13/11/1982: Mỹ khánh thành Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam

vietnam-war-memorial

Nguồn:Vietnam Veterans Memorial dedicated,” History.com (truy cập ngày 12/11/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1982, gần cuối tuần lễ tưởng niệm những lính Mỹ đã phục vụ trong Chiến tranh Việt Nam, Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam đã được khánh thành tại Washington sau một cuộc diễu hành của hàng ngàn cựu chiến binh tới khu tưởng niệm. Đài tưởng niệm được mong đợi từ lâu này là một bức tường đá granite đen hình chữ V có khắc tên của 58.300 người Mỹ (tính đến tháng 5 năm 2014) tử trận trong cuộc xung đột, được sắp xếp theo thứ tự ngày tháng hy sinh, thay vì thứ tự cấp bậc, như phổ biến ở các đài tưởng niệm khác.

Người thiết kế đài tưởng niệm là Maya Lin, sinh viên kiến trúc tại Viện Đại học Yale, người thắng cuộc trong một cuộc thi thiết kế toàn quốc. Lin sinh năm 1959 tại Ohio, là con gái của một gia đình nhập cư người Trung Quốc. Nhiều nhóm cựu chiến binh đã phản đối thiết kế thắng giải của Lin, do nó thiếu những bức tượng anh hùng của một tượng đài tiêu chuẩn (sau này bức tượng Ba người lính [The Three Soldiers] đã được dựng lên để duy trì truyền thống cũ, và còn có tượng của ba phụ nữ chăm sóc một binh sĩ bị thương để tưởng niệm những phụ nữ Mỹ đã phục vụ trong Chiến tranh Việt Nam) và những từ ngữ gây xúc động.

Tuy nhiên, ý kiến dư luận đã thay đổi đáng kể trong những tháng sau khi đài tượng niệm được khánh thành. Những cựu chiến binh và thân nhân của những người đã mất trong Chiến tranh Việt Nam bước dọc theo bức tường đen bóng, tìm tên của những người thân yêu của họ đã bỏ lại sinh mạng trong cuộc xung đột. Khi đã tìm thấy, khách tham quan thường để lại một dấu khắc hay vật riêng tư nào đó, từ những lời nhắn nhủ và hoa đến thẻ bài quân nhân và những lon bia.

Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam nhanh chóng trở thành một trong những đài tưởng niệm được viếng thăm nhiều nhất ở thủ đô nước Mỹ. Một vị giám đốc của Viện Smithsonian (tổ hợp viện nghiên cứu và bảo tàng của chính phủ) đã gọi nó là “một cộng đồng của những cảm xúc, gần như là một khu vực linh thiêng,” và một cựu chiến binh đã tuyên bố rằng “đó là một cuộc diễu hành mà chúng tôi chưa bao giờ có.” “Bức tường” là nơi quy tụ cả những người đã chiến đấu trong cuộc chiến lẫn những người phản chiến, và thúc đẩy sự hàn gắn vết thương quốc gia một thập niên sau khi cuộc xung đột gây chia rẽ trong lòng nước Mỹ chấm dứt.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]