Nguồn: “Europe pays homage to Erdogan“, The Economist, 16/10/2015.
Biên dịch: Vũ Hồng Trang & Nguyễn Thùy Dương
Vào thời hoàng kim của đế chế Ottoman, các sứ thần nước ngoài muốn được hưởng đặc ân đều đổ xô tới cung điện vua Ottoman, mang theo những lễ vật cống nạp hậu hĩnh và không tiếc lời ngợi ca nhà vua. Ngày nay các nhà lãnh đạo châu Âu cũng rơi vào tình cảnh tương tự, do tình thế cấp bách trước lượng người nhập cư ồ ạt tràn vào châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ mùa hè năm nay. Những đề nghị họ đưa ra tuần này với Recep Tayyip Erdogan, vị tổng thống ngày càng trở nên độc tài của Thổ Nhĩ Kỳ, tuy không hào nhoáng như những viên đá quý hay những tấm vải thêu, nhưng cũng không hề kém phần giá trị.
Ngày 15/10, người đứng đầu chính phủ các nước châu Âu đã họp mặt tại Brussels, ủng hộ “kế hoạch hành động chung” đã được Ủy ban châu Âu thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ vài ngày trước đó. Liên minh châu Âu (EU) mong muốn tổng thống Erdogan thực hiện 2 điều: Thứ nhất, cần cải thiện chỗ ở cho 1,7 triệu người Syria không ở trong các trại tị nạn, mà cụ thể là nâng cao khả năng tiếp cận thị trường lao động cho họ (việc ban hành luật về quyền được làm việc hiện chưa có tiến triển gì tại quốc hội Thổ Nhĩ kỳ), và tạo điều kiện để nhiều người di cư hơn được đến trường. Bằng việc hỗ trợ để người Syria được sống tử tế tại Thổ Nhĩ Kỳ, EU hy vọng sẽ có ít người trong số họ muốn rời đến châu Âu.
Thứ hai, châu Âu muốn tổng thống Erdogan ngăn chặn dòng người di cư hỗn loạn rời Thổ Nhĩ Kỳ đến các đảo Hy Lạp. Để hiện thực hóa kế hoạch này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ siết chặt tuần tra biên giới, tăng cường hợp tác với các nhà chức trách Hy Lạp và Bungari, thắt chặt hạn chế visa đối với những công dân như từ Pakistan hay Bangladesh, mà nhiều người trong số đó đã qua Thổ Nhĩ kỳ để đến châu Âu.
Đổi lại, tổng thống Erdogan đề nghị khoản trợ giúp khoảng 3 tỷ euro (3,4 tỷ đô la Mỹ) thông qua một quỹ ủy thác châu Âu. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý nhận lại những người nhập cư bất hợp pháp đến từ các nước thuộc thế giới thứ ba đã tới châu Âu qua lãnh thổ nước này, thì đất nước này sẽ nhận được một phần thưởng lớn khác: năm sau người dân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được miễn visa đi lại trong khu vực Schengen. Có lẽ nổi bật nhất hơn cả là tối qua các nhà lãnh đạo đã nhất trí “tái thúc đẩy” nỗ lực gia nhập EU bị trì hoãn lâu nay của Thổ Nhĩ Kỳ thông qua việc mở ra các “giai đoạn” mới (các đàm phán về các lĩnh vực chính sách cụ thể).
Tất cả điều này là một thay đổi ngoạn mục trong thái độ của châu Âu đối với Thổ Nhĩ Kỳ: EU đã từng trịch thượng trì hoãn quá trình xin gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ ngay cả trước khi tổng thống Erdogan có xu hướng độc tài, phần lớn là vì sự phản đối từ các nước như Pháp và Cộng hòa Síp.
Còn rất nhiều tình tiết khác nữa cần được hoàn thiện và một số chính phủ tỏ ra kịch liệt phản đối. Ví dụ như Áo và cộng hòa Síp vẫn còn hoài nghi về việc đẩy nhanh nỗ lực gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ. Một yêu cầu nữa của Thổ Nhĩ Kỳ – là được liệt kê vào danh sách “các nước xuất phát an toàn”, điều số ít những người mang quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ muốn tị nạn tại EU đang phải rất vất vả để đạt được – nhưng yêu cầu này cũng vấp phải sự phản đối từ một số chính phủ châu Âu. Thậm chí ngay cả khoản tiền hỗ trợ cũng không được đảm bảo: trừ khoản tiền khoảng 500 triệu euro có thể trích từ ngân sách của EU thì tự bản thân các chính phủ sẽ phải đóng góp phần còn lại và cho tới giờ vẫn chưa có lời cam kết nào cả. Tổng thống Erdogan hôm nay ngay lập tức chỉ trích châu Âu, cáo buộc họ “thiếu sự chân thành”. Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, việc những lời hứa hẹn của chính phủ được kiểm chứng như thế nào vẫn chưa rõ. Ví dụ, sắp tơi đây dòng người nhập cư sẽ chậm lại do thời tiết lạnh hơn; hiện tượng đó cần được tách biệt khỏi những tác động từ các nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ ở biên giới như thế nào?
Tuy nhiên, các quan chức châu Âu cho biết điều quan trọng nhất đối với người Thổ Nhĩ Kỳ không phải đề nghị này hay đề nghị kia, mà là cảm nhận rằng vấn đề quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với châu Âu đã được khôi phục về mặt chính trị, hơn là chỉ giới hạn ở những trao đổi mang tính pháp lý giữa những nhà kỹ trị hay những đe dọa một chiều về nhân quyền. Ví dụ, tổng thống Erdogan muốn được mời tham dự một vài hội nghị thượng đỉnh châu Âu, và rất có thể ông sẽ được toại nguyện. Vào ngày 18 tháng 10, tổng thống Erdogan sẽ đón tiếp nhân vật quyền lực nhất châu Âu, thủ tướng Đức Angela Merkel nhân một chuyến thăm tới Ankara được sắp xếp một cách chóng vánh trước đó để tỏ lòng cảm tạ. (Chính phủ của thủ tướng Merkel, trong lúc gánh vác trọng trách ứng phó thách thức người tị nạn ở châu Âu, đã tích cực kêu gọi đạt được một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ).
Đối với tổng thống Erdogan, đây là thời điểm rất khả quan. Vào ngày 1 tháng 11, Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức tổng tuyển cử sau khi cuộc bỏ phiếu trước đó vào tháng Sáu không phân định kết quả. Vị tổng thống này không có mặt trên lá phiếu nhưng đảng Công lý và Phát triển (AK) của ông nắm quyền từ năm 2002 đang gặp khó khăn trong việc giành chiến thắng áp đảo, và đảng này muốn thay đổi hiến pháp (bao gồm việc trao nhiều quyền lực hành pháp hơn cho tổng thống). Hầu hết các nhà quan sát trông đợi một kết quả bất phân thắng bại khác nhưng việc các lãnh đạo quyền lực của châu Âu liên tục gửi các món quà tới cho tổng thống Erdogan sẽ không gây tổn hại gì đến triển vọng của đảng AK.
Tất nhiên, điều này làm cho tình hình trở nên nan giải hơn với châu Âu. Việc công bố báo cáo tiến độ hàng năm của Ủy ban về nỗ lực gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ, dự kiến ban đầu diễn ra trong tuần này và được cho là chứa chỉ trích gay gắt về tự do truyền thông và tham nhũng ở nước này, đã bị hoãn lại, và hoãn cho đến bao giờ thì vẫn chưa được thông báo cụ thể. Các thành viên của Nghị viện châu Âu và các tổ chức khác vốn quan ngại về tình hình nhân quyền ngày càng đi xuống dưới sự cầm quyền của ông Erdogan đã kịch liệt lên án điều này.
Đây là thời điểm quan trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Ổn định về chính trị và thành công kinh tế vốn là những điểm nhấn nổi trội dưới sự cầm quyền của đảng AK đang mất dần đi. Xung đột của Thổ Nhĩ Kỳ và những người Kurd lại tiếp tục bùng nổ. Vào ngày 10 tháng 9, một vụ tấn công bom kép tồi tệ nhất từ trước tới giờ ở Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến ít nhất 99 người thiệt mạng trong một cuộc biểu tình vì hòa bình ở Ankara. Chiến sự ngày càng gia tăng ở thành phố Aleppo tại Syria có thể khiến cho làn sóng tị nạn mới tràn vào Thổ Nhĩ Kỳ và tiếp đó là tới châu Âu. Do vậy tổng thống Erdogan nhận được những ưu tiên khác nhau từ những đối tác châu Âu, nhưng vẫn còn phải chờ xem bao nhiêu kế hoạch hành động sẽ chuyển hóa từ thỏa thuận sang thực tiễn. Nhưng trước mắt, vị vua Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cảm thấy mãn nguyện với sự kính trọng mà ông nhận được.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]