Liệu bà Suu Kyi có trở nên độc đoán?

0,,15852863_303,00

Nguồn:Suu Kyi, long a symbol of dignified defiance, sounds a provocative note”, The New York Times, 17/11/2015.

Biên dịch: Trần Văn Thắng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Hai thập kỷ qua, bà Aung San Suu Kyi là một biểu tượng rạng rỡ của sự phản kháng bất bạo động một cách chân chính. Phần lớn khoảng thời gian đó bà bị quản thúc tại gia bởi các tướng lĩnh vốn đã cai trị Myammar trong nửa thế kỷ qua. Ngày nay, bà đang ở đỉnh cao của sự ngưỡng mộ và quyền lực tại quốc gia này vì đã lãnh đạo đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà đi tới thắng lợi lớn vào tháng này trong các cuộc bầu cử quốc hội làm đảo ngược cấu trúc quyền lực của Myanmar.

Bà đã đặt sự hòa giải với các tướng lĩnh ở một vị trí cao trong chương trình nghị sự, nhưng khi bà chuyển sang địa vị thống trị, ngôn từ của bà cũng đã trở nên khiêu khích.

Sự khiêu khích đầu tiên của bà đến ngay trước cuộc bầu cử ngày 8/11, khi bà gạt sang một bên quy định của Hiến pháp ngăn cản bà nắm quyền Tổng thống bởi vì bà là vợ của một người nước ngoài và mẹ của những đứa con sinh ra ở nước ngoài.

Bà tuyên bố một câu vốn đã bị phản ứng xung quanh đấu trường chính trị rằng: “Tôi sẽ ở trên Tổng thống. Tôi sẽ điều hành chính phủ và chúng tôi sẽ có một Tổng thống làm theo các chính sách của NLD”.

Bà nhắc lại một lần nữa: “Tôi sẽ ở trên Tổng thống. Tôi đã lên các kế hoạch”.

Việc lách Hiến pháp này phù hợp với sự khẳng định của bà rằng bà sẽ duy trì “những phần tốt” của Hiến pháp được các tướng lĩnh soạn thảo nhằm bảo vệ các lợi ích chính trị và kinh tế của họ.

Nhưng dù sao đó cũng là một khẳng định táo bạo của một người phụ nữ từng trải qua 15 năm làm tù nhân của các tướng lĩnh, và thái độ kiên quyết của bà đã làm kinh ngạc những người từng xem bà như một chú chim bị nhốt trong lồng, chấp nhận để số phận trong tay của những kẻ đã hành hạ bà. Hiện nay, khi 70 tuổi, bà chuẩn bị tiếp quản chính phủ mà bà đã đấu tranh để giành được lâu nay, điều mà một số người coi là phong cách độc đoán và hách dịch của bà đã làm dấy lên những câu hỏi về sự trung thành của bà đối với nền pháp quyền và về cách bà lên kế hoạch thực thi quyền lực.

Ông David Steinberg, một chuyên gia về Myanmar tại Đại học Georgetown cho biết: “Ở đây, bạn có một người về cơ bản đã nói ‘tôi sẽ giành quyền tiếp quản’. Tuy nhiên, bà ấy sẽ gặp một vấn đề khủng khiếp nếu bà ấy cố gắng áp đặt quyền lực của mình, và nếu người ta nghĩ bà đang xem thường quân đội và hướng tới một con đường mang tính đối đầu”.

Ông nói thêm: “Không có sự tin cậy vào lúc này, và sự tin cậy là yếu tố căn bản trong toàn bộ vấn đề”.

Phong cách lãnh đạo của bà Suu Kyi thể hiện rõ ràng trong những mệnh lệnh mà bà đưa ra cho các thành viên đảng mình trong và sau cuộc bầu cử. Bà kiểm soát chặt chẽ các ứng viên, khiến họ trở thành những tay chân được ủy nhiệm trực tiếp từ bà, giống như điều mà bà lên kế hoạch thực hiện với vị Tổng thống kế tiếp của Myanmar.

Ông Phyo Min Thein, một thành viên cấp cao thuộc đảng của bà nói: “Các ứng viên không được phép tự nói về chính họ. Chỉ được nói về đường lối của đảng. Và các cử tri được yêu cầu làm ngơ các ứng viên và chỉ bỏ phiếu cho đảng. Thậm chí một người đã chết cũng có thể được bầu”.

Những người ủng hộ bà Suu Kyi thừa nhận chắc chắn đó là một sự độc đoán, nhưng những người ủng hộ hăng hái nhất không nhìn nhận đó là một khuyết điểm của bà.

Ông Win Htein, thuộc nhóm thân tín của bà Suu Kyi, người tham gia một hội đồng 15 thành viên thường xuyên gặp gỡ bà, đặt câu hỏi: “Khiếm tốn ư? Tại sao bà ấy phải làm thế?”.

Ông nói: “Bà ấy đã chờ đợi kết quả này trong 20 hoặc 30 năm qua. Dĩ nhiên, bà ấy tự hào”.

Ông cũng gọi bà là một “quý bà số một” (prima donna), ngầm ý như một lời khen ngợi. Cử tri đã không trừng phạt bà vì thái độ đó. Vượt quá kỳ vọng của tất cả mọi người và có lẽ cả chính bản thân bà, đảng của bà đã giành được 387 trong tổng số 498 ghế tranh cử”.

Ngược lại, Đảng Đoàn kết và Phát triển Liên bang đương nhiệm được quân đội hậu thuẫn, đảng đã mở ra những cải cách dân chủ và kinh tế sâu rộng bốn năm trước, chỉ giành được 42 ghế.

Tỷ lệ này là đủ để NLD chiếm đa số trong Quốc hội có 664 ghế, bất chấp quy định hiến pháp do quân đội soạn thảo cho phép dành 25% số ghế cho các sĩ quan quân đội đang tại chức.

Mặc dù đảng của bà sẽ kiểm soát cơ quan lập pháp nhưng quân đội vẫn còn là một lực lượng mạnh, kiểm soát các bộ chủ chốt là Quốc phòng, Biên giới và Nội vụ. Cho đến nay, việc quân đội vẫn thể hiện sự hòa nhã đáng kể sau chính thất bại của họ đã gây sửng sốt cho nhiều người Myanmar từng sống và trải qua sự đàn áp và bạo lực của một quốc gia quân quản. Một cựu giáo viên đặt câu hỏi: “Tại sao họ đã không làm như vậy 30 năm trước”.

Tại một khu vực bỏ phiếu, bốn ứng cử viên thất bại của phe quân đội đã tổ chức một buổi lễ cho các ứng cử viên chiến thắng của đảng NLD, nơi các món quà được trao đổi, những bài phát biểu thân thiện được đưa ra và những bức ảnh được đăng tải lên Facebook.

Những thách thức lớn bà Suu Kyi đang phải đối mặt liên quan tới tất cả mọi vấn đề trong quốc gia này. Trong 5 thập niên, một loạt chính phủ quân sự kém cỏi và tham nhũng đã điều hành Myanmar, từng được gọi là Miến Điện, biến nó thành vùng đất của những chính sách kinh tế thảm họa. Bà Suu Kyi đối mặt với một cuộc chiến lâu dài, dường như không thể kết thúc với các nhóm sắc tộc ở các vùng núi và mối quan hệ của bà với các nhóm này là một vấn đề quan trọng cả về mặt quân sự lẫn chính trị.

Bà cho biết những ưu tiên của bà sẽ là nền pháp quyền, hòa bình trong nước và sửa đổi Hiến pháp. Sau một thời gian hợp lý, bà cũng cần thể hiện cho những cử tri ngưỡng mộ bà rằng bà có thể từng bước cải thiện đời sống của họ.

Ông Win Htein cho biết người phụ nữ đoạt giải Nobel này dường như đã chuẩn bị cho mình vai trò mới này trong những năm bà bị giam giữ. Bà đã đọc rất nhiều, nhất là về chính trị, tâm lý học và kinh tế học.

Ông nói: “Bà ấy luôn luôn suy nghĩ. Bà ấy nói bà không có thời gian để nghỉ ngơi. Lúc nào cũng suy nghĩ và lên kế hoạch. Bà ấy đã trưởng thành, đặc biệt là về mặt nhạy bén chính trị”.

Một trong những dấu hiệu đáng chú ý nhất trong sự chuyển đổi của bà từ một nhà chính trị theo chủ nghĩa lý tưởng thành một nhà chính trị thực dụng chính là việc bà đã từ chối lên tiếng chống lại sự đàn áp người Rohingya, một cộng đồng Hồi giáo thiểu số đã phải đối mặt với sự thảm sát và giam giữ trong những năm gần đây. Những tình cảm chống đối người Ronhingya ở Myammar ngày càng cao khiến bà Suu Kyi gặp rủi ro đánh mất sự ủng hộ chính trị nếu bà lên tiếng bênh vực họ.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]