Tập và Carter đưa ra lập trường đối lập về Biển Đông

Print Friendly, PDF & Email

7845845240_77df55c9f1_b

Nguồn: Ankit Panda, “Amid Tensions, US, China Assert South China Sea Positions”, The Diplomat, 09/11/2015.

Biên dịch: Vũ Hồng Trang

Gần hai tuần sau chuyến tuần tra nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải đầu tiên của Mỹ gần một hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông, căng thẳng vẫn đang ở mức cao. Vào ngày thứ Bảy, ở hai bên bờ Thái Bình Dương, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã có hai bài phát biểu song song về Biển Đông, nhấn mạnh sự khác biệt giữa lập trường của hai nước về vấn đề này.

Ông Tập trong chuyến thăm Singapore để dự cuộc gặp gỡ lịch sử với đối tác bên kia eo biển Đài Loan, tổng thống Mã Anh Cửu, đã có bài diễn văn tại Đại học Quốc gia Singapore, nơi ông thể hiện lập trường Trung Quốc rằng “các đảo ở Biển Đông đã là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời cổ đại”. ÔngTập cũng cho biết thêm “chính phủ Trung Quốc phải có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích hàng hải hợp pháp của Trung Quốc.”

Ông Tập cũng cho hay: “Một số người đã thổi phồng mối đe dọa của Trung Quốc. Điều này hoặc là do thiếu am hiểu về lịch sử, văn hóa và chính sách hiện tại của Trung Quốc, hoặc xuất phát từ một số hiểu lầm và định kiến, và có thể là do một số nguyên nhân ngầm nào đó.”

Mặc dù ngôn từ của ông Tập nhất quán với các tuyên bố về Biển Đông của bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Trung Quốc,  nhưng việc ông Tập đưa ra các tuyên bố này tại Singapore, một trung tâm của các hoạt động hàng hải thương mại ở Đông Nam Á, nhấn mạnh mức độ mà Trung Quốc muốn công khai làm rõ lập trường về Biển Đông sau khi Hải quân Mỹ bắt đầu thực hiện các cuộc tuần tra nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải.

Trong khi đó, ở bên kia Thái Bình Dương, tại Thư viện tổng thống Ronald Reagan ở California, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã có bài phát biểu dài về các kế hoạch của Hoa Kỳ đối với Biển Đông. Chính quyền Obama tỏ ra miễn cưỡng trong việc công bố các chi tiết cụ thể về chuyến tuần tra tiến hành tại quần đảo Trường Sa của tàu khu trục tên lửa dẫn đường USSLassen vốn đi vào phạm vi 12 hải lý quanh bãi Subi, phù hợp với các yêu cầu pháp lý quốc tế về việc “đi qua vô hại”.

Dù bộ trưởng Carter không cung cấp thêm chi tiết mới về chuyến tuần tra này, ông nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục các hoạt động tự do hàng hải của mình ở Biển Đông. “Chúng tôi đã tiến hành hoạt động này trước đó, và ở tất cả các nơi trên thế giới,” Carter nói. “Và chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện.” Vị Bộ trưởng Quốc phòng không tiết lộ thời gian cụ thể, nhưng các báo cáo trước đó cho biết Hoa Kỳ đang có kế hoạch thực hiện hoạt động này mỗi quý hai lần.

Carter cho biết thêm: “Cách Trung Quốc hành xử sẽ là phép thử thật sự cho cam kết của đất nước này đối với hòa bình và an ninh. Đây là lý do tại sao các quốc gia trong khu vực đang dõi theo hành động của Trung Quốc trong các lĩnh vực như hàng hải và không gian mạng.”

Carter cũng cho hay, “Hoa Kỳ cũng như hầu hết các quốc gia trong khu vực quan ngại sâu sắc về tốc độ và phạm vi của việc cải tạo đất ở Biển Đông,” nhấn mạnh việc Trung Quốc bị cô lập trong khu vực về vấn đề Biển Đông.

Với việc Hải quân Mỹ lên kế hoạch thường xuyên thách thức các yêu sách trên biển thái quá của Trung Quốc ở Biển Đông, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ ở mức cao. Mặc dù chuyến tuần tra khẳng định quyền tự do hàng hải đầu tiên của Mỹ mới chỉ vấp phải một phản ứng tướng đối nhẹ của Trung Quốc, vẫn chưa rõ sau này Bắc Kinh có lặp lại thái độ  kiềm chế tương tự trước các chuyến tuần tra khác của hải quân Mỹ hay không.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]