Nguồn: “Czechoslovakian Communist Party gives up monopoly on political power,” History.com (truy cập ngày 27/11/2015).
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng
Vào ngày này năm 1989, trong bối cảnh phải đối mặt với sự sụp đổ của chế độ cộng sản ở các nước láng giềng và ngày càng nhiều cuộc biểu tình nổ ra trên các đường phố, các quan chức của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc tuyên bố họ sẽ từ bỏ sự độc quyền của mình đối với quyền lực chính trị. Các cuộc bầu cử được tổ chức trong tháng 12 năm đó đã thành lập nên chính phủ phi cộng sản đầu tiên của đất nước này sau hơn 40 năm.
Tiệp Khắc, đứng đầu là chủ tịch Gustáv Husák theo đường lối cộng sản cứng rắn, đã cố gắng làm ngơ trước những dấu hiệu cho thấy cơn gió chính trị đang chuyển mình ở Đông Âu. Mikhail Gorbachev đang nắm quyền ở Liên Xô, kêu gọi tiến hành các cuộc cải cách chính trị và kinh tế. Các quan chức cộng sản thuộc thế hệ cũ, như Tổng Bí thư Đông Đức Erich Honecker, đang dần đánh mất quyền lực. Husák và những người ủng hộ ông cố gắng duy trì cơ sở quyền lực bằng cách đưa những gương mặt mới vào nội các, nhưng những thay đổi mang tính hình thức này đã không thể dập tắt được đòi hỏi tái cơ cấu chính trị đáng kể của người dân.
Tháng 11 năm 1989, hàng chục ngàn người biểu tình đã tràn xuống đường phố của thủ đô Praha và các thành phố khác để kêu gọi lật đổ chế độ Husák. Bất chấp việc cảnh sát đáp trả bằng bạo lực tàn bạo, điều này chỉ củng cố thêm quyết tâm của những người biểu tình. Ngày 28 tháng 11, không còn hy vọng nhận được sự hỗ trợ từ Liên Xô, Husák tuyên bố Đảng Cộng sản Tiệp Khắc đồng ý bãi bỏ chế độ chính trị độc đảng của đất nước. Husák từ chức ít ngày sau đó. Một chính phủ liên minh được thành lập, với phe cộng sản chiếm thiểu số.
Ngày 29 tháng 12, Václav Havel được bầu làm tổng thống, trở thành nhà lãnh đạo phi cộng sản đầu tiên của Tiệp Khắc sau hơn 40 năm. Sự thành công của “Cách mạng Nhung” ở Tiệp Khắc (được gọi như vậy là do bản chất tương đối ôn hòa của nó) là một dấu hiệu nữa cho thấy số phận sắp tàn lụi của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu. Việc Liên Xô kiềm chế hành động (không như năm 1968, khi đoàn xe tăng Liên Xô đã nghiền nát những người biểu tình ở Praha trong sự kiện “Mùa xuân Praha”) chứng tỏ sức mạnh của người khổng lồ cộng sản đang suy yếu, cũng như những cam kết cải cách kinh tế và chính trị của Gorbachev ở khối phía Đông.
Ảnh: Václav Havel (áo vàng) cùng người biểu tình đặt hoa tưởng niệm những người đã hy sinh trong Cách mạng Nhung ở Praha, tháng 11 năm 1989. Nguồn: Wikimedia Commons.