#261 – Quyền lực, phụ thuộc lẫn nhau và chủ thể phi quốc gia trong chính trị quốc tế

Print Friendly, PDF & Email

globalization-edudemic

Nguồn: Helen V. Milner, “Power, Interdependence, and Nonstate Actors in World Politics: Research Frontiers”, in Helen V. Milner & Andrew Moravcsik (eds), Power, Interdependence, and Nonstate Actors in World Politics (Princeton, NJ: Princeton University Press, 2009), pp. 3-27.

Biên dịch: Nguyễn Hoàng Như Thanh & Nguyễn Lương Đức | Hiệu đính: Nguyễn Hoàng Như Thanh

Vào giữa những năm 1970 một mô hình lý thuyết mới đã nổi lên trong lĩnh vực nghiên cứu quan hệ quốc tế (QHQT). Tuy nhiều luận điểm của mô hình này đã từng được thảo luận từ trước, Keohane và Nye đã tập hợp chúng lại với tư cách một lối tiếp cận mới đầy hứa hẹn có thể cạnh tranh được với chủ nghĩa hiện thực và tân hiện thực.[1] Xuất hiện lần đầu trong cuốn Power and Interdependence, mô hình lý thuyết này hiện nay được gọi là “thuyết tân tự do thể chế”. 30 năm sau sự xuất hiện của tác phẩm Power and Interdependence, mô hình lý thuyết tân tự do đã phát triển mạnh mẽ và trở thành một lối tiếp cận khác, bên cạnh thuyết hiện thực, đối với QHQT. Công trình xuất sắc của Keohane, After Hegemony, hòn đá tảng của thuyết tân tự do thể chế, đóng vai trò là lời biện hộ về mặt lý luận thuyết phục nhất cho sự tồn tại và vai trò của các thể chế quốc tế trong nền chính trị thế giới.[2] Vì từ tác phẩm này mô hình tân tự do đã chứng kiến nhiều tiến triển qua một số tác phẩm nổi bật như Legalization and World Politics, The Rational Design of International Institutions Delegation and Agency in International Organizations.[3] Tất cả các công trình kể trên, và nhiều công trình khác, đều tiếp thu luận điểm của thuyết tân tự do thể chế và áp dụng chúng trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu mới. Chúng chính là bằng chứng cho sức sống bền bỉ về mặt lý luận của mô hình này.

Hơn thế nữa, mô hình tân tự do còn vững chắc cả trên thực tiễn. Quá trình toàn cầu hóa hiện nay đang khiến thế giới ngày càng liên kết chặt chẽ hơn, đúng như những gì tác phẩm Power and Interdependence đã dự báo nhiều năm trước. Cùng nhiều xu thế khác của chính trị quốc tế, trong đó vai trò ngày càng tăng của của chủ thể phi nhà nước như các tập đoàn đa quốc gia, các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các tổ chức quốc tế, toàn cầu hóa đã khiến mô hình lý thuyết hiện thực giảm dần khả năng giải thích QHQT và qua đó tăng tầm quan trọng của mô hình tân tự do. Các luận điểm chủ yếu của Keohane và Nye trong những năm 1970 dần thắng thế cả về lý thuyết lẫn thực tiễn trong việc nắm bắt thế giới toàn cầu hóa hiện nay.

Mô hình tân tự do thể chế tập trung nhấn mạnh vai trò của bốn nhân tố chính, đó là: chủ thể phi nhà nước, bao gồm các thể chế quốc tế, các dạng sức mạnh khác bên cạnh sức mạnh quân sự và sự đe dọa, tính chất phụ thuộc lẫn nhau bên cạnh đặc tính vô chính phủ trong hệ thống quốc tế, và hợp tác bên cạnh xung đột trong chính trị thế giới. Bốn nội dung này tương phản rõ rệt với các nội dung chủ chốt của thuyết hiện thực và tân hiện thực. Keohane là một trong những người đầu tiên đã phát triển các chủ đề này trong tác phẩm của ông,[4] nhưng nhiều học giả khác cũng góp phần quan trọng trong việc triển khai và mở rộng chúng.[5] Cuốn sách này có mục đích bổ sung và mở rộng sự hiểu biết của chúng ta về mặt lý luận cũng như thực tiễn về mô hình tân tự do thể chế.

Cuốn sách này sẽ đánh giá những tiến triển đạt được và những vấn đề mới đặt ra cho mô hình lý thuyết tân tự do. Một vài chương sẽ áp dụng các luận điểm của mô hình nhằm nắm bắt những vấn đề đang ngày càng trở nên quan trọng như nữ quyền, tôn giáo, quyền sở hữu trí tuệ và gìn giữ hòa bình. Một vài chương khác đề cập đến những vấn đề hóc búa mô hình lý thuyết gặp phải hiện nay và đề xuất hướng giải quyết. Qua đó cuốn sách minh chứng cho sự phong phú về chủ đề thảo luận và tiềm năng lý thuyết của mô hình tân tự do. Thuyết tân tự do thể chế vẫn hiện hữu và phát triển mạnh mẽ trong ngành lý thuyết QHQT hiện nay.

Thuyết tân tự do thể chế chia sẻ một vài nhận định của thuyết tân hiện thực, mô hình lý thuyết mà nó cạnh tranh. Cách tiếp cận của các tác giả trong cuốn sách này cũng như vậy. Quan trọng hơn, cả tân hiện thực lẫn tân tự do thể chế đều ủng hộ một lý thuyết hệ thống về chính trị quốc tế. Các nhà lý thuyết hệ thống cho rằng hệ thống quốc tế có tác động quan trọng lên các quốc gia; môi trường quốc tế ràng buộc và quy định các quốc gia một cách mạnh mẽ. Vì lý do đó, các nhà lý thuyết hệ thống cho rằng những lực tác động ngoại lai này cần phải được tính đến đối với bất kỳ một mô hình lý thuyết QHQT nào. Nếu không làm như vậy ta sẽ phạm phải sai lầm dùng các biến số nội địa để giải thích cho một hiện tượng thuộc tầm cấu trúc. Các nhà hiện thực cấu trúc xem vô chính phủ và cân bằng lực lượng là hai yếu tố tầm hệ thống trọng tâm tác động lên quốc gia. Các nhà tân tự do thể chế chấp nhận điều này, nhưng cũng tin rằng tác động của đặc tính vô chính phủ được giảm nhẹ bởi đặc điểm phụ thuộc lẫn nhau và thể chế hóa của chính trị quốc tế đương đại, đặc biệt là những tác động liên quan tới một số vấn đề và một số quốc gia nhất định. Trong khi thừa nhận sự ưu tiên dành cho loại lý thuyết hệ thống, thuyết tân tự do thể chế lại không chỉ tập trung vào vô chính phủ và cân bằng quyền lực như các nhân tố duy nhất của hệ thống.

Các nhà hiện thực và tự do thể chế cùng chia sẻ quan điểm cho rằng quốc gia là chủ thể quan trọng đặc biệt trong chính trị thế giới, và quốc gia nhìn chung có tính duy lý. Tuy nhiên tân tự do thể chế lại một lần nữa đi xa hơn tân hiện thực khi cho rằng còn có các chủ thể khác cũng quan trọng đối với chính trị quốc tế, chẳng hạn như các tổ chức quốc tế hay phi chính phủ (NGO). Cuối cùng, phần lớn các nhà hiện thực và tân tự do thể chế đều có chung cam kết về một thiên hướng tri thức luận nói chung. Họ đều có xu hướng duy lý và thực chứng, quan tâm đến việc kiểm chứng thực tiễn những luận điểm nhân quả mà họ nêu lên. Thật vậy, tính hoàn thiện đối với kiểm chứng thực tiễn trong nghiên cứu thuộc mô hình tân tự do thể chế chính là một đặc điểm quan trọng của ngành nghiên cứu và của quyển sách này. Các tác giả nhìn chung đều thừa nhận ba giả định nêu trên, mặc dù một vài người trong số họ cho rằng cần chú ý nhiều hơn đến chính trị nội địa (ví dụ DeSombre và McKeown) hay cần đi xa hơn cách tiếp cận thực chứng (Tickner).

Mô hình tân tự do thể chế: bốn luận điểm chính và sự phát triển của chúng qua thời gian

Trong phần dưới đây tôi trình bày về bốn luận điểm chính của mô hình tân tự do thể chế và sự phát triển của chúng trong 30 năm qua trong ngành nghiên cứu QHQT. Bốn luận điểm làm nên sự khác biệt của mô hình này với các mô hình khác là sự nhấn mạnh nhân tố chủ thể phi quốc gia bao gồm các tổ chức quốc tế, các dạng sức mạnh khác bên cạnh sức mạnh quân sự và lời đe dọa, vai trò của phụ thuộc lẫn nhau bổ sung cho vô chính phủ trong hệ thống quốc tế, và tầm quan trọng không hề thua kém của hợp tác so với xung đột đối với chính trị quốc tế. Tôi lập luận rằng mô hình đã đạt nhiều tiến bộ và bài viết này giới thiệu khuôn khổ nghiên cứu hiện nay.

Chủ thể phi quốc gia trong chính trị thế giới

Xuất phát điểm là một lý thuyết chính trị quốc tế cấp độ hệ thống, tân tự do thể chế thừa nhận tầm quan trọng của quốc gia và môi trường quốc tế phi tập trung tạo nên bởi các quốc gia. Nhưng mô hình này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các chủ thể phi quốc gia và thừa nhận một loạt các dạng chủ thể như vậy, từ công ty đa quốc gia, NGO cho đến tổ chức quốc tế. Mô hình  tập trung vào thể chế và tổ chức quốc tế. Hơn nữa, khác với một vài cách tiếp cận trước đây cũng tập trung nghiên cứu các tổ chức quốc tế, tân tự do thể chế có cái nhìn mở rộng hơn về dạng chủ thể này và nó bao gồm “một tập hợp các thỏa thuận chủ đạo” thúc đẩy “các nguyên tắc tường minh hay hàm ý, chuẩn mực, quy định và quy trình ra quyết định mà các chủ thể đồng thuận.”[6] Định nghĩa rộng hơn về tổ chức (institution) quốc tế này (thể chế – regime) là một bước tiến vì nó thừa nhận rằng không phải một tổ chức nào cũng đều có trụ sở và nhân viên thật sự. Thể chế quốc tế là dạng tập hợp chủ thể lớn hơn tổ chức quốc tế vốn cũng thuộc tập hợp thứ nhất. Tồn tại nhiều dạng hành vi quốc gia được thể chế hóa theo nghĩa là những chuẩn mực, quy định và nguyên tắc hướng dẫn hành vi quốc gia trong một lĩnh vực cụ thể. Đối với thuyết tân tự do thể chế, chính trị quốc tế có tính thể chế hóa, mặc dù không đồng đều tùy thuộc từng lĩnh vực và khu vực địa lý.

Các thể chế quốc tế đã tăng nhanh trong thời gian gần đây, như Stones đã chỉ ra. Gần như mọi lĩnh vực hợp tác quốc tế hiện đều đã được thể chế hóa trong một loại thể chế, nếu như không phải là một tổ chức quốc tế. Số lượng tổ chức quốc tế chính thức đã tăng từ 300 năm 1977 lên hơn 600 hiện nay. Rất nhiều trong số này đã mở rộng về số lượng thành viên; ví dụ như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hiện nay đã mang tính toàn cầu với hầu hết các quốc gia trên thế giới là thành viên, và Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cũng không mấy thua kém trong khía cạnh này. Liên minh Châu Âu (EU) cũng đã mở rộng đáng kể từ khi thành lập. Phạm vi hoạt động của những thể chế này đã chạm tới cả những vấn đề vốn từng được coi là vấn đề nội bộ thuần túy của mỗi quốc gia. Vị thế đi lên của các thể chế quốc tế trong nền chính trị thế giới không thể phủ nhận được. Hơn nữa, việc mở rộng phạm vi hoạt động của những thể chế quốc tế đặt ra câu hỏi về giá trị của lý thuyết tân hiện thực khi thuyết này cho rằng các thể chế này không phải những đặc điểm nổi trội và bền vững của chính trị quốc tế.

Những tranh luận trước đây đã tập trung vào việc liệu những thể chế này có quan trọng. Sự phản bác của chủ nghĩa tân hiện thực khẳng định rằng cân bằng sức mạnh đã định hình khuôn khổ thể chế này và các cường quốc mạnh nhất chính là kẻ áp đặt những quy tắc, tập tục và luật lệ lên phần còn lại của thế giới. Thuyết ổn định bá quyền, một phiên bản của phản bác này, xác định nguồn gốc của các thể chế quốc tế trong một giai đoạn nhất định  là từ cường quốc bá quyền.[7] Khá giống với tác phẩm của Gilpin về những chu kỳ của chiến tranh và thay đổi, thuyết ổn định bá quyền đã nhìn nhận thay đổi về thể chế như một kết quả của thay đổi trong mối quan hệ quyền lực căn bản.[8] Các học giả khác khẳng định rằng quốc gia sẽ không hợp tác trong bất cứ lĩnh vực nào nằm ngoài lợi ích quốc gia của họ nên sự hợp tác  rất mờ nhạt.[9] Quan ngại về lợi ích tương đối là một lời giải thích cho sự hạn chế trong việc hợp tác.[10] Những học giả khác lưu ý rằng những thể chế có thể khiến cho việc hợp tác hấp dẫn hơn chỉ khi chúng cho những quốc gia nhỏ thấy việc không hợp tác còn tốn kém hơn nhiều.[11] Cuộc tranh luận về sức mạnh của thể chế quốc tế đã diễn ra nhiều năm bởi những nhà tân hiện thực nghi ngờ chứng cứ cho thấy chủ thể phi nhà nước có vai trò quan trọng.[12]

Những nhà thể chế tân tự do đã đáp trả bằng nhiều cách. Keohane lập luận rằng những thể chế sau Thế chiến II một phần nào đó là đúng sản phẩm của quyền lực Mỹ, nhưng kể từ khi thành lập, chúng đã phát triển thành những thực thể độc lập hơn.[13] Ví dụ, Keohane cùng nhiều học giả khác đã lưu ý rằng các thể chế quốc tế được thành lập trong Chiến tranh lạnh như NATO, EU và Liên hợp quốc tiếp tục có vai trò quan trọng dù rằng trật tự hai cực Xô-Mỹ đã tan rã được hơn 2 thập kỷ.[14] Điều này cho thấy những thay đổi về thể chế không đơn thuần là kết quả của những thay đổi trong những quan hệ quyền lực như các nhà hiện thực giả định. Đúng hơn là, thay đổi thể chế có thể xảy khi những thay đổi trong cấu trúc và phân bổ quyền lực trong lĩnh vực của thể chế diễn ra. Chính sự tương tác giữa quyền lực và sự phụ thuộc lẫn nhau phức hợp đã kết hợp và tạo ra sự thay đổi thể chế, như đã được bàn luận bởi Stone và các học giả khác trong cuốn sách này.

Tuy nhiên, những nhà thể chế tân tự do đã dần quay sang tìm hiểu những điều kiện và cách thức chính trị quốc tế được thể chế hóa. Keohane đã đề xuất một lý thuyết ban đầu nhằm giải thích tại sao các quốc gia muốn tạo ra và tham gia vào các thể chế quốc tế.[15] Lý thuyết đó lập luận rằng một quốc gia, giả định duy lý, sẽ chỉ có nhu cầu và tham gia vào những thể chế quốc tế nếu những thể chế này tỏ ra có lợi hơn so với tình huống ngược lại, khi không thỏa thuận thành lập hay tham gia thể chế nào đạt được. Theo Keohane, những lợi ích có thể là giảm chi phí hợp tác, tăng lượng thông tin hay giảm tính bất định. Để thực hiện những chức năng này, thể chế quốc tế giúp các quốc gia đàm phán những hiệp định đôi bên cùng có lợi mà các quốc gia vốn không thể tự đạt được. Một phần nào đó, sự hợp tác này bắt nguồn từ chiến lược có đi có lại, vốn càng dễ được thực hiện trong môi trường được thể chế hóa như thế này. Những nhà lý thuyết trò chơi đã nhấn mạnh một vài chức năng hơi khác biệt khác; tập trung vào việc làm sao thể chế có thể giảm “suất hao mòn” [trong hợp tác] của người chơi, tăng lượng thông tin bằng việc chỉ ra tính chất của người chơi, cải thiện độ tin cậy của các cam kết từ bên trong quốc gia, và thay đổi cấu trúc chi phí- lợi ích của hành vi thông qua các tương tác được lặp đi lặp lại và tính có đi có lại.[16] Những nhà nghiên cứu khác nhấn mạnh rằng thể chế có thể thay đổi lợi ích chủ thể, và thậm chí sâu sắc hơn, cả bản sắc của chủ thể.[17] Từ cách tiếp cận này, chương trình nghiên cứu của thuyết kiến tạo đã ra đời. Dòng lý thuyết kiến tạo bao hàm nhiều công trình lớn và đầy ấn tượng nhưng chúng ta sẽ không đề cập ở đây ngoại trừ một phần ngắn gọn trong bài viết của Tickner.[18] Những bài viết trong tập này tập trung vào hai cách giải thích duy lý đầu tiên về các thể chế quốc tế và chức năng của chúng.

Công trình gần đây về các loại thể chế quốc tế đã cho thấy chúng có thể thực hiện các chức năng nêu trên và tăng cường sự ra đời của các thỏa thuận đôi bên cùng có lợi. Martin chỉ ra rằng cấm vận kinh tế có thể hoạt động hiệu quả hơn nếu chúng được đa phương hóa trong một thể chế; trong điều kiện như vậy lượng thông tin lớn hơn khiến các quốc gia ít có khả năng gian lận đối với bổn phận của họ.[19] Burley và Mattli chỉ ra Tòa án Công lý Châu Âu đã trở nên quyền lực ngoài mong đợi như thế nào, và đã trở nên độc lập với các tòa án quốc gia ra sao.[20] Ikenberry kết luận rằng nếu các cường quốc có thể chấp nhận tự trói buộc bằng việc tham gia những thể chế quốc tế, họ có thể đạt được nhiều hiệp định cùng có lợi ích với các quốc gia khác trên thế giới.[21] Stone chỉ ra rằng IMF có thể đảm bảo sự tuân thủ [từ các nước thành viên] nhiều hơn và từ đó là kết quả tốt hơn khi các cường quốc không can thiệp vào các biện pháp của IMF dành cho các quốc gia gặp khó khăn về kinh tế.[22] Davis trong nghiên cứu của bà về WTO kết luận rằng tổ chức này có thể giúp các quốc gia vượt qua những phản đối trong nước và đạt được những hiệp định thương mại có giá trị cho các bên.[23] Meunier cho thấy bằng cách nào EU có thể tạo nên sự khác biệt cho các quốc gia châu Âu với khả năng giành phần thắng trong các cuộc mặc cả thương mại với các quốc gia khác.[24] Một số người cho rằng sự thể chế hóa chính trị quốc tế ngày càng được luật hóa, và việc luật hóa này đang có những ảnh hưởng quan trọng đối với hợp tác quốc tế.[25] Những người khác đã cố lý giải những dạng thức khác nhau của các thể chế quốc tế nhằm thực hiện các chức năng tương tự trong các môi trường khác nhau.[26] Tất cả những nghiên cứu này thể hiện rằng các thể chế quốc tế tồn tại với nhiều dạng thức khác nhau, hoạt động theo những cách mà lý thuyết thể chế tân tự do đã dự đoán, và có những tác động tích cực đối với hợp tác giữa các quốc gia. Chúng đại diện cho sự phát triển về mặt thực nghiệm của mô hình tân tự do thể chế.

Các bài viết trong quyển sách này đã tiến thêm một bước xa hơn, như tôi bàn thảo dưới đây. Một điểm quan trọng trong cuộc tranh luận giữa tân tự do thể chế tân hiện thực và chủ nghĩa tân hiện thực là việc giải thích sự thay đổi thể chế. Với các nhà tân hiện thực, thể chế thay đổi khi cân bằng quyền lực cơ bản giữa các quốc gia thay đổi. Mối quan hệ nhân quả này cho thấy sự phụ thuộc của các thể chế vào sức mạnh quốc gia và tính chất hiện tượng phụ của chúng [so với cân bằng quyền lực giữa các quốc gia]. Với tân tự do thể chế, các thể chế thay đổi một phần vì sự thành công hoặc thất bại của chúng trong việc hoàn thành những nhiệm vụ mà chúng được giao phó. Ví dụ, trong chương của Randall Stone, ông tiếp tục giải quyết câu hỏi về điều gì chịu trách nhiệm cho thay đổi trong các thể chế quốc tế. Ông lưu ý rằng phần lớn những thể chế chủ yếu hiện thời đang chịu áp lực đòi hỏi cải tổ; UN, IMF, WB, WTO và NATO, cùng các tổ chức khác, gần đây đã bị chỉ trích sâu sắc vì thất bại trong việc hoạt động một cách đầy đủ, thích đáng. Tại sao các thể chế này dường như thất bại trong việc đạt được những kết quả tối ưu? Trong nghiên cứu mới nhất của mình, Keohane xác định ba loại nguyên nhân chủ yếu: quyền lực, các quá trình quan hệ quốc tế và cấu trúc của các thể chế quốc tế.[27] Theo ông, những giải thích dựa vào sự phân bổ quyền lực trong hệ thống quốc tế không mấy thành công; thậm chí, xét theo khía cạnh lý thuyết và thực nghiệm, lý thuyết ổn định bá quyền ít thành công nhất.

Theo Stone, hai yếu tố khác mới phải chịu trách nhiệm căn bản cho kết quả yếu kém của rất nhiều thể chế quốc tế. Như Keohane đã lưu ý trước đó, chi phí đi kèm việc mặc cả về các vấn đề và các thủ tục thể chế rất cao và đặt ra nhiều vấn đề với các quốc gia. Tai họa của việc mặc cả nằm ở chỗ điều kiện cần thiết cho sự hợp tác thành công – suất khấu hao thấp – lại chính là điều kiện khiến việc mặc cả tốn kém  nhất; nó khiến những kết quả thiếu hiệu quả nhất khi người mặc cả coi trọng tương lai nhất.[28] Thêm vào đó, Stone lưu ý rằng động lực bên trong của các thể chế có thể gây hại cho sự hợp tác. Thể chế quốc tế thay đổi thông qua tiến trình chính trị. Quá trình này ưu tiên các thành viên bên trong vốn có khả năng áp đặt ý chí của họ lên các quốc gia tham gia sau bởi những quy định về bỏ phiếu ưu tiên việc giữ nguyên trạng. Nói chung, các thành viên sáng lập có thể trở thành chướng ngại đáng kể với những thỏa thuận mới có khả năng khiến sự hợp tác quốc tế trở nên sâu rộng hơn. Như vậy, các thể chế quốc tế mở rộng và thích nghi chậm chạp với những lĩnh vực hợp tác tiềm năng mới là bởi chi phí mặc cả cũng như những lợi ích ăn sâu bám chắc của các thành viên sáng lập. Tuy nhiên, quan điểm bi quan của Stone đổ lỗi cho sự yếu kém của các thể chế quốc tế vì các nguyên nhân khác quyền lực chính trị.

Gilligan xử lý vấn đề nền tảng về nhu cầu đối với các thể chế quốc tế được đưa ra bởi Keohane trong cuốn After Hegemony của ông. Ông xem xét lại câu hỏi về việc liệu cách tiếp cận theo chi phí đàm phán có thể giải thích sự thành lập các thể chế quốc tế không. Ông lưu ý rằng các lý thuyết duy lý về hợp tác có trước lý thuyết của Keohane, được gọi là thuyết hợp tác phi tập trung hóa, có thể giải thích tại sao các quốc gia lựa chọn hợp tác, làm sao chúng đạt được thỏa thuận hợp tác và làm sao chúng duy trì và đảm bảo các thỏa thuận này được chấp hành trong hệ thống quốc tế vô chính phủ. Tuy nhiên lý thuyết này không thể chỉ ra tại sao các quốc gia đã tạo ra thể chế quốc tế. Trong khi đó cách tiếp cận chi phí đàm phán đối với hợp tác quốc tế lại trả lời câu hỏi này một cách rõ ràng. Các thể chế cần phải được đàm phán để thành lập, và do đó ta sẽ chỉ quan sát những thể chế này nếu như chi phí đàm phán tương đối để tạo ra chúng, vốn được giảm dần với quãng đời kỳ vọng của thể chế, đủ nhỏ. Ông thách thức những công trình thực nghiệm gần đây cho rằng chi phí đàm phán không phải là vấn đề. Gilligan chỉ ra rằng chúng ta cần nhiều nghiên cứu thực nghiệm về cách tiếp cận theo chi phí đàm phán hơn, và đưa ra một số ý tưởng về việc làm thế nào để thực hiện điều này. Ví dụ, ông gợi ý kiểm tra xem những biến mà cách tiếp cận theo chi phí đàm phán khẳng định có thể khiến cho các quốc gia tạo ra các thể chế, như đặc trưng của vấn đề và số lượng cũng như sự phức tạp của các văn kiện, có tương ứng với sự gia tăng mức độ thể chế hóa hay không. Những ý tưởng cho nghiên cứu trên cho thấy cách mà lý thuyết và việc kiểm tra thực nghiệp tỉ mỉ có thể dẫn tới thành công.

Ronald Mitchell đặt ra những câu hỏi cơ bản về ảnh hưởng của những thế chế quốc tế, quay trở lại với câu hỏi về ảnh hưởng của chúng lên hành vi quốc gia. Ông lưu ý rằng chủ nghĩa tân tự do thể chế cần xem xét thách thức của chủ nghĩa hiện thực về sức mạnh và tính độc lập của thể chế quốc tế một cách nghiêm túc. Các nhà hiện thực khẳng định rằng sự khác nhau trong cấu trúc vấn đề quốc tế hay sự phân bổ quyền lực trong một lĩnh vực trước khi thể chế ra đời có thể giải thích sự khác biệt trong cách tổ chức thể chế và do đó cả sự khác biệt trong hành vi quốc gia. Bài viết của ông cho rằng nếu một ai đó có thể chỉ ra cấu trúc vấn đề không ảnh hưởng đến cách tổ chức thể chế thì các thể chế có thể đóng vai trò độc lập ở mức nào đó. Nhiều lý thuyết gợi ý rằng cấu trúc vấn đề không giải thích hoàn toàn cách thức tổ chức thể chế bởi những yếu tố như tính bất định, tính duy lý giới hạn, thời gian đàm phán, và những hệ quả không mong muốn hay không dự đoán được của thể chế. Mitchell làm rõ tại sao, và với những điều kiện nào mà  cái-được-gọi-là lợi ích độc lập của thể chế, vốn được các quốc gia tính đến trong quá trình thành lập thể chế, có thể khác biệt so với những lợi ích điều khiển hành vi [thành lập thể chế] của quốc gia. Do đó những yếu tố mà thuyết tân tự do thể chế tập trung vào như các vấn đề về thông tin, những áp lực về quy chuẩn, và sự trì trệ trong thể chế có thể cho phép các thể chế phát triển không gian độc lập riêng  để hành động.

Như chủ nghĩa tân hiện thực dự đoán, các lĩnh vực vấn đề mà đặc điểm là thiếu thông tin không hoàn chỉnh là thời cơ cho các thể chế quốc tế. Fortna và Martin tập trung vào nhu cầu có thể chế quốc tế đối với các chiến dịch gìn giữ hòa bình trong các cuộc nội chiến; và đặt ra câu hỏi về những điều kiện mà các chính phủ và phe đối lập đồng ý để các chủ thể phi quốc gia như lực lượng gìn giữ hòa bình tham gia vào. Gìn giữ hòa bình, được định nghĩa là việc triển khai lực lượng quốc tế và giám sát những khu vực bị chiến tranh tàn phá, là một loại thể chế quốc tế có mục đích giúp các bên tham chiến duy trì hòa bình. Họ lấy gìn giữ hòa bình làm ví dụ cho một thể chế có khả năng cung cấp thông tin cho cả hai bên trong xung đột thông qua cơ chế báo hiệu. Chấp thuận lực lượng gìn giữ hòa bình là một tín hiệu đáng giá về ý định của mỗi bên trong việc tôn trọng hiệp định hòa bình. Trong khi cả hai phía trong cuộc nội chiến đều muốn tránh sự can thiệp từ bên ngoài, cái giá của lực lượng gìn giữ hòa bình với một chính phủ không đáng tin cậy, có nghĩa là sẵn sàng phá bỏ hiệp định ngừng chiến, cao hơn so với một chính phủ đáng tin cậy. Để kiểm định thực nghiệm những ý tưởng của mình, các tác giả trên nhận dạng một số yếu tố có thể khiến việc gìn giữ hòa bình thích hợp hơn so với việc tiếp tục cuộc chiến và so với tình trạng hòa bình mà không có lực lượng gìn giữ hòa bình. Dựa theo công trình của Keohane, bài viết của họ cho thấy tập trung vào sự tương tác giữa chủ thể phi quốc gia và quốc gia cũng như nhu cầu chiến lược của các chủ thể này đối với thể chế có thể dẫn tới nhiều hiểu biết sâu sắc về vai trò của các thể chế. Các tác giả này cũng tiếp nối Keohane bằng việc việc chỉ ra tầm quan trọng thiết yếu của việc cung cấp thông tin với tư cách một chức năng của thể chế quốc tế.

Các thể chế quốc tế không phải chủ thể phi nhà nước quan trọng duy nhất đối với phái tân tự do thể chế. NGO và các chủ thể thuộc khu vực tư nhân có thể cũng đóng vai trò thiết yếu trong nền chính trị quốc tế, đặc biệt là trong một số lĩnh vực vấn đề nhất định. Bài viết của Mosley hướng sự chú ý tới với vai trò của các chủ thể phi chính phủ trong thiết chế tài chính quốc tế, cụ thể tại các thể chế tài chính, tập đoàn (quốc gia và đa quốc gia), các hiệp hội nghề và công nghiệp, và các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Các nỗ lực quản trị tài chính toàn cầu đương đại có nhiều dạng thức khác nhau, bao gồm các thể chế liên chính phủ (như IMF và WB), các nhóm điều chỉnh xuyên quốc gia (như Ủy ban chứng khoán quốc tế), và các thực thể khu vực tư nhân (như các cơ quan xếp hạng tín dụng và Câu lạc bộ London). Nhiều điều chỉnh tài chính hiện nay diễn ra bên ngoài các thể chế đa chính phủ truyền thống và liên quan đến hợp tác công-tư. Bắt đầu từ sự khẳng định của Keohane và Nye về tầm quan trọng của chủ thể khu vực tư nhân đối với chính trị thế giới, Mosley khám phá những cách thức chính xác mà sự tham gia của khối tư nhân ảnh hưởng đến kết quả của nền quản trị tài chính toàn cầu. Mosley cho thấy cách mà các chủ thể tư nhân tạo ra các thể chế thúc đẩy hợp tác, nhưng sau đó đặt ra câu hỏi liệu hành vi này có thật sự nằm trong lợi ích cao nhất của các bên trong hệ thống quốc tế.

Các chủ thể thuộc khu vực tư nhân cũng đóng vai trò đáng kể trong điều chỉnh quyền sở hữu quốc tế. Bài viết của Aronson coi quyền sở hữu trí tuệ quốc tế như một cuộc chơi chiến lược giữa các công ty cũ cố gắng bảo vệ và mở rộng sức mạnh và lợi ích của mình, trước sự thay đổi công nghệ và tính phụ thuộc lẫn nhau trên quy mô toàn cầu, với nỗ lực của những công ty mới mong muốn tiếp cận được các công nghệ và ý tưởng sẵn có. Trong đấu trường sở hữu trí tuệ, các công ty và quốc gia tìm kiếm lợi thế bằng việc tiêu diệt nỗ lực của đối thủ. Người chơi dù là nhà nước hay phi nhà nước đều phụ thuộc lẫn nhau, và sức mạnh được phân bổ bất đối xứng, nay đang nghiêng về các quốc gia phát triển và các nhà sản xuất hiện tại. Aronson chỉ ra rằng các chủ thể phi nhà nước thuộc khu vực tư nhân đóng vai trò nền tảng đối với sự phát triển quản lý trong lĩnh vực này. Giá trị của thuyết tân tự do thể chế được nhấn mạnh bởi khả năng đón nhận chủ thể phi nhà nước vào khuôn khổ lý thuyết của mình.

Các dạng quyền lực trong nền chính trị thế giới

Sự phụ thuộc lẫn nhau – đặc điểm định hình hệ thống quốc tế

Vấn đề hợp tác trong chính trị quốc tế

Các vấn đề thực nghiệm và những bước tiến của lý thuyết tân tự do thể chế

Các tác giả trong cuốn sách này: Một thế hệ các nhà tân tự do thể chế khác

…..

Download phần còn lại của văn bản tại đây: Quyen luc, phu thuoc lan nhau va chu the phi quoc gia.pdf

—————

[1] Keohane and Nye 1977.

[2] Keohane 1984.

[3] Goldstein et al. 2000; Koremenos, Lipson, and Snidal 2001; Hawkins et al. 2006.

[4] Keohane 1989.

[5] Tổng quát xem Simmons and Martin 2002; Jacobsen 2000; Keohane and Martin 2003; và ví dụ xem Goldstein et al. 2000; Koremenos, Lipson, and Snidal 2001.

[6] Krasner 1983a, 186.

[7] Krasner 1976; Keohane 1980; Lake 1983.

[8] Gilpin 1981.

[9] E.g., Downs, Rocke, and Barsoom 1996.

[10] Grieco 1988

[11] Gruber 2000

[12] Mearsheimer 1994-95.

[13] Keohane 1984.

[14] E.g., Keohane, Nye and Hoffmann 1993; Keohane and Martin 1995.

[15] Keohane 1984.

[16] E.g., Axelrod 1984; Oye 1986;

[17] E.g., Kratochwil and Ruggie 1986; Onuf 1989

[18] E.g., Finnemore 1996; Legro 1997; Finnemore and Sikkink 1998; Barnett and Finnemore 2004.

[19] Martin 1992.

[20] Burley and Mattli 1993.

[21] Ikenberry 2001.

[22] Stone 2002.

[23] Davis 2003.

[24] Meunier 2005.

[25] Goldstein 2001.

[26] Koremenos, Lipson, and Snidal 2001.

[27] Keohane and Nye 1997; Keohane 1984.

[28] Fearon 1998. Trừ khi các quốc gia có thể đặt ra những điều khoản rút khỏi [thể chế] hoặc đàm phán lại, nếu không thì họ sẽ bị kẹt với sự phân bổ chi phí- lợi ích bắt nguồn từ cấu trúc ban đầu của thể chế (Rosendorff and Milner 2001; Koremenos 2001).

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]