Kinh tế Hàn Quốc có đi vào vết xe đổ Nhật Bản?

Old fortress gate with light trails at downtown

Nguồn: Lee Jong Wha, “Is South Korea Turning Japanese?“, Project Syndicate, 17/11/2015.

Biên dịch: Dương Trường Phúc | Hiệu đính: Phạm Trang Nhung

Thành tích kinh tế gần đây của Hàn Quốc đã gây nhiều thất vọng. Sau 40 năm tăng trưởng đáng kinh ngạc ở mức 7,9% năm, tỉ lệ tăng trưởng bình quân đã giảm còn 4,1% trong giai đoạn 2000-2010 và và giữ mức 3% kể từ năm 2011. Điều này làm nhiều người băn khoăn liệu rằng Hàn Quốc có đang hướng đến tình trạng giảm phát và trì trệ kéo dài, vốn là đặc trưng của cái gọi là những “thập kỷ mất mát” của Nhật Bản, mà cho đến giờ Nhật mới bắt đầu dần thoát ra.

Sự tương đồng giữa Hàn Quốc ngày nay và Nhật Bản 20 năm trước là không thể phủ nhận. Và trên thực tế, các vấn đề kinh tế của Hàn Quốc ít nhiều cũng thường đi theo con đường của Nhật Bản. Trong trường hợp này, tấm gương Nhật Bản có thể hữu ích với Hàn Quốc, nếu các lãnh đạo của quốc gia này xem đó là bài học về những việc không nên làm.

Tai ương của Nhật Bản bắt nguồn từ bong bóng bất động sản và chứng khoán, và bị thúc đẩy thêm bởi chính sách tiền tệ mở rộng nhằm kích cầu sau khi Thỏa thuận Plaza năm 1985 nâng giá trị đồng yên và làm tổn hại ngành xuất khẩu của Nhật Bản. Đầu những năm 1990, các bong bóng vỡ để lại cho khu vực tư nhân một khoản nợ khổng lồ. Thêm vào đó là năng suất tăng trưởng chậm chạp, cầu yếu và tỉ lệ già hóa dân số nhanh, khiến tình hình Nhật Bản lúc ấy thật thảm khốc.

Lúc đầu, chính quyền Nhật Bản lại tiến hành mở rộng tài khóa và tiền tệ. Nhưng chính sách tài khóa thường nhắm đến các dự án không hiệu quả như xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và những yếu kém trong hệ thống ngân hàng làm giảm hiệu quả những gói kích thích tiền tệ. Kết quả là, những năm 1990, tỉ lệ tăng trưởng trung bình chỉ có 1,1%, kém xa 4,5% trong những năm 1980.

Đầu những năm 2000, chính phủ của Thủ tướng Junichiro Koizumi đã có những hành động quyết liệt nhằm giải quyết các vấn đề cơ bản trong lĩnh vực tài chính và doanh nghiệp. Bất chấp những nỗ lực này, chưa tính đến tác động lan tỏa của việc tăng trưởng GDP nhanh chóng ở Trung Quốc, nền kinh tế Nhật Bản vẫn chỉ tăng trung bình 0,75% mỗi năm trong toàn bộ thập kỷ.

Mọi thứ dường như khá hơn từ khi Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền vào năm 2012 và đưa ra chiến lược phục hồi “ba mũi tên”, thường được gọi là chính sách Abenomics, bao gồm việc nới lỏng tiền tệ, mở rộng tài khóa và cải cách cơ cấu táo bạo. Giá cổ phiếu đã tăng hơn 80%. Việc đồng yên mất giá, từ 78¥ xuống còn 123¥ một đô-la Mỹ đã đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp, qua đó tăng lợi nhuận doanh nghiệp. Do đó, việc làm và tiền lương cũng tăng lên.

Hiện tại, Thủ tướng Abe đang chuẩn bị tăng cường những nỗ lực này với các sáng kiến nhằm giải quyết những gánh nặng trọng yếu trong nền kinh tế Nhật Bản. Cái gọi là chính sách Abenomics 2.0 cần nhiều nỗ lực để nâng cao tỷ suất sinh (giáo dục mầm non miễn phí, hỗ trợ điều trị liên quan đến sinh sản, và trợ cấp nhiều hơn cho các gia đình cha mẹ đơn thân) và giảm thiểu các vấn đề liên quan đến già hóa dân số (tăng cường phúc lợi xã hội và tạo thêm cơ hội việc làm cho người về hưu).

Tuy nhiên, kinh tế Nhật Bản vẫn chưa hề thoát ra khỏi những khó khăn. Ngược lại, GDP giảm 0,1% trong năm ngoái và dự kiến chỉ tăng 0,6% trong năm nay. Hơn nữa, mặc dù tiếp tục mua 80 nghìn tỷ yên trái phiếu chính phủ mỗi năm, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vẫn thất bại trong việc đạt được mức lạm phát 2% như mục tiêu đề ra. Và tỉ lệ nợ công trên tổng GDP của Nhật Bản là 240% (và vẫn đang tăng), tiếp tục là quốc gia có tỉ lệ nợ công cao nhất thế giới.

Chính sách Abenomics 2.0 có thể không thành công, một phần là vì những người trẻ, không tin tưởng rằng họ có thể nuôi được cả một đại gia đình, đang ngày càng trì hoãn việc kết hôn và sinh đẻ. Trong bối cảnh này, nhiều người tin rằng việc ngăn dân số giảm từ mức 127 triệu người hiện nay xuống dưới 100 triệu người – mục tiêu chính của Abe – đòi hỏi Nhật Bản phải chấp nhận nhiều người nhập cư. Đây không phải là vấn đề nhỏ trong một đất nước coi trọng tính đồng nhất như Nhật.

Nói đơn giản, mặc dù Nhật Bản có lý do để hy vọng, tình hình của quốc gia này cũng chẳng có gì đáng mong đợi. Và nếu Hàn Quốc không cẩn thận, rất có thể họ sẽ có kết cục tương tự.

Sử dụng nhiều chiến lược phát triển giống nhau, bao gồm: chính sách định hướng xuất khẩu và hệ thống công nghiệp do các tập đoàn chi phối, Hàn Quốc đã theo kịp Nhật Bản trong khoảng bốn thập kỷ. Thu nhập bình quân đầu người (tính theo sức mua tương đương-PPP) chỉ bằng 1/5 Nhật Bản vào năm 1970 thì nay đã tương đương 95%. Cũng trong giai đoạn này, thị phần xuất khẩu toàn cầu của Hàn Quốc đã tăng từ 0.3% lên 3%, rất gần với mức 3,6% của Nhật Bản.

Tuy vậy, giữa hai nước chắc chắn vẫn có những khác biệt đáng kể. Hàn Quốc vẫn đứng sau Nhật Bản nếu xét đến ảnh hưởng quốc tế và chất lượng thể chế. Hàn Quốc đứng thứ 26 về chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, trong khi Nhật Bản đứng thứ 6. Dựa trên sự chênh lệch về bình quân GDP trên mỗi công nhân so với Mỹ, Hàn Quốc đứng  sau Nhật Bản tới hơn 20 năm.

Tuy nhiên, thực tế là Hàn Quốc đã trải qua nhiều vấn đề tương tự như Nhật Bản đã từng gặp phải vào đầu những năm 1990, bao gồm mức nợ hộ gia đình và doanh nghiệp cao, thị trường lao động và tài chính không hiệu quả và năng suất thấp trong lĩnh vực dịch vụ. Với tỷ suất sinh chỉ 1,2 ca trên một phụ nữ –  nằm trong nhóm những quốc gia thấp nhất – lực lượng lao động của Hàn Quốc được dự đoán sẽ giảm khoảng ¼ vào năm 2050, với những người tuổi từ 65 trở lên chiếm 35% tổng dân số, tăng 13% so với hiện tại. Điều này sẽ tạo ra gánh nặng cho ngân sách công.

Nếu Hàn Quốc muốn thoát khỏi vận mệnh tương tự Nhật Bản, quốc gia này phải thực hiện các biện pháp nhằm giảm nợ hộ gia đình và doanh nghiệp. Họ cũng cần tiếp tục thực hiện cải tổ cơ cấu nhằm củng cố thị trường lao động và tài chính, cải thiện chất lượng thể chế, thúc đẩy năng suất trong lĩnh vực dịch vụ và các xí nghiệp vừa và nhỏ.

Với kinh nghiệm từ chính sách Abenomics 2.0, Hàn Quốc nên tạo ra môi trường tốt hơn cho việc nuôi con, bao gồm môi trường làm việc linh hoạt, các chương trình chăm sóc và hoạt động sau giờ học cho trẻ có chất lượng cao với giá cả phải chăng, và áp dụng nghỉ phép có trả lương cho các bậc phụ huynh sau sinh. Hỗ trợ tài chính, chẳng hạn như các khoản vay lãi suất thấp cho các cặp vợ chồng mới cưới, có thể khuyến khích hôn nhân và sinh đẻ.

Hai thập kỷ mất mát của Nhật Bản làm nổi bật tầm quan trọng của việc “điều trị” các căn bệnh kinh tế đúng thuốc, trước khi chúng trở nên mãn tính và khó trị. Nếu Hàn Quốc rút ra bài học này, thực hiện những chính sách và cải cách đúng đắn, trở nên giống Nhật Bản sẽ không đồng nghĩa với việc phải chia sẻ số phận kinh tế của họ.

Lee Jong-Wha, Giáo sư Kinh tế và Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Á tại Đại học Hàn Quốc, từng là Trưởng ban Kinh tế và Trưởng Văn phòng Hội nhập kinh tế khu vực tại Ngân hàng Phát triển châu Á và là cố vấn cấp cao về các vấn đề kinh tế quốc tế cho cựu Tổng thống Lee Myung-bak (Hàn Quốc). Cuốn sách gần đây nhất của ông, đồng tác giả với Robert J. Barro của Đại học Harvard, là Education Matters: Global Gains from the 19th to the 21st Century (Giáo dục là quan trọng: Lợi ích toàn cầu từ thế kỷ 19 đến thế kỷ 21).

Copyright: Project Syndicate 2015 – Is South Korea Turning Japanese?
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]