Nguồn: “The United Nations is born,” History.com (truy cập ngày 23/10/2015).
Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Vào ngày này năm 1945, Hiến chương Liên Hợp Quốc, vốn được thông qua và ký từ ngày 26 tháng 6 trước đó, bắt đầu có hiệu lực và sẵn sàng thực thi, đánh dấu sự ra đời của Liên Hợp Quốc.
Liên Hợp Quốc được thành lập với vai trò như một phương tiện được các nước tin là cần thiết để đảm bảo giải quyết xung đột quốc tế và đàm phán hòa bình tốt hơn so với Hội Quốc Liên trước đây. Thế chiến II đang ngày càng leo thang đã trở thành động lực thật sự cho Hoa Kỳ, Anh, và Liên Xô bắt đầu xây dựng Tuyên bố của Liên Hợp Quốc, được ký bởi 26 quốc gia vào tháng 1 năm 1942, như một hành động chính thức chống lại các cường quốc phe Trục là Đức, Ý, và Nhật Bản.
Các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc được xây dựng lần đầu tiên ở Hội nghị San Francisco, được triệu tập vào ngày 25 tháng 4 năm 1945. Chủ trì hội nghị này là Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt, Thủ tướng Anh Winston Churchill, và Lãnh tụ Liên Xô Joseph Stalin, với sự có mặt của đại diện đến từ 50 quốc gia, bao gồm 9 nước châu Âu lục địa, 21 nước cộng hòa châu Mỹ, 7 nước Trung Đông, 5 nước khối Thịnh vượng chung Anh, 2 nước cộng hòa Xô viết (không tính Liên Xô), 2 nước Đông Á, và 3 nước châu Phi.
Hội nghị San Francisco đã đặt nền móng cho một tổ chức quốc tế mới có nhiệm vụ “cứu những thế hệ sau khỏi thảm họa chiến tranh,… khẳng định lại niềm tin vào những quyền con người cơ bản,… tạo điều kiện cần thiết để giữ gìn công lý và tôn trọng những nghĩa vụ do những hiệp ước và các nguồn khác do luật quốc tế đặt ra, và thúc đẩy tiến bộ xã hội và nâng cao mức sống trong một nền tự do lớn hơn.”
Hai mục tiêu quan trọng khác được xác định trong Hiến chương là tôn trọng các nguyên tắc về quyền bình đẳng và tự quyết của các dân tộc (ban đầu nhắm đến các quốc gia nhỏ hơn có nguy cơ sụp đổ trước chủ nghĩa cộng sản mới nổi lên sau chiến tranh) và hợp tác quốc tế trong giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa, và nhân đạo trên toàn thế giới.
Sau khi chiến tranh chấm dứt, trách nhiệm đàm phán và duy trì hòa bình được trao cho Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, bao gồm năm thành viên thường trực là Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Liên Xô (nay là Nga), và Trung Quốc. Mỗi thành viên trong Hội đồng Bảo an đều có quyền phủ quyết lẫn nhau. Winston Churchill từng kêu gọi Liên Hợp Quốc sử dụng Hiến chương của nó để tạo ra một châu Âu mới, thống nhất – nhất là thống nhất trong lập trường phản đối sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản – cả ở Đông Âu lẫn Tây Âu. Nhưng với thành phần của Hội đồng Bảo an, điều này trên thực tế đã không thể thực hiện được.
Ảnh: Năm 1945, các đại biểu từ 50 quốc gia đã nhóm họp tại San Francisco để đàm phán một bản hiến chương cho tổ chức Liên Hiệp Quốc sau này. Người đang đứng là Bộ trưởng Quốc phòng Henri Rolin của Bỉ. Nguồn: UN Photo.