Làm sao để thực hiện Trách nhiệm Bảo vệ hiệu quả?

Print Friendly, PDF & Email

Where-R2P-Goes-From-Here

Nguồn: Sarah Brockmeier & Philipp Rotmann, “Making R2P Work”, Project Syndicate, 9/10/2015.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Mười năm trước, các nhà lãnh đạo thế giới đã đồng thuận rằng cộng đồng quốc tế cần phải có “trách nhiệm bảo vệ” người dân khỏi nạn diệt chủng, tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh, và thanh lọc sắc tộc. Một thập niên sau đó, hồ sơ của thế giới về việc thực hiện Trách nhiệm Bảo vệ (Responsibility to Protect – R2P) vẫn còn rất nghèo nàn. Hàng trăm ngàn người tại Iraq, Syria, Myanmar, Sudan, Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, Burundi, Nigeria và Cộng hòa Dân chủ Congo vẫn còn đang bị đe dọa bởi những tội ác quy mô lớn. Nếu muốn R2P bảo vệ họ, chúng ta cần phải dẹp bỏ những quan điểm sai lầm phổ biến và tập trung mọi nguồn lực vào việc giải quyết những thách thức thực sự của việc bảo vệ.

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng tương lai của R2P không có nhiều hứa hẹn, thay vào đó, họ tiên đoán về sự bế tắc gia tăng giữa các nước phương Tây chủ trương can thiệp và những nước phi phương Tây tích cực bảo vệ chủ quyền quốc gia. Nhiều người thậm chí còn thất vọng hoàn toàn trước sự trỗi dậy toàn cầu của các cường quốc như Trung Quốc và Ấn Độ, bởi giới tinh hoa tại các nước này luôn chống đối trật tự do phương Tây dẫn đầu, vốn là nơi đã sản sinh ra R2P. Hành động chống đối sự can thiệp của các nước này, theo Giáo sư Michael Ignatieff của Đại học Harvard, “sẽ trở nên ngày càng có ảnh hưởng.”

Nhưng liệu rằng chủ quyền có thực sự là những gì mà các cường quốc mới nổi đang bảo vệ? Và liệu có phải việc bảo vệ người dân chỉ hiệu quả khi sử dụng tới can thiệp?

Là thành viên của một nhóm các học giả và viện nghiên cứu chính sách tại Bắc Kinh, Berlin, Budapest, Delhi, Frankfurt, Oxford, Rio de Janeiro, và São Paulo, gần đây chúng tôi đã hoàn thành một dự án nghiên cứu kéo dài ba năm liên quan đến các tranh luận trong thập niên qua về phòng ngừa và can thiệp, về chủ quyền và trách nhiệm, và về tính chọn lọc (trường hợp để can thiệp) và đạo đức giả. Chúng tôi nhận thấy quan điểm phổ biến cho rằng cuộc xung đột là giữa “phương Tây” – kẻ thúc đẩy can thiệp, và “phần còn lại của thế giới” – người bảo vệ chủ quyền, là một quan điểm sai lầm trên hai phương diện sau đây.

Thứ nhất, thật ra “phương Tây” hầu như không muốn can thiệp, dù bằng ngoại giao hay quân sự, để bảo vệ người dân khỏi những tội ác quy mô lớn. Quốc hội Anh bỏ phiếu không can thiệp vào Syria; phương Tây nằm trong số những nước đóng góp nhỏ nhất cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc; và ngay cả những nước hay rao giảng về ngoại giao và phòng ngừa như Đức cũng chưa biến lời nói thành hành động.

Tương tự, cũng không thể gán ghép rằng “phần còn lại của thế giới” đã nhẫn tâm bảo vệ các nguyên tắc chủ quyền mà bỏ mặc những đau khổ của người dân. Sự mô tả này đã xúc phạm đến lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc ở khắp Nam Á, châu Phi và Mỹ Latinh – những người tham gia bảo vệ dân thường. Hãy thử xem xét những trường hợp sau: các binh sĩ Nam Phi và Tanzania sử dụng lực lượng quân sự dưới sự chỉ huy của Brazil để chống lại các nhóm vũ trang ở Congo, hay những chính khách châu Phi giữ vị trí trung tâm trong các nỗ lực hòa giải trên toàn châu lục. Trung Quốc, nước thường do dự về việc can thiệp chính trị và quân sự, hiện đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong các cuộc đàm phán hòa bình ở Nam Sudan.

Thứ hai, sự ủng hộ toàn cầu nhằm chống lại các tội ác quy mô lớn vẫn còn mạnh mẽ. Đúng là việc NATO lạm dụng sứ mệnh mà Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc giao phó nhằm thay đổi chế độ ở Libya đã khiến tình hình khu vực thêm bất ổn, và việc Nga xâm chiếm Gruzia và Ukraine dưới danh nghĩa bảo vệ (người dân ở đó) đã đổ thêm dầu vào chảo lửa địa chính trị vốn đã ngăn chặn những hành động nhân đạo nhằm bảo vệ người dân ở Syria .

Nhưng Hội đồng Bảo an đã đồng ý can thiệp vào Libya, và cho phép Pháp và Liên minh Châu Phi can thiệp nhằm ngăn chặn nạn diệt chủng tại Cộng hòa Trung Phi. Điều này phản ánh một sự thay đổi đáng kể so với thập niên 1990 khi cộng đồng quốc tế không hề can thiệp vào nạn diệt chủng tại Rwanda và Srebrenica. Ngày nay, khi có sự trùng hợp với các lợi ích chiến lược khác và nếu vấn đề địa chính trị không phải là một trở ngại thì các quốc gia đã sẵn sàng hành động hơn nhiều, đặc biệt là để chống lại các chủ thể phi quốc gia như Nhà nước Hồi giáo, nhóm Boko Haram, hoặc phiến quân Congo.

Thật không may, ngay cả trong những trường hợp này, thế giới cũng chưa làm đủ để minh chứng cho nỗ lực của mình. Để bảo vệ người dân khỏi những tội ác hàng loạt một cách hiệu quả hơn, chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, và các nhóm xã hội dân sự nên tập trung vào những thách thức trong thực tế và biết học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ.

Có hai vấn đề cấp bách nổi bật phải nhắc đến. Đầu tiên, cần có một cuộc tranh luận mang tính xây dựng về cách Hội đồng Bảo an quản lý việc sử dụng lực lượng quân sự. Sau khi xảy ra thay đổi chế độ ở Libya, các cường quốc thế giới sẽ khó lòng cho phép các bên thứ ba tự do can thiệp quân sự nhân đạo vào nước này một lần nữa (khiến tình hình ở đây trở nên hỗn loạn – NBT). Đề nghị cải cách của chính phủ Brazil và Ruan Zongze, một nhà tư tưởng hàng đầu ở Trung Quốc, sẽ là một khởi điểm phù hợp cho cuộc thảo luận này.

Thứ hai, các nhà hoạch định chính sách, các học giả, các nhà hoạt động xã hội trên toàn thế giới cần phải giải quyết câu hỏi làm thế nào để bảo vệ người dân một cách hiệu quả. Tất cả các công cụ được sử dụng – trừng phạt, lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, các chiến dịch quân sự – đã đem lại cả kết quả tích cực lẫn tiêu cực. Bảo vệ người dân khỏi những tội ác quy mô lớn sẽ luôn gắn với việc đánh giá các rủi ro và tìm ra các giải pháp có phí tổn thấp nhất trong một tình huống cụ thể. Điều đó cho thấy rằng tất cả chúng ta cần có cái nhìn sâu sắc hơn về các chiến lược được ưu tiên và các điểm mù.

Một cách để thực hiện điều này là hãy ngừng rao giảng cho người khác và tham gia nhiều hơn vào các cuộc thảo luận cởi mở và mang tính xây dựng. Brazil và Nam Phi có thể rút ra bài học từ việc chính quyền Mỹ gần đây tạo ra các cơ chế cảnh báo sớm để nhận biết các mối đe dọa về tội ác hàng loạt trước khi chúng xảy ra. Đồng thời, Ấn Độ và nhiều nước khác có thể chia sẻ kinh nghiệm của họ về gìn giữ hòa bình cùng Liên Hiệp Quốc trong nhiều thập niên qua với châu Âu và Mỹ.

Các đề xuất này hoàn toàn không đòi hỏi phải có những bước đột phá phi thực tế trong các cuộc đối đầu địa chính trị căng thẳng. Thay vào đó, điều cần có là sự khiêm tốn và cởi mở của các nhà hoạch định chính sách. Với hàng ngàn mạng sống phụ thuộc vào việc thực hiện R2P, các nhà lãnh đạo cần phải học cách biến nó thành sự thực.

Philipp Rotmann là Phó Giám đốc của Viện Chính sách công Toàn cầu tại Berlin và Sarah Brockmeier là một nhà nghiên cứu làm việc tại đây. Cả hai là đồng tác giả của báo cáo “Effective and Responsible Protection From Atrocity Crimes: Toward Global Action,” một dự án của các nhà nghiên cứu quốc tế về Tiến hóa Quy chuẩn Toàn cầu và Trách nhiệm Bảo vệ (Global Norm Evolution and the Responsibility to Protect.)

Copyright: Project Syndicate 2015 – Making R2P Work

Đọc thêm: Trách nhiệm Bảo vệ

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]