Nguồn: Kemal Dervis, “Will technology kill convergence?”, Project Syndicate, 15/10/2015.
Biên dịch: Lê Hạnh Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Trong các cuộc họp thường niên vào tuần trước của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Lima (Peru), một vấn đề nổi lên trong các buổi thảo luận chính là sự giảm tốc của các nền kinh tế mới nổi. Nếu như sau khủng hoảng tài chính năm 2008, những nền kinh tế mới nổi được tung hô là động lực mới của kinh tế thế giới thì giờ đây chúng lại trở thành lực cản đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nhiều người tranh luận rằng kỷ nguyên bùng nổ tăng trưởng và những nỗ lực của các nền kinh tế mới nổi nhằm bắt kịp mức thu nhập của các quốc gia tiên tiến đã kết thúc. Vậy những quan điểm bi quan này có đúng?
Hẳn có lý do để lo lắng, bắt đầu từ Trung Quốc. Sau nhiều thập niên tăng trưởng ở mức gần hai con số, kinh tế Trung Quốc dường như đang trải qua đợt sụt giảm nghiêm trọng mà nhiều người cho rằng, thực tế còn tệ hơn cả những gì các số liệu chính thức đưa ra.
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu đối với dầu và hàng hóa cơ bản của quốc gia này, kéo theo đó là những hiệu ứng tiêu cực đối với các nền kinh tế mới nổi khác vốn phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa cơ bản. Hơn nữa, các quốc gia nhập siêu, có thể ngoại trừ Ấn Độ, dường như không được hưởng lợi gì từ việc giá hàng hóa cơ bản hạ; và nếu có thì cũng chẳng đủ để họ bù đắp cho những tổn thất tăng trưởng đến từ những nguyên nhân khác.
Trong khi đó, các nền kinh tế tiên tiến đang từng bước hồi phục sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Kết quả là, khoảng cách về tốc độ tăng trưởng giữa các nền kinh tế mới nổi và các nền kinh tế tiên tiến – được tổng hợp từ nguồn dữ liệu của IMF và bao gồm Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan trong nhóm mới nổi – đã được rút ngắn đáng kể. Thực tế, sau hai thập niên duy trì ở mức trung bình 3 điểm phần trăm, mức cách biệt đã tăng lên 4,8 điểm phần trăm vào năm 2010, hạ xuống còn 2,5 vào năm ngoái và được dự báo chỉ còn 1,5 điểm phần trăm vào năm nay.
Một câu hỏi đặt ra là liệu khoảng cách tốc độ tăng trưởng có tiếp tục ở mức thấp như hiện nay hay không. Những quan điểm ủng hộ điều này cơ bản đều dựa trên ba luận điểm, và cả ba đều cần thêm căn cứ.
Thứ nhất, họ cho rằng sự hội tụ (tức xích lại gần nhau giữa hai nhóm nước – NBT) đã diễn ra ở ngành công nghiệp chế tạo. Đúng thế, nhưng như vậy là đã bỏ qua tính liên kết ngày càng cao giữa ngành chế tạo và ngành dịch vụ, cũng như bản chất đang thay đổi của ngành dịch vụ. Ví dụ như một chiếc iPad không đơn thuần chỉ là được chế tạo, nó còn cần các dịch vụ viết phần mềm. Nói cách khác, đây thực chất là sản phẩm của các ngành dịch vụ hiện đại hơn là của ngành chế tạo. Có nhiều cơ hội còn bỏ ngỏ cho những nỗ lực đuổi kịp về công nghệ (của những nền kinh tế mới nổi) trong các lĩnh vực như sức khỏe, giáo dục, hay các dịch vụ tài chính.
Thứ hai, những người nghi ngờ các thị trường mới nổi chỉ ra rằng những nền kinh tế này đã hưởng lợi lớn về năng suất nhờ có thêm lao động nông thôn di cư đến các khu vực thành thị, nhưng phần tăng thêm này rồi sẽ sớm cạn kiệt. Điều này cũng đúng. Nhưng họ vẫn chưa tính đến việc trên thực tế, vẫn còn một nguồn lao động thành thị lớn từ khu vực kinh tế không chính thức (informal sector) mà khi chuyển dịch sang khu vực kinh tế chính thức (formal sector) sẽ tạo một sức đẩy lớn cho năng suất lao động.
Những người bi quan đưa ra lập luận thứ ba rằng các nền kinh tế mới nổi đang không thực hiện kịp những cải cách cấu trúc cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng dài hạn. Một lần nữa, lập luận này cũng có điểm đúng bởi chỗ nào cũng cần các cải cách cấu trúc. Tuy nhiên vẫn chưa có cách thức thực tiễn nào đo lường được tốc độ cải cách của họ. Vì vậy, rất khó để nói rằng tổng thể các nền kinh tế mới nổi đang chậm trễ trong nỗ lực cải cách cấu trúc.
Nhưng có thể vẫn tồn tại một cơ chế thứ tư, liên quan đến bản chất đang thay đổi và rất phức tạp của công nghệ. Trước đây, việc chuyển giao các hoạt động trong cả ngành dịch vụ và chế tạo từ những nền kinh tế tiên tiến sang các quốc gia đang phát triển có mức lương thấp hơn là một động lực cơ bản giúp các nước này dần đuổi kịp các nền kinh tế phát triển, ít nhất là về mặt tích lũy tăng trưởng.
Nhưng hiện nay, ngày càng có nhiều các hoạt động được tự động hóa. Các sản phẩm được tạo ra bởi máy móc sử dụng phần mềm thường có mức chi phí trên mỗi sản phẩm thấp hơn nhiều so với khi thuê một lao động giá rẻ làm việc này. Vì vậy, chẳng hạn như trước đây các trung tâm tư vấn khách hàng (call centers) thường được bố trí tại những quốc gia có giá nhân công rẻ, còn giờ đây những rô bốt máy tính biết nói chuyện có thể làm việc ngay tại New York.
Tuy nhiên, hiện tượng trên không nên làm chúng ta bỏ qua một nguyên tắc kinh tế nền tảng – đó là hoạt động thương mại và nơi đặt nhà xưởng sản xuất được quyết định dựa trên lợi thế so sánh, chứ không phải lợi thế tuyệt đối. Một quốc gia sẽ luôn có lợi thế so sánh về một cái gì đó, nhưng cái đó luôn thay đổi.
Ví dụ, nhiều quốc gia phát triển hiện tại sở hữu lợi thế so sánh về các hoạt động có giá trị gia tăng cao. Hay nói cách khác, nhờ có lực lượng lao động tay nghề cao, họ có điều kiện tốt hơn đối thủ của mình ở các nước đang phát triển trong các hoạt động như sản xuất hàng chuyên ngành đáp ứng các nhu cầu cụ thể, hoặc nói chung là bất cứ mặt hàng nào đòi hỏi đội ngũ công nhân có trình độ cao làm việc gần nhau.
Thế nhưng những biến đổi do công nghệ mang lại đang diễn ra có thể dẫn tới các thay đổi lớn trong các chuỗi giá trị toàn cầu – điều sẽ gây ảnh hưởng đến cả các quốc gia phát triển lẫn đang phát triển. Thực tế là chúng ta đang bước vào thời kỳ của những thay đổi căn bản có thể làm suy yếu tốc độ tăng trưởng ở mọi nơi vì “tre” đã già trước khi “măng” kịp mọc.
Đúng là sự hủy diệt sáng tạo (creative destruction) đang diễn ra này gây ảnh hưởng tới tăng trưởng của các quốc gia đang phát triển nhiều hơn so với các quốc gia phát triển, chủ yếu là vì các công nghệ mới thường được áp dụng trước tại nơi chúng được phát minh ra, và các quốc gia đang phát triển chưa thể “sao y bản chính” ngay được. Nhưng tôi không nghĩ rằng cơ hội để (các nước đang phát triển) “bắt kịp” là hoàn toàn không có – không chỉ vì bắt chước thì luôn dễ hơn sáng tạo.
Trên thực tế, có thể nói những “cú nhảy cóc” mới là hoàn toàn có thể. Kinh nghiệm từ ngành viễn thông cho thấy khả năng áp dụng ngay những công nghệ mới mà không phải phá hủy các hệ thống cũ trước đó có thể giúp các nước tiến bộ nhanh chóng.
Điều mấu chốt giúp quá trình hội tụ (giữa các nền kinh tế phát triển và đang phát triển) diễn ra liên tục – thậm chí với tốc độ khá nhanh – là một nền quản trị chính trị tốt. Chính phủ của các quốc gia đang phát triển phải thực thi các chính sách nhằm xử lý những thay đổi sắp tới, đồng thời duy trì tính gắn kết và đoàn kết xã hội. Đây là những thách thức họ phải giải quyết được trong giai đoạn biến đổi lớn này.
Kema Dervis, nguyên Bộ trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, nguyên Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), hiện là Phó Chủ tịch Viện Brookings.
Copyright: Project Syndicate 2015 – Will technology kill convergence?
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]