Đánh giá di sản tư tưởng của Milton Friedman

Print Friendly, PDF & Email

friedman

Nguồn: Dani Rodrik, “Milton Friedman’s Magical Thinking”, Project Syndicate, 11/10/2011

Biên dịch: Nguyễn Hồng Nhung | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Năm 2012 sẽ đánh dấu kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Milton Friedman. Friedman là một trong những nhà kinh tế học hàng đầu của thế kỷ 20, từng đoạt giải Nobel vì những đóng góp to lớn đối cho chính sách tiền tệ và lý thuyết tiêu dùng. Tuy nhiên chủ yếu người ta nhớ tới ông như một chiến lược gia đã tạo ra hỏa lực tri thức cho những người đam mê thị trường tự do trong suốt nửa cuối thế kỷ 20, và như một “mưu sĩ” đứng sau sự chuyển dịch rõ rệt trong các chính sách kinh tế diễn ra sau năm 1980.

Tại thời điểm khi sự ngờ vực về thị trường đang dâng cao, Friedman đã giải thích bằng thứ ngôn ngữ rõ ràng và dễ hiểu rằng doanh nghiệp tư nhân là nền tảng của sự thịnh vượng kinh tế. Mọi nền kinh tế thành công đều được hình thành trên nền tảng tiết kiệm, lao động chăm chỉ, và sáng kiến cá nhân. Ông phản đối những quy định của chính phủ đã gây trở ngại cho doanh nghiệp và hạn chế các thị trường. Vai trò của Adam Smith ở thế kỷ 18 là gì thì vai trò của Milton Friedman ở thế kỷ 20 cũng tương tự như thế.

Khi loạt phim tài liệu mang tính bước ngoặt của Friedman “Free to Choose” (Tự do lựa chọn) được lên sóng vào năm 1980, nền kinh tế thế giới đang đứng trước khó khăn của một chuyển dịch hết sức quan trọng. Lấy cảm hứng từ tư tưởng của Friedman, Ronald Reagan, Margaret Thatcher, và các nhà lãnh đạo khác bắt đầu dỡ bỏ những hạn chế và quy định của chính phủ đã được hình thành qua những thập kỷ trước đó.

Trung Quốc chuyển hướng khỏi kế hoạch hóa tập trung và cho phép thị trường phát triển mạnh mẽ – trước tiên là ở sản phẩm nông nghiệp và cuối cùng là hàng hóa công nghiệp. Mỹ Latinh giảm mạnh những rào cản thương mại và tư nhân hóa những doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước. Khi bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989, không ai còn nghi ngờ gì nữa về hướng mà những nền kinh tế theo mệnh lệnh trước kia sẽ chuyển dịch: đó là về phía các thị trường tự do.

Tuy nhiên Friedman cũng đã tạo ra một di sản kém tươi sáng hơn. Với lòng nhiệt thành để thúc đẩy sức mạnh của thị trường, ông đã vạch ra sự khác biệt sâu sắc giữa thị trường và nhà nước. Thực vậy, ông khắc họa chính phủ như một kẻ thù của thị trường. Sau đó ông che mắt chúng ta trước một sự thực hiển nhiên rằng trên thực tế, mọi nền kinh tế thành công đều mang tính hỗn hợp.

Thật không may, nền kinh tế thế giới vẫn đang khắc phục hậu quả vì sự mù quáng đó sau cuộc khủng hoảng tài chính mà nguyên nhân lớn là do việc để các thị trường tài chính vận hành quá tự do.

Quan điểm của Friedman đánh giá cực kỳ thấp những điều kiện thể chế tiên quyết của thị trường. Hãy để chính phủ chỉ đơn giản là tập trung đảm bảo thực thi các quyền sở hữu và các hợp đồng, và rất nhanh chóng các thị trường sẽ tự tạo nên phép màu. Trên thực tế, kiểu thị trường mà các nền kinh tế hiện đại cần không phải là tự tạo, tự điều chỉnh, tự ổn định hoặc tự hợp pháp hóa. Các chính phủ phải đầu tư vào mạng lưới giao thông vận tải và thông tin liên lạc; chống lại tình trạng bất đối xứng thông tin, các hậu quả ngoại hiện, và khả năng thương lượng không đồng đều; đồng thời hạn chế hậu quả của những cuộc khủng hoảng và suy thoái tài chính; cũng như đáp ứng những nhu cầu của người dân về mạng lưới an sinh và bảo hiểm xã hội.

Thị trường là cốt lõi của nền kinh tế thị trường, tương tự như chanh là thần phần cốt yếu để pha nước chanh. Nước chanh tinh khiết gần như là không thể uống được. Để tạo nên một loại nước chanh ngon, bạn cần pha trộn nước chanh với nước và đường. Tất nhiên, nếu bạn cho quá nhiều nước vào hỗn hợp, bạn sẽ làm hỏng cốc nước chanh, cũng như việc chính phủ can thiệp quá nhiều có thể làm rối loạn các chức năng của thị trường. Bí quyết là không bỏ đi nước hay đường, mà phải lấy đúng tỉ lệ. Hong Kong, nơi mà Friedman đã nâng tầm lên như một chuẩn mực của xã hội thị trường tự do, vẫn là một ngoại lệ đối với quy luật nền kinh tế hỗn hợp – và thậm chí chính phủ ở đó cũng đóng một vai trò lớn trong việc phân phối đất ở.

Hình ảnh mà hầu hết mọi người sẽ nhớ đến Friedman là một vị giáo sư hay cười, nhỏ nhắn, khiêm nhường, tay cầm một chiếc bút chì đứng trước những chiếc camera trong bộ phim “Free to Choose” để minh họa cho sức mạnh của thị trường. Cần tới hàng ngàn người trên khắp thế giới để tạo nên chiếc bút chì này, Friedman nói – để khai thác than chì, cắt gỗ, lắp ráp các thành phần và tiếp thị sản phẩm cuối cùng. Không có một quyền lực tập trung nào phối hợp các hành động này; sản phẩm đó được hoàn thành bởi sự kỳ diệu của thị trường tự do và hệ thống giá cả.

Hơn 30 năm sau, thêm một đoạn thú vị của câu chuyện chiếc bút chì xuất hiện (mà thực tế được dựa trên một bài viết của nhà kinh tế học Leonard E. Read). Hiện nay, hầu hết số lượng bút chì trên thế giới đều được sản xuất tại Trung Quốc – một nền kinh tế hỗn hợp đặc biệt kết hợp doanh nghiệp tư nhân và định hướng nhà nước.

Một Friedman hiện đại có thể sẽ muốn hỏi làm thế nào mà Trung Quốc đã thống trị ngành công nghiệp bút chì, như đất nước này đã làm ở nhiều lĩnh vực khác. Những nguồn than chì có chất lượng tốt hơn ở Mexico và Hàn Quốc. Những khu bảo tồn rừng có nhiều hơn ở Indonesia và Brazil. Đức và Hoa Kỳ sở hữu công nghệ tốt hơn. Trung Quốc có nhiều lao động chi phí thấp, nhưng điều này cũng tương tự như ở Bangladesh, Ethiopia, cùng nhiều quốc gia đông dân với thu nhập bình quân thấp khác.

Chắc chắn rằng hầu hết công lao thuộc về những doanh nhân và người lao động Trung Quốc sáng tạo và chăm chỉ. Nhưng câu chuyện chiếc bút chì ngày nay sẽ không hoàn chỉnh nếu bỏ qua các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, những người đã tạo ra các khoản đầu tư ban đầu vào công nghệ và đào tạo lao động; các chính sách quản lý rừng lỏng lẻo vốn giúp duy trì mức giá gỗ rẻ mạt; những khoản trợ giá xuất khẩu hào phóng; và sự can thiệp của chính phủ vào thị trường tiền tệ, điều đã mang lại cho các nhà sản xuất Trung Quốc một lợi thế chi phí đáng kể.

Chính phủ Trung Quốc đã trợ cấp, bảo hộ, và hỗ trợ các doanh nghiệp của mình để đảm bảo công nghiệp hóa nhanh chóng, nhờ đó làm thay đổi sự phân chia lao động toàn cầu theo hướng có lợi cho mình.

Bản thân Friedman có thể đã không hài lòng về những chính sách của chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên hàng chục ngàn nhân công mà các nhà máy sản xuất bút chì ở Trung Quốc đang sử dụng có lẽ phần đông vẫn là những nông dân nghèo nếu chính phủ không tạo cho các lực lượng thị trường một cú hích để đưa ngành công nghiệp này bật lên. Nếu xét thành công của kinh tế Trung Quốc, thật khó để phủ nhận đóng góp từ các chính sách công nghiệp hóa của chính phủ nước này.

Vị trí của những người đam mê thị trường tự do trong lịch sử tư tưởng kinh tế sẽ vẫn vững chắc. Tuy nhiên những nhà tư tưởng như Friedman đã để lại một di sản không rõ ràng và gây bối rối, bởi chính những người theo chủ nghĩa can thiệp mới là những người đã thành công trong lịch sử kinh tế.

Dani Rodrik là Giáo sư ngành Kinh tế Chính trị Quốc tế tại trường Quản trị Nhà nước John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard. Ông là tác giả của cuốn The Globalization Paradox: Democracy and the Future of the World Economy và gần đây nhất là cuốn Economic Rules: The Rights and Wrongs of the Dismal Science.

Xem thêm:

Milton Friedman là ai?

Copyright: Project Syndicate 2011 – Milton Friedman’s Magical Thinking
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]