Cuộc chạy đua chức Tổng thư ký Liên Hợp Quốc

Print Friendly, PDF & Email

20160130_eup502

Nguồn: The race for secretary-general, The Economist, 26/01/2016.

Biên dịch: Vũ Hồng Trang

Thời tổng thư ký Boutros Boutros-Ghali (người Ai Cập) và trước đó là Javier Pérez de Cuéllar (người Peru), một diễn viên hài người Anh nói vui rằng tiêu chí cốt lõi để trở thành tổng thư ký Liên Hợp Quốc là có một cái tên dài và khó phát âm. Luật bất thành văn từ trước tới nay quy định chức vụ này luân chuyển lần lượt qua các khu vực và giờ đây đến lượt Đông Âu, một khu vực với rất nhiều cái tên vô cùng khó phát âm, khiến người ta nghĩ rằng truyền thống sẽ được tiếp tục.

Hai ứng cử viên hàng đầu đều là nữ giới đến từ Bulgaria. Cả hai cái tên đều có cách phát âm tương đối giống như cách viết phiên âm sang tiếng Anh. Nhưng việc chính phủ Bulgaria sẽ đề cử ai đang làm khuấy đảo nền chính trị tại đất nước này.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc không thể đề xuất hoặc phủ quyết một văn bản pháp lý có tính ràng buộc, không có quyền ra lệnh triển khai quân đội chiến đấu hay ban hành các mệnh lệnh hành pháp, nhưng đôi khi họ có thể thiết lập chương trình nghị sự hoặc làm trung gian hòa giải giữa các bên tham chiến. Vì vậy, đối với các nước nhỏ mong muốn có một chút ảnh hưởng toàn cầu, việc đưa một công dân của họ vào vị trí hàng đầu của Liên Hợp Quốc  là một điều đáng mơ ước. Nhiệm kỳ thứ hai của tổng thư ký Ban Ki-Moon sẽ kết thúc vào năm 2017, và cuộc đua để kế nhiệm ông giờ đã diễn ra.

Chức vụ này được Hội đồng Bảo an lựa chọn, có nghĩa là Nga và Mỹ, hai thành viên thường trực, có rất nhiều ảnh hưởng. Đã có nhiều sức ép, đặc biệt từ phía Mỹ, nhằm chọn ra nữ tổng thư ký đầu tiên. Cuộc tranh cử cũng sẽ không thể tránh khỏi bê bối: ứng viên và các đồng minh của họ âm thầm vận động đấu đá lẫn nhau. Một số đã hứa sẽ sớm vạch trần bằng chứng tham nhũng của đối thủ. Các ứng viên phải cùng lúc chơi hai trò chơi trong ván cờ chính trị: trong nước, nhằm giành đề cử từ chính phủ của họ, và quốc tế, nhằm lấy lòng Washington và Moskva.

Hai nữ đối thủ người Bulgaria đều là những ứng viên nặng ký. Người thứ nhất là bà Irina Bokova, Tổng giám đốc UNESCO, tổ chức văn hóa và giáo dục của Liên Hợp Quốc. Đối thủ của bà là Kristalina Georgieva, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách vấn đề ngân sách. Tuần trước bà Georgieva trình bày một kế hoạch đầy tham vọng mới về tài trợ chương trình viện trợ nhân đạo, với tư cách là đồng chủ tịch của một hội đồng do ông Ban bổ nhiệm. Việc bổ nhiệm này cho thấy bà là lựa chọn hàng đầu của vị Tổng thư ký đương nhiệm.

Tại Sofia, thủ tướng Boyko Borisov đang chịu áp lực sẽ đề cử ai trong số hai người phụ nữ này. Thân cận với bà Georgieva và muốn giữ bà làm đồng minh tại EU, nhưng ông vẫn có khả năng đề cử bà. Trong khi đó, bà Bokova, thuộc phe đối lập, nhưng một đảng nhỏ trong liên minh cầm quyền đang đứng về phía bà. Ngày 14 tháng 1, lãnh đạo của đảng này đe dọa rút khỏi chính phủ nếu ông Borisov không đề cử bà. Bà Bokova đã từng nhận được sự ủng hộ từ Mỹ, nhưng bà đã tạo ra nhiều kẻ thù do bà vận động Washington chấp nhận chính quyền Palestine trở thành thành viên UNESCO năm 2011. (Mỹ đã chấm dứt đóng góp tài chính mà trước đó luôn chiếm 22% ngân sách tổ chức này). Bà hiện được xem là ứng cử viên mà phía Moskva có cảm tình.

Các diễn biến trong cuộc ganh đua được theo dõi chặt chẽ bởi một loạt các ứng cử viên nhẹ ký hơn, hy vọng hai ứng viên Bulgaria sẽ loại trừ lẫn nhau. Tuy nhiên, chính họ cũng gặp những trở ngại riêng. Vesna Pusic, Ngoại trưởng Croatia sắp mãn nhiệm, từ lâu khao khát chức vụ này, nhưng chính phủ Croatia sắp tới sẽ khó ít khả năng đề cử bà.

Nhóm ứng viên tiếp theo phải đối mặt với những bất lợi nhất định khiến họ “trượt từ vòng ngoài”, như cách nói của Richard Gowan thuộc Hội đồng châu Âu về Đối ngoại. Viẹc Danilo Turk, cựu tổng thống Slovenia, ra tranh cử đã không thu hút nhiều sự quan tâm. Igor Luksic, Ngoại trưởng Montenegro, ít có cơ hội được lựa chọn; chiến dịch của ông được cho là một cách đánh bóng hồ sơ cho một chức vụ quốc tế khác sau này. Srgjan Kerim, một cựu bộ trưởng ngoại giao Macedonia, thì tuyệt nhiên không có hy vọng.

Hai ứng viên khác còn cơ hội trong trường hợp các ứng viên Bulgaria thất bại là Vuk Jeremic, cựu Ngoại trưởng Serbia, và Miroslav Lajcak, Ngoại trưởng Slovakia (người đã cống hiến phần lớn sự nghiệp tại khu vực Balkan). Ông Jeremic trở nên đối đầu với nhiều nước phương Tây do vận động chống lại việc quốc tế công nhận nền độc lập của Kosovo năm 2008. Gần đây, ông đã tìm được các đồng minh có ảnh hưởng ở Mỹ để giúp vượt qua sự mất thiện chí trước kia, mặc dù vẫn cần phải thuyết phục chính phủ nước mình đề cử ông. Ông Lajcak là một ứng viên ngựa ô của cuộc đua. Nếu chính phủ Slovakia hiện tại tái đắc cử tháng 3 tới thì có thể ông sẽ được đề cử.

Nếu người Nga và người Mỹ không thể đồng tình về bất kỳ cái tên nào trong cuộc đua hiện tại, sẽ có nhiều cái tên khác còn tiềm ẩn đâu đó có thể “vụt sáng phút chót,” như lời ông Gowan nói. Một vài trong số họ thậm chí có thể không đến từ Đông Âu. Nhưng hiện nay, các ứng cử viên Balkan vẫn được coi là sáng giá nhất.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]