Yếu tố chính trị của Hiệp định TPP

5310

Nguồn: Koichi Hamada, “The Fraught Politics of the TPP,” Project Syndicate, 31/10/2015.

Biên dịch: Nguyễn Hoàng Mỹ Phương | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Tháng 10 vừa qua, 12 quốc gia ở hai bên bờ Thái Bình Dương đã hoàn tất Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) lịch sử. Phạm vi của TPP rất lớn. Nếu được phê chuẩn và triển khai thực hiện, nó sẽ có tác động to lớn đối với thương mại và dòng vốn dọc theo Vành đai Thái Bình Dương. Thật vậy, nó sẽ góp phần vào quá trình chuyển đổi liên tục của trật tự quốc tế. Thật không may, liệu điều này sẽ có xảy ra hay không vẫn còn chưa chắc chắn.

Khía cạnh kinh tế học về thương mại và tài chính tạo nên nền tảng của TPP khá đơn giản, và đã được biết đến từ khi nhà kinh tế chính trị học người Anh David Ricardo mô tả chúng trong thế kỷ 19. Bằng cách cho phép các quốc gia tận dụng tối đa lợi thế so sánh của mình, tự do hóa thương mại và đầu tư đem lại lợi ích kinh tế ròng, mặc dù nó có thể làm tổn thương các nhóm nhất định vốn được hưởng lợi từ sự bảo hộ thuế quan trước đây.

Nhưng tính chính trị của tự do hóa thương mại – tức là cách thức mà các quốc gia tiến hành để chấp nhận thương mại tự do – thì phức tạp hơn rất nhiều, chủ yếu là do những nhóm cụ thể bị ảnh hưởng bởi thương mại tự do nói trên. Đối với họ, lợi ích kinh tế tổng thể của tự do hóa thương mại chỉ là vấn đề rất nhỏ nếu quyền lợi hẹp hòi của họ bị cắt xén. Ngay cả khi các nhóm này là tương đối nhỏ thì tính kỷ luật và sự thống nhất mà họ dùng để chiến đấu chống lại tự do hóa thương mại cũng có thể khuếch đại đáng kể ảnh hưởng chính trị của họ – đặc biệt là nếu một nhân vật chính trị quyền lực ủng hộ lý lẽ mà họ đưa ra.

Đó là những gì đang xảy ra tại Hoa Kỳ. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton chắc chắn hiểu được khía cạnh kinh tế của TPP mà bà từng gọi là “bản vị vàng” trong các hiệp định thương mại. Nhưng khi đang thực hiện chiến dịch tranh cử ở thời điểm hiện tại, bà đã thay đổi luận điệu của mình. Lý do rất rõ ràng: bà đánh giá rằng bà không thể đánh mất sự ủng hộ của các nghiệp đoàn Hoa Kỳ, chẳng hạn như Hiệp hội Công nhân ngành Ô tô Mỹ (UAW) vốn có các thành viên lo ngại về việc cắt giảm thuế đối với ô tô và xe tải.

Sự thay đổi này có thể có lý về mặt chính trị nhưng lại đáng thất vọng về mặt kinh tế. Trên thực tế, TPP là một món hời lớn đối với Hoa Kỳ. Những nhượng bộ của Mỹ đối với các sản phẩm chế tạo như ô tô nhỏ hơn nhiều so với những nhượng bộ đối với sản phẩm nông nghiệp chẳng hạn, điều này liên quan đến sự hy sinh lớn từ các nước TPP khác, chẳng hạn như Nhật Bản. Suy cho cùng, các mức thuế suất hiện hành đối với hàng hóa chế tạo đã thấp hơn rất nhiều so với mức thuế đối với sản phẩm nông nghiệp hoặc các sản phẩm từ sữa.

Nói ngắn gọn, với TPP, Hoa Kỳ đang bắt một con cá lớn với lượng mồi nhỏ. Nhưng luồng giao thương và đầu tư gia tăng mà việc phê chuẩn và thực thi TPP mang lại sẽ có lợi cho ngay cả các quốc gia buộc phải hy sinh nhiều hơn Hoa Kỳ.

Ví dụ, Nhật Bản sẽ thấy rằng TPP làm tăng cường chính sách “Abenomics,” chiến lược phục hồi kinh tế gồm ba mũi nhọn mà Thủ tướng Shinzo Abe đưa ra từ năm 2012. Thành phần, hay “mũi tên,” thứ ba của Abenomics – cải cách cơ cấu – có mục đích khôi phục tăng trưởng bằng cách nâng cao năng suất. Nhưng tăng hiệu suất trong nhiều lĩnh vực, điều mà Nhật Bản cần phải làm, có thể là một quá trình lâu dài, khó khăn, và thực hiện từng phần, vì nó liên quan đến việc nâng cấp gần như mọi công nghệ và quy trình.

Bằng cách kết nối các ngành công nghiệp của Nhật Bản chặt chẽ hơn với các quốc gia khác, TPP có thể đẩy nhanh quá trình này một đáng kể. Hơn nữa, nó có thể thúc đẩy cải cách hành chính nhanh hơn. Nói đơn giản, TPP là luồng gió thuận chiều mạnh mẽ đối với Abenomics.

Nên lưu ý rằng tự do hóa cũng bao gồm một số đánh đổi kinh tế, vì trong một số lĩnh vực, bảo hộ có thể phục vụ cho một số mục đích quan trọng. Như nhà kinh tế học Jagdish Bhagwati đã chỉ ra, duy trì sự bảo hộ gia tăng đối với sở hữu trí tuệ (IP) chẳng hạn có thể khuyến khích nghiên cứu và đổi mới. Nhưng đồng thời, bảo hộ IP quá mức có thể ngăn chặn sự phát triển của tri thức hiện có và sự phát triển của các sản phẩm công nghệ cao. Ví dụ, trong trường hợp của dược phẩm, có thể sẽ khó khăn nếu muốn điều hướng sự đánh đổi này. Tuy nhiên, Bhagwati cho rằng đối với dòng thương mại và vốn nói chung thì tự do hơn vẫn tốt hơn.

Với tất cả những điều này, người ta hy vọng rằng sự phản đối từ các nhân vật chính trị như bà Clinton sẽ trở nên không có giá trị – một kết quả hoàn toàn có thể xảy ra trong trường hợp của bà Clinton vì TPP nhiều khả năng được thông qua trước khi cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm 2016 diễn ra. Ở một mức độ nào đó, điều này sẽ tương tự như quá trình đàm phán TPP, trong đó các thách thức chính trị gắn liền với tự do hóa thương mại đã được xử lý tương đối tốt. Dường như việc TPP liên quan đến rất nhiều lĩnh vực ở rất nhiều quốc gia rốt cuộc đã giúp nó vượt qua sự kháng cự một cách dễ dàng hơn, vì nó pha loãng sự đối lập và ngăn chặn bất kỳ nhóm lợi ích cụ thể riêng lẻ nào giành thế thượng phong.

Dĩ nhiên, điều đó không có nghĩa là các cuộc đàm phán đã diễn ra dễ dàng. Ngược lại, các đại diện thương mại phải thể hiện sự bền bỉ và kiên nhẫn ấn tượng – trong trường hợp một số quốc gia là hơn 5 năm. Để đảm bảo tiến triển đàm phán, tính bảo mật là quan trọng (bất chấp việc các chuyên gia đàm phán Hoa Kỳ tuyên bố rằng các cuộc thảo luận là hoàn toàn minh bạch).

Thất bại trong việc phê chuẩn TPP ở tất cả 12 quốc gia sẽ là một sự thất vọng lớn, không chỉ vì những nỗ lực rất lớn đã được dành cho nó, mà quan trọng hơn là vì những lợi ích kinh tế to lớn mà nó có thể mang lại cho tất cả các nước tham gia. Tại Nhật Bản, miễn là Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền còn kiên định trong việc ủng hộ TPP thì nó sẽ được phê chuẩn. Nhưng tình hình tại Quốc hội Hoa Kỳ thì mơ hồ hơn. Người ta hy vọng rằng các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ sẽ không bỏ lỡ một cơ hội vàng để đem lại cho các doanh nghiệp Mỹ – và do đó là cả nền kinh tế Mỹ – một cú hích đáng kể.

Koichi Hamada, Cố vấn Kinh tế Đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, là Giáo sư Danh dự về Kinh tế tại Đại học Yale và Đại học Tokyo.

Xem thêm: Ý nghĩa của Hiệp định TPP đối với Nhật Bản

Copyright: Project Syndicate 2015 – The Fraught Politics of the TPP
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]