Nguồn: Daniel Gros, “The End of German Hegemony,” Project Syndicate, 15/10/2015.
Biên dịch: Lê Công Anh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Cán cân quyền lực nội tại của châu Âu đang có sự dịch chuyển mà không mấy ai chú ý. Vị trí áp đảo của Đức, vốn dường như trở nên tuyệt đối kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, đang dần suy yếu, tạo nên những hệ quả sâu rộng đối với Liên minh Châu Âu.
Tất nhiên, từ góc độ sức mạnh mềm, chỉ riêng việc nhiều người tin Đức là một quốc gia hùng mạnh đã đủ để củng cố tư thế chiến lược cũng như địa vị của quốc gia này. Tuy nhiên, họ sẽ sớm bắt đầu nhận ra rằng yếu tố chính dẫn đến niềm tin đó – rằng nền kinh tế Đức đã tiếp tục tăng trưởng trong khi những nền kinh tế khác trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) phải trải qua một cơn suy thoái kéo dài – chỉ là một trường hợp ngoại lệ đặc biệt, điều sẽ sớm kết thúc.
Mười hai trong 20 năm qua, tỷ lệ tăng trưởng của Đức thấp hơn mức trung bình của ba nước lớn khác trong khu vực eurozone (Pháp, Ý và Tây Ban Nha). Mặc dù sự tăng trưởng của Đức nhanh hơn ba nước kia trong suốt thời kỳ hậu khủng hoảng như biểu đồ cho thấy, nhưng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vẫn dự đoán trong năm năm nữa, nó sẽ sớm sụt giảm trở lại xuống dưới mức trung bình của ba quốc gia nói trên, đồng thời thấp hơn nhiều so với mức trung bình của các quốc gia thuộc khu vực eurozone, gồm cả những quốc gia nhỏ hơn và có mức tăng trưởng cao ở Trung và Đông Âu.
Chắc chắn, Đức vẫn có những lợi thế rõ ràng. Nhưng xem xét kỹ hơn cho thấy những lợi thế đó không thật sự lạc quan như nhiều người vẫn nghĩ.
Đầu tiên, Đức gần như không có tình trạng thất nghiệp, tương phản với tỷ lệ thất nghiệp lên đến hai con số đang tràn lan ở nhiều quốc gia trong khu vực eurozone. Nhưng sự kết hợp giữa tình trạng toàn dụng lao động và tỷ lệ tăng trưởng thấp thật ra cho thấy một vấn đề ẩn bên dưới: mức tăng nâng suất quá thấp. Thêm vào đó là một nguồn lao động có khả năng đáp ứng được những yêu cầu của thị trường lao động Đức đang thu hẹp: dân số đang già hóa; những người lao động tị nạn mới tới thiếu các kỹ năng cần thiết. Chính vì vậy, nền kinh tế của Đức có vẻ sẽ bước vào một khoảng thời gian trì trệ kéo dài.
Một lợi thế rõ nét khác của Đức là các khoản dự trữ tài chính lớn, điều không chỉ nâng đỡ nền kinh tế Đức qua cuộc khủng hoảng mà còn đem lại cho Đức một ảnh hưởng chính trị đáng kể. Thật sự, vì nguồn tiền của Đức có vai trò không thể thiếu trong việc giải cứu các nước khó khăn thuộc khu vực ngoại vi eurozone nên Đức trở đã trở thành trung tâm của mọi nổ lực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Sự đồng ý của Đức là cần thiết để thành lập “liên minh ngân hàng” của châu Âu, việc đòi hỏi phải có sự chuyển giao quyền giám sát sang cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng như việc thành lập một nguồn quỹ chung để giải quyết các ngân hàng phá sản. Và sự phản đối của Đức góp phần trì hoãn việc ECB can thiệp vào thị trường trái phiếu. Khi ECB cuối cùng cũng khởi động chương trình mua trái phiếu của mình, nó đã phải nhận được sự chấp thuận ngầm của Đức.
Nhưng hiện tại, với lãi suất bằng không, những khoản tiết kiệm lớn của Đức không còn đem lại nhiều lợi ích đáng kể. Thêm vào đó, với việc cơn bão tài chính phần nhiều đã lắng xuống, Đức đang thiếu đi những cơ hội mới để chứng minh sức mạnh chính trị của mình cả bên trong và bên ngoài khu vực eurozone.
Thực sự, trong khi nhờ can dự sâu vào các nền kinh tế Trung và Đông Âu, Đức đã là một nhân tố chủ chốt trong Thỏa thuận Minsk nhằm mục đích chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Ukraine, nhưng Đức lại có ít ảnh hưởng đối với các quốc gia ở Trung Đông vốn đang giành được sự chú ý của thế giới hiện nay. Trong khi nhiều người nhấn mạnh vai trò dẫn dắt chính trị của Đức trong cuộc khủng hoảng người tị nạn ở châu Âu hiện tại thì thực thế lại là việc bị đẩy ra phía trước đối mặt với cuộc khủng hoảng mà không có nhiều ảnh hưởng đối với các nhân tố đang chi phối cuộc khủng hoảng này nên nước Đức đang gặp phải một gánh nặng đáng kể. Hiện tại, lần đầu tiên Đức ở trong tình cảnh phải đòi các đối tác của mình trong Liên minh châu Âu đoàn kết hơn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng vì Đức không thể một mình đón nhận hết dòng người tị nạn mới đến.
Tuy nhiên, như thường lệ, nhận thức đang không bắt kịp với thực tế, nghĩa là Đức vẫn được nhìn nhận một cách rộng rãi như là quốc gia mạnh nhất trong khu vực eurozone. Nhưng khi chu kỳ kinh tế toàn cầu đẩy nhanh sự quay trở lại vị trí “bình thường như trước” của Đức thì người ta sẽ càng khó làm ngơ trước sự chuyển dịch quyền lực bên trong châu Âu.
Đức, quốc gia xuất khẩu một khối lượng lớn hàng hóa đầu tư (tức máy móc, thiết bị… – NHĐ), được hưởng lợi nhiều hơn các nền kinh tế thành viên khác trong khu vực eurozone từ sự bùng nổ đầu tư ở Trung Quốc cũng như các nền kinh tế mới nổi khác. Nhưng sự tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi đang chậm lại rõ nét, bao gồm cả ở Trung Quốc, nơi mà nhu cầu đang dịch chuyển từ đầu tư sang tiêu dùng. Điều này có xu hướng làm suy yếu sự tăng trưởng của Đức và có lợi cho các quốc gia Nam Âu nơi xuất khẩu nhiều hàng tiêu dùng hơn.
Sự chuyển dịch đang diễn ra trong động lực chính trị và kinh tế của châu Âu có thể tác động lớn lên hoạt động của Liên minh châu Âu, đặc biệt là khu vực eurozone. Ví dụ, nếu không có một nước Đức đủ mạnh để thực thi các nguyên tắc về tài khóa của khu vực eurozone cũng như đôn đốc thực hiện những cải cách khó khăn nhưng cần thiết, các quốc gia có thể mất đi động lực để thực hiện những việc cần làm nhằm đảm bảo cho sự công bằng và ổn định trong dài hạn. Nếu lạm phát vẫn giữ ở mức thấp, ECB có thể cảm thấy thoải mái hơn trong việc tiếp tục theo đuổi thêm các gói kích thích tiền tệ, làm suy yếu thêm các mục tiêu về tài khóa.
Tóm lại, chúng ta có thể đang tiến đến một chính sách kinh tế ít mang màu sắc của Đức hơn trong khu vực eurozone. Mặc dù điều đó có thể tăng cường sự ủng hộ đối với Liên minh châu Âu tại các nước ngoại vi eurozone nhưng nó có thể sẽ làm gia tăng sự phản đối vai trò thành viên Liên minh châu Âu ở Đức, một quốc gia dù sức mạnh kinh tế đang suy giảm nhưng vẫn là một mảng quan trọng trong bức tranh hội nhập của châu Âu.
Daniel Gros là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu tại Brussels. Ông từng làm việc cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và đóng vai trò cố vấn kinh tế cho Ủy ban châu Âu, Nghị viện châu Âu cũng như Thủ tướng và Bộ trưởng Tài chính Pháp. Ông là biên tập viên của tờ Economie Internationale và tạp chí International Finance.
Copyright : Project Syndicate 2015 – The End of German Hegemony
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]