Nguồn: Richard Cohen,”The Paris attacks change everything“, The Washington Post, 14/11/2015.
Biên dịch: Nguyễn Ngọc Tường Ngân | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Tất cả mọi thứ đã thay đổi.
Ngay sau các cuộc tấn công Paris, thật khó để tưởng tượng (bác sĩ) Ben Carson vào làm chủ Nhà Trắng. Thật khó có thể hình dung một người thiếu kinh nghiệm đối ngoại như vậy lại đóng vai trò tổng tư lệnh quân đội. Cũng không thể nghĩ tới cảnh Donald Trump ngồi trong Phòng Bầu dục. Sẽ thật kinh hoàng khi nghĩ tới cảnh ông ta ngồi đó, suy nghĩ về thế giới như một trò chơi cờ – đương nhiên là trò chơi về bất động sản, có thể là trò Monopoly- với niềm tin rằng thế giới sẽ tuân phục theo sự vĩ đại của mình. Tương tự, cũng sẽ thật khó để tưởng tượng ra cảnh Carly Fiorina ngồi đó, một người cũng nghĩ rằng tham vọng đồng nghĩa với kinh nghiệm. Bernie Sanders cũng vậy, đã hết thời rồi. Đột nhiên, các ngân hàng lớn là vấn đề nhỏ nhặt nhất đối với chúng ta.
Các cuộc tấn công hôm thứ Sáu đã thay đổi thế giới theo những cách cơ bản. Các mục tiêu tấn công là những mục tiêu mềm. Họ được chọn một cách nếu không phải ngẫu nhiên thì cũng không thể đoán trước được. Hầu như không thể bảo vệ được hết mọi nhà hàng, quán rượu, ngay cả các nhà hát. Đây là vụ tấn công khủng bố mà ý định là nhằm gieo rắc nỗi sợ hãi, khiến toàn bộ xã hội rúng động đến gốc rễ. Sẽ mất một vài ngày, nhưng mục đích đó sẽ trở thành hiện thực bất chấp những lời trấn an của các nhà lãnh đạo chính trị và việc người ta ca vang bài “La Marseillaise” trong sân vận động.
Châu Âu tràn ngập người nhập cư Hồi giáo. Ngay cả trước cuộc khủng hoảng hiện nay, Pháp có khoảng 10 phần trăm dân số là người Hồi giáo. Hiện tại, các nước châu Âu như Ba Lan đang phản kháng, nói rõ rằng họ đã chịu đựng đủ rồi. Trung và Nam Âu đang trong một cơn sốt xây hàng rào. Đức, bất ngờ là một thủ đô của lòng khoan dung, sẽ bắt đầu kiểm soát chặt chẽ. Châu Âu chưa bao giờ giỏi đồng hóa người nhập cư. Họ sẽ bắt đầu giỏi hơn trong việc trấn áp.
Nói với người dân rằng việc tiếp nhận di dân quy mô lớn sẽ làm họ bị mất tiền là một chuyện. Nói rằng điều đó sẽ làm cho họ kém an toàn hơn là một chuyện khác. Điều đó tất nhiên sẽ là một thông điệp, và nó sẽ nhận được sự hưởng ứng. Rốt cuộc, một trong những kẻ khủng bố được xác định là người Syria đã đến Pháp với tư cách người tị nạn. Một chính phủ không thể làm cho người dân của mình cảm thấy an toàn là một chính phủ mà bản thân nó không an toàn. Nó sẽ không tồn tại được lâu dài. Cuộc tàn sát ở Paris sẽ khiến người ta nghiêng về xúc cảm hơn là lý trí. Châu Âu sẽ rẽ sang cánh hữu- có thể ở một mức độ hết sức cực đoan.
Ở Mỹ, những người theo tư tưởng biệt lập – như Thượng nghị sĩ Ted Cruz (Đảng Cộng hòa-Texas) và Rand Paul (Hạ nghị sĩ-Kentucky.), vv… – sẽ chỉ ra rằng các cuộc tấn công ở Paris có thể là cái giá phải trả cho các cuộc tấn công của Pháp vào Nhà nước Hồi giáo. Có thể như vậy thật. Quan điểm này cũng có thể nhận được sự ủng hộ, nhưng chúng ta bị tấn công 15 năm trước đây không vì một lý do rõ ràng nào, và chúng ta có thể bị tấn công một lần nữa. Chúng ta có thể không coi Nhà nước Hồi giáo là kẻ thù, nhưng ở đây không chỉ không có sự có đi có lại, mà còn thực tế rằng chúng ta bị (một số kẻ) coi là kẻ thù của tất cả thế giới. Thế giới đã trở nên quá nhỏ và quá nguy hiểm đối với những người theo tư tưởng biệt lập. Nó quá phức tạp để những tay nghiệp dư bốc đồng có thể chèo chống. Những ngày đen tối đang đến.
Trong một bài viết mang tính tiên tri cho tờ Sunday Times của London, trợ lý ngoại trưởng James Rubin vào ngày 8 tháng 11 đã dường như dự báo trước được các cuộc tấn công ở Paris: “Hãy nghĩ về điều này. Hãy tưởng tượng nếu các lãnh đạo (của Nhà nước Hồi giáo) quyết định đã đến lúc trả thù hơn chục quốc gia trong liên minh quốc tế không kích ISIS. Hãy tưởng tượng chính những người đã đốt sống một phi công người Jordan, chặt đầu các nhà báo và hãm hiếp các cô gái trẻ được thả ra trên các đường phố của London, Berlin, New York, Paris và Los Angeles.” Đối với Paris thì chúng ta không còn phải tưởng tượng nữa.
Chúng ta không thể làm ngơ hoàn cảnh của Trung Đông. Cũng như Hoa Kỳ từng không thể tán thành một châu Âu phát-xít, giờ chúng ta cũng không thể chấp nhận một Trung Đông phát-xít. Đây không phải là một cuộc đụng độ của các tôn giáo; đó là một cuộc đụng độ của các tư tưởng. Những người chết và bị thương ở Paris bị bắn không phải vì họ là người Công giáo, Hồi giáo hay Do Thái giáo, mà bởi vì họ là người Pháp.
Richard Cohen là nhà bình luận chuyên mục chính trị hàng tuần cho tờ The Washington Post.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]