Nguồn: Reiji Yoshida, “Japan weighs course of action in disputed South China Sea“, The Japan Times, 06/11/2015.
Biên dịch: Vũ Hồng Trang
Khi căng thẳng ở Biển Đông leo thang xung quanh cuộc tuần tra gần đây của quân đội Mỹ nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở đó, các suy đoán hiện tập trung vào các động thái mà Nhật Bản có thể có tại khu vực này.
Vào hôm thứ Sáu, Thủ tướng Shinzo Abe đã thể hiện một phong thái mạnh mẽ khi phát biểu trước một hội nghị chuyên đề tại Tokyo rằng ông đang có kế hoạch huy động hợp tác quốc tế về bảo vệ các quy tắc hàng hải tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại Ankara và cuộc họp các nhà lãnh đạo diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Manila tháng này.
Một số quan chức quân sự và ngoại giao cấp cao của Mỹ đã thúc giục thủ tướng Abe cử Lực lượng Tự vệ tham gia tuần tra chung với Hoa Kỳ ở Biển Đông.
Abe cũng có thể tính toán được rằng làm như vậy là phù hợp với lợi ích của Nhật Bản nếu xét đến các khoản đầu tư chiến lược của nước này trong khu vực và một lượng lớn hàng hóa được vận chuyển từ Nhật và đến Nhật qua khu vực này mỗi ngày. Điều này cũng được cho là đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì liên minh quân sự với Hoa Kỳ.
Nhưng các quan chức cấp cao của chính phủ trao đổi với The Japan Times cho biết sẽ không có chuyện đó xảy ra.
Ba nhân vật am tường về quá trình ra quyết định chính sách an ninh của Nhật Bản cho biết Nhật đang không tính tới việc phái một đơn vị Lực lượng Tự vệ tham gia các cuộc tuần tra mà quân đội Mỹ đang thực hiện.
Một trong ba nhân vật nói trên là một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng cho biết Lực lượng Tự vệ Biển (MSDF) không có năng lực đủ lớn để triển khai máy bay tuần tra và tàu khu trục ở cả hai khu vực Biển Hoa Đông và Biển Đông cùng lúc.
“Không một ai thuộc Bộ Quốc phòng hiện nghĩ tới việc cử Lực lượng Tự vệ tới Biển Đông”, vị quan chức này cho biết với điều kiện giấu tên.
“Ưu tiên của chúng tôi là Biển Hoa Đông. Trước hết chúng tôi cần phải tập trung vào khu vực này”, quan chức này nói.
Một người khác trong số họ, cũng phát biểu với điều kiện giấu tên, cho rằng Nhật Bản không nên tham gia cái gọi là chiến dịch tự do hàng hải của Hải quân Mỹ, vốn tuần trước đã gửi tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen đi qua khu vực mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh hải của mình trong phạm vi 12 hải lý (22 km) xung quanh các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Các quan chức cảnh báo việc Nhật tham gia vào một hải trình đầy rủi ro như vậy sẽ là quá khiêu khích đối với Bắc Kinh và có thể “phản tác dụng”.
Kể từ năm 2012, Bắc Kinh thường xuyên đưa tàu chính phủ đến vùng Biển Hoa Đông để củng cố tuyên bố lãnh thổ đối với quần đảo Senkaku do Nhật kiểm soát, và đây được coi là một điểm nóng có thể dẫn đến bất kỳ cuộc đụng độ quân sự khả dĩ nào giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
MSDF vẫn thường xuyên triển khai các máy bay tuần tra P-3C và tàu khu trục ở vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku, mà trong tiếng Trung được gọi là Điếu Ngư, nhằm theo dõi và kiểm soát các tàu Trung Quốc.
Nếu Nhật Bản bắt đầu các hoạt động tuần tra ở Biển Đông, Tokyo sẽ cần phải giảm đáng kể quy mô đội tàu và các đơn vị máy bay hiện đang được huy động để bảo vệ quần đảo Senkaku, một lựa chọn mà các quan chức quốc phòng cho rằng không phải là không thể, nhưng “sẽ đặt ra một quyết định vô cùng khó khăn” cho Tokyo.
Trong tháng Sáu, người đứng đầu Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Đô đốc Harry B. Harris Jr., đã phát biểu trước giới truyền thông Nhật Bản tại Tokyo rằng Hoa Kỳ hoan nghênh sự tham gia của Nhật vào các hoạt động tuần tra ở Biển Đông.
Tất cả các nhà lãnh đạo hàng đầu của Nhật Bản, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Gen Nakatani và Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga đều chính thức công khai lặp lại một bình luận gần như giống hệt nhau khi được các phóng viên hỏi: Nhật Bản “hiện không có kế hoạch nào” về việc cử Lực lượng Tự vệ vào khu vực Biển Đông, nhưng “có thể xem xét điều này” tùy thuộc vào diễn biến tình hình.
Sự mơ hồ dễ thấy này đã làm dấy lên đồn đoán về ý định của Nhật Bản.
Bất chấp phát biểu của Harris, nguồn tin của chính phủ Nhật Bản nói rằng giới chức ngoại giao lẫn quốc phòng Mỹ đều chưa chính thức yêu cầu Nhật Bản cử đơn vị Lực lượng Tự vệ tới Biển Đông.
“Trước mắt, chúng tôi sẽ không cử Lực lượng Tự vệ tới Biển Đông,” một quan chức chính phủ cao cấp cho biết vào thứ năm vừa qua. “(Nhưng) chúng tôi cũng không loại trừ tất cả (lựa chọn) ngay lúc này,” quan chức trên nói thêm.
Vị quan chức cấp Bộ này cũng cho biết chẳng hạn như để tàu của MSDF đi qua Biển Đông trên đường trở về Nhật sau một cuộc tập trận ở nước ngoài là một lựa chọn có thể xảy ra trong tương lai.
Nhưng chưa có điều gì được quyết định, và việc liệu Nhật có tiến hành một hoạt động như vậy hay không còn phụ thuộc vào các diễn biến ở Biển Đông, vị quan chức cũng tiết lộ thêm.
Trong khi đó, một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên được trích lời bởi Reuters nói rằng Hải quân Mỹ có kế hoạch tiến hành các cuộc tuần tra trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo ở Biển Đông khoảng một quý hai lần.
Bonji Ohara, một nhà nghiên cứu tại Quỹ Tokyo (Tokyo foundation) và cựu giám đốc bộ phận tình báo tại Bộ tham mưu Lực lượng Phòng vệ Biển, cho biết theo quan điểm của ông, Nhật Bản nên tham gia vào các hoạt động tuần tra thường xuyên trên Biển Đông để duy trì tự do hàng hải cũng như để bác bỏ các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc trong khu vực.
Nhưng Ohara cũng cho rằng Nhật Bản không nên cho tàu khu trục của nước này đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo như Mỹ đã làm tuần trước với tàu Lassen.
Ohara chỉ ra rằng theo các hạn chế pháp lý chặt chẽ của Hiến pháp hòa bình Nhật Bản, một tàu của MSDF sẽ chỉ được phép tấn công nhằm mục đích tự vệ nếu một cuộc đụng độ quân sự với Trung Quốc xảy ra.
Nhật Bản không nên tham gia vào các cuộc tuần tra rủi ro như vậy, bởi lẽ không giống như quân đội Mỹ, Nhật Bản đã không có một “lựa chọn tiếp theo” để đối phó với một cuộc đụng độ quân sự có thể xảy ra với Trung Quốc, Ohara nói./.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]