Lý thuyết của Piketty và trường hợp Nhật Bản

Print Friendly, PDF & Email

610915599_o

Nguồn: Yuriko Koike, “Thomas Piketty’s Japanese Tour,” Project Syndicate, 01/03/2015.

Biên dịch: Thái Khánh Phong | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Cuốn Capital in the Twenty-First Century (Tư bản trong thế kỷ 21) của Thomas Piketty đã trở thành cuốn sách bán chạy ở Nhật Bản 6 tháng sau khi tạo nên một làn sóng tranh luận tại Hoa Kỳ và Châu Âu. Nhưng sự khác biệt lớn giữa Nhật Bản và các nước phát triển khác ở phương Tây đã làm cho các lập luận của Piketty có thêm những ý nghĩa độc đáo mới, giống như đã từng xảy ra với nhiều món hàng xuất khẩu khác của phương Tây sang đất nước này.

Luận đề cơ bản của Piketty cho rằng nhân tố hàng đầu làm bất bình đẳng gia tăng ở các nước phát triển là sự tích lũy của cải của những người vốn đã giàu có nhờ tỷ lệ lợi nhuận trên vốn luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, Nhật Bản lại có mức độ bất bình đẳng thấp hơn so với hầu hết các nước phát triển khác. Thật vậy, dù từ lâu Nhật Bản đã là một cường quốc công nghiệp, nó vẫn thường được gọi là đất nước cộng sản thành công nhất thế giới.

Nhật Bản có mức thuế thu nhập khá cao đối với những người giàu có (45%) và mức thuế thừa kế ở Nhật gần đây đã được nâng lên đến 55%. Điều này gây khó khăn cho việc tích lũy vốn qua nhiều thế hệ – một xu hướng mà theo Piketty là nhân tố quan trọng gây ra bất bình đẳng.

Kết quả là các gia đình giàu có nhất Nhật Bản thường bị mất đi sự giàu có của họ trong vòng ba thế hệ. Điều này dẫn đến việc ngày càng có nhiều người Nhật giàu có di cư đến Singapore hoặc Úc, nơi có mức thuế thừa kế thấp hơn. Sự thân quen của nước Nhật có vẻ như không còn đủ hấp dẫn để buộc những người giàu có phải chịu các loại thuế cao mà Chính phủ Nhật áp đặt lên họ.

Trong bối cảnh đó, không có gì ngạc nhiên khi những người “siêu giàu” của Nhật Bản ít giàu có hơn rất nhiều so với tầng lớp tương tự họ ở các nước khác. Ví dụ, thu nhập bình quân của các hộ gia đình giàu nhất (top 1%) tại Mỹ trong năm 2012 là 1.264.065 USD, theo hãng đầu tư Sadoff Investment Research. Trong khi đó tại Nhật Bản, các hộ gia đình thuộc top 1% có thu nhập trung bình chỉ khoảng 240.000 USD (theo tỷ giá hối đoái 2012).

Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn rất nhạy cảm với vấn đề bất bình đẳng, khiến cả những người giàu nhất cũng tránh phô trương của cải. Ở Nhật, đơn giản là không thể nhìn thấy hàng loạt các biệt thự, du thuyền và chuyên cơ vốn đặc trưng cho các khu như Beverly Hills hay Palm Beach.

Một ví dụ điển hình là việc ông Haruka Nishimatsu, cựu Chủ tịch và Giám đốc điều hành Japan Airlines, đã thu hút sự chú ý của quốc tế một vài năm trước đây với lối sống khiêm tốn của mình. Ông đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng và ăn trưa với các nhân viên trong căng tin của công ty. Trong khi đó ở Trung Quốc, những người đứng đầu các công ty quốc gia thường nổi tiếng về việc duy trì lối sống phô trương.

Người Nhật chúng tôi có một khả năng chịu đựng ăn sâu vào trong tính cách. Điều này phản ánh một quan niệm Nho giáo là mọi người không kêu ca về sự nghèo khổ khi những người khác cũng kêu ca về nó. Sự sẵn sàng chấp nhận mọi tình huống dù là xấu đến thế nào đi nữa, miễn là nó ảnh hưởng đồng đều đến tất cả mọi người, là nguyên nhân khiến Nhật Bản có thể chịu đựng hai thập kỷ giảm phát liên tục mà không có bất kỳ sự phản đối mạnh mẽ nào của công chúng khi chính quyền liên tiếp thất bại trong việc giải quyết vấn đề này.

Tính cách dân tộc này không chỉ giới hạn ở các cá nhân. Cả chính phủ, ngân hàng trung ương, giới truyền thông, và các doanh nghiệp đã lãng phí quá nhiều thời gian để chịu đựng giảm phát – quãng thời gian mà đúng ra họ nên dành để tích cực giải quyết vấn đề.

Nhật Bản cuối cùng cũng có một chính phủ, do Thủ tướng Shinzo Abe đứng đầu, quyết tâm chấm dứt giảm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ bằng cách kết hợp sử dụng chính sách nới lỏng tiền tệ, chính sách tài khóa tích cực, và việc phi điều tiết hóa (hay tự do hóa – NBT). Chính sách kinh tế “Abenomics” đang thực hiện đến nay là năm thứ ba đã cho thấy một số kết quả tích cực. Giá cổ phiếu đã tăng 220% kể từ khi ông Abe lên nắm quyền hồi tháng 12 năm 2012. Hiệu quả làm việc của các công ty đã được cải thiện – tuy chủ yếu là các công ty trong các ngành công nghiệp xuất khẩu do được hưởng lợi từ việc đồng yên giảm giá – với nhiều công ty đạt được mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay.

Nhưng Abenomics vẫn chưa mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Trên thực tế, có cảm giác rằng các chính sách của ông Abe đang góp phần làm gia tăng sự bất bình đẳng ở Nhật. Đó là lý do tại sao cuốn sách của Piketty lại hấp dẫn nhiều người Nhật đến vậy.

Ví dụ, dù việc giảm thuế doanh nghiệp gần đây là cần thiết để khuyến khích tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư, nhiều người Nhật Bản lại coi đó là một động thái đáng ngờ khi mức thuế tiêu thụ đã bị tăng lên và các biện pháp để giải quyết tình trạng giảm phát đang đẩy giá cả hàng hóa lên cao. Để giải quyết vấn đề này, các công ty được giảm thuế nên tăng lương cho nhân viên để bù lại việc giá cả tăng cao, thay vì chờ các tác nhân thị trường để cải thiện mức lương.

Đây chính là sự biến tấu độc đáo đối với lý thuyết của Piketty ở Nhật Bản: sự chênh lệch giàu nghèo không phải là giữa những người siêu giàu và số đông còn lại, mà là giữa các tập đoàn lớn, những người có thể duy trì thu nhập và tích lũy tư bản, với các cá nhân đang bị vắt kiệt trong quá trình tích lũy đó.

Yuriko Koike là cựu Bộ trưởng Quốc phòng và Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhật Bản, Chủ tịch Đại hội đồng Đảng Dân chủ Tự do và hiện đang là thành viên của Quốc hội Nhật Bản.