Ý nghĩa lịch sử của Hòa ước Sèvres đối với Trung Đông

Print Friendly, PDF & Email

sevres-map

Nguồn: Nick Danforth, “Forget Sykes-Picot. It’s the Treaty of Sèvres That Explains the Modern Middle East”, Foreign Policy, 10/08/2015.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Chín mươi lăm năm trước, các nhà ngoại giao châu Âu đã nhóm họp tại một nhà máy sứ ở ngoại ô Sèvres của Paris, và ký một hiệp ước nhằm xây dựng lại Trung Đông từ đống tro tàn của Đế quốc Ottoman. Dù kế hoạch ấy nhanh chóng sụp đổ, và chúng ta hầu như chẳng nhớ gì đến nó, nhưng tương tự Thỏa thuận Sykes-Picot mà chúng ta không ngừng bàn luận, Hòa ước Sèvres ngắn ngủi này cũng có những hậu quả kéo dài cho tới ngày nay. Chúng ta nên xem xét một vài hậu quả trong số đó khi lễ kỷ niệm Hòa ước bị lãng quên này lặng lẽ trôi qua.

Năm 1915, khi quân đội Anh chuẩn bị tiến vào Istanbul thông qua bán đảo Gallipoli, chính quyền London đã in những chiếc khăn tay lụa báo trước sự kết thúc của Đế quốc Ottoman. Điều này có hơi quá sớm (bởi trận Gallipoli hóa ra lại là một chiến thắng hiếm hoi của người Ottoman trong Thế chiến I) nhưng đến năm 1920, sự tự tin của người Anh đã được chứng minh: với quân đội đồng minh chiếm đóng thủ đô Ottoman, đại diện các nước thắng trận đã ký một hòa ước với Ottoman bại trận, chia đế quốc thành những vùng chịu ảnh hưởng của châu Âu.

Hiệp ước Sèvres đã quốc tế hóa Istanbul và biển Bosphorus, trong khi phân chia Anatolia cho người Hy Lạp, người Kurd, người Armenia, người Pháp, người Anh và người Ý. Hiểu được cách kế hoạch đầu tiên của châu Âu nhằm phân chia Trung Đông thất bại như thế nào, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về biên giới ngày nay của khu vực này, cũng như những mâu thuẫn trong chủ nghĩa dân tộc Kurd đương đại và những thách thức chính trị mà Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt.

Trong vòng một năm từ khi ký Hòa ước Sèvres, các cường quốc châu Âu bắt đầu nghĩ rằng mình đã hành động quá sức. Quyết tâm chống lại sự chiếm đóng của nước ngoài, các sĩ quan Ottoman như Mustafa Kemal Ataturk đã dựng lại quân đội Ottoman từ đống tro tàn, và sau nhiều năm chiến đấu trong tuyệt vọng, họ đã chiến thắng quân đội nước ngoài vốn tìm cách thực thi các điều khoản của hòa ước. Kết quả là Thổ Nhĩ Kỳ, với đường biên giới ngày nay, đã chính thức được thành lập theo Hòa ước Lausanne 1923.

Sèvres hầu như đã bị lãng quên ở phương Tây, nhưng nó vẫn có một di sản mạnh mẽ ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi nó đã giúp sản sinh một dạng hoang tưởng dân tộc chủ nghĩa mà một số học giả gọi là “Hội chứng Sèvres.” Sèvres chắc chắn có liên quan đến sự nhạy cảm của Thổ Nhĩ Kỳ về việc người Kurd ly khai, cũng như niềm tin rằng cuộc diệt chủng người Armenia — được các nhà ngoại giao châu Âu sử dụng rộng rãi để biện minh cho kế hoạch phân chia Anatolia năm 1920 của họ — luôn là một âm mưu chống người Thổ chứ không phải là sự thật lịch sử. Hơn nữa, việc Thổ Nhĩ Kỳ từng là một thuộc địa đã giúp hình thành một hình thức chủ nghĩa dân tộc chống đế quốc liên tục, đầu tiên là chống Anh, trong Chiến tranh Lạnh là chống Liên Xô, và giờ thì khá thường xuyên chống Mỹ.

Nhưng di sản của Sèvres đã mở rộng vượt ra ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, đó chính xác là lý do tại sao chúng ta nên thêm hòa ước này cùng với Hiệp ước Sykes-Picot vào lịch sử Trung Đông. Nó sẽ giúp chúng ta phản bác quan niệm phổ biến rằng các vấn đề của khu vực này đều bắt đầu với việc người châu Âu vẽ biên giới trên một tấm bản đồ trống.

Rõ ràng người châu Âu rất sẵn lòng vẽ ra những đường biên giới phù hợp với lợi ích riêng của họ bất cứ khi nào có thể. Nhưng thất bại của Sèvres chứng tỏ rằng đôi khi họ không thể. Khi các chính khách châu Âu cố gắng vẽ lại bản đồ Anatolia, những nỗ lực của họ đã thất bại hoàn toàn. Trái lại, ở Trung Đông, người châu Âu lại thành công trong việc áp đặt biên giới bởi họ có sức mạnh quân sự để đánh bại những kẻ phản kháng. Giá như nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc của Syria, Yusuf al-‘Azma, một sĩ quan quân đội Ottoman, có thể tiếp nối thành công quân sự của Ataturk và đánh bại người Pháp trong trận Maysalun, thì kế hoạch phân chia vùng Levant của người châu Âu có lẽ đã đi theo con đường của Sèvres.

Liệu biên giới khác đi sẽ khiến Trung Đông ổn định hơn, hoặc chí ít là bớt bạo động sắc tộc? Không nhất thiết phải như vậy. Nhưng nhìn lại lịch sử qua lăng kính Sèvres cho thấy khía cạnh sâu hơn của quan hệ nhân quả giữa những biên giới mà người châu Âu vẽ và tình hình bất ổn tại Trung Đông: các khu vực có biên giới bị châu Âu áp đặt thường là những nước đã quá yếu hoặc vô tổ chức, nên không để chống lại sự chiếm đóng. Thổ Nhĩ Kỳ đã không trở nên giàu có và dân chủ hơn Syria hay Iraq vì họ may mắn có đường biên giới đúng như ý muốn. Nhưng những yếu tố cho phép Thổ Nhĩ Kỳ có thể bác bỏ các kế hoạch của châu Âu và vẽ biên giới cho riêng mình — bao gồm cả quân đội và cơ sở hạ tầng kinh tế được thừa kế từ Đế quốc Ottoman — cũng chính là các nhân tố đã giúp Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng một quốc gia – dân tộc mạnh mẽ, tập trung theo kiểu châu Âu.

Tất nhiên, nhiều người Kurd theo chủ nghĩa dân tộc sẽ khẳng định rằng biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ thực sự là sai. Thật vậy, một số viện dẫn tình trạng không quốc tịch của người Kurd như một lỗ hổng nghiêm trọng của khu vực sau thời kỳ Ottoman. Nhưng khi những người châu Âu theo chủ nghĩa đế quốc cố gắng tạo ra một nhà nước Kurd tại Sèvres, nhiều người Kurd đã chiến đấu cùng Ataturk để hủy bỏ hiệp ước. Đó là một lời nhắc nhở rằng lòng trung thành chính trị có thể và chắc chắn sẽ vượt cả bản sắc dân tộc theo những cách mà chúng ta nhận ra ngày nay.

Quan trọng là Nhà nước Kurd được hình dung trong Hòa ước Sèvres sẽ do người Anh kiểm soát. Điều này thu hút một vài người Kurd theo chủ nghĩa dân tộc, nhưng những người khác lại thấy “nền độc lập” thống trị bởi Anh này có vấn đề. Vì vậy, họ đã tham gia đấu tranh cùng phong trào quốc gia của người Thổ. Nhất là với người Kurd theo tôn giáo, tiếp tục sự cai trị của người Thổ hoặc Ottoman vẫn hơn là chủ nghĩa thực dân Kitô giáo. Những người Kurd khác, vì những lý do thực tế hơn, lo lắng rằng một khi người Anh nắm quyền, họ chắc chắn sẽ giúp người Armenia trở lại. Một số sau đó hối hận vì rõ ràng rằng nhà nước họ đã chiến đấu để xây dựng nên lại chủ yếu là của người Thổ — và ít mang tính tôn giáo hơn dự kiến. Nhưng những người khác, dưới những mức độ cưỡng ép khác nhau, đã chọn cách chấp nhận bản sắc mà nhà nước mới đem đến cho họ.

Nhiều người Thổ theo chủ nghĩa dân tộc vẫn còn sợ hãi cái cách mà nhà nước của họ bị Sèvres phá hủy, trong khi nhiều người Kurd theo chủ nghĩa dân tộc vẫn mơ về một nhà nước họ đáng lẽ đã giành được. Đồng thời, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay vẫn tung hô những giá trị khoan dung và đa văn hóa của người Ottoman, trong khi lãnh đạo ly khai người Kurd Abdullah Ocalan, rõ ràng là sau khi đọc sách của nhà xã hội học Benedict Anderson trong tù, tuyên bố đã phát hiện ra rằng tất cả các quốc gia chỉ đơn thuần là các sản phẩm của kiến tạo xã hội. Đảng Công lý và Phát triển (AKP) và Đảng HDP ủng hộ người Kurd đã dành phần lớn thập niên qua cạnh tranh lẫn nhau nhằm thuyết phục cử tri người Kurd rằng bỏ phiếu cho đảng của họ là bỏ phiếu cho hòa bình — tức là cạnh tranh để tìm ra bên có khả năng giải quyết xung đột âm ỉ của Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách tạo ra một nhà nước ổn định và bao dung với mọi sắc tộc hơn. Nói ngắn gọn, như nhiều người Mỹ vẫn tranh cãi về bản chất “nhân tạo” của các quốc gia do người châu Âu dựng nên ở Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ đang vượt lên một nỗi ám ảnh dài cả thế kỷ bằng cách chứng minh quốc gia của họ “thật” (chứ không phải nhân tạo) như thế nào.

Không cần phải nói, bạo lực ở Thổ Nhĩ Kỳ trong vài tuần qua đe dọa sự đồng thuận quốc gia vốn mong manh. Với việc AKP kêu gọi bắt giữ các lãnh đạo chính trị người Kurd và quân du kích người Kurd bắn các sĩ quan cảnh sát, những nhà dân tộc chủ nghĩa của cả hai bên lại tiếp tục rơi vào tình trạng không thể hòa giải quen thuộc. Trong suốt 95 năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã gặt hái những lợi ích chính trị và kinh tế từ chiến thắng trước Hòa ước Sèvres. Nhưng thành công này đòi hỏi việc xây dựng một mô hình chính trị linh hoạt hơn để có thể loại bỏ cuộc chiến về biên giới và bản sắc dân tộc.

Nick Danforth là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành lịch sử tại Đại học Georgetown, nghiên cứu về lịch sử thế kỷ 20 của Thổ Nhĩ Kỳ.