Sự cám dỗ của chủ nghĩa chuyên chế

Print Friendly, PDF & Email

20150613_LDP002_0

Nguồn: Nina L. Khrushcheva, “The Authoritarian Temptation”, Project Syndicate, 20/08/2015.

Biên dịch: Trương Thái Tiểu Long | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Vào tháng Tám 24 năm trước, những người theo đường lối cứng rắn trong chính quyền Liên Xô vì muốn chặn đứng sự quá độ mới manh nha sang chế độ dân chủ đã bắt giữ Mikhail Gorbachev và tuyên bố tình trạng thiết quân luật. Để đáp trả, hàng triệu người biểu tình đổ ra những con đường tại thủ đô Moskva cũng như các thành phố khác trên khắp Liên Xô. Những phần tử chủ chốt của quân đội từ chối tham gia và cuộc đảo chính nhanh chóng sụp đổ, và chẳng bao lâu sau Liên Xô cũng tan rã theo.

Mặc cho tình hình kinh tế rất khó khăn trong những tháng cuối cùng của Liên Xô, người dân vẫn có thể chứng kiến nền tự do đang đến và, khác với hiện nay, họ quyết tâm bảo vệ tự do. Quả thực trong những năm đầu của thời kỳ quá độ sang dân chủ, hầu hết những cử tri thời hậu-cộng sản đều vượt qua được sự cám dỗ phải bỏ phiếu cho những ứng cử viên cực đoan, những người hứa sẽ chấm dứt thời kỳ gian khổ mà họ đang phải chịu đựng. Thay vào đó, họ thường chọn những người thực tế nhất.

Ví dụ, người Nga bỏ qua Vladimir Zhirinovsky – một gã hề kiểu Donald Trump ủng hộ chủ nghĩa dân tộc và bài Do Thái – để ủng hộ Boris Yeltsin, người đã từng diễn thuyết trên tháp pháo xe tăng trong vụ đảo chính thất bại năm 1991 và cũng là người nhận ra rằng tương lai của nước Nga gắn liền với nền dân chủ và phương Tây. Tại Rumani, một chính khách cực đoan và cũng là một nhà thơ Corneliu Vadim Tudor thất bại liên tục trước những chính khách thực dụng tham nhũng, đầu tiên là Ion Iliescu, người đã dẫn đầu cuộc hạ bệ Nicolae Ceauşescu, nhà lãnh đạo cộng sản cuối cùng tại quốc gia này.

Kể từ đó, thế giới đã đảo lộn. Khi cuộc sống trở nên dễ dàng hơn, với việc những nhu cầu vật chất của người dân đã được đáp ứng phần lớn, thì các cử tri càng ủng hộ những nhân vật chuyên quyền mới, những người hứa hẹn sẽ “bảo vệ” nhân dân khỏi các mối đe dọa. Tổng thống Nga Vladimir Putin dĩ nhiên là người dẫn đầu nhóm này, nhưng ngoài ra còn có Thủ tướng Hungary Viktor Orbán và Tổng thống CH Séc Miloš Zeman. Và xu hướng này càng mở rộng ra bên ngoài những quốc gia từng theo chế độ cộng sản, chẳng hạn bao gồm cả Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan của Thổ Nhĩ Kỳ.

Triết gia người Pháp Jean-François Revel đã nhìn thấy sự trỗi dậy của chế độ độc tài tàn bạo trong thế kỷ 20 được thúc đẩy bởi “sự cám dỗ của chế độ toàn trị” (totalitarian temptation). Những điều mà chúng ta chứng kiến hôm nay ít hiểm nguy hơn, và chúng ta có thể gọi đó là “sự cám dỗ của chế độ chuyên chế” (authoritarian temptation).[1] Nhưng đó là một nguy cơ càng lớn đối với không chỉ nền dân chủ mà còn cả sự ổn định toàn cầu. Rốt cuộc, một điểm giống nhau của những nhà chuyên chế ngày nay với những nhà lãnh đạo toàn trị ngày trước là sự coi thường luật lệ, trên phương diện trong nước lẫn quốc tế.

Một nguyên nhân dẫn đến sự chuyển đổi sang chế độ chuyên chế là do nhiều quốc gia không còn xem Mỹ là ánh đuốc dẫn đường đến chế độ dân chủ cũng như một mô hình ổn định và thịnh vượng để học theo nữa. Putin khẳng định rằng dân chủ hóa thực chất là một âm mưu của người Mỹ để “đơn phương giành lợi thế”, nhắc nhở các quốc gia về sự thất bại của Chiến tranh Iraq và những tiết lộ liên quan đến việc theo dõi người dân cũng như các nhà lãnh đạo trên thế giới của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ.

Nhưng thậm chí trước khi có những sự việc nói trên, những người thắng cuộc trong Chiến tranh Lạnh – đặc biệt là Mỹ – đã quá tự cao tự đại nên dường như khiến nhiều nước cảm thấy bị xa lánh. Ngay cả đồng minh cũng bị đối xử thiếu tôn trọng –  như vụ tai tiếng của Tổng thống George W. Bush khi gọi Thủ tướng Anh Tony Blair lúc đó là “Yo, Blair” như thể gọi một anh chăn bò – thì người ta sẽ tự hỏi liệu quốc gia của mình có phụ thuộc quá vào Mỹ hay không.

Những nhà độc tài “mềm” mới nổi – những người nhà báo Bobby Ghosh gọi là các nhà “dân chủ chuyên chế” – đã khai thác những cảm xúc lo lắng và bị xa lánh để thu hút các cử tri. Những người ủng hộ họ không muốn bị đàn áp, nhưng cũng muốn ổn định và chủ quyền quốc gia – đó là những khát vọng mà những nhà lãnh đạo đó sẽ đáp ứng một phần bằng cách hạn chế sự đối lập.

Do sự lan rộng của truyền thông đại chúng và mạng xã hội như hiện nay, chỉ cần nhắm vào một số ít người để thị uy những người còn lại phải nghe theo tầm nhìn của nhà lãnh đạo. Vì vậy, thay vì xây dựng các trại cải tạo, những nhà chuyên chế mới sẽ tiến hành khởi tố các vụ án hình sự. Các bị đơn bao gồm từ các đối thủ chính trị hay những người chỉ trích tại Nga – ví dụ nhà tài phiệt dầu hỏa Mikhail Khodorkovsky và luật sư chống tham nhũng Alexei Navalny – đến những phóng viên độc lập trong trường hợp Erdoğan tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Người dân có vẻ bị thuyết phục. Ít nhất 70% người Nga đồng ý với Putin rằng “nền dân chủ có quản lý” ưu việt hơn phiên bản hỗn độn được áp dụng tại phương Tây. Gần một nửa công dân Hungary cảm thấy tư cách thành viên trong Liên minh Châu Âu, tổ chức mà các giá trị tự do của nó luôn bị Orbán phê phán, là không cần thiết. Và hơn 70% người Thổ có cái nhìn tiêu cực đối với Mỹ, quốc gia mà Thủ tướng Erdoğan đổ lỗi cho sự trỗi dậy của truyền thông xã hội (ông coi đó là “mối đe dọa tồi tệ nhất” mà Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt hiện nay – có vẻ còn quan trọng hơn cả những cuộc tấn công chết người của Nhà nước Hồi giáo nhằm vào các thành phố ở quốc gia này).

Khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, người ta không hiểu mối liên hệ giữa chủ nghĩa tư bản và dân chủ. Nhiều người đã từng mong muốn theo lối sống phương Tây, được tiếp cận với những công ăn việc làm và hàng hóa có tại Mỹ nhưng dường như lại không nhận ra rằng để tiếp cận với lối sống đó đòi hỏi sự tự do kinh tế và tự do cá nhân nhiều hơn nữa – chính xác là loại tự do làm nền tảng cho các xã hội dân chủ.

Nếu, trong môi trường hiện nay, các cường quốc phương Tây chỉ ra điều đó cho người dân của Nga, Hungary hoặc Thổ Nhĩ Kỳ, thì thậm chí càng làm họ oán giận nhiều hơn. Thuyết phục những nhà lãnh đạo các nước này là một lựa chọn hay hơn. Nếu những Putin, Erdoğan và Orbán muốn tiếp tục được hưởng lợi từ hệ thống quốc tế mở, thì họ không thể tự định ra luật lệ cho riêng mình.

Hiệu quả của cách tiếp cận đó có thể thấy tại Nga, nơi mà những đợt cấm vận của phương Tây sau quyết định sáp nhập Crimea của Putin là nhân tố chính hạn chế bớt sự xâm lấn của phe nổi dậy thân Nga tại miền Đông Ukraine. Nỗ lực của Putin nhằm tái khẳng định địa vị “siêu cường” của nước Nga có thể được người dân ủng hộ; nhưng sự ủng hộ đó có lẽ sẽ yếu hẳn nếu người Nga đối mặt nguy cơ mất sạch tiện nghi từ nền kinh tế mở tương đối mà nước Nga đã có từ hơn hai thập niên qua.

Đến một lúc khi mà ngày càng nhiều người Nga bị từ chối không được cấp hộ chiếu để xuất cảnh thì những người bị cám dỗ bởi chế độ chuyên chế sẽ phải nhớ tới những điểm cơ bản trong bài diễn văn của John F. Kennedy tại Berlin năm 1963. “Tự do có muôn vàn khó khăn, và nền dân chủ cũng không hoàn mỹ,” Kennedy phát biểu. “Nhưng chúng ta sẽ không bao giờ phải dựng nên một bức tường để nhốt người dân của mình ở trong đó.”

Nina L. Khrushcheva là trưởng khoa thuộc trường Đại học The New School tại New York, và là nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Chính sách thế giới, nơi bà quản lý Dự án nghiên cứu nước Nga (the Russia Project). Trước đây bà từng dạy học tại Trường Chính sách công và Ngoại giao thuộc Đại học Columbia và là tác giả của các cuốn sách “Hình dung Nabokov: Nước Nga giữa Nghệ thuật và Chính trị” (Imagining Nabokov: Russia Between Art and Politics) và cuốn “Người họ Khrushchev chưa được biết đến: Hành trình tới trại Gulag trong Tâm thức Nga” (The Lost Khrushchev: A Journey into the Gulag of the Russian Mind).

Hình: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Nguồn: Reuters.

Copyright: Project Syndicate 2015 – The Authoritarian Temptation

————————

[1] Xem thêm về sự phân biệt giữa hai khái niệm tại http://nghiencuuquocte.net/2014/03/21/tu-ngu-thu-vi-21-30/