Sẽ không có kịch tính ở thượng đỉnh APEC Manila

Print Friendly, PDF & Email

apec-road-metro-manila-20151103-1

Nguồn: No thriller in Manila for APEC”, The Economist, 14/11/2015.

Biên dịch: Vũ Hồng Trang

Hội nghị thượng đỉnh hàng năm của diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC)  thú vị bởi nhân vật tham gia hơn là bản thân chương trình nghị sự của nó. Được thành lập vào năm 1989 và bao gồm 21 thành viên, diễn đàn này thu hút các sáng kiến ​​có giá trị để thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ của lãnh đạo các quốc gia APEC trong năm nay tại Manila vào ngày 18 và 19 tháng 11, với sự có mặt của Chủ tịch Trung Quốc, tổng thống Mỹ và Nga cùng những nhân vật cấp cao khác, luôn dễ vướng phải những cuộc ganh đua địa chính trị. Năm nay, cuộc gặp gỡ phải đối mặt với một thử thách lớn hơn: 12 thành viên APEC đã kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định thương mại nhằm đạt được nhiều mục tiêu của APEC nhưng nằm bên ngoài khuôn khổ của nó. Điều này đặt ra câu hỏi, nếu TPP thành hiện thực thì rốt cuộc sự tồn tại của APEC có ý nghĩa gì?

Trung Quốc đã cố gắng để đảm bảo rằng vấn đề gây tranh cãi địa chiến lược là việc nước này liên tiếp xây dựng đảo nhân tạo tại Biển Đông sẽ không được đưa ra thảo luận. Chủ nhà của APEC lần này là Philippines, nước vốn táo bạo nhất trong các quốc gia thách thức yêu sách trên biển của Trung Quốc, và là bên nguyên tiến hành các hành động pháp lý quốc tế chống lại các yêu sách đó, đã chấp nhận không đề cập đến vấn đề này tại APEC. Hoa Kỳ, nước gần đây đã đối đầu với lãnh đạo Trung Quốc bằng cách cử một tàu chiến tới gần một trong những hòn đảo mới được xây dựng của Trung Quốc, có lẽ cũng sẵn lòng thảo luận các vấn đề khác.

Lý do thứ nhất là Barack Obama sẽ phải trấn an 11 quốc gia thành viên TPP khác rằng thỏa thuận của họ, vốn phải mất hàng năm trời mới đạt được, cuối cùng sẽ được Quốc hội Mỹ phê chuẩn bất chấp sự phản đối từ phía các nghị sĩ. Hơn nữa, hầu hết 11 quốc gia thành viên còn lại cũng phải đối mặt với các nhóm lợi ích cố hữu mạnh mẽ ngay tại sân nhà. Ở các nước từ Nhật Bản cho đến Việt Nam, đó là một phần mục đích gia nhập TPP: thúc đẩy cải cách kinh tế. Nếu lợi ích cơ bản từ TPP – tức việc tiếp cận thị trường Mỹ rộng mở hơn – thiếu tính chắc chắn, thì họ sẽ rút lui.

Tuy nhiên, các quốc gia APEC khác chưa tham gia TPP đã bày tỏ sự quan tâm tới việc gia nhập TPP: Hàn Quốc, Philippines, và thậm chí ngay cả Indonesia vốn luôn có xu hướng bảo hộ. Và mặc dù tổng thống Obama đã cho thấy TPP là một cách để chống lại Trung Quốc và củng cố vai trò lãnh đạo kinh tế của Mỹ, chính Trung Quốc cũng không loại trừ khả năng tham gia. TPP rốt cuộc sẽ đòi hỏi một ban thư ký lớn, một cơ chế giải quyết tranh chấp và sẽ lập ra các quy định. APEC, vốn chỉ có một ban thư ký nhỏ và một cách tiếp cận “chủ nghĩa đơn phương có phối hợp” không thực chất (trên thực tế các quốc gia đạt đồng thuận rồi sau đó tự tung tự tác), có thể không còn gây ảnh hưởng nữa.

Số phận của nó rất có thể phụ thuộc vào Trung Quốc. Hiện tại,  Trung Quốc dường như muốn sử dụng APEC nhằm theo đuổi một Khu vực Thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương rộng lớn hơn, bao gồm tất cả các thành viên APEC, chiếm gần ba phần năm GDP toàn cầu và hơn một nửa thương mại thế giới. Nếu mở rộng, nó sẽ liên kết TPP với một hiệp định thương mại khu vực được cho là bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ, mà Ấn Độ hiện tại chưa góp mặt trong APEC. Nỗ lực gia nhập APEC của Ấn Độ là một vấn đề lớn khác chưa được đưa ra thảo luận ở Manila. Cả Mỹ và Trung Quốc đều có vẻ không vội vàng thúc đẩy điều đó; cả hai nhận thức được rằng để Ấn Độ gia nhập sẽ càng làm cho các cuộc thảo luận thương mại của APEC phức tạp thêm.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]