệnh Hữu Thị Lang bộ Công Lê Trừng tại nơi hành tại [6] được cấp lương tháng toàn bằng gạo. Trừng là anh của chúa ngụy cũ An Nam, Lê Thương. Trước kia Trừng bị bắt đến kinh đô, Thái Tông Văn Hoàng đế xá tội và dùng; khởi đầu trao chức Chủ sự bộ Công, Thiên tử [Tuyên Tông] tức vị được thăng Lang trung nội thần. Nghe tâu nhà nghèo, bèn thăng chức Thị lang; đến nay lại ra lệnh cấp bổng hàng tháng toàn bằng gạo.”[7]

Thời Minh Anh Tông [1445] Hồ Nguyên Trừng được thăng chức Thượng thư bộ Công, rồi con là Lê Thúc Lâm được kế nghiệp quản đốc quân khí; sau khi Trừng mất, cháu nội Lê Thế Vinh cũng được điều về làm việc tại cơ quan này:

“Ngày Giáp Tý tháng 4 năm Thành Hoá thứ 5 [21/5/1469]

Dùng con của viên Hữu Thị lang bộ Công Lê Thúc Lâm, tên Thế Vinh làm Trung thư Xá nhân. Thúc Lâm gốc người Giao Chỉ; cha là Trừng, con Lê Quí Ly, em [anh mới đúng] Lê Thương, vốn là tù binh bị bắt về. Thái Tông Văn Hoàng đế tha tội cho, ban cho chức quan, chuyên chế tạo súng, đạn, thuốc nổ tại Binh Trượng cục, cuối cùng giữ chức Thượng thư bộ Công. Thúc Lâm kế nghiệp, vẫn tiếp tục chế tạo quân khí. Ðến nay xin cho con là Thế Vinh được làm quan tại kinh đô, để tiện bề phụng dưỡng. Thiên tử nghĩ đền người phương xa, nên chấp thuận.” [8]

Vinh hoa phú quí đến với gia đình Hồ Nguyên Trừng dồn dập, ngay cả con cháu cũng được thăng quan tiến chức; Trừng tự nguyện làm việc cho nhà Minh đến quá tuổi về hưu, trên 70 tuổi.

“Vào năm Chính Thống thứ 8 [1443], Trừng 70 tuổi, theo lệ phải về hưu; bèn dâng sớ xin lưu dụng. Thiên tử thương người Giao Chỉ xa xôi, nên chấp thuận ( Chính Thống bát niên, Trừng niên thất thập lệ ứng trí sĩ, thượng sớ khất lưu dụng. Thượng lân kỳ Giao Chỉ viễn nhân, tòng chi.)”[9]

Tuy sống trong nhung lụa, niềm đau của Hồ Nguyên Trừng vẫn còn, đau bởi không đủ nghị lực để chống lại quyền lợi vật chất cùng danh vị!

2. Trường hợp người Việt theo vua Anh Tông đi đánh Dã Tiên [10] tại miền bắc Trung Quốc

Trong cuộc chiến giữa Trung Quốc và bộ tộc Ngõa Lạt xảy ra vào năm 1449, vua Anh Tông ngự giá thân chinh đi đánh. Chuẩn bị cho chiến dịch này, nhà vua điều động mọi tiềm năng trong nước. Ngay đến Vương Thông; vì thất trận tại nước ta dưới thời vua Tuyên Tông nên bị xử tội chết, rồi được tha làm dân; lúc này cũng được phục chức cho đi trấn thủ một miền:

“Ngày 27 tháng 9 năm Chính Thống thứ 14 [3/10/1449]

Mệnh Vương Thông giữ chức Trung quân Ðô đốc phủ Ðô đốc Thiêm sự, quản đốc việc phòng vệ Cửu Môn. Thông trước kia được ban tước Phong thành hầu, vì để mất Giao Chỉ bị giáng xuống làm dân. Nay được cất nhắc lên dùng.” [11]

Riêng những người Việt lưu vong tại Trung Quốc cũng được chú ý đến. Phần lớn những người này đã từng theo nhà Minh lúc họ cai trị nước ta, rồi tình nguyện sang Trung Quốc khi Vương Thông thua rút quân về nước vào năm 1427. Nếu lúc đó ở vào khoảng ngoài 20 tuổi, thì lúc xảy ra cuộc chiến phương Bắc tuổi họ cũng đã xấp xỉ 50.

Tuy đã luống tuổi, lại không ở trường hợp đánh giặc cho tổ quốc mình, nên trong lòng chắc không ai muốn tham dự cuộc chiến. Nhưng vì thân phận sống nhờ “ăn cơm chúa phải múa tối ngày”, nên đành phải gắng sức tham gia.

Rồi một người tên là Nguyễn Tông Kỳ được nêu lên làm gương, để tập trung một số người Việt vào đoàn quân “chí nguyện” đánh giặc phía bắc Trung Quốc:

“Ngày 1 tháng 9 năm Chính Thống thứ 14 [17/9/1449]

Hồng lô tự Thông sự tự ban Nguyễn Tông Kỳ tâu:

‘Thần gốc người Giao Chỉ. Xin lệnh bộ Binh ra bảng chiêu dụ những người Thổ quan Giao Chỉ qui thuận. Thần sẽ tổ chức thành đội ngũ, thao luyện quân sự, sử dụng lá chắn, súng, cung nỏ giết giặc.’ Thiên tử chấp thuận.”[12]

Lại thêm một người Việt tình nguyện huấn luyện voi, một binh chủng sở trường của người phương nam, để tham gia vào cuộc chiến:

“Ngày 8 tháng 9 năm Chính Thống thứ 14 [24/9/1449]

Thổ quan Giao Chỉ Bách hộ Trần Phục Tông tâu:

‘Nên chọn voi rồi cho diễn tập, chế tạo yên ngựa và áo giáp. Thần nguyện lãnh quân kỵ, voi phá trận.’ Mệnh đưa cho Vũ thanh bá Thạch Hanh thẩm nghiệm.” [13]

Số phận của những người này ra sao, thực không có sử sách nào ghi chép; nhưng để có một chút ý niệm, hãy xem cảnh Sứ giả nhà Minh được gặp vua Anh Tông, trong hoàn cảnh nhà vua bị Dã Tiên bắt làm tù binh:

“Mùa thu tháng bảy, nhà Minh sai Lý Thực làm Chánh sứ đi cùng sứ giả cuả giặc lên phương Bắc. Ngày 15, bọn Thực ra mắt Anh Tông, rỏ nước mắt khóc, làm lễ lạy xong, thấy chỗ của vua Anh Tông lều bằng da, màn bằng vải, trải chiếu xuống đất mà ngủ, bèn tâu rằng:

‘Nay Bệ hạ ăn mặc kham khổ quá!’ …” [14]

Số phận vua Trung Quốc còn như vậy, thì những người Việt tham gia cuộc chiến ắt phải tồi tệ hơn. Nếu sống thì làm tù binh, phải lãnh kiếp du mục nơi sa mạc miền bắc lạnh thấu xương, chăn cừu, chăn dê suốt cả một đời. Nếu chết, thân vùi trong gió cát, bão tuyết:

Chinh phu sĩ tử mấy người,
Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn… [15]

3. Trường hợp Ðào Quí Dung

Quí Dung là người theo nhà Minh, chống vua Lê Lợi đến cùng; được vua Tuyên Tông đặc cách thăng chức Tri phủ Tuyên Hoá:

“Ngày 12 tháng 2 năm Tuyên Đức thứ 2 [9/3/1427]

Thăng Đồng tri phủ Tuyên Hóa Giao Chỉ Đào Quí Dung làm Tri phủ phủ này. Sai người mang sắc đến ủy lạo Quí Dung rằng nay phản tặc Lê Lợi cuồng bạo, ngươi thể hiện tận trung, cẩn thận giữ thành bảo vệ nhân dân, thật đáng khen! Đặc cách thăng ngươi làm Tri phủ Tuyên Hóa; hãy gắng sức trung thành để đáp ứng sự ưu đãi của triều đình.” [16]

Khi vua Lê Lợi giành lại nền độc lập, Quí Dung đem cả gia đình chạy sang Trung Quốc và xin sống vĩnh viễn tại tỉnh Vân Nam:

“Ngày 18 tháng 8 năm Tuyên Đức thứ 3 [26/9/1428]

Thổ quan phủ Tuyên Hóa, Giao Chỉ bọn Tri phủ Đào Quí Dung đến triều cống phương vật. Tự trình bày rằng tổ phụ được thế tập làm Thổ quan huyện Thủy Vĩ. Vào năm Vĩnh Lạc thứ 4, nhân Giao Chỉ quy phụ, được giữ chức Tri huyện Thủy Vĩ, vào năm Vĩnh Lạc thứ 5 giết giặc có công, được thăng Tri châu Quy Hóa, năm Vĩnh Lạc 18 thăng Đồng tri phủ Tuyên Hóa; vì không theo phản loạn Lê Lợi nên được thăng Tri phủ phủ Tuyên Hóa. Lê Lợi sai Đầu mục Hoàng Lỗi chiêu dụ, Quí Dung bắt lỗi, mang cả ấn bỏ sang huyện Mông Tự, phủ Lâm An, Vân Nam. Lại đem Lỗi dâng cho quan Tổng binh, được cấp thưởng các vật như yên, ngựa. Rồi điều xuất dân binh, đi tiên phong trước quan quân, đến Thủy Vĩ đánh nhau với bọn tướng giặc là bọn Nguyễn Ngọ, chém được 4 đầu giặc, lại được thưởng.

Nay đất cũ đã bị mất, không có đường về; bèn cùng với Thổ quan Chủ bạ Khổng Văn Tái, Thổ lại Trần Hiếu Trung, Đầu mục Đào Tế đến triều đình. Thiên tử khen, mệnh ban cho các vật như tiền, áo, theo lệ đã ban cho Vũ Hiếu Thiên; lại cho ở kinh đô. Bọn Quí Dung trình bày xin cư trú tại châu Ha Mễ, Vân Nam; được chấp thuận. Lại ra lệnh các quan có trách nhiệm cấp phòng ốc, đất đai, giúp đỡ thêm để không bị thất sở.” [17]

Nhưng rồi Quí Dung vẫn không được sống yên, 6 năm sau đành gạt nước mắt để con là Ðào Lộc tình nguyện trở về Việt Nam [18] . Sự việc xảy ra cũng dễ hiểu thôi: con có quan niệm của con, bố có tư tưởng của bố!

Nguồn: © 2008 talawas

————–

[1]Huy Ninh Công chúa là con gái của vua Trần Minh Tông.

[2]Trần Nhật Khuê tức vua Trần Dụ Tông.

[3]Minh thực lục, q. 9, t. 337; Thái Tông q. 19, t. 1a.

[4]Ðại Việt sử ký toàn thư, NXB Khoa học Xã hội, bản dịch, tập 2, tr. 198.

[5]Minh thực lục v. 16, t. 409; Tuyên Tông v. 16, q.15, t. 13a.

[6]Hành tại: nơi vua tạm dừng.

[7]Minh thực lục q. 35, t. 0875.

[8]Minh thực lục v.42 , t. 1329; Hiến Tông q. 66, t. 4a.

[9]Ðại Việt sử ký toàn thư, tập 2, tr. 317.

[10](Esen Tayisi, ?-1454) thủ lĩnh người Oirats (Ngõa Lạt – một sắc tộc Mông Cổ nay còn khoảng 500.000 người sống ở Mông Cổ, Trung Hoa và Nga).

[11]Minh thực lục v. 30, t. 3595; Anh Tông q. 183, t. 21a.

[12]Minh thực lục v. 30, t. 3538; Anh Tông q. 182, t. 1b.

[13]Minh thực lục v. 30, t. 3573; Anh Tông q. 183, 10a.

[14]Ðại Việt sử ký toàn thư, tập 2, tr. 377.

[15]Chinh Phụ Ngâm.

[16]Minh thực lục v., t. 657, Tuyên Tông q. 25, t. 5b.

[17]Minh thực lục v. 18, t. 1130 1131; Tuyên Tông q.46, t. 9b 9a.

[18]Ðại Việt sử ký toàn thư, tập 2, tr. 317.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]