Thượng đỉnh Mã – Tập: Biểu tượng chứ không thực chất

Print Friendly, PDF & Email

8EF99ECC-06EA-4187-9195

Nguồn: Christopher Bodeen, “Historic China-Taiwan meeting about symbolism, not substance”, AP, 6/11/2015.

Biên dịch: Vũ Hồng Trang & Nguyễn Thùy Dương

Cuộc gặp mặt đầu tiên giữa chủ tịch Trung Quốc và tổng thống Đài Loan diễn ra hôm thứ Bảy đặt ra một thách thức lớn: Làm thế nào họ có thể đảm bảo vị trí của sự kiện này trong lịch sử khi không có gì thực chất diễn ra?

Không có bất cứ thỏa thuận hay tuyên bố chung nào được đưa ra và chỉ có một chương trình nghị sự mơ hồ được phác thảo; một sự phản ánh tính nhạy cảm ghê gớm xung quanh sự kiện này, đặc biệt là phía Đài Loan rất thận trọng với kế hoạch thống nhất của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, tính biểu tượng của khoảnh khắc gặp gỡ giữa hai bên là không thể phủ nhận, nhấn mạnh vào tính nghi thức, bầu không khí và cách nhìn nhận từ bên ngoài.

Brantly Womack, chuyên gia về Trung Quốc thuộc đại học Virginia cho biết cuộc gặp mặt này cơ bản là “nhằm để công nhận chứ không phải hướng tới các kết quả. Thông điệp nằm ở chính cuộc gặp gỡ”.

Chủ tịch Tập Cận Bình và tổng thống Mã Anh Cửu là những nhà lãnh đạo đầu tiên của hai bên có cuộc gặp gỡ chính thức kể từ khi lãnh thổ bị chia cắt trong cuộc nội chiến Trung Quốc năm 1949. Tổng thống Mã là một trong những người kế nhiệm Tưởng Giới Thạch, người đứng đầu phe Quốc Dân Đảng rút về hòn đảo Đài Loan, trong khi chủ tịch Tập giờ đây lãnh đạo lực lượng Cộng sản vốn đã giành chiến thắng dưới thời Mao Trạch Đông, người lập ra chính phủ ở Bắc Kinh.

Ngay từ đầu, việc sắp xếp cuộc gặp đã đòi hỏi sự linh hoạt và tính kiên nhẫn đặc biệt.

Theo phía Đài Loan, việc lên kế hoạch cho cuộc gặp gỡ hôm thứ 7 đã bắt đầu từ hai năm trước, và trở nên phức tạp bởi đòi hỏi phải đáp ứng các điều kiện phù hợp với thực tế Trung Quốc không công nhận chính phủ Đài Loan và  khẳng định “nguyên tắc một Trung Quốc”, tuyên bố Đài Loan và Trung Quốc thuộc cùng một quốc gia.

Trong khi đó, Chính phủ của tổng thống Mã luôn phải hết sức chú trọng tới quan điểm của nhân dân Đài Loan, nơi mà Quốc Dân Đảng chịu thất bại trong cuộc bầu cử năm ngoái, phần lớn là do chính sách thân Trung Quốc của họ. Giờ đây chính phủ của tổng thống Mã đang lao đao trước các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội diễn ra vào tháng 1 năm sau và sự phản ứng tiêu cực về cuộc gặp hôm thứ 7 hoàn toàn có thể hạ gục họ.

Tổng thống Mã đã cam kết không tới Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh không đồng tình việc hai bên gặp gỡ tại các diễn đàn đa phương như Hội nghị các nhà lãnh đạo diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương hàng năm. Cuối cùng, họ nhất trí lựa chọn địa điểm trung lập là Singapore nơi mà đa số dân chúng là người gốc Hoa, và là nơi chính phủ có mối quan hệ thân hữu với cả Đài Bắc và Bắc Kinh.

Hai lãnh đạo sẽ gặp mặt vào buổi chiều tại khách sạn Shangri-la sang trọng và tham dự dạ tiệc. Nhưng việc họ sẽ tương tác thế nào với hàng loạt cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế đổ xô tới thành phố – quốc gia Đông Nam Á để dõi theo sự kiện này thì vẫn chưa rõ.

Việc hai bên không công nhận lẫn nhau đòi hỏi một loạt các nghi thức lễ tân và các cơ quan chính phủ đặc biệt. Do hai nhà lãnh đạo không công nhận cách xưng hô danh vị của người kia, cả hai sẽ chỉ gọi đối tác bằng từ “Ngài” thay vì “Chủ tịch” hay “Tổng thống”.

Chưa từng có cuộc gặp giữa những người đứng đầu nhà nước nào diễn ra mà không thấy xuất hiện quốc kỳ, ít nhất là ở những nơi có máy quay. Mặc dù Đài Loan tỏ ra thoải mái hơn về vấn đề này, nhưng ngay cả những phái đoàn cấp thấp Trung Quốc tới Đài Loan cũng đe dọa hủy bỏ sự kiện trừ khi quốc kỳ của hòn đảo này được gỡ bỏ khởi các địa điểm họp.

Việc xác nhận chuyến thăm phía Trung Quốc không đến từ văn phòng chủ tịch Tập Cận Bình hay Bộ ngoại giao Trung Quốc, mà từ Văn phòng các vấn đề Đài Loan ở cấp nội các. Điều này phù hợp với việc Bắc Kinh một mực khẳng định các vấn đề liên quan đến hòn đảo này là vấn đề nội bộ chứ không phải quan hệ ngoại giao. Kiên quyết giữ vững lập trường tư tưởng, Bộ ngoại giao Trung Quốc tuần qua đã giao phó tất cả các vấn đề liên quan tới sự kiện gặp gỡ cho Văn phòng này, cho dù chủ tịch Tập đang tiến hành một cuộc gặp thu hút sự chú ý đông đảo tại nước ngoài.

Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV đã làm mờ huy hiệu có hình lá cờ Đài Loan gắn trên ve áo tổng thống Mã khi đưa tin một phần cuộc họp báo mà ông tổ chức vào thứ năm ở Đài Bắc để bàn luận về cuộc gặp gỡ.

Với việc không lãnh đạo nào đóng vai trò chủ nhà và do sự nhạy cảm đối với bất cứ dấu hiệu thể hiện sự lấn át có chủ đích nào, các cơ hội chụp ảnh và những sự kiện khác đều phải được điều khiển như sân khấu nhạc kịch: dàn dựng tỉ mỉ, hoạt cảnh thích hợp, và quan trọng nhất, kịch bản phải được thực hiện chu đáo.

Và như thường lệ, câu chuyện bắt tay luôn là vấn đề được bàn luận.

Năm 2005, tại cuộc gặp đầu tiên giữa các lãnh đạo Quốc Dân Đảng Đài loan và các lãnh đạo Cộng sản Đại lục trong vòng 60 năm, Bắc Kinh đã sắp xếp cho hai vị lãnh đạo trịnh trọng bước qua hội trường rộng lớn để hai bên gặp và tiến hành cái bắt tay lịch sử ở giữa.

Vào thời điểm đó, lãnh đạo Quốc Dân Đảng tuy không đang nắm quyền tổng thống nhưng cử chỉ hòa giải đã mở đường cho động thái thúc đẩy mối quan hệ hai bên dưới thời tổng thống Mã.

Với sức nặng lịch sử của cuộc gặp hôm thứ Bảy, các bên chắc chắn sẽ tìm cách để có được một cảnh tượng không kém phần long trọng.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]