Tư duy kinh tế học nữ quyền

20151024_blp902

Nguồn: The thinking behind feminist economics”, The Economist, 24/09/2015.

Biên dịch: Vũ Hồng Trang | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Kinh tế học, ngành nghiên cứu của các chuyên gia chính sách, những nhà bình luận, và kể cả tạp chí The Economist này, là nhằm cung cấp một cách nhìn nhận khách quan về thế giới. Nhưng một vài người bày tỏ quan ngại rằng nó chưa đạt được điều đó.

Những người ủng hộ kinh tế học nữ quyền cho rằng, xét về cả phương pháp lẫn trọng tâm, kinh tế học vẫn là ngành mà nam giới thực sự chiếm ưu thế. Điều này không chỉ do nữ giới chỉ chiếm thiểu số trong ngành: năm 2014 chỉ 12% số giáo sư kinh tế Mỹ là nữ, và cho đến nay mới chỉ có duy nhất một nữ chủ nhân giải thưởng Nobel về kinh tế (bà Elinor Ostrom, trong ảnh). Có lẽ quan trọng hơn, họ lo ngại rằng do đặt ra những câu hỏi sai lầm, kinh tế học còn làm tăng thêm bất bình đẳng giới thay vì giúp giải quyết nó. Vậy các nhà kinh tế học nữ quyền muốn thay đổi điều đó bằng cách nào?

Theo Alfred Marshall, một trong những cha đẻ của kinh tế học, thì đây là bộ môn “nghiên cứu về cách con người (men) sống, tư duy và vận động trong cuộc sống đời thường”.[1] Việc ông Marshall vô tình dùng chữ “men” nói lên điều mà các nhà kinh tế học nữ quyền coi là trở ngại chính đầu tiên với kinh tế học: thói quen phớt lờ nữ giới.

Họ cho rằng kinh tế thường được người ta nghĩ tới như là thế giới của tiền bạc, máy móc và nam giới. Điều này được phản ánh trong cách đo lường Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP): lao động có thu nhập được tính vào GDP còn công việc không lương tại nhà thì không.

Cách tiếp cận này bị các nhà kinh tế học nữ quyền chỉ trích là vô cùng thiển cận. Trong cuốn If women counted (Nếu tính tới vai trò phụ nữ) xuất bản năm 1988, nữ tác giả Marilyn Waring lập luận rằng hệ thống tiêu chuẩn đánh giá GDP do nam giới thiết kế nhằm giữ phụ nữ “ở nguyên vị trí của họ”. Cách tính GDP này không chỉ tùy tiện (nội trợ chỉ được đưa vào GDP trong mục “sản xuất” khi được trả thù lao trên thị trường, còn nếu được thực hiện một cách không chính thức thì không được tính vào GDP), mà còn bởi vì phụ nữ đóng góp phần lớn công việc chăm sóc gia đình trên khắp thế giới nên cách tính này còn đánh giá thấp một cách có hệ thống cống hiến của phụ nữ cho xã hội.  Bà Waring cho rằng việc nội trợ không lương phải được tính vào GDP để phản ánh “việc tạo ra” những đứa trẻ được nuôi dưỡng tốt vốn quan trọng không kém việc tạo ra ô tô hay sản lượng vụ mùa.

Xét về chính sách công, các nhà kinh tế học nữ quyền cho rằng bình đẳng giới mang giá trị tự thân, chứ không chỉ là một biện pháp thúc đẩy tăng trưởng. Họ cũng xem xét tới các tác động của chính sách công đối với phụ nữ. Ví dụ, khi biên chế nhà nước bị cắt giảm, một phân tích đơn giản cũng có thể tóm tắt sự thay đổi về khoản chi phí chi cho công chức. Phân tích của một nhà kinh tế học nữ quyền sẽ có thể chỉ ra rằng nếu phụ nữ là đối tương nhiều khả năng phải làm bù để lấp vào khoảng trống do những biên chế bị cắt đó để lại, thì việc phân bố sự cắt giảm này có thể làm tồi tệ hơn tình trạng bất bình đẳng giới.

Các nhà kinh tế học nữ quyền cũng phê phán các phương pháp được sử dụng trong các mô hình tiêu chuẩn để giảng dạy cho sinh viên đại học vì chúng bỏ qua các tác nhân cơ bản của bất bình đẳng giới. Ví dụ như một mô hình kinh tế đơn giản lý giải quyết định của một phụ nữ chấp nhận đảm nhiệm phần lớn vai trò chăm sóc con cái là do ưu tiên của người đó cho việc “tiêu dùng” và “giải trí”. Các nhà kinh tế học nữ quyền có thể chỉ ra rằng nếu ưu tiên của người đó hình thành trong một xã hội có những định kiến mạnh mẽ về vai trò của phụ nữ, thì nói quyết định của cô ấy là một lựa chọn tự do (tức do người đó tự đưa ra – NHĐ) là sai lầm. Họ cho rằng bằng việc không chú ý đến sự phân biệt đối xử tiềm tàng chống lại phụ nữ, một mô hình như vậy có thể khiến cho thành kiến về giới tính vẫn tiếp tục được duy trì.

Những người theo trường phái kinh tế học nữ quyền đã giành được nhiều thắng lợi. GDP có thể vẫn chưa bao gồm công việc chăm sóc không được trả lương, nhưng các tổ chức quốc tế ngày càng có ảnh hưởng rộng lớn như Liên Hợp Quốc đã sử dụng các tiêu chuẩn đánh giá sự tiến bộ rộng hơn thay vì chỉ dựa vào thu nhập tiền mặt, trong đó có sức khỏe và sự thoải mái, sung túc (wellbeing).

Trong tạp chí chuyên ngành Những Góc nhìn kinh tế (Journal of Economic Perspectives), Julie Nelson, một kinh tế gia nữ quyền, viết rằng: “rất nhiều độc giả có lẽ đã phát hiện ra rằng theo một vài cách nào đó họ đang tham gia vào “kinh tế học nữ quyền”, mặc dù họ thường thích tự cho rằng bản thân mình đang nghiên cứu “một thứ kinh tế học chính thống”. Thực sự, các nhà kinh tế học nữ quyền mong muốn được sống trong một thế giới nơi mà tên gọi gắn cho họ (kinh tế học nữ quyền) không cần phải tồn tại.

—————

[1] Nguyên văn: “the study of men as they live and think and move in the ordinary business of life.”

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]