Nguồn: John Sawers, “Intelligence failure or not, Germany and Britain are now at risk”, Financial Times, 15/11/2015.
Biên dịch: Tấn Phước | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Cuộc tấn công khủng bố ở Paris diễn ra ngay sau vụ rơi máy bay Nga ở bán đảo Sinai (Ai Cập), vụ đánh bom vào thành trì của du kích Hizbollah ở Beirut, và vụ tấn công người Kurd ở Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ). Đã có 500 người bị giết và nhiều người bị thương trong mấy tuần qua. Tổ chức nhà nước hồi giáo tự xưng ISIS đứng ra nhận trách nhiệm cho 3 vụ đầu tiên và bị tình nghi đứng sau vụ thứ tư.
Vậy chiến lược của các “chiến binh Hồi giáo” là gì? Chúng muốn thu hút người nước ngoài hay khiến họ sợ hãi rời xa chúng? Tôi không chắc đó là cách suy nghĩ của chúng.
Cái mà ISIS muốn chính là sự hỗ loạn ở Syria, và cả ở Iraq, từ đó, chúng có thể kiểm soát lãnh thổ và tài nguyên để xây dựng nhà nước Hồi giáo theo kiểu “caliphate”. Chúng chắc hẳn là không có ý định lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, người đang hữu ích trong vai trò là mục tiêu lật đổ của người Sunni.
Thay vào đó, đang có sự hợp tác ngầm giữa ISIS và chế độ của ông Assad: tránh xung đột trực tiếp, giao dịch dầu và cùng tấn công các dân quân ôn hòa.
ISIS muốn tận dụng nỗi sợ hãi chiến tranh và khủng bố để tuyển mộ thêm quân. Lựa chọn tốt nhất cho bọn chúng là một cuộc xung đột được thể hiện như là giữa người Hồi giáo và những kẻ “ngoại đạo”. Mâu thuẫn giữa người Sunni và Shia cũng có lợi cho ISIS bởi vì chúng muốn người Sunni ở Trung Đông và khắp nơi xem chúng như một người đại diện cho họ. Trong suy nghĩ của chúng, vụ khủng bố ở Paris là một hình thức biểu dương lực lượng. Chúng muốn tình hình sôi sục để thu hút thêm nhiều người Hồi giáo ở Châu Âu tham gia vào sự nghiệp của mình.
Có 2 điều ISIS không muốn: Thứ nhất, sự can thiệp tổng lực bằng bộ binh của NATO và Nga. Điều này sẽ làm tổn thất các căn cứ của chúng ở đông Syria và tây Iraq. ISIS tính toán, có thể đúng, rằng sau các cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, các nước phương Tây hoặc Nga sẽ không có mong muốn tiến hành thêm một cuộc chiến như vậy. Việc Tổng thống Pháp Francois Hollande đề cập tới chiến tranh khó có thể dẫn tới việc cam kết phòng vệ tập thể của NATO theo điều khoản số 5 (hiến chương tổ chức này) sẽ được khởi động một cách có ý nghĩa.
Thứ hai, đó là một thỏa thuận hòa bình dẫn đến một chính phủ mới ở Syria. Nếu có một dàn xếp theo hướng thỏa hiệp với người Sunni – một giả thiết rất khó xảy ra do nó buộc ông Assad sẽ phải ra đi – ISIS có thể sẽ mất dần sự hấp dẫn của mình. Khả năng này củng cố quyết tâm của các ngoại trưởng Mỹ, Nga, Châu Âu và Trung Đông vốn sẽ gặp mặt vào thứ 7 này ở Vienna (Áo) để tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc chiến ở Syria.
Diễn biến ngoại giao luôn thể hiện những gì diễn ra trên thực địa. Việc Nga can thiệp quân sự vào Syria và nhắm vào các lược lượng chống chính phủ đã giúp điện Kremlin và đồng minh – chế độ Assad – có lợi thế hơn trên bàn đàm phán. Nếu phương Tây muốn định hình kết quả đàm phán, vai trò quân sự của họ cần mạnh dạn hơn, thay vì chỉ có các cuộc không kích hạn chế và cung cấp vũ khí cho các chiến binh ôn hòa chống ông Assad như hiện nay.
Vậy tại sao ISIS tấn công Pháp?
Chúng ta thấy rằng, Paris đang dẫn đầu nỗ lực chống các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Sahel (vùng phía nam Sahara – Châu Phi) và ở Syria. Người Hồi giáo chưa hòa nhập tốt ở Pháp và đa phần có nguồn gốc Bắc Phi, và họ sẽ tự cảm thấy có sự liên quan ít nhiều với các cuộc xung đột ở thế giới Ả-rập hơn là người Hồi giáo Nam Á ở Anh hay người Thổ ở Đức. Điều này khiến người Hồi giáo ở Pháp dễ đồng cảm với luận điệu của ISIS hơn.
Một vài người hỏi rằng có hay chăng những thiếu sót tình báo trong việc ngăn chặn thảm kịch ở Paris. Chúng ta chưa thể trả lời được. Các cuộc tấn công rất phức tạp, và được lên kế hoạch kỹ lưỡng bởi các phần tử có kỹ năng tốt. Tất nhiên, một vài phần tử này đã được các cơ quan an ninh ở Pháp biết tới, và sẽ đáng báo động hơn nhiều nếu các thủ phạm đều là những người “trong sạch” từ trước tới nay. Chúng ta cần biết được bọn chúng đã lên kế hoạch như thế nào, liên lạc ra sao, đào tạo ở đâu và các dấu vết để lại trước vụ tấn công hôm thứ 6 là gì.
Cơ quan an ninh Pháp sẽ phải tiếp tục tìm ra câu trả lời với sự giúp đỡ từ các đối tác khắp Châu Âu. Họ đang dốc toàn lực để kiểm soát các nguy cơ đang leo thang trong nước. DGSI, Cơ quan An ninh Nội địa, đang phải thay đổi cách tiếp cận từ hướng dựa vào cơ quan cảnh sát sang hướng dựa vào cơ quan tình báo nhằm nắm bắt các mối đe dọa hiện đại. DGSE, Cơ quan An ninh Hải ngoại, được giao nhiệm vụ theo đuổi các lợi ích của Pháp ở nước ngoài hơn là hỗ trợ an ninh nội địa. Năng lực chặn tin của Pháp tập trung vào cơ quan tình báo hải ngoại và do đó khó hỗ trợ cho các hoạt động chống khủng bố ở Pháp. Trong khi đó, việc chống khủng bố đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ trong việc cài đặc vụ thâm nhập, chặn tin và phân tích khối lượng lớn dữ liệu. Hợp đồng tác chiến là rất quan trọng. Ở Anh, chúng tôi chỉ nâng cao được năng lực này sau vụ đánh bom London năm 2005. Ở Pháp, cải cách các cơ quan an ninh, vốn đang được tiến hành bởi vị thủ tướng cứng rắn Manuel Valls, rõ ràng là cần được tăng tốc.
Vụ tấn công tiếp theo có khả năng sẽ không diễn ra ở Pháp nữa. ISIS muốn toàn Châu Âu bị phân cực – nhất là kích thích sự thù địch đối với những dòng người tị nạn đang tràn vào. Chúng muốn các lực lượng cực hữu mạnh thêm, qua đó càng làm cô lập cộng đồng người Hồi giáo ở Châu Âu. Nước Đức rất dễ bị nhắm tới bởi một cuộc tấn công sẽ làm suy yếu vị thế của bà Angela Merkel và làm phân cực quan điểm chính trị. Cũng nhiều khả năng cuộc tấn công tiếp theo là ở London. Theo ông Andrew Parket – giám đốc MI5 (Cơ quan An ninh Nội địa Anh), đã có 6 âm mưu tấn công bị triệt phá trong năm nay, mặc dù tôi nghĩ không có âm mưu nào có quy mô lớn như vụ diễn ra ở Paris.
Các toan tính chính trị và sự sẵn có của các phần tử khủng bố (nằm vùng) là các yếu tố quyết định nơi diễn ra các cuộc tấn công tiếp theo của ISIS. Nhưng nhiều khả năng là sẽ có thêm các cuộc tấn công khác. Việc này đem đến thách thức không chỉ cho các cơ quan tình báo. Các cuộc chiến tranh ở các khu vực lân cận Châu Âu giờ đang lan tới các bờ biển của chúng ta, và các chính phủ Châu Âu – đặc biệt là Pháp, Đức và Anh – sẽ phải dẫn dắt các nỗ lực ứng phó. Chúng ta không thể trông chờ người Mỹ tới giải cứu.
John Sawers là chủ tịch công ty tư vấn Macro Advisory Partners, và là cựu giám đốc MI6, Cơ quan Mật vụ Anh.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]