Thắng lợi cay đắng của Theresa May

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Anatole Kaletsky, “Theresa May’s Pyrrhic Victory”, Project Syndicate, 29/04/2017.

Biên dịch: Trương Thái Tiểu Long | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Cuộc bầu cử vào ngày 08/06 do Thủ tướng Anh Theresa May kêu gọi sẽ thay đổi viễn cảnh chính trị của nước Anh và mối quan hệ với châu Âu, nhưng không nhất thiết theo cách mà Đảng Bảo thủ của bà May, vốn có thể gia tăng số ghế đa số trong Quốc hội, có thể muốn mang lại. Thắng lợi bằng mọi giá trước những người ủng hộ quốc tế hoá và các lực lượng tiến bộ tại Anh của thành phần Bảo thủ hoài nghi châu Âu được mô tả bằng tiêu đề bài báo về tuyên bố tổ chức bầu cử của bà May trên tờ Daily Mail: “Đè bẹp những kẻ phá hoại.” Nhưng chiến thắng vang dội vào tháng 6 có thể dẫn đến một hệ quả ngược bất ngờ, như cuộc hành quân ngạo mạn của Napoleon đến Moskva sau khi ông đã tiêu diệt toàn bộ kẻ thù ở Tây Âu.

Các lực lượng tiến bộ ủng hộ châu Âu ở Anh vẫn có thể chuyển bại thành thắng vì ba lý do sau.

Thứ nhất, khi tổ chức bầu cử sớm, bà May đã kéo dài thời hạn để Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2019 sang năm 2022. Cuộc bầu cử sớm đảm bảo Anh sẽ chính thức rời EU vào tháng 03/2019, bởi vì lúc đó, về lý thuyết, bà May chắc chắn sẽ không phải đối đầu với phe đối lập trong nghị viện. Nhưng điều này cũng cho phép Anh chấp nhận một quá trình chuyển giao kéo dài sau thời hạn rút khỏi EU vào năm 2019, để các doanh nghiệp và hệ thống quản lý hành chính có thể điều chỉnh theo các điều khoản thoả thuận.

Các nhóm vận động hành lang của các doanh nghiệp cũng như các quan chức chính phủ Anh được giao nhiệm vụ thực hiện các thỏa thuận đang gây sức ép để giai đoạn chuyển giao này càng kéo dài càng tốt. Tuy nhiên EU đã nhấn mạnh rằng trong giai đoạn quá độ, Anh vẫn phải tiếp tục thực hiện toàn bộ nghĩa vụ hiện tại của nước thành viên, bao gồm đóng góp ngân sách, cho phép lao động di chuyển tự do và thực thi pháp luật của EU.

Trước khi kêu gọi bầu cử, việc dung hòa yêu cầu về một giai đoạn chuyển giao dài của cộng đồng doanh nghiệp với yêu cầu của phe Bảo thủ hoài nghi châu Âu đòi tách khỏi EU hoàn toàn và ngay lập tức đã từng có vẻ là bất khả thi. Một thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử sẽ giúp bà May có thẩm quyền cần thiết để đàm phán về một giai đoạn chuyển giao dài, mặc cho sự phản đối của những thành phần cực đoan chống EU, đồng  thời thuyết phục được những thành phần không quá khắt khe với EU rằng do Brexit đã là chuyện được đảm bảo nên thời gian thực hiện các nghĩa vụ với EU đã không còn quá quan trọng.

Kết quả là, mặc dù Anh sẽ chính thức không còn là thành viên của EU từ tháng 03/2019, kinh tế hay đời sống ở Anh sẽ không có quá nhiều thay đổi cho tới thời điểm cuộc tổng tuyển cử tiếp theo vào năm 2022. Theo nghĩa này, quyết định kêu gọi tổ chức bầu cử sớm của bà May là một bất lợi cho phe hoài nghi châu Âu cực đoan, những người muốn buộc bà cắt đứt hoàn toàn với châu Âu trước tháng 03/2019.

Điều này có liên quan đến nguyên nhân thứ hai giải thích vì sao thắng lợi sắp tới của phe hoài nghi châu Âu tại Anh có thể sẽ là một thắng lợi cay đắng. Dù bầu cử sớm sẽ trì hoãn những thay đổi về kinh tế, điều này lại thúc đẩy sự chuyển đổi chính trị tại Anh.

Công Đảng – Đảng đối lập chính tại Anh đã trong tình trạng “giãy chết” từ năm 2015, nhưng vẫn có thể tiếp tục duy trì tình trạng “xác sống” hiện tại cho đến khi một cuộc tổng tuyển cử được kêu gọi. Bởi vì cuộc bầu cử sắp tới đã được dự kiến tổ chức vào năm 2020, có thể sẽ có những tiến triển bất ngờ khiến Công Đảng chuyển mình hồi sinh trong ba năm tới. Bằng việc tổ chức bầu cử sớm, bà May đã đẩy nhanh quá trình phân rã cũng như triệt tiêu cơ hội để Công Đảng hồi sinh.

Khi Công Đảng sụp đổ sau thất bại trong cuộc bầu cử tháng 6, việc tái tổ chức lại phe cấp tiến trong nền chính trị Anh gần như sẽ chắc chắn xảy ra. Việc tái tổ chức này, liên kết những chính khách và cử tri đã vỡ mộng của Công Đảng với các thành phần thuộc Đảng Dân chủ Tự do, Đảng Xanh và có thể là các đảng dân tộc chủ nghĩa ở Scotland và xứ Wales, có thể sẽ tạo ra một liên minh đối lập đáng gờm hơn nhiều so với những gì mà bà May đang đối phó hiện nay, ngay cả khi họ chỉ giành được số ghế ít hơn trong quốc hội.

Tính đến thời điểm của cuộc tổng bầu cử tiếp theo, có khả năng cao là vào năm 2022, những người theo chủ nghĩa quốc tế hoá và các lực lượng chính trị tiến bộ sẽ có năm năm để chuẩn bị cho cuộc đối đầu với phe bảo thủ của bà May và phe dân tộc chủ nghĩa Anh. Đến lúc đó, Đảng Bảo thủ đã nắm quyền kiểm soát ba nhiệm kỳ quốc hội trong 12 năm. Đây là khoảng thời gian điển hình để cán cân chính trị Anh dịch chuyển giữa cánh hữu và cánh tả.

Hơn nữa, nhờ vào giai đoạn chuyển giao kéo dài của Brexit do bầu cử sớm, chỉ đến khoảng năm 2022 thì các hệ quả của việc từ bỏ tư cách thành viên của EU mới được thấy rõ, cùng với những mâu thuẫn trong liên minh ủng hộ Brexit giữa những người ủng hộ thương mại tự do và những người ủng hộ chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ bảo thủ. Trong khi đó, các nỗ lực đàm phán các thoả thuận thương mại tự do với Mỹ và Trung Quốc sẽ để lộ các nhược điểm trong vị thế mặc cả của Anh. Hệ quả là công luận về sự khôn ngoan của việc từ bỏ EU sẽ thay đổi đáng kể trước năm 2022. Dù là trường hợp nào thì mối quan hệ đang biến đổi với châu Âu sẽ là vấn đề cốt lõi khiến các lực lượng chính trị tự do xã hội và quốc tế chủ nghĩa có thể thống nhất với nhau sau thất bại.

Giả dụ rằng, trong thời gian trước đó, kinh tế EU vẫn trên đà phục hồi. Hơn nữa, sau cuộc bầu cử tại Pháp và Đức năm nay, mối quan hệ đối tác mạnh hơn giữa Pháp và Đức sẽ đưa khu vực đồng tiền chung châu Âu tiến tới hội nhập chính trị gần gũi hơn, điều hiển nhiên cần thiết để đồng tiền chung hoạt động hiệu quả hơn, trong khi Đan Mạch, Thuỵ Điển và Ba Lan dứt khoát nói rằng họ không có ý định sử dụng đồng euro. Đến năm 2022, cử tri Anh có thể quyết định rằng tái gia nhập một Liên minh châu Âu với hai cơ chế song song (twin-track) sẽ là tốt hơn việc phải cầu cạnh một mối quan hệ đối tác ở vị thế thấp hơn với Mỹ, chưa kể đến Trung Quốc. Đây là lý do thứ ba vì sao những người Bảo thủ hoài nghi châu Âu có thể cuối cùng sẽ phải hối hận vì thắng lợi trong cuộc bầu cử trước mắt.

Cho dù bất cứ chuyện gì xảy ra, trận chiến quyết định vì tương lai lâu dài của nước Anh sẽ không phải là chiến thắng dễ dàng cho bà May năm nay. Đó sẽ là một cuộc đụng độ kéo dài năm năm tính từ bây giờ giữa chủ nghĩa bảo thủ dân tộc và một lực lượng đối lập tiếp bộ và hướng ngoại mới.

Anatole Kaletsky là Nhà Kinh tế Trưởng và Đồng Chủ tịch của Gavekal Dragonomics. Từng bình luận cho tờ Times of London, International New York Times và Financial Times, ông là tác giả cuốn Capitalism 4.0: The Birth of a New Economy.

Copyright: Project Syndicate 2017 – Theresa May’s Pyrrhic Victory
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]