Đâu là vị trí thật sự của nhóm BRICS?

brics640

Nguồn: Ana Palacio, “The BRICS Fallacy”, Project Syndicate, 29/09/2015.

Biên dịch: Hiếu Minh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Theo sau sự rớt hạng tín dụng xuống mức rất thấp gần đây của Brazil là một loạt các bài báo dự đoán sự sụp đổ của nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Điều đó cũng dễ dự đoán thôi: người ta luôn vui mừng sau mỗi tin xấu về BRICS, nhóm gồm các thành viên đã từng được xem là các cường quốc kinh tế đang trỗi dậy và là các thế lực chính trị lớn tiếp theo.

Tuy nhiên mọi thứ không hẳn đơn giản như vậy. Sự quan tâm quá mức về sự nổi lên hay chìm xuống của BRICS phản ánh mong muốn xác định quốc gia hoặc nhóm quốc gia nào sẽ có thể thay thế Mỹ trong vai trò lãnh đạo toàn cầu. Tuy nhiên, trong công cuộc tìm kiếm “điều vĩ đại tiếp theo”, thế giới lờ đi sự thật rằng Mỹ vẫn là cường quốc duy nhất có thể lãnh đạo thế giới và đảm bảo sự tồn tại chính thức của một trật tự thế giới.

Câu chuyện về BRICS là một câu chuyện quen thuộc. Nhóm này ra đời năm 2001 theo hình thức một nhóm hợp tác kỹ thuật, khi nhà kinh tế người Anh Jim O’Neill xếp các nước BRICS (trừ Nam Phi) lại với nhau và gắn cho nhóm này cái tên nghe rất kêu chỉ vì các nước này đều là các nền kinh tế lớn, đang trỗi dậy và phát triển nhanh. Tuy nhiên, ý thức được rằng sức mạnh kinh tế có thể chuyển thành ảnh hưởng chính trị, nhóm BRICS đã họp không chính thức lần đầu tiên năm 2006, và cuộc họp thượng đỉnh lãnh đạo BRICS diễn ra lần đầu năm 2009.

Nhóm BRICS đã hoạt động rất thành công – hoặc ít ra có vẻ như vậy. Tuy vậy, sau 7 năm với 7 hội nghị thượng đỉnh và sự gia nhập của một thành viên mới (Nam Phi – 2010), tầm quan trọng của BRICS vẫn là đề tài gây rất nhiều tranh cãi.

Sự chênh lệch giữa các nền kinh tế BRICS là rất dễ thấy. Sản lượng kinh tế Trung Quốc gần gấp đôi tổng sản lượng của các nước BRICS khác cộng lại, và cao hơn xấp xỉ 30 lần Nam Phi. Các mô hình quản lý của các quốc gia thành viên BRICS là hoàn toàn khác nhau, từ nền dân chủ mạnh mẽ của Ấn Độ cho đến mô hình phi tự do của Nga và hệ thống  độc đảng của Trung Quốc. Nga và Trung Quốc, hai thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đã đưa ra những ủng hộ hờ hững khi các quốc gia BRICS còn lại bày tỏ khát vọng được gia nhập nhóm thành viên thường trực này. Ngoài ra các thành viên còn có những mâu thuẫn song phương, trong đó có một tranh chấp lãnh thổ căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Tuy vậy, nhóm BRICS vẫn hành động nhất quán trong một vài trường hợp. Tháng 3 năm ngoái, trong khi hầu hết các quốc gia lên án việc Nga sát nhập Crimea vào lãnh thổ nước mình, các quốc gia BRICS còn lại – ngay cả những quốc gia lâu nay vẫn ủng hộ tính bất khả xâm phạm của biên giới quốc gia và nguyên tắc không can thiệp – đã bỏ phiếu trắng đối với Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khẳng định sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Ba tháng sau đó, nhóm BRICS đưa ra “Tuyên bố Thượng đỉnh của các Lãnh đạo” lên án các biện pháp trừng phạt kinh tế của Liên minh Châu Âu và Mỹ đối với Nga. Cụ thể nhất là việc Ngân hàng Phát triển Mới – một thể chế được dự đoán từ lâu – do 5 quốc gia BRICS quản lý chung và bình đẳng, đã khai trương tại Thượng Hải tháng 7 vừa rồi.

Rõ ràng, BRICS có một vai trò nào đó. Nhưng nó không quan trọng như người ta mong đợi.

BRICS nổi lên khi đa số các quốc gia, đặc biệt là các nền kinh tế phát triển, đang ngập trong vũng bùn khủng hoảng. Câu chuyện về “sự thất bại của Phương Tây” diễn ra đồng thời với “sự trỗi dậy của các quốc gia còn lại”. Tuy nhiên câu chuyện lại không diễn ra hoàn toàn như dự đoán.

Về mặt kinh tế, BRICS đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng. Ngoài những bằng chứng cho thấy tốc độ phát triển giảm đi rõ rệt, Trung Quốc gần đây vấp phải những rối loạn của thị trường chứng khoán và việc phá giá đồng Nhân dân tệ. Nền kinh tế Brazil và Nga đang co lại; Nam Phi tăng trưởng chậm lại; Ấn Độ dù vẫn duy trì tăng trưởng khá mạnh nhưng phải thực hiện những cải tổ quan trọng.

Nhóm BRICS cũng đã không giữ được lời hứa lãnh đạo thế giới. Vào đầu những năm 2010, Brazil thể hiện khát vọng cùng với Thổ Nhĩ Kỳ muốn đẩy nhanh một kế hoạch hạt nhân thay thế với Iran. Tuy nhiên kế hoạch đổ vỡ, và dưới áp lực từ những vụ bê bối tham nhũng cũng như giá hàng hóa cơ bản giảm, Brazil đã phải rút lui.

Nam Phi và Ấn Độ cũng tiếp tục “chơi dưới sức” trên trường quốc tế (bất kể sự hiện diện ở nhiều nơi của Thủ tướng Ấn Độ Naredra Modi). Đối với trường hợp của Nga, quốc gia từng có vai trò lãnh đạo thế giới duy nhất của nhóm BRICS, chính sách về Ukraine của nước này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho hình ảnh của mình – những thiệt hại mà một thắng lợi ngoại giao có thể có ở Syria không thể bù đắp nổi.

Chỉ có Trung Quốc thể hiện xu hướng lãnh đạo, ví dụ như trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Tập Cận Bình đến Washington D.C. tuần vừa rồi. Chuyến đi mang lại nhiều tuyên bố về hành động đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, an ninh mạng và phát triển quốc tế. Trung Quốc cũng đã theo đuổi các sáng kiến như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á và sự hồi sinh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Tuy nhiên thái độ cứng rắn của Trung Quốc, đặc biệt ở Biển Đông, đã dẫn đến nhận thức rằng Trung Quốc là một mối đe doạ hơn là một nhà lãnh đạo. Tóm lại, nhóm các quốc gia BRICS không có vẻ như đang trỗi dậy.

Cùng lúc đó, các  nước trụ cột của phương Tây có vẻ đã vượt qua giai đoạn khó khăn. Mặc dù Châu Âu vẫn còn ngập trong khủng hoảng và sự tự nghi ngờ về khả năng tồn tại của mình, và Nhật Bản đang tìm cách bắt đầu đứng dậy sau hai thập niên trì trệ, thì Mỹ vẫn là quốc gia thể hiện vai trò mạnh mẽ như từ trước tới nay. Thật vậy, không có một thách thức toàn cầu nào – từ xung đột Trung Đông đến biến đổi khí hậu và điều tiết tài chính toàn cầu – có thể được xử lý mà không có Mỹ tham gia.

Sự thống trị bền vững của Mỹ sẽ làm nhiều bên tức giận, và sự tức giận đó có lý do chính đáng. Một phần tư thế kỷ từ ngày kết thúc Chiến tranh Lạnh, thế giới đáng lẽ ra đã phải giải quyết các vấn đề một cách bình đẳng và cân bằng hơn. Nhưng điều đó đã không xảy ra, và không một thế lực nào có khả năng thay thế Mỹ. Châu Âu quá hướng nội, Trung Quốc gợi quá nhiều nghi ngờ; Ấn Độ thì dù có dấu hiệu đang chuẩn bị cho một vai trò toàn cầu lớn hơn nhưng vẫn thiếu uy quyền trên trường quốc tế. Do vậy, sau gần 20 năm kể từ ngày Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright gọi nước Mỹ là “không thể thiếu”, vị trí của Mỹ vẫn không thay đổi.

Điều bắt buộc bây giờ là Mỹ và thế giới phải nhận ra điều này. Thay vì tập trung vào các lựa chọn thay thế sự lãnh đạo của Mỹ, chúng ta nên nhấn mạnh tầm quan trọng của Mỹ – đây là một cách tiếp cận để khuyến khích Mỹ tiếp tục cống hiến cho các trách nhiệm quốc tế. Có những dấu hiệu cho thấy những động lực để Mỹ hành động vẫn còn tồn tại – ví dụ vấn đề hạt nhân Iran – nhưng chừng đó vẫn chưa đủ đối với những thách thức thế giới đang phải đối mặt.

Trật tự thế giới đang ở ngã ba đường. Thế giới cần Mỹ dẫn đường với sự chân thật, các sáng kiến và sự bền bỉ – nhằm hướng đến hoà bình và thịnh vượng. Bị ám ảnh về việc ai sẽ thay thế Mỹ sẽ làm chúng ta lạc đường.

Ana Palacio, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha và cựu Phó Chủ tịch cao cấp của Ngân hàng Thế giới, là thành viên của Hội đồng Nhà nước Tây Ban Nha, giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Georgetown, và là thành viên của Hội đồng Chương trình nghị sự Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Hoa Kỳ.

Copyright: Project Syndicate 2015 – The BRICS Fallacy

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]