Tại sao Einstein nổi tiếng?

Print Friendly, PDF & Email

albert_einstein_6-wallpaper-1366x768

Nguồn: Andrew Robinson, “Why is Einstein Famous?”, Project Syndicate, 25/11/2015.

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Albert Einstein công bố thành tựu lớn nhất của ông, thuyết tương đối rộng, ở Berlin một thế kỷ trước, vào ngày 25/11/1915. Trong nhiều năm, hầu như không có bất kỳ nhà vật lý nào có thể hiểu được lý thuyết này. Nhưng, kể từ những năm 1960, sau nhiều thập niên tranh cãi, hầu hết các nhà vũ trụ học đã xem thuyết tương đối rộng là lời giải thích tốt nhất hiện có, nếu không muốn nói là bản mô tả hoàn thiện, về các cấu trúc được quan sát thấy của vũ trụ, bao gồm cả lỗ đen.

Tuy nhiên, ngay cả cho đến ngày nay, hầu như không ai ngoài các chuyên gia có thể hiểu được thuyết tương đối rộng – không giống như thuyết chọn lọc tự nhiên, bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học, và lưỡng tính sóng – hạt trong lý thuyết lượng tử chẳng hạn. Vậy tại sao Einstein lại là nhà khoa học nổi tiếng nhất và được trích dẫn (và trích dẫn sai) nhiều nhất trên thế giới – vượt xa cả Isaac Newton hay Stephen Hawking – cũng như là một điển hình cho thiên tài?

Sự nổi tiếng của Einstein thực sự là khó hiểu. Khi ông trình bày bài giảng về thuyết tương đối rộng tại Đại học Oxford vào năm 1931, những khán giả trong giới học thuật ngồi chật kín hội trường, để rồi sau đó rút đi do nản lòng trước các công thức toán học và giọng Đức của ông, chỉ còn để lại một nhóm nhỏ các chuyên gia. Sau đó, một người lao công đã lau các công thức khỏi bảng (mặc dù, may mắn sao một tấm bảng khác đã được lưu lại và hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Khoa học Oxford).

Tuy nhiên, khi Einstein và vợ xuất hiện trong tư cách khách mời riêng của Charlie Chaplin tại buổi ra mắt bộ phim Ánh đèn thành phố (City Lights) năm 1931 ở Los Angeles, họ đã phải vất vả đi xuyên qua đám đông đang điên cuồng và reo hò (những người mà cảnh sát trước đó đã đe dọa phải sử dụng hơi cay). Toàn bộ rạp chiếu phim đứng lên chào đón họ. Với đôi chút bối rối, Einstein hỏi gia chủ của mình tất cả những điều đó có nghĩa là gì. “Họ chào đón tôi bởi vì tất cả bọn họ đều hiểu tôi, và họ chào đón ngài vì không ai hiểu ngài,” Chaplin hài hước nói.

Trong những năm 1940, Einstein đã nói với một người viết tiểu sử: “Tôi không bao giờ hiểu được tại sao thuyết tương đối, với các khái niệm và các vấn đề của nó, cho đến nay hoàn toàn tách rời khỏi đời sống thực tế, lại có thể có được một sự đón nhận sống động, hay thực sự là đam mê, đến vậy từ các nhóm công chúng rộng lớn… Tôi chưa bao giờ được nghe một câu trả lời thuyết phục cho điều này.” Nói chuyện với một phóng viên tờ New York Times, ông thành thật nhận xét: “Tại sao không ai hiểu tôi, nhưng tất cả mọi người đều thích tôi?”

Chắc chắn, một phần lý do cho sự nổi tiếng của Einstein là vì thành tựu đầu tiên, và nổi tiếng nhất của ông – thuyết tương đối hẹp năm 1905 – dường như đã xuất hiện một cách hoàn toàn bất ngờ, và ông không có bất kỳ thành tựu nào trước đó. Giống như Newton (nhưng khác Charles Darwin), ông không có bất cứ người xuất chúng nào trong gia đình mình. Ông không đặc biệt xuất sắc trong học hành (không giống như Marie Curie); trên thực tế, ông đã không kiếm được việc tại trường đại học sau khi tốt nghiệp. Ông không phải là một thành viên của giới khoa học, và làm việc chủ yếu một mình. Năm 1905, ông đã phải vật lộn với nghề thư ký cấp bằng sáng chế, với một đứa con mới chào đời. Bất kể chúng ta có nắm bắt được thuyết tương đối hay không, sự bùng phát đột ngột của tố chất thiên tài trong ông hẳn là đã làm mọi người không khỏi bất ngờ.

Một lý do nữa cho sự nổi tiếng của Einstein là ông đã hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác xa vật lý, đặc biệt là chính trị và tôn giáo, trong đó có Chủ nghĩa phục quốc Do Thái. Trong khía cạnh này, ông nổi tiếng nhất vì đã phản đối công khai Phát xít Đức từ năm 1933, bí mật ủng hộ việc chế tạo bom nguyên tử vào năm 1939, và chỉ trích công khai bom hydrogen và chủ nghĩa McCarthy năm 1950 (FBI dưới thời J. Edgar Hoover đã ngay lập tức tiến hành một cuộc điều tra bí mật về ông). Năm 1952, ông được đề nghị giữ chức tổng thống Israel.

Rõ ràng, cuộc đời sóng gió về sau và lập trường can đảm của Einstein đã mê hoặc nhiều người, những người bị làm sửng sốt bởi thuyết tương đối rộng. Theo Bertrand Russell: “Einstein không chỉ là một nhà khoa học vĩ đại, ông còn là một người đàn ông tuyệt vời.” Jacob Bronowski nói rằng: “Newton là Chúa Cựu Ước; còn Einstein là Chúa Tân Ước…đầy tính nhân văn, bác ái, một cảm giác cảm thông rất lớn với người khác.”

Arthur C. Clarke tin rằng chính “sự kết hợp độc đáo của thiên tài, nhân văn, người theo chủ nghĩa hòa bình, và lập dị ở Einstein” đã “làm cho ông trở nên gần gũi – và thậm chí đáng yêu – đối với hàng chục triệu người.” Richard Dawkins tự nhận mình là “không xứng đáng để buộc dây cho đôi giày không tất của Einstein…Tôi hân hoan chia sẻ tinh thần vô thần tuyệt vời của ông.”

Một sự kết hợp giữa tài năng đơn độc, sự liêm chính cá nhân, và sự tích cực tham gia các sự nghiệp cộng đồng như vậy thật hiếm có trong giới trí thức. Kết hợp với năng khiếu ăn nói dí dỏm khi đối mặt với báo chí và công chúng của Einstein, sự nổi tiếng độc đáo và lâu dài của ông không còn có vẻ khó hiểu.

Rốt cuộc, ai có thể không bị quyến rũ bởi cách tóm tắt nổi tiếng của ông về thuyết tương đối: “Một giờ ngồi với một cô gái đẹp trên ghế đá công viên trôi qua như một phút, nhưng một phút ngồi trên một bếp lò nóng thì giống như một giờ”? Và đương nhiên còn có câu nói của ông mà tôi yêu thích nhất: “Nếu trừng phạt tôi vì sự coi thường uy quyền, thì Số phận đã biến bản thân tôi trở thành một thứ uy quyền.”

Andrew Robinson là tác giả của cuốn Einstein: A Hundred Years of Relativity và cuốn Genius: A Very Short Introduction.

Copyright: Project Syndicate 2015 – Why is Einstein Famous?
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]