Mười bài học từ trường hợp của Cộng hòa Weimar

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Harold James, “Ten Weimar Lessons”, Project Syndicate, 02/05/2018.

Biên dịch: Lê Như Mai | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Kể từ ngày thành lập Cộng hòa Liên bang Đức năm 1949, người Đức luôn lo sợ khi nhìn về quá khứ sụp đổ của Cộng hòa Weimar vào đầu thập niên 1930 và sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều nền dân chủ của thế giới đang gặp khó khăn gia tăng và chủ nghĩa chuyên chế đang nổi lên, những bài học của thời kỳ đó cũng nên được những nước khác lưu tâm.

Trước tiên, các cú sốc kinh tế – chẳng hạn như các vòng xoáy lạm phát, suy thoái và các cuộc khủng hoảng ngân hàng… – luôn luôn là thách thức đối với tất cả các chính phủ ở mọi nơi. Sự mất an ninh và khó khăn về kinh tế khiến người dân tin rằng bất kỳ chế độ nào cũng sẽ tốt hơn chế độ hiện tại. Đó không chỉ là một bài học hiển nhiên được rút ra từ những tháng năm của Cộng hòa Weimar, mà còn là bài học mà đại bộ phận các nghiên cứu về logic kinh tế của dân chủ đã chỉ ra.

Bài học mấu chốt thứ hai là, dưới những điều kiện kinh tế quá khó khăn, mô hình đại diện theo tỷ lệ dân số (PR) có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề. Khi chính trị của một đất nước bị phân mảnh, PR có xu hướng tạo ra một lực lượng đa số lỏng lẻo trong bầu cử, thường bao gồm các đảng cực tả và cực hữu, những người muốn loại bỏ hệ thống hiện hữu nhưng hầu như không chia sẻ quan điểm trong các vấn đề khác.

Hai bài học trên chính là kinh nghiệm phổ biến mà các nhà khoa học chính trị thường chỉ ra trong trường hợp của Cộng hòa Weimar. Tuy vậy, người ta thường xem xét mỗi bài học đó một cách riêng lẻ, làm nảy sinh một thái độ tự mãn nguy hiểm. Bài học đầu tiên ru ngủ người ta rằng chỉ có một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng mới có thể đe dọa đến chế độ chính trị; còn bài học thứ hai lại khiến người ta tự huyễn hoặc rằng các chế độ không theo mô hình PR tự thân đã vững vàng hơn.

Để ngăn ngừa thái độ tự mãn đó, cần thiết phải nhắc tới 8 bài học xa hơn rút ra từ thời kỳ Weimar. Đầu tiên, tổ chức trưng cầu dân ý là một hành động mạo hiểm, đặc biệt khi chúng hiếm khi được sử dụng và cử tri gần như không có kinh nghiệm tham gia một cuộc trưng cầu như vậy. Trong thời kỳ Cộng hòa Weimar, Đảng Quốc Xã đã gần như biến mất cho đến năm 1929. Vào năm đó, đảng này đã có thể tự tái khẳng định mình bằng cách vận động cho một cuộc trưng cầu dân ý cạnh tranh rất cam go về vấn đề Đức bồi thường cho các nước sau Thế chiến I.

Thứ hai, việc giải tán Quốc hội quá sớm trước khi được luật pháp yêu cầu là một hành động ít nhất là mạo hiểm. Chỉ cần một cuộc bỏ phiếu tạo cơ sở cho các cuộc bầu cử mới thậm chí có thể được diễn dịch là một sự thừa nhận rằng nền dân chủ đã thất bại. Vào tháng 07/1932, phe phát xít đã thắng lượng phiếu bầu nhiều nhất (37%) trong một cuộc bầu cử tự do nhưng không cần thiết về mặt pháp lý. Cuộc bầu cử trước đó đã được tiến hành chưa tới hai năm trước, và một cuộc bầu cử khác theo lịch phải tới năm 1934 mới diễn ra.

Thứ ba, Hiến pháp không nhất thiết bảo vệ được chế độ. Hiến pháp của Weimar, do những chuyên gia sâu sắc và có đạo đức nhất (bao gồm cả Max Weber) xây dựng, đã gần như hoàn hảo. Nhưng khi xảy ra những sự biến bất ngờ – bất kể là những bi kịch chính sách đối ngoại hay bất ổn nội bộ – được coi là tình trạng khẩn cấp đòi hỏi một khuôn khổ pháp lý bổ sung, sự bảo vệ mà hiến pháp mang lại có thể bị xói mòn nhanh chóng. Và những kẻ thù của nền dân chủ có thể kích thích những sự biến như vậy. Tương tự, bài học thứ tư đó là những người vận động hành lang cho các doanh nghiệp có thể đóng một vai trò nguy hiểm sau cánh gà, phá hoại sự đồng thuận giữa các nhóm trong nghị viện.

Thứ năm, một nền văn hóa chính trị trong đó các nhà lãnh đạo phỉ báng các đối thủ của mình làm xói mòn nền dân chủ. Ở Cộng hòa Weimar, chiều hướng hành xử này bắt đầu trước khi phe phát-xít trở thành một lực lượng quan trọng. Vào năm 1922, Bộ trưởng Ngoại giao Walther Rathenau đã bị ám sát sau khi đối diện với một chiến dịch căng thẳng, thường mang tính bài Do Thái, nhằm kích động thù hằn từ những người dân tộc chủ nghĩa cánh hữu. Ngay sau đó, Thủ tướng Joseph Wirth, một người Công giáo trung tả, đã hướng về phía các đảng cánh hữu trong nghị viện và nói, “Dân chủ, vâng, nhưng không phải kiểu dân chủ đập tay lên bàn và nói: Chúng tôi đã nắm quyền!”. Ông kết thúc lời khuyên dạy của mình bằng tuyên bố: “Kẻ thù đang ở phía cánh hữu” – một tuyên bố chỉ càng thổi bùng lên ngọn lửa chia rẽ.

Thứ sáu, gia đình của Tổng thống có thể nguy hiểm. Tại Weimar, thống tướng cao tuổi Paul von Hinderburg được bầu làm Tổng thống trong năm 1925, và tái đắc cử vào năm 1932. Nhưng đến đầu thập niên 1930, sau một vài cơn đột quỵ nhẹ, ông đã trải qua chứng mất trí nhớ, và người con trai yếu đuối, không có năng lực của ông, Oskar, đã kiểm soát mọi sự tiếp cận đối với Tổng thống. Kết quả là ông đã ký bất kỳ hiệp định nào được trình lên.

Thứ bảy, một nhóm nổi dậy không cần phải nắm đa số tổng thể mới có thể điều khiển nền chính trị, ngay cả trong một hệ thống PR. Tỷ lệ phiếu bầu cao nhất mà những người phát xít từng giành được là 37%, vào tháng 07/1932, trong một kỳ bầu cử được tổ chức vào tháng 11 năm đó, tỷ lệ ủng hộ đã giảm xuống còn 33%. Không may là, sự suy giảm đó đã làm các đảng phái khác đánh giá thấp phe phát xít, và coi họ là một đối tác liên minh tiềm năng.

Thứ tám, các quan chức đương nhiệm có thể giữ chức bằng cách mua chuộc một bộ phận dân chúng bất mãn trong một khoảng thời gian, nhưng không phải là mãi mãi. Trong thời kỳ Weimar, nhà nước Đức đã cung cấp nhà ở đô thị hào phóng, các dịch vụ chính phủ địa phương, trợ cấp nông nghiệp và công nghiệp, và một lực lượng công chức lớn; nhưng phải vay nợ để trang trải cho các chi phí đó.

Chắc chắn là Cộng hòa Weimar tỏ ra đã có một nền kinh tế kỳ diệu vào giai đoạn đầu. Chỉ sau đó nền chính trị Đức mới suy yếu khi chính phủ nước này tìm kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài. Các quốc gia khác thấy thật khó để tin vào những lời cảnh báo của chính phủ nước này rằng nếu không nhanh chóng được hỗ trợ, nước này sẽ chứng kiến một thảm họa chính trị nổ ra. Ngoài ra, việc thuyết phục cử tri của quốc gia khác giải cứu Đức cũng sẽ khó khăn hơn.

Người ta thường hay giả định rằng các quốc gia có hệ thống bầu cử dựa trên đa số như Mỹ hoặc Anh có khả năng chịu đựng tốt hơn những quốc gia có hệ thống PR. Sau tất cả, các nền dân chủ của Mỹ và Anh lâu đời hơn, với nền văn hóa chính trị văn minh sâu đậm hơn.

Mặc dù vậy, trên thực tế, những chế độ này vẫn có thể dễ bị tổn thương theo thời gian. Ví dụ, mức độ một nền kinh tế của một quốc gia có thể phụ thuộc vào tiền tiết kiệm của nước ngoài (“tiền của người dân nước khác”) có thể không quan trọng về mặt chính trị nếu xét theo những khoảng thời gian dài. Nhưng với thâm hụt cán cân tài khoản vãng lai hiện ở mức 3.7% GDP tại Mỹ và 3% tại Anh theo con số dự báo cho năm nay, có thể cần phải cân nhắc hệ quả, nhất là khi chủ nghĩa dân tộc biệt lập của cử tri Mỹ và Anh khiến cho các chủ nợ nước ngoài của họ bất mãn.

Harold James là Giáo sư Lịch sử và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Princeton và Nghiên cứu viên chính tại Trung tâm Đổi mới Quản lý Quốc tế. Ông là một chuyên gia về lịch sử kinh tế Đức và toàn cầu hóa. Ông là đồng tác giả của cuốn sách mới xuất bản The Euro and The Battles of Ideas, tác giả của The Creation and Destruction of Value: The Globalization Cycle, Krupp: A History of the Legendary German Firm, and Making the European Monetary Union.

Copyright: Project Syndicate 2018 – Ten Weimar Lessons