Liệu Trung Quốc có thể tránh được giảm phát không?

Print Friendly, PDF & Email

002564baec4813efb5c90e

Nguồn: Yao Yang, “Can China Avoid Deflation?”, Project Syndicate, 26/01/2015.

Biên dịch: Phạm Thị Huyền Trang | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2015 tại Davos, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã thừa nhận rằng nền kinh tế của Trung Quốc đang phải đối mặt với những cơn gió ngược chiều mạnh mẽ. Năm 2014, tăng trưởng GDP hàng năm của Trung Quốc chỉ đạt 7,4% – mức thấp nhất kể từ năm 1990. Tuy nhiên, để ổn định tăng trưởng kinh tế, ông đã cam kết Trung Quốc sẽ “tiếp tục theo đuổi một chính sách tài khóa chủ động và chính sách tiền tệ thận trọng.”

Tình trạng suy thoái kinh tế hiện nay của Trung Quốc là hậu quả của những chính sách trước đó. Trong hai năm qua, chính phủ Trung Quốc đã thắt chặt chính sách tài khóa và tiền tệ, với hy vọng bù đắp những tác động tiêu cực sau khi triển khai gói kích cầu lớn nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Bài phát biểu của ông Lý tại Davos báo hiệu rằng chính phủ Trung Quốc sẽ không cho phép tốc độ tăng trưởng trượt dốc hơn nữa.

Tính đến nay, gói kích cầu của Trung Quốc là gói lớn nhất và được triển khai hiệu quả nhất trên thế giới. Gói kích cầu này đã giúp ổn định tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc và làm cho suy giảm kinh tế toàn cầu bớt trầm trọng. Nhưng nó cũng để lại một số vấn đề nghiêm trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Quan trọng hơn cả, nền kinh tế Trung Quốc đang chịu mức nợ ngày càng cao. Giá nhà đất tăng cao, các nhà phát triển bất động sản vay vốn mạo hiểm hơn và chính quyền địa phương bắt đầu nợ nần chồng chất. Kết quả là, cung tiền (broad money – M2) tăng lên nhanh chóng, và hiện tại cao gấp hơn hai lần GDP của Trung Quốc – một trong những mức cao nhất trên thế giới.

Dòng tiền lớn này đã rung một hồi chuông báo động đối với Thủ tướng Lý Khắc Cường và Chủ tịch Tập Cận Bình khi hai ông này nhậm chức vào đầu năm 2013. Kể từ đó, Chính phủ Trung Quốc đã kiềm chế tốc độ tăng trưởng của cung tiền và áp đặt giới hạn vay vốn đối với các chính quyền địa phương. Mở rộng tiền tệ đã giảm tốc. Luật ngân sách đã được sửa đổi để cho phép chính quyền địa phương phát hành trái phiếu chính phủ, trong khi việc vay vốn từ các ngân hàng thương mại đang được theo dõi chặt chẽ.

Các chính sách này đã làm tăng chi phí huy động vốn, với việc thắt chặt tiền tệ có tác động đặc biệt tiêu cực lên các chính quyền địa phương cũng như các nhà đầu tư bất động sản. Nguyên nhân là do tốc độ tăng trưởng giảm sút buộc họ phải vay tiền để thanh toán các khoản nợ đáo hạn, khiến lãi suất tăng cao, và các doanh nghiệp trong nền kinh tế thực bị chèn ép (crowded out – trong trường hợp này là gặp bất lợi trong tiếp cận vốn – NHĐ) – những điều này càng gây cản trở hơn nữa đối với tăng trưởng kinh tế.

Trong khi đó, giá sản xuất tiếp tục giảm, còn giá tiêu dùng vẫn giữ nguyên. Vì vậy, giống như hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ giảm phát. Trên thực tế, áp lực giảm phát toàn cầu sẽ xuất hiện sớm hơn nhiều nếu như Trung Quốc không triển khai gói kích cầu kéo dài hai năm trong năm 2008 – gói kích cầu này đã thúc đẩy nhu cầu đầu tư và do đó làm chậm quá trình giảm giá hàng hóa cơ bản trên thế giới. Giờ đây sự suy giảm đã xảy ra, giảm phát trong nước đã trở thành một mối đe dọa thực sự, đặc biệt khi việc mở rộng tài khóa trong nước đang chậm lại.

Đó là lý do tại sao chính phủ Trung Quốc sẽ làm hết sức để tránh xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 khác. Đáp lại chuyến đi nổi tiếng xuống miền Nam (“Nam tuần”) của Đặng Tiểu Bình nhằm thúc đẩy quá trình cải cách, lượng đầu tư đã tăng nhanh trong nửa đầu thập kỷ 1990. Kết quả là, tỷ lệ lạm phát hàng năm của Trung Quốc đã chạm đỉnh 24% vào năm 1994. Các biện pháp tiếp theo của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát có thể đã giúp nền kinh tế Trung Quốc hạ cánh mềm, nhưng cuộc khủng hoảng tài chính đã giáng cho Trung Quốc một cú chí tử mà hậu quả là sáu năm giảm phát liên tục.

Bài học chính từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á – cũng như từ bất kỳ cuộc khủng hoảng tài chính nào khác – là trong quá trình phục hồi kinh tế thì giảm phát luôn là chướng ngại vật cuối cùng cần phải vượt qua. Do cuộc khủng hoảng năm 1997 chỉ xảy ra trong khu vực Đông Á, nên Trung Quốc có thể thoát khỏi tình trạng giảm phát sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.

Nhưng giờ đây, mọi chuyện đã khác. Toàn bộ thế giới đang nằm trong sự kìm kẹp của các lực lượng giảm phát. Nếu Trung Quốc cũng rơi vào vòng xoáy, thì lần này các đối tác thương mại cũng không thể vực dậy Trung Quốc. Vì vậy, vấn đề quan trọng đối với chính phủ Trung Quốc là liệu Trung Quốc có thể làm điều đó một mình hay không.

Chính sách tài khóa chủ động mà ông Lý cam kết tại Davos có thể có tác dụng, nhưng chính sách tiền tệ cũng cần phải thay đổi. Bài toán mà chính quyền Trung Quốc cần phải giải quyết là: việc mở rộng tiền tệ sẽ chỉ đơn thuần thúc đẩy giá tài sản, chứ không hề tạo ra dòng chảy tín dụng cao hơn vào nền kinh tế thực.

Trước đây, các rào cản thường là chính quyền địa phương và các nhà đầu tư ma (zombie) trong lĩnh vực bất động sản. Nhưng nhiều khả năng điều này sẽ thay đổi trong năm nay. Việc vay vốn của chính quyền địa phương sẽ được giám sát chặt chẽ, và vốn vay mới của họ chủ yếu sẽ bắt nguồn từ trái phiếu chính phủ. Và, mặc dù hầu hết các nhà quan sát tin rằng các thành phố hạng nhất của Trung Quốc (Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến) sẽ tiếp tục vật lộn trong năm 2015 để bán được hết lượng nhà cửa tồn kho khổng lồ họ đã xây dựng trong những năm gần đây, thì (thị trường bất động sản) một số thành phố hạng hai và hạng ba đã chạm đáy và đang bắt đầu công cuộc hồi phục.

Trung Quốc là quốc gia thương mại lớn nhất thế giới, nghĩa là các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải đảm nhận trách nhiệm lớn hơn đối với sức khỏe tổng thể của nền kinh tế toàn cầu. Gói kích cầu hậu khủng hoảng của Trung Quốc đã chứng minh rằng chính phủ Trung Quốc sẵn sàng đảm nhiệm trọng trách này. Tương tự như vậy, nỗ lực chống giảm phát của chính phủ Trung Quốc sẽ giúp đỡ không chỉ Trung Quốc mà còn giúp phần còn lại của thế giới.

Yao Yang hiện là Hiệu trưởng của Trường Quốc gia về Phát triển và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc tại Đại học Bắc Kinh.