Đánh giá sơ bộ tác động của TPP đối với Việt Nam

tppok_mlxe

Nguồn: Lê Hồng Hiệp, “The TPP’s Impact on Vietnam: A Preliminary Assessment,” ISEAS Perspective, No. 63 Issue. 2015, 04/11/2015.

Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng

Dẫn nhập

Việc kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) hôm mùng 5 tháng 10 vừa qua đã được mười hai nước tham gia ca ngợi là một bước ngoặt đối với hội nhập kinh tế khu vực. Hiệp định này cũng được nhiều chuyên gia đánh giá là có tác động chiến lược sâu rộng trong cả khu vực cũng như toàn cầu. Là một thành viên của TPP, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ hiệp định này về cả mặt kinh tế và chiến lược, nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với những thách thức đáng kể. Cách Việt Nam tận dụng cơ hội và xử lý thách thức có thể sẽ định hình quỹ đạo kinh tế, chính trị, và chiến lược của đất nước này trong những năm tới.

Cung cấp một đánh giá sơ bộ về tác động kinh tế, chính trị, và chiến lược tiềm năng của TPP đối với Việt Nam, bài viết này lập luận rằng Việt Nam có thể hưởng lợi đáng kể về tốc độ tăng trưởng GDP, xuất khẩu, và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong dài hạn, nền kinh tế cũng được hưởng lợi nếu những cải cách hơn nữa về pháp lý, thể chế, và hành chính được thực hiện cùng với những cải tiến trong các lĩnh vực nhà nước và tư nhân. Những tác động trước mắt về mặt chính trị sẽ hạn chế, nhưng Việt Nam có thể trở nên cởi mở và sẵn sàng hơn cho quá trình tự do hóa hơn nữa trong dài hạn. Về mặt chiến lược, hiệp định sẽ giúp Việt Nam cải thiện vị thế chiến lược của mình, đặc biệt là trong tương quan với Trung Quốc trên Biển Đông, tuy tác động như vậy sẽ không diễn ra tức thì và không nên được phóng đại quá mức.

Bài viết được chia thành bốn phần. Phần thứ nhất cung cấp một cái nhìn tổng quan về nghị trình hội nhập quốc tế gần đây và sự tham gia của Việt Nam trong tiến trình đàm phán TPP. Ba phần còn lại sẽ phân tích những tác động về kinh tế, chính trị, và chiến lược của hiệp định đối với Việt Nam.

Sự tham gia của Việt Nam vào tiến trình đàm phán TPP

Kể từ khi bắt đầu tiến hành đổi mới vào cuối những năm 1980, Việt Nam đã liên tục theo đuổi hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nhiều văn kiện chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nhập quốc tế như một phương tiện để phát triển đất nước.[1] Gần đây nhất, vào tháng 4 năm 2013, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế, khẳng định “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược lớn của Đảng nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” (CPV, 2013). Những định hướng như vậy đã dẫn tới chính sách thương mại quốc tế khá tự do của Việt Nam trong hơn hai thập niên qua.

Chỉ dấu quan trọng của chính sách này là sự theo đuổi quyết liệt của Việt Nam đối với các hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương lẫn song phương với nhiều đối tác khác nhau, đặc biệt là trong những năm gần đây (xem Bảng 1).

Bảng 1: Các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam và tình trạng

  Tên Tình trạng
1. Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN (AFTA) Có hiệu lực
2. Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) Có hiệu lực
3. Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA) Có hiệu lực
4. Quan hệ Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP) Có hiệu lực
5. Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Úc-New Zealand (AANZFTA) Có hiệu lực
6. Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Ấn Độ (AIFTA) Có hiệu lực
7. Hiệp định đối tác kinh tế Việt-Nhật (JVEPA) Có hiệu lực
8. Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Chilê Có hiệu lực
9. Hiệp định Thương mại Việt-Lào Ký ngày 03/03/2015, đang chờ phê chuẩn
10. Hiệp định Thương mại Tự do Việt-Hàn Ký ngày 05/05/2015, đang chờ phê chuẩn
11. Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á Âu Ký ngày 29/05/2015, đang chờ phê chuẩn
12. Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU Kết thúc đàm phán ngày 04/08/2015, đang chờ ký
13. Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) Kết thúc đàm phán ngày 05/10/2015, đang chờ ký
14. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) Đang đàm phán

Nguồn: Tổng hợp của tác giả

Trong số các FTA Việt Nam đang theo đuổi, TPP có tầm quan trọng đặc biệt bởi một số lý do. Thứ nhất, do các nước thành viên TPP chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2014, hội nhập sâu hơn với các nền kinh tế này sẽ giúp gia tăng xuất khẩu của Việt Nam. Do Việt Nam chưa ký kết một hiệp định thương mại tự do song phương với Hoa Kỳ, TPP cũng sẽ là một giải pháp thay thế để đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường quan trọng này.[2] Những cân nhắc như vậy là đặc biệt hợp lý sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007–08 nổ ra và làm hạn chế hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, động lực tăng trưởng chính của đất nước.[3] Ngoài ra, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn hơn có thể là một tác động tích cực khác của TPP đối với triển vọng kinh tế dài hạn của đất nước.[4]

Các tiêu chuẩn cao mà TPP đặt ra cũng cung cấp cho Việt Nam một động lực quan trọng khác để theo đuổi hiệp định do một số bộ phận nhất định trong giới lãnh đạo đất nước kỳ vọng sẽ có thể sử dụng hiệp định để thúc đẩy cải cách thực chất trong nước (ví dụ, xem Vinh, 2015), đặc biệt là những cải cách có liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước.[5] Trong khi đó, giới hoạch định chính sách Việt Nam cũng xem TPP như một biện pháp cân bằng lại ảnh hưởng kinh tế không mong muốn của Trung Quốc. Ví dụ, năm 2014, Trung Quốc chiếm 29,6% tổng nhập khẩu của Việt Nam, và thâm hụt thương mại của Việt Nam với nước láng giềng phương Bắc lên đến 28,96 tỷ USD (Tổng cục Hải quan, 2014). Việc phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu từ Trung Quốc được xem là một lỗ hổng an ninh đối với đất nước. Các quy định chặt chẽ của TPP như quy tắc xuất xứ “[tính] từ sợi trở đi”[6] do đó được kỳ vọng là sẽ giúp Việt Nam nâng cao vị thế thương mại so với Trung Quốc trong dài hạn.

Theo một tài liệu được Bộ Công Thương công bố, trong quá trình đàm phán, Việt Nam đã tổ chức tham vấn rộng rãi với các bên liên quan, bao gồm Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội ngành, đại diện một số tổ chức chính trị-xã hội, các nhà nghiên cứu, và các chuyên gia độc lập. Bộ Công Thương (2015, tr. 5) cũng khẳng định Việt Nam đã đạt được các mục tiêu đàm phán bằng cách:

  • Bảo vệ thành công “các lợi ích cốt lõi” của Việt Nam (Bộ Công Thương). Dự kiến hiệp định có khả năng tăng đáng kể xuất khẩu và GDP, đồng thời tạo ra nhiều việc làm sau khi được đưa vào thực thi;
  • Đảm bảo các cam kết của Việt Nam đều phù hợp với định hướng hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước và quy định của các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên; và
  • Đảm bảo các nước dành cho Việt Nam “sự linh hoạt đáng kể” trong việc thực thi tiêu chuẩn chung của TPP.[7] Một số nước cũng đưa ra các cam kết cụ thể về hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong quá trình thực thi cam kết sau này.

Tóm lại, tầm quan trọng kinh tế và chiến lược của TPP và chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam giúp lý giải cho ý chí chính trị mạnh mẽ của đất nước nhằm theo đuổi hiệp định này, bất chấp khoảng cách phát triển giữa Việt Nam với các thành viên khác. Việc kết thúc đàm phán TPP trong tháng 10 năm 2015 đã được đón nhận tích cực ở trong nước, với việc giới truyền thông chính thống nhấn mạnh các cơ hội kinh tế mà hiệp định này có thể mang lại cho Việt Nam. Đồng thời, các cơ quan chính phủ cùng giới chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo về những thách thức Việt Nam sẽ phải vượt qua để tận dụng được những cơ hội này. Phần tiếp theo sẽ đánh giá những tác động của TPP về mặt kinh tế đối với đất nước.

Cơ hội và thách thức kinh tế

Cho đến nay, hầu hết các phân tích đều có xu hướng đồng tình rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi đáng kể từ TPP (ví dụ, xem Bloomberg, 2015; Eurasia Group, 2015; Petri, Plummer, & Zhai, 2012; Voice of America, 2015; Wall Street Journal, 2015). Một số thậm chí còn cho rằng Việt Nam có thể nổi lên thành “người hưởng lợi lớn nhất” trong số các nước thành viên TPP (Bloomberg, 2015). Ví dụ, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới ước tính đến năm 2030 TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng khoảng 8% (Voice of America, 2015). Trong khi đó, hãng nghiên cứu Eurasia Group tuyên bố rằng đến năm 2025 GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm 11%, tương đương 36 tỷ USD, so với khi không có hiệp định thương mại này (Eurasia Group, 2015, tr. 8). Dựa trên phân tích của các “chuyên gia kinh tế độc lập,” Bộ Công Thương cũng tuyên bố rằng TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 33,5 tỷ USD và xuất khẩu tăng thêm 68 tỷ USD trong vòng một thập niên (Bộ Công Thương, 2015, tr. 9–10).

Do nội dung cuối cùng của hiệp định chưa được công bố,[8] các tiểu mục dưới đây được thực hiện dựa trên một bản tóm tắt được công bố bởi Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (2015) nhằm cung cấp một phân tích sơ bộ về tác động của những chương quan trọng trong hiệp định đối với nền kinh tế Việt Nam.

Thương mại hàng hóa và dịch vụ

Một ý nghĩa quan trọng của TPP đối với Việt Nam có thể là sự tham gia sâu hơn của đất nước vào mạng lưới sản xuất khu vực/toàn cầu. Các khoản đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia được mong đợi sẽ chuyển từ các nước ngoài TPP vào Việt Nam có thể giúp cải thiện vị trí của đất nước trong mạng lưới bằng cách mở rộng nền tảng sản xuất và tạo điều kiện cho việc thành lập các cụm công nghiệp, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp mà Việt Nam có lợi thế so sánh như dệt may. Tuy nhiên, tác động này có thể bị hạn chế nếu Việt Nam không hành động đủ nhanh để thu hút các khoản đầu tư trước và trong trường hợp TPP được mở rộng sang các nước khác, đặc biệt là sang các đối thủ cạnh tranh FDI của Việt Nam (như Thái Lan, Indonesia, Philippines, hay thậm chí cả Trung Quốc).

Bằng cách dỡ bỏ hoặc cắt giảm 18.000 hàng rào thuế quan đối với các sản phẩm công nghiệp cũng như nông nghiệp, TPP sẽ tạo ra cả người thắng và kẻ thua ở Việt Nam. Tiếp cận rộng hơn với các thị trường lớn, đặc biệt là Hoa Kỳ và Nhật Bản, sẽ đẩy mạnh xuất khẩu một số nhóm sản phẩm lớn mà Việt Nam có lợi thế so sánh như dệt may và may mặc, thủy hải sản, nông sản và lâm sản. Đồng thời, ngành chăn nuôi sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn do khả năng cạnh tranh thấp. Tuy nhiên, ngành này sẽ có 10 năm để tăng cường khả năng cạnh tranh trước khi phải đối đầu với các sản phẩm nhập khẩu miễn thuế. Nhà sản xuất các loại sản phẩm như sữa, đậu tương, ngô, và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng có thể phải đối mặt với những thách thức đáng kể (Bộ Công Thương, 2015, tr. 12).

Dệt may nói chung được coi là ngành được hưởng lợi lớn nhất do vị trí vững vàng của ngành trong chuỗi cung ứng toàn cầu và chi phí lao động tương đối thấp của Việt Nam. Các quan chức của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) ước tính rằng một khi TPP có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của ngành này có thể tăng gấp đôi (Viet Nam News, 2015).[9] Do cứ 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tăng thêm sẽ tạo ra khoảng 250.000 việc làm các loại (Bộ Công Thương, 2015, tr. 10), TPP sẽ là một công cụ cần thiết cho Việt Nam để giải quyết vấn đề thất nghiệp, từ đó tránh được bất ổn xã hội. Ngành da giày nhiều khả năng sẽ đóng vai trò tương tự do cũng được kỳ vọng là sẽ được hưởng lợi đáng kể từ TPP.

Các công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp trong nước đều được hưởng lợi từ việc mở rộng xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Tuy nhiên, do ngày càng nhiều doanh nghiệp quốc tế sẽ đầu tư vào ngành này để tận dụng lợi thế của TPP nên cung ứng lao động có thể sẽ bắt đầu cạn kiệt, từ đó khiến chi phí lao động gia tăng trong những năm tới.[10] Áp lực tăng chi phí lao động sẽ càng lớn hơn do lịch trình tăng lương tối thiểu theo định kỳ của chính phủ, và đặc biệt là quyền được có công đoàn độc lập của công nhân theo quy định của chính TPP. Do đó, nếu không thể cải thiện công nghệ và quản trị để nâng cao năng suất thì các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành này, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể để thua các doanh nghiệp đa quốc gia trong dài hạn khi chi phí lao động thấp không còn là lợi thế cạnh tranh của họ nữa.

Về thương mại dịch vụ, TPP quy định những nghĩa vụ cốt lõi như quy chế đãi ngộ quốc gia và đãi ngộ tối huệ quốc (Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, 2015). Do đây là những nghĩa vụ cốt lõi đã được quy định trong WTO và các hiệp định thương mại khác mà Việt Nam đã là thành viên, các quy định này vẫn phù hợp với lộ trình tự do hóa dịch vụ xuyên biên giới của đất nước và không đặt ra những thách thức mới. Tuy nhiên, là quốc gia kém phát triển nhất trong nhóm, Việt Nam cần nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực dịch vụ trước khi phải thực hiện đầy đủ các quy định của TPP. Ngành ngân hàng là một trường hợp điển hình. Từ năm 2012, Việt Nam đã bắt đầu thực hiện một cuộc cải cách ngân hàng nhằm tạo ra một hệ thống ngân hàng gọn gàng và vững chắc hơn. Cho đến nay, Việt Nam đã giảm số lượng ngân hàng thương mại trong nước từ 42 xuống còn 34 thông qua các giao dịch mua bán và sáp nhập được nhà nước bảo trợ giữa các ngân hàng mạnh hơn và yếu hơn. Đến tháng 10 năm 2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã quốc hữu hóa ba ngân hàng. Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng của Việt Nam còn lâu mới ổn định và vững chắc do quản trị vẫn còn là một vấn đề, đặc biệt là với những ngân hàng hiện nay hoặc trước đây là ngân hàng quốc doanh. Hơn nữa, số lượng đáng kể các khoản nợ xấu còn tồn tại sẽ tiếp tục đe dọa khả năng phục hồi và phát triển bền vững của hệ thống và cản trở những sự chuẩn bị thực chất cần thiết để đương đầu với cạnh tranh từ các ngân hàng nước ngoài.[11]

Đầu tư

TPP cũng yêu cầu các thành viên phải áp dụng chính sách và bảo hộ đầu tư không phân biệt, trong khi cho phép các chính phủ thành viên có dư địa để theo đuổi các mục tiêu chính sách công chính đáng. Do FDI đóng vai trò là một trụ cột trong chiến lược phát triển đất nước, chính phủ Việt Nam đã nỗ lực rất lớn trong những năm gần đây để cải thiện môi trường đầu tư, từ nâng cấp cơ sở hạ tầng tới cải cách hành chính và cải thiện khuôn khổ pháp lý. Một dấu hiệu rõ ràng của điều này là Luật Đầu tư năm 2014, được ban hành nhằm đơn giản hóa quá trình đầu tư, giảm thiểu sự mù mờ, và tạo ra môi trường bình đẳng hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài so với các nhà đầu tư trong nước.[12] Với những nỗ lực của nhà nước Việt Nam và tiềm năng của TPP trong việc giúp mở rộng xuất khẩu, nhiều khả năng hiệp định thương mại này sẽ tạo ra một dòng vốn FDI lớn chảy vào trong nước một khi nó có hiệu lực.

Các doanh nghiệp nhà nước

Các doanh nghiệp nhà nước có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Ví dụ, trong năm 2013, mặc dù chỉ chiếm 0,9% tổng số doanh nghiệp và sử dụng 13,5% lực lượng lao động, doanh nghiệp nhà nước chiếm 32,2% GDP của Việt Nam và 40,4% tổng đầu tư hàng năm của cả nước (Tổng cục Thống kê, 2015, tr. 62, 75–78, 103).

Về cơ bản, TPP quy định rằng doanh nghiệp nhà nước hay đơn vị độc quyền của các nước thành viên sẽ phải hoạt động dựa trên các nguyên tắc thị trường, trừ khi điều này cản trở nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ công của nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước sẽ không được phân biệt đối xử với các doanh nghiệp, đầu tư, hàng hóa, và dịch vụ của các nước thành viên khác. Theo hiệp định, các nước thành viên cũng phải minh bạch hóa hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước bằng cách cung cấp thông tin có liên quan, chẳng hạn như tỷ trọng của nhà nước trong cơ cấu sở hữu và báo cáo tài chính đã kiểm toán của các doanh nghiệp này. Các nước thành viên cũng không được phép cung cấp cho doanh nghiệp nhà nước các khoản trợ cấp hoặc hỗ trợ phi thương mại có thể có tác động bất lợi đối với doanh nghiệp của các nước thành viên khác.

Về vấn đề này, Việt Nam đã đệ trình bảo lưu đối với các doanh nghiệp nhà nước có liên quan đến quốc phòng và an ninh quốc gia. Đối với các doanh nghiệp nhà nước bình thường, Việt Nam đã cam kết sẽ đảm bảo để các doanh nghiệp này cạnh tranh đầy đủ và bình đẳng với các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể cung cấp sự hỗ trợ nhất định cho các doanh nghiệp nhà nước, nhưng không đến mức có thể tạo ra tác động tiêu cực đối với các công ty của các nước thành viên còn lại.

Do đó, TPP cung cấp cho Việt Nam một động lực quan trọng để đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là việc cổ phần hoá các doanh nghiệp này. Mặc dù cải cách doanh nghiệp nhà nước đã trở thành một trong ba trụ cột chính của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam kể từ năm 2012, tiến độ của nó trên thực tế lại chậm hơn dự kiến do các điều kiện thị trường không thuận lợi cũng như do sự phản kháng của một số nhà quản lý doanh nghiệp nhà nước nhất định.[13] Tuy nhiên, chính phủ gần đây đã tăng cường những nỗ lực này và thực hiện nhiều biện pháp khác nhau, như mở cửa cho cạnh tranh trong một số ngành trước nay được độc quyền bởi các doanh nghiệp nhà nước (ví dụ như phân phối than, điện, và xăng dầu); nới rộng room sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp cổ phần hóa; và kỷ luật những cán bộ quản lý không đáp ứng tiến độ cổ phần hóa được đặt ra. Những bước phát triển này cho thấy chính phủ Việt Nam đang điều chỉnh chính sách doanh nghiệp nhà nước của mình theo hướng các cam kết TPP, điều có thể giúp cải thiện hiệu suất của các doanh nghiệp nhà nước cũng như của cả nền kinh tế trong dài hạn.

Bảo hộ sở hữu trí tuệ và bảo vệ môi trường

TPP có tiêu chuẩn cao về bảo hộ sở hữu trí tuệ, bao gồm quy định phải thực hiện thủ tục tố tụng và chế tài hình sự đối với hành vi xâm phạm tài sản trí tuệ quy mô thương mại, điều được coi là nghiêm ngặt hơn các quy định trong khuôn khổ WTO. Việc thực thi các quy định như vậy sẽ làm tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nơi mà việc sử dụng các phần mềm vi phạm bản quyền vẫn còn phổ biến.[14] Tuy nhiên, trong dài hạn, việc bảo hộ tài sản trí tuệ tốt hơn được kỳ vọng là ​​sẽ giúp các doanh nghiệp có động lực mạnh mẽ hơn để đầu tư vào các ngành công nghiệp sáng tạo mà Việt Nam đang tìm cách phát triển.

Một mối quan tâm lớn khác liên quan đến các quy định của TPP về sở hữu trí tuệ là liệu chúng có gây hạn chế cho các chương trình y tế công cộng của Việt Nam, ví dụ như chiến dịch chống HIV/AIDS, do chi phí ​thuốc dự kiến tăng hoặc khó tiếp cận hơn hay không. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, dù đồng ý với các tiêu chuẩn chung của TPP, Việt Nam sẽ có một “lộ trình” thực hiện phù hợp với “trình độ phát triển và năng lực thực thi” của mình (Bộ Công Thương, 2015, tr. 8). Điều này ngụ ý rằng Việt Nam có thể được hưởng một số linh hoạt trong vấn đề này, bao gồm cả sự hỗ trợ từ các thành viên TPP khác.

Về bảo vệ môi trường, TPP có thể có một số tác động đối với một số doanh nghiệp nhất định trong ngành đánh cá và khai thác gỗ/đồ nội thất. Một số hoạt động đánh bắt bất hợp pháp và không bền vững vốn phổ biến với các đội tàu đánh cá tư nhân nhỏ sẽ bị loại bỏ, trong khi các doanh nghiệp đồ nội thất được khuyến cáo là nên từ bỏ các nguồn nguyên liệu gỗ và các vật liệu liên quan tuy rẻ nhưng bất hợp pháp. Tuy nhiên, những tác động này là không chắc chắn do chúng còn phụ thuộc vào khả năng thực thi trong bối cảnh Việt Nam là nơi nhiều hành vi vi phạm thường vẫn còn diễn ra và không bị trừng phạt bất chấp hệ thống luật lệ và quy định phong phú.

Tác động chính trị

Do Việt Nam đang theo đuổi các cải cách kinh tế tự do hơn, những người lạc quan sẽ có lý do để ấp ủ hy vọng rằng một ngày nào đó tự do hóa kinh tế sẽ dẫn đến dân chủ hóa chính trị. Tuy nhiên, điều này có vẻ là một kịch bản xa vời do các tác động dân chủ hóa cần nhiều thời gian để tích tụ cũng như do các chiến lược duy trì quyền lực hiệu quả của Đảng dù cả nước đã đi trên con đường tự do hóa kinh tế trong suốt 30 năm qua.

Một lý do phù hợp hơn để lạc quan về tác động chính trị của TPP đối với Việt Nam có lẽ là việc ĐCSVN sẵn lòng tuân thủ các quy định lao động của TPP. Cụ thể, TPP quy định rằng các nước thành viên sẽ phải bảo vệ các quyền lao động cơ bản, đặc biệt là quyền được có công đoàn độc lập và quyền thương lượng tập thể của người lao động. Các tiền lệ lịch sử, chẳng hạn như phong trào Đoàn kết ở Ba Lan, đã cho thấy các công đoàn lao động độc lập có thể phát triển thành những lực lượng chính trị có ảnh hưởng, giúp mang lại những sự thay đổi chính trị lớn. Điều này có vẻ sẽ không diễn ra ở Việt Nam do một số lý do.

Thứ nhất, các quy định về lao động của TPP thực ra được rút ra từ Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động Quốc tế. Do là thành viên của tổ chức này, việc Việt Nam đồng ý tuân thủ các quy định về lao động của TPP chỉ là sự tái khẳng định các cam kết cũ và không đồng nghĩa với một sự nhượng bộ mới của Đảng theo hướng tự do hóa chính trị. Thứ hai, mặc dù về dài hạn, quyền thành lập công đoàn độc lập có thể được sử dụng bởi một số lực lượng để vận động thay đổi chính trị, ĐCSVN rất có thể sẽ đảm bảo rằng bất kỳ công đoàn lao động nào được thành lập cũng sẽ chỉ là để phục vụ cho mục đích kinh tế, tức là bảo vệ quyền lợi và phúc lợi kinh tế của người lao động. Về vấn đề này, Đảng và bộ máy an ninh của mình có thể sẽ xây dựng một số chiến thuật nhất định để giới hạn một cách “hợp pháp” phạm vi của các công đoàn độc lập, và để ngăn chúng khỏi bị lợi dụng về mặt chính trị.

Nói cách khác, thay vì cho thấy một sự nới lỏng kiểm soát chính trị thực sự, việc Việt Nam cam kết bảo vệ quyền của người lao động theo quy định của TPP là một lựa chọn duy lý của Đảng cho các mục đích khác. Tự nhận mình là “đội tiên phong của giai cấp công nhân,” ĐCSVN có rất ít lý do để phản đối các quy định về lao động của TPP vốn được cho là để bảo vệ quyền lợi và phúc lợi của người lao động. Do đó, việc chấp nhận những quy định này sẽ góp phần bổ sung vào tính chính danh chính trị của Đảng trong khi cho phép các nhà đàm phán Việt Nam có cơ sở để đòi hỏi nhượng bộ trong các lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, TPP có khả năng sẽ gây ảnh hưởng đến quỹ đạo chính trị của Việt Nam trong dài hạn nếu một số điều kiện nhất định được đáp ứng. Thứ nhất, việc thực hiện TPP phải giúp đẩy nhanh sự phát triển kinh tế của Việt Nam và tiếp tục mở rộng tầng lớp trung lưu, từ đó đặt nền móng cho một quá trình chuyển đổi dân chủ. Thứ hai, do những áp lực cạnh tranh từ TPP, bản thân ĐCSVN có thể nhận ra sự cần thiết phải thực hiện những cải cách chính trị có ý nghĩa để giải phóng tiềm năng kinh tế của đất nước khỏi những ràng buộc về chính trị và thể chế bắt nguồn từ chế độ độc đảng của mình. Ví dụ, tại Đại hội XII của Đảng vào đầu năm tới, nhiều khả năng TPP sẽ được nêu bật như một cơ hội cho Việt Nam, và tạo cơ sở cho các nhà cải cách kêu gọi tiến hành cải cách kinh tế cũng như chính trị hơn nữa để giúp đất nước tận dụng tối đa cơ hội từ hiệp định. Cuối cùng, ý nghĩa chính trị của TPP sẽ chỉ trở nên rõ ràng nếu có những cơ chế đảm bảo thực hiện hiệp định một cách đầy đủ và hiệu quả, đặc biệt là đối với các quy định về lao động. Đồng thời, xã hội dân sự Việt Nam cũng cần phát triển song song để tận dụng lợi thế của sự mở cửa hạn chế mà hiệp định mang lại nhằm thúc đẩy những cải cách chính trị rộng lớn hơn.

Tác động chiến lược và chính sách đối ngoại

TPP là hiệp định thương mại đa phương đầu tiên ngoài khuôn khổ ASEAN mà Việt Nam tham gia với tư cách thành viên sáng lập và tham gia vào quá trình soạn thảo luật chơi. Do đó, TPP sẽ có vai trò là một bước ngoặt khác trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Bằng cách gắn Việt Nam sâu hơn vào mạng lưới thương mại và sản xuất khu vực, hiệp định cũng sẽ giúp Việt Nam trở thành một đối tác kinh tế và chiến lược quan trọng đối với các nước thành viên. Dần dần, an ninh và sự thịnh vượng của Việt Nam sẽ trở thành một vấn đề quan tâm chung của khu vực. Theo nghĩa đó, nếu có thể giúp Việt Nam mở rộng ngoại thương và thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn, TPP sẽ trở thành một công cụ chiến lược để nước này thúc đẩy không chỉ sự thịnh vượng mà còn cả an ninh quốc gia của mình.

Cũng cần lưu ý rằng TPP là một sáng kiến do Mỹ dẫn đầu. Do đó, tham gia vào TPP sẽ giúp tăng cường hơn nữa quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ. Điều này là đặc biệt quan trọng nếu xét tới những nỗ lực gần đây của Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ cũng như với các cường quốc khu vực khác, trong đó có Nhật Bản (một thành viên TPP khác), để đối trọng với Trung Quốc trên Biển Đông.[15] Như sự gia tăng đầu tư nước ngoài vào ngành vật liệu dệt may của Việt Nam gần đây đã chứng minh, TPP cũng sẽ giúp giảm sự phụ thuộc của Việt Nam vào Trung Quốc về nhập khẩu nguyên liệu. Do đó, nếu TPP có hiệu lực, tuy Trung Quốc có thể vẫn còn là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam trong tương lai gần, tầm quan trọng tương đối của nước này với Việt Nam sẽ suy giảm do quan hệ kinh tế giữa Hà Nội và Washington đang ngày càng trở nên sâu sắc hơn. Ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc đối với Việt Nam theo đó cũng sẽ suy giảm, tạo cho Việt Nam một vị thế chiến lược tốt hơn trong tương quan với láng giềng phương Bắc.

Kết luận

TPP là một cột mốc quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Sự tham gia của Việt Nam vào hiệp định được thúc đẩy bởi nhiều cân nhắc kinh tế, chính trị và chiến lược. Về mặt kinh tế, hiệp định được kỳ vọng là sẽ giúp nước này đạt được tốc độ tăng trưởng GDP lớn hơn, mở rộng xuất khẩu, và thu hút nhiều đầu tư nước ngoài hơn. Tuy nhiên, do là thành viên kém phát triển nhất của TPP, Việt Nam cần giải quyết nhiều thách thức để cải thiện khả năng cạnh tranh và tối đa hóa lợi ích tiềm năng mà hiệp định mang lại.

Về mặt chính trị, hiệp định này có thể giúp huy động sự ủng hộ đối với nhiều cải cách kinh tế, chính trị và thể chế hơn. Trái với kỳ vọng phổ biến rằng cam kết của ĐCSVN đối với những quy định của TPP về quyền lao động có thể cho thấy sự nới lỏng quyền lực của Đảng, hiệp định này khó có thể dẫn đến một sự tự do hóa chính trị đáng kể. Nguyên nhân là vì Đảng và bộ máy an ninh của mình có thể sẽ triển khai một số chiến thuật nhất định để kiềm chế sự phát triển của các công đoàn độc lập “một cách hợp pháp” và để ngăn chặn chúng khỏi bị lợi dụng cho các mục đích chính trị.

Về mặt chiến lược, TPP tái khẳng định hội nhập kinh tế quốc tế là một trụ cột quan trọng trong chính sách đối ngoại và chiến lược của Việt Nam. Hiệp định này cũng sẽ giúp Việt Nam tăng cường hơn nữa quan hệ với Hoa Kỳ và giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Tuy nhiên, tác động của TPP đối với sự chuyển dịch cán cân chiến lược của Việt Nam giữa hai cường quốc sẽ không thể hiện ngay lập tức. Sẽ mất nhiều năm trước khi TPP có thể giúp Việt Nam trở nên ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc về kinh tế, và trước khi Việt Nam và Hoa Kỳ có thể khai thác sự tin cậy lẫn nhau gia tăng nhờ vào hiệp định để tăng cường quan hệ. Trước mắt, hiệp định này sẽ đóng vai trò tạo thuận lợi hơn là động lực chính cho quan hệ Việt-Mỹ, và ít nhất là trong ngắn hạn, mối quan hệ song phương sẽ tiếp tục được chi phối chủ yếu bởi nhận thức của Việt Nam về mối đe dọa Trung Quốc trên Biển Đông.

Tóm lại, TPP có thể sẽ tạo ra một số tác động tích cực đối với Việt Nam, nhưng điều này không nên được phóng đại quá mức, và cơ hội nên được đánh giá cùng với thách thức. Câu hỏi quan trọng cho Việt Nam là liệu nó có thể tiến hành một cách kịp thời và có hiệu quả các cải cách trong nước, cả về kinh tế và chính trị, để đáp ứng những thách thức và tận dụng cơ hội mà hiệp định đem lại hay không. Dù thế nào đi chăng nữa, TPP vẫn nên được coi là một trường hợp “lạc quan thận trọng” đối với Việt Nam.

Lê Hồng Hiệp là nghiên cứu viên khách mời tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore, và là giảng viên tại Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Tác giả trân trọng cảm ơn TS Cassey Lee và Daljit Singh vì những bình luận và góp ý quý giá cho bài viết này.

Tài liệu tham khảo

Bloomberg. (2015, 9 Oct). The Biggest Winner From TPP Trade Deal May Be Vietnam  Retrieved 20 Oct, 2015, from http://www.bloomberg.com/news/articles/2015-10-08/more-shoes-and-shrimp-less-china-reliance-for-vietnam-in-tpp

CPV. (2013). Resolution No. 22/NQ-TW  Retrieved 16 Oct, 2015, from http://www.mofahcm.gov.vn/vi/mofa/nr091019080134/nr091019083649/ns140805203450/NQ22.ENG.doc/download

Dow Jones Business News. (2015, 18 Oct). Why the TPP Trade Deal Isn’t All Good for Vietnam’s Factories  Retrieved 20 Oct, 2015, from http://www.nasdaq.com/article/why-the-tpp-trade-deal-isnt-all-good-for-vietnams-factories-20151018-00074

Eurasia Group. (2015). The Trans-Pacific Partnership: Sizing up the Stakes – A Political Update. New York: Eurasia Group.

General Department of Customs. (2014). Customs Trade Statistics.  Retrieved 27 Jun 2014 http://www.customs.gov.vn/Lists/EnglishStatistics/ScheduledData.aspx?Group=Trade%20analysis&language=en-US

GSO. (2012). Statistical Yearbook of Vietnam 2011. Ha Noi: Statistical Publishing House.

GSO. (2015). Statistical Handbook of Vietnam 2014. Ha Noi: Statistical Publishing House.

Hiep, L. H. (2015). The Vietnam-US-China Triangle: New Dynamics and Implications. ISEAS Perspective, 45.

Ministry of Finance. (2015, 19 Jan). Nam 2015 tap trung tai co cau doanh nghiep Nha nuoc (Government to focus on restructuring SOEs in 2015)  Retrieved 9 Mar, 2015, from http://www.mof.gov.vn/portal/page/portal/mof_vn/1539781?pers_id=2177014&item_id=158447520&p_details=1

MOIT. (2015). Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định TPP) và sự tham gia của Việt Nam [The TPP and Vietnam’s participation]. Ha Noi.

Petri, P. A., Plummer, M. G., & Zhai, F. (2012). The Trans-Pacific Partnership and Asia-Pacific Integration: A Quantitative Assessment (Vol. 98). Washington D.C.: Peterson Institute for International Economics.

US Trade Representative (2015). Summary of the Trans-Pacific Partnership Agreement  Retrieved 20 Oct, 2015, from https://ustr.gov/about-us/policy-offices/press-office/press-releases/2015/october/summary-trans-pacific-partnership

Viet Nam News. (2015, 22 Jul). Textile and garment exports to TPP market up 70 per cent  Retrieved 20 Oct, 2015, from http://vietnamnews.vn/economy/273384/textile-and-garment-exports-to-tpp-market-up-70-per-cent.html

Vinh, P. Q. (2015, 4 Oct). Đại sứ Việt Nam tại Mỹ: TPP là kỳ tích lịch sử [Vietnam’s Abassador to the US: TPP is a historic feat] Zing News  Retrieved 19 Oct, 2015, from http://news.zing.vn/Dai-su-Viet-Nam-tai-My-TPP-la-ky-tich-lich-su-post586359.html

Voice of America. (2015, 13 Oct). World Bank Sees Vietnam As ‘Winner’ from TPP  Retrieved 20 Oct, 2015, from http://www.voanews.com/content/world-bank-sees-vietnam-as-winner-from-tpp/3004217.html

Wall Street Journal. (2015, 18 Oct). Why You May Soon See More Goods Labeled ‘Made in Vietnam’  Retrieved 20 Oct, 2015, from http://www.wsj.com/articles/why-you-may-soon-see-more-goods-labeled-made-in-vietnam-1445211849

———————

[1] Ví dụ, Đại hội IX của Đảng năm 2001 đã đề ra chủ trương “chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.” Tháng 11 năm 2011, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW về “hội nhập kinh tế quốc tế.” Tại Đại hội X năm 2006, ĐCSVN tái khẳng định chính sách “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác.” Ngày mùng 5 tháng 2 năm 2007, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về “một số chủ trương chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới.”

[2] Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2014 của đất nước này.

[3] Ví dụ, kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Việt Nam đã giảm 9,7% từ 62,7 tỷ USD năm 2008 xuống còn 57,1 tỷ USD trong năm 2009 (Tổng cục Thống kê, 2012, tr. 492).

[4] Tính đến cuối năm 2014, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 290,6 tỷ USD, trong đó 142,2 tỷ USD đã được thực hiện. Mười nhà đầu tư đứng đầu về số vốn đăng ký là: Hàn Quốc (37,7 tỷ USD), Nhật Bản (37,3 tỷ USD), Singapore (32,9 tỷ USD), Đài Loan (28,5 tỷ USD), Quần đảo Virgin thuộc Anh (18 tỷ USD), Hồng Kông (15,6 tỷ USD), Hoa Kỳ (11 tỷ USD), Malaysia (10,8 tỷ USD), Trung Quốc (7,98 tỷ USD), và Thái Lan (6,75 tỷ USD). (Tổng cục Thống kê, 2015, tr. 109–113).

[5] Năm 2014, Trung Quốc chiếm 29,6% tổng nhập khẩu của Việt Nam, và thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc lên đến 28,96 tỷ USD (Tổng cục Hải quan, 2014). Việc phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu từ Trung Quốc được nhiều nhà hoạch định chính sách và chính trị gia Việt Nam xem là lỗ hổng an ninh đối với đất nước.

[6] Các quy định này đòi hỏi Việt Nam phải sử dụng sợi từ một thành viên TPP trong ngành dệt may để được miễn thuế xuất khẩu sang các thị trường thành viên TPP. Do Trung Quốc không phải là thành viên TPP trong khi Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc trong ngành dệt may và vật liệu sợi, TPP đã đem đến một làn sóng đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp nguyên liệu dệt may của Việt Nam. Về lâu dài, bước phát triển này có thể giúp giảm nhập khẩu nguyên liệu dệt may đầu vào của Việt Nam từ Trung Quốc.

[7] Tài liệu này khẳng định Việt Nam được dành nhiều “[sự] linh hoạt nhất” trong việc thực thi các cam kết của TPP, có thể do Việt Nam là quốc gia kém phát triển nhất trong số các thành viên TPP.

[8] Ngày 5/11/2015, toàn văn nội dung Hiệp định đã được công bố tại đây: http://www.mfat.govt.nz/Treaties-and-International-Law/01-Treaties-for-which-NZ-is-Depositary/0-Trans-Pacific-Partnership.php  Tuy nhiên, các nước phải tiếp tục tiến hành rà soát pháp lý trước khi đạt được văn bản cuối cùng (ND).

[9] Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam được dự báo là sẽ đạt 27,5 đến 28 tỷ USD trong năm 2015 (Viet Nam News, 2015).

[10] Đã có báo cáo về khó khăn của các công ty quốc tế trong việc thiết lập nhà máy của họ ở trong nước do tình trạng thiếu lao động. Ví dụ, xem Dow Jones Business News (2015).

[11] Tính đến tháng năm 2015, tỷ lệ nợ xấu do Ngân hàng Nhà nước công bố là 3,15%, giảm từ 17,2% năm 2012, tuy một số báo cáo cho thấy tỷ lệ thực tế có thể vẫn còn cao hơn. Sự suy giảm này chủ yếu là kết quả của việc chuyển giao các khoản nợ xấu từ các ngân hàng thương mại cho Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC) của nhà nước.

[12] Ví dụ, theo đạo luật mới, một tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sẽ được hưởng quy định tương tự như một “nhà đầu tư trong nước” nếu tổ chức đó có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ ít hơn 51% vốn điều lệ. Trong trường hợp này, nhà đầu tư nước ngoài không cần làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Quy định trước đây yêu cầu các nhà đầu tư nước ngoài làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngay cả khi họ chỉ đầu tư vào 1% vốn điều lệ công ty địa phương.

[13] Năm 2011, chính phủ đặt mục tiêu cổ phần hóa 531 doanh nghiệp nhà nước đến cuối năm 2015, nhưng đến tháng 11 năm 2014, mới chỉ có 214 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa (Bộ Tài chính, 2015).

[14] Ví dụ, theo một quan chức cấp cao của Microsoft, 85% phần mềm của hãng này được sử dụng tại Việt Nam là bản sao chép lậu. Thông tin chi tiết có tại: https://www.microsoft.com/vietnam/news/genuineshop_090425.aspx. Việt Nam cũng nằm trong “danh sách theo dõi” bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ. Thông tin chi tiết có tại: https://ustr.gov/sites/default/files/2015-Special-301-Report-FINAL.pdf.

[15] Để biết một phân tích về những động lực gần đây trong quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ và Trung Quốc, xem Hiệp (2015).

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]