Nguồn: “Why China’s five-year plans are so important”, The Economist, 26/10/2015.
Biên dịch: Nguyễn Quỳnh Chi | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Tuần này, các quan chức cấp cao của Trung Quốc đang họp bàn tại một khách sạn ở Bắc Kinh để thông qua kế hoạch phát triển quốc gia cho 5 năm tới. Trung Quốc đã phát triển rất xa so với gốc rễ nền kinh tế kế hoạch, nhưng hệ thống lập kế hoạch chính sách của nước này, một di sản thừa hưởng từ thời Xô-viết, là một trong những vết tích vẫn còn nhiều ảnh hưởng đậm nét nhất. Đây sẽ là kế hoạch 5 năm lần thứ 13 kể từ khi Đảng Cộng sản cầm quyền ở Trung Quốc. Áp dụng từ năm 2016 đến 2020, kế hoạch này sẽ đề ra những mục tiêu tăng trưởng kinh tế và các các mục tiêu khác như thúc đẩy sáng tạo. Vậy chính xác những kế hoạch 5 năm của Trung Quốc là gì và chúng ta kỳ vọng gì vào kế hoạch mới này?
Trong kỷ nguyên của Mao Trạch Đông, các kế hoạch 5 năm của Trung Quốc được triển khai một cách nghiêm túc. Đảng Cộng sản đặt ra những chỉ tiêu sản xuất cụ thể – ví dụ, với sắt và lương thực – mà các đơn vị sản xuất phải đáp ứng. Phong cách điều hành tập trung và thường là lạc hướng này làm lãng phí rất lớn các nguồn tài nguyên, khiến cho gần như cả nước bị kiệt quệ. Vào những năm 1980, khi mà chính phủ nới lỏng sự quản lý nền kinh tế, chính phủ cũng trở nên thoải mái hơn một chút với các kế hoạch 5 năm. Thay vì là những chương trình nghị sự cứng nhắc, chúng ngày càng trở thành những hướng dẫn chung về việc các lãnh đạo mong muốn định hướng đất nước như thế nào.
Các kế hoạch 5 năm giờ đây không chỉ còn tập trung vào kinh tế nữa. Nhiều sự quan tâm cũng được đặt vào việc bảo vệ môi trường (có các chỉ tiêu về cắt giảm khí thải carbon và giảm sử dụng năng lượng) và vào các chương trình xã hội như bảo hiểm y tế. Trong điều kiện thiếu vắng dân chủ, các kế hoạch 5 năm là điều gần giống nhất với một bản cương lĩnh tranh cử cho Đảng Cộng sản, đề ra các ưu tiên dài hạn của nó. Nhưng vì Đảng này vẫn nắm giữ quyền lực áp đảo, những kế hoạch này có nhiều sức nặng hơn những bản cương lĩnh bình thường. Tất cả các chủ thể chính – từ quan chức địa phương, tới các ngân hàng và các công ty lớn, gồm cả nhà nước và tư nhân – thay đổi các chiến lược và cách nói của họ để thể hiện rằng họ đang đi cùng hướng với những kế hoạch này.
Mọi con mắt sẽ đổ dồn vào mục tiêu GDP của Trung Quốc trong 5 năm tới. Trong quá khứ, các mục tiêu thường bị giữ dưới mức tăng trưởng thực của nước này, khiến chúng trở nên hoàn toàn không phù hợp về mặt chức năng. Nhưng theo kế hoạch sắp tới, truyền thông nước này nói rằng mục tiêu có thể là tăng trưởng 6,5%, tốc độ cao hơn nhiều so với mức mà các nhà phân tích đánh giá Trung Quốc có thể thực sự đạt được. Việc này sẽ tạo áp lực lên chính phủ buộc phải kích thích nền kinh tế nếu nó tiếp tục yếu đi – một hướng đi rủi ro nếu xét việc các khoản nợ lớn đang tích tụ trong các năm gần đây. Các mục tiêu khác, từ làm sạch không khí bị ô nhiễm tới mở cửa hệ thống tài chính, có thể phải nhường chỗ cho tăng trưởng kinh tế. Các kế hoạch 5 năm của Trung Quốc không yêu cầu sự tuân thủ tuyệt đối giống như trước đây, nhưng chúng vẫn có một sức ảnh hưởng lớn.
Clip tuyên truyền về Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (bằng tiếng Anh) của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc. Nguồn: Youtube.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]