Nguồn: Nina L. Khrushcheva, “Alexievich’s Achievement,” Project Syndicate, 22/10/2015.
Biên dịch: Đặng Tấn Phước | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Đó là năm 1985, sự thay đổi hiện hữu mọi nơi ở Liên Xô. Các tổng bí thư già nua đều rơi rụng như ruồi. Tuyệt tác điện ảnh“Hãy đến và xem” của Elem Klimov tái hiện một Thế chiến II không có những trò anh hùng mà chúng tôi đã được bơm mớm, thay vào đó là làm nổi bật nỗi đau khủng khiếp mà con người phải chịu đựng. Cách tiếp cận của Klimov tương tự như của Svetlana Alexievich – chủ nhân giải Nobel Văn học năm nay – trong cuốn sách đầu tay của bà, Chiến tranh không mang gương mặt phụ nữ, được xuất bản một năm trước đó (1984).
Tuy nhiên, trong khi nhiều người đổ xô đi xem bộ phim của Klimov, cuốn sách của Alexievich có vẻ như không làm kích thích người đọc. Liên Xô, được cho là tiến bộ, vẫn gia trưởng từ gốc rễ. Phụ nữ có công việc, nhưng hiếm khi có sự nghiệp. Các nhà văn nữ làm thơ và viết văn rất tinh tế, và họ chính thức được công nhận (gần như) là ngang hàng với các đồng nghiệp nam; nhưng họ có xu hướng tránh các chủ đề nhất định – và chiến tranh là công việc của đàn ông.
Chính vì vậy mà Alexievich đã mở đầu cuốn Chiến tranh không mang gương mặt phụ nữ bằng những câu viết, “Đã có hơn 3.000 cuộc chiến trên thế giới, và sách còn nhiều hơn thế. Nhưng tất cả chúng ta chỉ biết về chiến tranh qua những gì đàn ông kể lại.”
Và đàn ông họ kể rất nhiều. “Chúng ta luôn nhớ đến chiến tranh,” Alexievich nhớ lại, “ở trường, ở nhà, ở đám cưới và lễ rửa tội, trong những ngày nghỉ và tang lễ. Chiến tranh và hậu chiến sống trong mái nhà của linh hồn chúng ta.” Quả thật, tôi đã nghe rất nhiều về chiến tranh đến nỗi khi cuốn Chiến tranh không mang gương mặt phụ nữ ra đời, tôi không còn hứng thú nghe thêm về nó – dù là nỗi đau khổ và sự hy sinh hay anh hùng và chiến thắng – từ bất cứ góc độ nào.
Gần một thập niên nhanh chóng trôi qua. Nước Mỹ đang rất quan tâm đến khía cạnh chính trị của vấn đề giới tính, và là một sinh viên tốt nghiệp ở đó, tôi thật xấu hổ khi tụt lại đằng sau. Vì vậy, cuối cùng tôi đã đọc Chiến tranh không mang gương mặt phụ nữ.
Trước sự ngạc nhiên của tôi, đó không phải là cuộc Thế chiến II mà tôi từng biết. Đúng hơn, đó là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy những cảm xúc mà người thân của tôi từng trải qua, khi họ chiến đấu và sống sót sau cuộc chiến. Những người như bà tôi chỉ nhắc đi nhắc lại câu chuyện mà đàn ông kể, phủ nhận hoàn toàn trải nghiệm của riêng bà. Nhưng trải nghiệm của bà cũng quan trọng, và Alexievich công nhận điều đó. Cuốn Chiến tranh không mang gương mặt phụ nữ đã truyền nhiều cảm hứng cho tôi đến mức một vài năm trước tôi đã viết cuốn sách của riêng mình, ghi lại chi tiết sự chịu đựng của những phụ nữ trong gia đình tôi trong một nước Liên Xô bị chiến tranh tàn phá.
Những cuốn sách khác của Alexievich cũng truyền cảm hứng nhiều như vậy. Cậu bé trong quan tài kẽm: Những tiếng nói Xô-viết từ Chiến tranh Afghanistan (1991) kể về một cuộc viễn chinh – cuộc chiến chín năm của Liên Xô ở Afghanistan – đã làm xói mòn văn hóa và con người Nga, trong khi Những tiếng nói từ Chernobyl: Lịch sử truyền khẩu của một thảm họa hạt nhân (1997) suy ngẫm về ảnh hưởng toàn cầu của thảm họa hạt nhân này. Phản ứng của dư luận với cả hai cuốn sách đều có nhiều chiều. Cả nhà nước lẫn người dân đều không biết họ cảm thấy như thế nào về Afghanistan hay Chernobyl – một cuộc bại chiến, và một thảm họa không thể nào lý giải nổi.
Alexievich đã miêu tả bà là “cái tai, không phải cây bút.” Bà lắng nghe và xây dựng một câu chuyện trước khi đặt bút viết. Tài năng của bà là công khai những điều bí mật, phơi bày những suy nghĩ mà mọi người sợ phải nghĩ đến.
Alexievich không hề né tránh những khía cạnh khủng khiếp trong đề tài của bà, ví dụ như một đoạn trích từ cuốn Chiến tranh không mang gương mặt phụ nữ: “Chúng tôi không chỉ bắn [tù nhân]… mà còn găm họ lên, như lợn, bằng các ống thông nòng, cắt thành từng miếng. Tôi tới quan sát… Tôi đợi tới thời điểm mắt của họ vỡ tung vì đau đớn.”
Trong khi giọng văn hiện thực một cách tàn khốc đến vậy có thể khiến người đọc không thoải mái (quả thật, đó là một trong những lý do tôi mất khá nhiều thời gian để đọc nó), chúng ta không thể nào làm ngơ trước sự thật, nhất là khi nó khiến chúng ta rùng mình.
Trung thực, táo bạo, và buồn – chứa đựng những câu chuyện về cuộc sống bị hủy hoại và đánh cắp, còn tệ hơn cả cái chết – những cuốn sách của Alexievich đã cho thấy làm thế nào góc nhìn của một người phụ nữ có thể nhân văn hóa những vấn đề của thế giới và giúp tất cả mọi người đều có thể hiểu. Một phần nào đó, những đóng góp văn học của Alexievich, được Ủy ban Nobel gọi là “đài tưởng niệm sự đau khổ và lòng dũng cảm trong thời đại chúng ta,” đứng ngang hàng với tiểu thuyết gia và nhà viết kịch người Áo Elfriede Jelinek, người được Ủy ban trao giải năm 2004 cho những phê phán theo tư tưởng nữ quyền về quá khứ phát xít và hiện tại gia trưởng của nước Áo.
Giờ đây, cũng như Jelinek, người có những tác phẩm hầu như vô danh đối với độc giả bên ngoài nước Đức cho đến khi bà đoạt giải Nobel, Alexievich cuối cùng cũng được ghi nhận vì những ảnh hưởng sâu sắc của bà. Giải thưởng của bà truyền tải một thông điệp mạnh mẽ – không chỉ về tài năng của bà, mà còn về tầm quan trọng của góc nhìn nữ quyền trong các vấn đề công.
Chắn chắn, Alexievich trước đây không phải là hoàn toàn vô hình. Tác phẩm của bà đã được dịch sang 20 thứ tiếng, với số ấn bản lên tới hàng triệu. Và cũng như nhiều người đoạt giải Nobel khác, bao gồm cả Jelinek, bà có vai trò tích cực trong xã hội dân sự, gần đây nhất là giữ lập trường phản đối Nga sáp nhập Crimea.
Thật thú vị là tần suất giải thưởng Nobel được trao cho phụ nữ đang ngày càng tăng. Năm 1991, Nadine Gordimer là phụ nữ đầu tiên trong hơn một phần tư thế kỷ được trao giải thưởng văn học này; giờ đây, nữ giới nhận được nó mỗi 2–3 năm một lần. Hơn nữa, vào mùa hè này, nhà văn và nhà phê bình văn học Sarah Danius đã trở thành phụ nữ đầu tiên trong lịch sử 200 năm đảm nhiệm vai trò thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển, nơi bình chọn chủ nhân giải Nobel Văn học.
Nhưng văn hóa gia trưởng mà từ đó Alexievich nổi lên còn lâu mới tàn lụi. Công nhận cách bà làm phong phú nhận thức của con người về những vấn đề khó khăn và từ lâu phản ánh tư duy đàn ông sẽ chỉ có thể có lợi, không chỉ cho những người phụ nữ bà truyền cảm hứng, mà còn cho cả những người đàn ông mà bà gây ảnh hưởng.
Tôi vừa đọc xong kiệt tác đáng sợ mới nhất của Alexievich, Thời gian Second–hand, một câu chuyện ghê rợn về chủ nghĩa tư bản hỗn loạn của Nga những năm 1990. Qua những cuộc phỏng vấn gần đây, Alexievich cho biết bà đang viết thêm hai cuốn sách – một về tình yêu, một về vấn đề lão hóa. Dù không muốn nhưng tôi sẽ đọc chúng.
Nina L. Khrushcheva, tác giả của các cuốn sách Imagining Nabokov: Russia Between Art and Politics và The Lost Khrushchev: A Journey into the Gulag of the Russian Mind, là Giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế và Phó Hiệu trưởng Trường Đại học The New School tại New York. Bà cũng là nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Chính sách Thế giới.
Copyright: Project Syndicate 2015 – Alexievich’s Achievement
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]