27/11/1095: Giáo hoàng Urban II phát động thập tự chinh

council-of-clermont

Nguồn:Pope Urban II orders first Crusade,” History.com (truy cập ngày 26/11/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1095, trong bài phát biểu được cho là có ảnh hưởng nhất trong thời Trung cổ, Giáo hoàng Urban II đã phát động các cuộc thập tự chinh bằng cách kêu gọi tín đồ Cơ đốc giáo ở châu Âu tiến hành cuộc chiến chống người Hồi giáo nhằm giành lại vùng Đất Thánh, với lời kêu gọi “Deus vult!,” có nghĩa là “Thiên Chúa muốn thế!”

Sinh năm 1042 với tên Odo ở vùng Lagery (Pháp), Urban được bảo trợ bởi nhà cải cách vĩ đại, Giáo hoàng Gregory VII. Cũng như Gregory, Urban lấy cải cách nội bộ làm trọng tâm, lên án việc bán chức và lạm quyền của các linh mục vốn đang phổ biến trong giáo hội thời Trung cổ. Urban chứng tỏ mình là một giáo sĩ khôn khéo và quyền lực, và khi lên ngôi Giáo hoàng năm 1088, Urban đã sử dụng tài quản trị của mình để làm suy yếu sự ủng hộ dành cho các đối thủ, đáng chú nhất là Giáo hoàng Clement III.

Đến cuối thế kỷ 11, Đất Thánh – khu vực hiện nay được gọi chung là Trung Đông – đã trở thành một điểm xung đột đối với tín đồ Cơ đốc giáo châu Âu. Kể từ thế kỷ thứ 6, các tín đồ Cơ đốc giáo đã thường xuyên tiến hành các cuộc hành hương đến nơi khai sinh tôn giáo của họ, nhưng đến khi người Thổ dưới triều đại Seljuk chiếm Jerusalem, họ đã bị cấm đến vùng Đất Thánh. Khi người Thổ đe dọa xâm lược Đế quốc Đông La Mã và chiếm kinh đô Constantinople, Hoàng đế Đông La Mã Alexius I đã thỉnh cầu Giáo hoàng Urban giúp đỡ. Đây không phải là lần đầu tiên lời thỉnh cầu này được đưa ra, nhưng nó đến vào một thời điểm quan trọng đối với Giáo hoàng Urban. Mong muốn củng cố quyền lực của chế độ giáo hoàng, Urban đã nắm lấy cơ hội này để thống nhất châu Âu Cơ đốc giáo dưới tay ông khi ông chiến đấu nhằm giành lại Đất Thánh từ người Thổ.

Tại Hội đồng Clermont, Pháp, nơi tụ tập hàng trăm giáo sĩ và quý tộc, Giáo hoàng Urban đưa ra phát biểu sôi nổi, kêu gọi người giàu cũng như người nghèo dừng đấu đá nhau và bắt đầu cuộc cuộc chiến chính nghĩa để giúp đỡ các tín đồ Cơ đốc ở miền Đông và giành lại Jerusalem. Giáo hoàng Urban công kích người Hồi giáo, phóng đại những hành vi chống Cơ đốc của họ, và hứa xá miễn mọi tội lỗi cho những ai hy sinh trong khi phụng sự Đức Chúa.

Lời kêu gọi của Giáo hoàng Urban được hưởng ứng mạnh mẽ, huy động các giáo sĩ kêu gọi sự ủng hộ trên toàn châu Âu cho cuộc thập tự chinh chống người Hồi giáo. Tổng cộng khoảng 60.000 đến 100.000 người đã đáp lại lời kêu gọi của Urban để lên đường tiến về Jerusalem. Không phải tất cả những ai lên đường cũng đều vì lòng mộ đạo: giới quý tộc châu Âu đã bị cám dỗ bởi viễn cảnh giành được thêm nhiều đất đai và của cải từ cuộc viễn chinh. Họ đã gây ra cái chết cho nhiều người vô tội trên đường tới và khi ở Đất Thánh, bòn rút sự giàu có và của cải của những ai họ cho là đi ngược lại lý tưởng của mình. Một nguyên nhân nữa dẫn tới tổn thất sinh mạng của quân thập tự chinh là sự thiếu kinh nghiệm và vô kỷ luật của những người nông dân Cơ đốc trước quân đội chuyên nghiệp, bài bản của người Hồi giáo. Do vậy mà người Cơ đốc ban đầu đã bị đánh bại, và chỉ có thể giành chiến thắng sau này bằng quân số áp đảo.

Giáo hoàng Urban qua đời năm 1099, hai tuần sau khi Jerusalem sụp đổ nhưng trước khi tin tức về chiến thắng của người Cơ đốc đến được châu Âu. Cuộc thập tự chinh đầu tiên của ông là khởi đầu cho bảy chiến dịch quân sự lớn trong suốt hai thế kỷ sau đó, được gọi chung là Thập tự chinh, với những hậu quả đẫm máu vẫn còn lưu lại cho đến tận ngày nay. Giáo hoàng Urban được Giáo hội Công giáo La Mã phong chân phúc năm 1881.

Hình: Giáo hoàng Urban II phát biểu trước Hội đồng Clermont, nơi ông phát động cuộc Thập tự chinh đầu tiên năm 1095. Tranh minh họa của Jean Colombe từ thế kỷ 15, lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Pháp.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]