Nguồn: “Twenty-five years on“, The Economist, 10/11/2015.
Biên dịch: Vũ Hồng Trang
Kể từ năm 1789, những mảnh vỡ của nhà tù Bastille đã trở thành những vật trang trí trên bệ lò sưởi được yêu thích tại Pháp. Hai thế kỷ sau, những mảnh vụn của Bức tường Berlin đã chu du khắp nơi trên thế giới. Axel Klausmeier, ông chủ một quỹ tại Berlin được lập nên nhằm tưởng niệm bức tường này, cho hay: đó là “đài tưởng niệm duy nhất tồn tại trên tất cả các châu lục,” chắc chỉ ngoại trừ Nam Cực. Điều đó nói lên rất nhiều điều về những gì người Đức gọi là “cuộc cách mạng hòa bình” của họ, mà đỉnh điểm của nó là việc phá vỡ bức tường ngày 9 tháng 11 năm 1989.
Rainer Eppelmann, người đứng đầu một quỹ nghiên cứu chế độ độc tài Đông Đức cho biết: Là cuộc cách mạng tự do thành công đầu tiên trong lịch sử nước Đức, năm 1989 có tầm quan trọng không kém gì năm 1789. Thậm chí hơn thế, không giống như cuộc cách mạng Pháp 200 năm trước đó, cuộc cách mạng Đức là cuộc cách mạng phi bạo lực.
Do bức tường Berlin chia cắt không chỉ một thành phố mà cả một đất nước, một châu lục và cả thế giới, sự sụp đổ của nó mang ý nghĩa một lời hứa hẹn toàn cầu về tự do. Trong địa chính trị , “sự cáo chung của lịch sử” dường như đã thành sự thật, mặc dù sau đó nó đã nhường bước cho “sự va chạm giữa các nền văn minh“, như cách nói của tiêu đề hai cuốn sách đối nghịch nhau hồi thập niên 1990.
Mong đợi của người Đức là rất lớn. Một ngày sau khi bức tường sụp đổ, Willy Brandt, cựu thủ tướng kiêm thị trưởng Berlin thời thành phố này còn bị chia cắt, dự đoán “Giờ đây những gì thuộc về nhau sẽ cùng nhau phát triển”. Chiêm nghiệm lại sự suy sụp về môi trường và kinh tế trong suốt 45 năm dưới sự cai trị của cộng sản, thủ tướng Helmut Kohl hình dung về những ”cảnh quan nở rộ” ở Đông Đức.
Một thế hệ đã trôi qua nhưng người Đức vẫn còn tranh cãi liệu rằng họ có thực sự cùng nhau tiến lên và Đông Đức đã nở rộ ở mức độ nào. Xét về đường cao tốc và cơ sở hạ tầng khác, Đông Đức ngày hôm nay thực sự tỏa sáng. Trên một số chỉ số xã hội nhất định, chẳng hạn như sự tham gia của nữ giới trong lực lượng lao động hoặc số lượng trẻ em đi học mẫu giáo, thậm chí Đông Đức còn vượt trội so với Tây Đức. Nhưng nhìn chung, theo các cuộc thăm dò ý kiến, người Đông Đức vẫn còn ít mãn nguyện hơn so với người Tây Đức.
Sau nhiều năm di cư thuần từ đông sang tây (mà mãi tới gần đây mới thuyên giảm), nhiều khu vực Đông Đức đã giảm dân số đáng kể, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. GDP trên đầu người ở Đông Đức vẫn chỉ bằng 67% của Tây Đức. Năng suất chỉ bằng 76% và số đơn xin cấp bằng sáng chế chỉ bằng 29% so với Tây Đức. Tỷ lệ thất nghiệp ở Đông Đức là 9,7% so với 5,9% ở Tây Đức. Ngoài một số cụm công nghiệp, Đông Đức hầu như không có các công ty lớn.
Thế nhưng một cái nhìn sâu sắc hơn cho thấy sự khác biệt bên trong bản thân Đông và Tây Đức giờ đây rõ rệt hơn sự khác biệt giữa hai khu vực này. Vùng Saxony ở phía đông, đặc biệt là xung quanh Dresden và Leipzig, giờ đây ngang ngửa Bayern và Baden-Württemberg, hai khu vực năng động ở Tây Đức. Một số vùng thuộc Hạ Saxony và Westphalia ở phía tây lại cũng xuống cấp như Brandenburg hay Mecklenburg ở miền đông.
Sự chia rẽ do đó không còn nằm ở đường biên giới chính thức giữa hai nước Đức trước đây nữa, mà nảy sinh giữa các vùng khác biệt nhau. Sự khác biệt đông-tây còn tồn tại ở Đức giờ đây không khác so với sự chênh lệch kinh tế-xã hội giữa các vùng ở Bỉ, Ý hoặc Tây Ban Nha. Khi Helmut Schmidt, một cựu thủ tướng Đức khác, mô tả đông Đức vào năm 2005 giống như “miền Nam nước Ý (mezzogiorno) thiếu vắng mafia”, ông thực chất đang nói tới tình trạng chung của châu Âu. Đây là lý do tại sao “hiệp ước đoàn kết”, gói trợ cấp của Tây Đức cho Đông Đức sẽ hết hạn vào năm 2019, có thể sẽ được thay thế bằng viện trợ cho các khu vực đang gặp khó khăn ở bất cứ nơi đâu trên nước Đức, bất kể là ở phía Đông hay phía Tây bức tường. Karl-Heinz Paqué, cựu bộ trưởng tài chính, đến từ bang Sachsen-Anhalt ở miền đông cho rằng điều này có thể được coi là một thành công. Ông cho hay: “Các kết quả thường khả quan hơn so với những gì người ta hiểu về chúng, nhưng tệ hơn so với kỳ vọng vào đầu những năm 1990″. Hai bên bán đảo Triều Tiên nếu có cơ hội thì cũng có thể may mắn như vậy.
Tác động của sự kiện bức tường sụp đổ lên toàn châu Âu như thế nào vẫn còn chưa rõ. Việc thống nhất nước Đức diễn ra chưa đầy một năm sau đó, một lần nữa khơi dậy “câu hỏi quen thuộc về nước Đức” trong lịch sử châu Âu: Liệu một nước Đức thống nhất sẽ thống trị lục địa này? Bấy giờ, Anh và Pháp lo sợ điều đó sẽ thành hiện thực. Giờ đây, khi cuộc khủng hoảng đồng euro đã bước vào năm thứ 5, nhiều quốc gia ở phía nam khu vực đồng euro, vốn hiện phải tìm cách thắt lưng buộc bụng, nhận thấy điều đó đã trở thành sự thật.
Các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ, muốn Đức khẳng định vai trò hơn nữa. Robert Zoellick, một nhà ngoại giao Mỹ, người đã có công thúc đẩy đàm phán thống nhất nước Đức, cho biết: “Đức không phải Thụy Sĩ, mặc dù một số người Đức muốn nhận như vậy”. Người Đức vẫn còn chia rẽ như ở bất cứ quốc gia nào khác. Theo các cuộc thăm dò dân ý, đa phần người dân vẫn đi theo chủ nghĩa hòa bình triệt để sau chiến tranh và kiềm chế ngoại giao. Nhưng giới tinh hoa đã nhận thức được rằng Đức cần gánh vác nhiều trách nhiệm hơn. Lịch sử đã không cáo chung vào năm 1989. Như cuộc khủng hoảng ở Ukraine cho thấy, hiện nay, châu Âu cần Đức đóng vai trò lãnh đạo.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]