08/08/1945: Truman ký Hiến chương Liên Hợp Quốc

Print Friendly, PDF & Email

History_Speeches_1502_Truman_United_Nations_Charter_SF_still_624x352

Nguồn:Truman signs United Nations Charter,” History.com (truy cập ngày 07/8/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1945, Tổng thống Harry S. Truman đã ký Hiến chương Liên Hợp Quốc, đưa Hoa Kỳ trở thành quốc gia đầu tiên hoàn tất quá trình phê chuẩn và tham gia tổ chức quốc tế mới này. Mặc dù vào thời điểm đó người ta đặt nhiều hi vọng vào Liên Hợp Quốc với vai trò là trọng tài cho các tranh chấp quốc tế, tổ chức này cũng được biết đến như một bối cảnh diễn ra nhiều xung đột Chiến tranh Lạnh.

Mùng 8 tháng 8 năm 1945 là một ngày bận rộn trong lịch sử Thế chiến II. Mỹ đã thả quả bom nguyên tử thứ hai xuống Nhật Bản, phá hủy thành phố Nagasaki (tức mùng 9 tháng 8 tính theo giờ địa phương). Sau một thỏa thuận đạt được trước đó trong chiến tranh, Liên Xô chính thức tuyên chiến với Nhật. Tất cả các nhà quan sát khi đó đều đồng ý rằng sự kết hợp giữa hai hành động của Mỹ và Liên Xô này sẽ nhanh chóng đặt dấu chấm hết cho sự kháng cự của Nhật Bản trong Thế chiến II.

Cũng trong thời gian đó, tại Washington, D.C., Tổng thống Truman đã có một bước đi mà nhiều người Mỹ hi vọng rằng có thể mang lại hòa bình và ổn định cho thế giới thời hậu Thế chiến. Truman đã ký Hiến chương Liên Hợp Quốc, hoàn thành quá trình phê chuẩn văn kiện này. Bản hiến chương của Liên Hợp Quốc sau đó chính thức có hiệu lực khi các nước Trung Quốc, Liên Xô, Anh, Pháp, và đại đa số các quốc gia khác cùng tham gia xây dựng Hiến chương cũng hoàn tất quá trình phê chuẩn của mình.

Truman đã ký Hiến chương trong một buổi lễ không mấy phô trương. Thậm chí ông còn không sử dụng những chiếc bút nghi lễ để ký (theo truyền thống của Hoa Kỳ), mà thay vào đó chỉ dùng một chiếc bút văn phòng có giá 10 cent. Nhưng sự kiện này lại được đánh dấu bởi sự lạc quan và niềm hi vọng. Sau khi trải qua bao nỗi kinh hoàng của hai cuộc thế chiến chỉ trong ba thập niên, hầu hết người Mỹ và người dân trên khắp thế giới đều hi vọng rằng tổ chức quốc tế mới, Liên Hợp Quốc, sẽ có thể đóng vai trò là một diễn đàn để giải quyết các bất đồng quốc tế và là phương tiện để duy trì hòa bình thế giới.

Trong những thập niên sau đó, Liên Hợp Quốc đã chứng kiến nhiều sự kiện đáng chú ý của cuộc Chiến tranh Lạnh: quyết định gửi quân tới Triều Tiên của Hội đồng Bảo an năm 1950; Khrushchev rút giày đập lên mặt bàn trong một buổi họp của Liên Hợp Quốc, và những tranh luận bất đồng liên miên giữa các quốc gia trong việc kết nạp Trung Quốc cộng sản làm thành viên của tổ chức này.

Xét về vai trò là một tổ chức gìn giữ hòa bình thì Liên Hợp Quốc đã không đạt được thành công lớn trong Chiến tranh Lạnh. Quyền phủ quyết của Liên Xô tại Hội đồng Bảo an đã cản trở nhiều nỗ lực, trong khi việc Mỹ mong muốn hành động độc lập về mặt quân sự sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên không được lòng dân đã cho thấy Liên Hợp Quốc ngày càng ít được tin tưởng trong việc giải quyết các cuộc xung đột trên thế giới. Tuy nhiên, trong những năm sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ và Nga đã có một số lần phối hợp với nhau trong các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, mà điển hình là các nỗ lực ở Bosnia.