Căn cứ Mỹ khiến Okinawa muốn độc lập với Nhật

Map-okinawa-pref

Nguồn:US bases, other sore points fuel support for Okinawan independence”, Today Online, 04/11/2015.

Biên dịch: Ngô Việt Nguyên

Trong một văn phòng cũ kỹ ở bên dưới một phòng bida tại thành phố Naha, thủ phủ của Okinawa ở phía nam Nhật Bản, một nhóm nhỏ đang mơ ước về một đất nước mới.

Vây quanh bởi những lá cờ có ba ngôi sao trên hai lằn màu xanh dương, tượng trưng cho biển và vùng trời Okinawa, họ là đại diện cho một phong trào mới hồi sinh với mục đích là tuyên bố quần đảo Ryukyu, trong đó có đảo Okinawa, được độc lập khỏi nước Nhật.

“Sự ủng hộ độc lập cho quần đảo Ryukyu ngày càng tăng lên”, ông Chousuke Yara, một ứng cử viên tranh cử vốn ủng hộ phong trào, nói. “Mọi người đang dần hiểu là quần đảo Okinawa từng là một phần của vương quốc Ryukyu, sau đó bị Nhật xâm chiếm và bị Nhật hóa thông qua giáo dục”.

Phong trào còn một con đường dài phải đi: một cuộc thăm dò gần đây với các cư dân của đảo cho thấy tỉ lệ ủng hộ độc lập hiện tại chỉ ở 8 phần trăm. Nhưng thêm 21 phần trăm số người được thăm dò ủng hộ phân quyền hoàn toàn cho địa phương, và 88 phần trăm muốn nhiều quyền tự trị hơn – một dấu hiệu cho thấy cảm giác xa lánh phần còn lại của nước Nhật ngày càng tăng và điều này có hệ quả sâu sắc đến an ninh khu vực.

Người dân Okinawa biểu tình phản đối các căn cứ quân sự của Mỹ. Nguồn: Reuters.

Chuỗi đảo Ryukyu, trải dài 1000 km từ Đài Loan đến đất liền Nhật, là rào cản tự nhiên giữa Trung Quốc và Thái Bình Dương. Đảo Okinawa là một điểm mấu chốt trong sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Á, với các căn cứ Mỹ bao phủ khoảng 20 phần trăm diện tích đảo.

Hiện tại có nhiều luồng ý kiến về vấn đề an ninh trong phong trào đòi độc lập, ông Yara cho biết. Nhưng ý tưởng của ông về một nước cộng hòa hòa bình và không liên kết sẽ làm bất kỳ nhà hoạch định quân sự Mỹ nào cũng phải lạnh sống lưng.

“Quần đảo Ryukyu và Trung Quốc luôn luôn có mối quan hệ thân thiện, vì thế không có lý do gì để nghĩ rằng chế độ Trung Quốc hiện tại sẽ gây khó dễ với chúng tôi,” ông nói. “Ví dụ như, nếu Nhật có thái độ gây hấn với chúng tôi, chúng tôi có thể liên minh với Trung Quốc hoặc Đài Loan, hoặc ngược lại, chúng tôi có thể liên minh với Mỹ và Nhật.”

Những oán giận về các căn cứ của Mỹ vẫn là một điểm nóng trong mối quan hệ giữa Okinawa và phần còn lại của Nhật sau những vụ việc như chuyện một nữ sinh địa phương bị một lính Mỹ cưỡng hiếp vào năm 1995, hay việc một trực thăng Mỹ bị rơi vào năm 2004. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe muốn di dời căn cứ trực thăng gây tranh cãi tại Futenma đến vịnh Henoko ở phía bắc của đảo, nhưng người dân địa phương muốn căn cứ phải bị đóng cửa hoặc dời khỏi đảo.

Ông Takeshi Onaga, thống đốc được người dân ủng hộ rộng rãi của Okinawa, gần đây rút lại giấy phép cho việc xây lại một căn cứ mới tại Henoko. Tuần trước ông Abe lấy được một trát của tòa chống lại ông Onaga và cho phép tiếp tục xây căn cứ. Những người biểu tình cao tuổi ở ngoài khu vực xây căn cứ tại Henoko bị cảnh sát kéo đi sau quyết định của ông Abe.

Ông Onaga – người được bầu vào năm ngoái với sứ mệnh chống lại việc chuyển căn cứ Futenma đến Henoko – nói: “Tôi không thể kìm nén sự tức giận tột độ của mình. Sự cưỡng ép vẫn tiếp tục”.

Tiến sĩ Maasaki Gabe, một giáo sư tại Đại học Ryukyu, đồng ý rằng người Okinawa cảm thấy xa lánh chính phủ Tokyo. “Mọi người cảm thấy họ là người Nhật, nhưng họ cũng cảm thấy bị phân biệt đối xử bởi chính quyền Tokyo”, ông nói.

Một vụ việc tương tự như là vụ cưỡng hiếp hay rơi trực thăng sẽ làm thay đổi ý kiến sang phía ủng hộ độc lập, ông cho biết thêm. “Nếu có một vụ việc lớn, và nó không được giải quyết một cách thỏa đáng đối với người Okinawa, thì ảnh hưởng sẽ rất nghiêm trọng.”

Những tranh cãi về các căn cứ của Mỹ là vấn đề quan trọng nhất giữa Okinawa và chính quyền trung ương, nhưng hòn đảo cũng tách biệt khỏi Nhật trên những phương diện khác. Với tỷ lệ sinh sản cao nhất nước Nhật, dân số của đảo già đi chậm hơn. Và khác với đất liền, nền kinh tế của đảo tăng trưởng nhanh.

Các du khách từ châu Á bị cuốn hút bởi sự pha trộn giữa vẻ đẹp cận nhiệt đới và nền văn hóa thành thị: con số khách du lịch tăng 10 phần trăm vào năm trước lên đến 7 triệu lượt khách, với số khách du lịch từ Trung Quốc ngày càng tăng.

Okinawa cũng đang cố gắng quảng bá vị trị chiến lược của đảo như là một trung tâm trung chuyển hàng hóa đến các doanh nghiệp. Mức độ phụ thuộc về kinh tế của đảo vào các căn cứ quân sự giờ chỉ còn 5 phần trăm.

“Chúng ta đã đi từ chỗ một nền kinh tế phụ thuộc vào các căn cứ đến chỗ các căn cứ đang níu chân chúng tôi lại,” tiến sĩ Masahi Tomochi, một giáo sư kinh tế tại Đại học Quốc tế Okinawa và là một lãnh đạo của phong trào đòi độc lập, phát biểu.

Tiến sĩ Tomochi có thể nhìn thấy căn cứ Funtema từ văn phòng của ông. Ông đã đến Scotland vào năm ngoái để ủng hộ chiến dịch của Scotland đòi độc lập khỏi Vương Quốc Anh và trở về với nhiều cảm hứng. Okinawa bị xâm lược bởi các samurai của vùng Satsuma vào năm 1609, sáu năm sau khi vua James đệ Nhất hợp nhất ngôi vua của Scotland và Anh.

“Phân biệt đối xử không phải là một điều của quá khứ – chúng tôi vẫn đang bị phân biệt đối xử,” ông nói. “Trước tiên, chúng tôi cần mọi người biết về lịch sử của quần đảo Ryukyu. Sau đó, chúng tôi có thể nghĩ đến tương lai”.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]