William Phillips: Cha đẻ của Đường cong Phillips

Print Friendly, PDF & Email

WPhillips

Tác giả: Nguyễn Hoàng Hà

Thân thế

William Phillips tên đầy đủ là Alban William Housego, còn được gọi là Bill Phillips, hay A. W. Phillips, nhưng ông thường được nhắc đến với tên William Phillips gắn với việc nổi tiếng vì đã phát minh ra đường cong Phillips.

William Phillips, người New Zealand, sinh ngày 18/11/1914, tại Te Rehunga gần Dannevirke thuộc đảo Bắc New Zealand. Học xong phổ thông trung học, ông đi làm ở Australia và đã kinh qua nhiều nghề khác nhau như: săn cá sấu, quản lí chiếu phim. Ngay cả trong Thế Chiến II, ông cũng đã phải trải qua nhiều thăng trầm khi tham gia lực lượng không quân Hoàng gia Anh và bị Nhật bắt làm tù binh.

Khi Thế Chiến II kết thúc, Phillips đến London và hoạt động nghiên cứu xã hội học tại Trường Kinh tế London (London School of Economics – LSE). Sau đó, do cảm thấy không có nhiều hứng thú với ngành xã hội học, ông quay sang nghiên cứu học thuyết Keynes. Với việc chế tạo ra một chiếc máy tính sử dụng nước nhằm để thể hiện dòng tiền lưu thông trong nền kinh tế quốc dân (MONIAC Computer), ông đã được nhận vào giảng dạy tại LSE. Tại đây, từ vị trí trợ giảng (1951) ông đã trở thành giáo sư kinh tế (1958). Năm 1967, ông quay về Australia giảng kinh tế học tại Đại học Quốc gia Australia. Năm 1969, ông trở về Auckland, dạy kinh tế học tại Đại học Auckland – New Zealand. Ông qua đời ngày 04/3/1975 tại Auckland, thọ 61 tuổi.

Sự nghiệp khoa học: Đường cong Phillips

Trong thời gian nghiên cứu và giảng dạy kinh tế học tại LSE, W. Phillips chú ý đến số liệu kinh tế của nước Anh và quan sát thấy, khi thất nghiệp ở mức cao thì tiền lương hoặc là ổn định hoặc là ở mức thấp. Ngược lại, khi thất nghiệp ở mức thấp, tiền lương lại tăng lên. Năm 1958, ông đã công bố kết quả nghiên cứu về mối tương quan giữa mức thất nghiệp và mức tiền lương ở Anh. Theo đó, nếu gọi W là tỷ lệ biến động của tiền lương và U là tỷ lệ biến động của thất nghiệp xã hội, thì tương quan của chúng có thể biểu thị bằng đường cong L trên đồ thị như sau:

Đường cong Phillips
Đường cong Phillips

Trên đồ thị, nếu tiền lương tăng từ W1 lên W2 thì thất nghiệp giảm từ U2 về U1. Ngược lại, nếu tiền lương từ W2 xuống mức W1, thì mức thất nghiệp sẽ tăng từ U1 lên mức U2. Điều đó nói lên rằng, giữa sự biến động của tiền lương và sự biến động của tỷ lệ thất nghiệp tồn tại một quan hệ đánh đổi. Muốn có công ăn việc làm đầy đủ thì phải chấp nhận tiền lương gia tăng. Muốn kiềm chế mức tiền lương thì phải chấp nhận mức thất nghiệp cao.

Khi công trình này được công bố, nhiều nhà kinh tế học đã đón chào nồng nhiệt. Họ không những tán thành cách lập luận của Phillips về mối tương quan đánh đổi giữa mức tiền lương và tỷ lệ thất nghiệp mà còn vận dụng nó vào trong tương quan giữa tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ lạm phát, vì theo họ, tiền lương tăng là một nguyên nhân quan trọng hàng đầu dẫn đến lạm phát. Chính Paul Samuelson và Robert Solow đã đặt tên cho đường biểu thị tương quan giữa tiền lương và tỷ lệ thất nghiệp là “đường cong Phillips”. Hai ông này căn cứ vào dữ liệu thực tế của Mỹ từ 1923-1958 rút ra kết luận về sự tồn tại mối tương quan đánh đổi giữa lạm phát và thất nghiệp. Họ khuyên các nhà hoạch định chính sách của các nước nên lựa chọn điểm tốt nhất trên đường cong Phillips nhằm có được sự đánh đổi tối ưu giữa lạm phát và thất nghiệp.

Tuy nhiên, theo Friedman, không tồn tại cái gọi là “đường cong Phillips” như cách hiểu của bản thân Phillips và một số nhà kinh tế học khác, mà chỉ tồn tại đường thẳng đứng tại mức thất nghiệp tự nhiên. Những nỗ lực làm giảm thất nghiệp sẽ gây nên mức lạm phát cao hơn. Không có sự đánh đổi mà có sự vận động cùng chiều của lạm phát và thất nghiệp.

Kết luận

Cả cuộc đời Phillips chỉ có một công trình duy nhất nhưng nổi tiếng về kinh tế học, đó là đường cong Phillips. Tuy còn có quan điểm phủ nhận giá trị của công trình này, nhưng phải thừa nhận những giá trị khoa học mà nó đã đóng góp cho kinh tế học. Đường cong Phillips xứng đáng được vinh danh như một đóng góp quan trọng vào kho tàng khoa học kinh tế học của thế giới, không kém gì những công trình kinh tế học lớn.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]