Nguồn: Lee Jong-Wha, “Taming the Chaebols”, Project Syndicate, 19/01/2017.
Biên dịch: Lâm Minh Đạt | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Cáo buộc hình sự đối với Lee Jae-yong (trong hình), người thừa kế Tập đoàn Samsung, chỉ là một tình tiết bùng nổ mới nhất trong vụ bê bối chính trị đã làm rung chuyển Hàn Quốc. Quốc hội đã bỏ phiếu để luận tội Tổng thống Park Geun-hye, con gái của cố Tổng thống Park Chung-hee, vào ngày 9 tháng 12. Tòa án Hiến pháp hiện có sáu tháng để củng cố hồ sơ cho việc phế truất Tổng thống. Tùy thuộc vào quyết định của tòa, một cuộc bầu cử Tổng thống có thể được tổ chức trong vài tháng tới.
Tuy nhiên, như cáo buộc đối với Lee cho thấy, Tổng thống không phải là người duy nhất đang bị đe dọa trong cuộc khủng hoảng này. Trung tâm của vụ bê bối là mối quan hệ có đi có lại giữa các chính trị gia và các chaebol, các tập đoàn gia đình khổng lồ ở Hàn Quốc. Nếu chính phủ nhân cơ hội này để sửa đổi cơ cấu nền kinh tế vốn chịu sự thống trị của các tập đoàn này, chính phủ sẽ có thể định hình lại tương lai kinh tế của đất nước – theo chiều hướng tốt hơn.
Tổng thống Park bị cáo buộc sử dụng ảnh hưởng chính trị để mang lại lợi ích cho người bạn thân lâu năm của mình, Choi Soon-sil, người bị buộc tội ép buộc các chaebol rót khoảng 80 tỷ won ($70 triệu) vào hai tổ chức văn hóa phi lợi nhuận nằm dưới quyền điều hành của bà. Bà cũng bị nghi ngờ đã can thiệp vào công việc của nhà nước, bao gồm việc bổ nhiệm các quan chức cấp bộ và các chuyến thăm cấp Nhà nước, mặc dù không giữa chức vụ chính thức nào. Do đó, bà Park bị chế nhạo là con rối của Choi.
Ở một mức độ nào đó, đây là một điều không hề mới mẻ ở Hàn Quốc. Hầu hết các chính quyền đều đã từng moi tiền của các chaebol, thường là với sự giúp đỡ của các công tố viên và các cơ quan thuế. Đổi lại cho việc cung cấp số tiền đó, thường được sử dụng để tài trợ cho các dự án nhà nước tốn kém hoặc thậm chí là các chiến dịch chính trị, các chaebol nhận được những ân huệ, chẳng hạn như các khoản vay ngân hàng giá rẻ hoặc các quy định quản lý thuận lợi.
Mối quan hệ có đi có lại này đã tồn tại từ khi Hàn Quốc bắt đầu chuyển đổi nền kinh tế trong những năm 1960. Sự phát triển nhanh chóng của đất nước chủ yếu là nhờ ngành công nghiệp xuất khẩu mạnh, được thực hiện bởi các công ty có thể cạnh tranh trên thị trường toàn cầu nhờ sự trợ giúp từ các sáng kiến của chính phủ.
Cha của bà Park, người đã dẫn dắt Hàn Quốc từ năm 1961 cho đến khi ông bị ám sát vào năm 1979, đã làm việc chặt chẽ với các chaebol, giúp họ trước tiên xây dựng lợi thế so sánh trong các ngành nghề thâm dụng lao động và sau đó tiến tới các ngành công nghiệp đòi hỏi nhiều vốn, bao gồm ô tô, đóng tàu, và hóa chất.
Ngày nay, các chaebol chiếm gần hai phần ba xuất khẩu của Hàn Quốc – một kỳ tích không nhỏ, trong một đất nước đứng thứ sáu trên thế giới về xuất khẩu. Samsung Electronics là tập đoàn lớn nhất, và chiếm 20% tổng xuất khẩu. Xếp hạng thứ 13 trên danh sách Fortune Global 500 năm 2016, vốn hóa thị trường của Samsung chiếm tới một phần năm giá trị thị trường chứng khoán Hàn Quốc.
Ngoài sự hỗ trợ của chính phủ, quyền sở hữu và cơ cấu quản trị của các chaebol đã góp phần vào thành công của họ. Với trách nhiệm điều hành thuộc về các gia đình sáng lập, bộ máy quản lý cao cấp của các chaebol có thể tập trung vào việc xây dựng tầm nhìn dài hạn, thay vì lợi nhuận ngắn hạn, và có thể huy động các nguồn lực một cách nhanh chóng. Hiệu quả của mô hình này thể hiện rõ ràng khi các chaebol trở thành những đối thủ đuổi theo nhanh chóng các công ty hàng đầu của Mỹ và Nhật Bản.
Tuy nhiên, cấu trúc phân cấp quản lý của các chaebol thường quá cứng nhắc để có thể sửa chữa những quyết định sai lầm. Nhiều tập đoàn khổng lồ đã phá sản trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 do đã đầu tư quá mức mà không có lợi nhuận.
Hơn nữa, quyền sở hữu của các chaebol thường không rõ ràng, với mạng lưới sở hữu chéo cổ phần cho phép các gia đình sáng lập kiểm soát quyền lực, mặc dù chỉ nắm giữ một số ít cổ phiếu. Gia đình nhà Lee có chưa đầy 5% quyền sở hữu trực tiếp đối với Samsung Electronics, nhưng nắm giữ 31,1% cổ phần của Samsung C&T, trên thực tế là công ty mẹ của tập đoàn, công ty sở hữu 4,3% cổ phần của Samsung Electronics và 19,3% cổ phần của của Samsung Life Insurance. Samsumg Life Insurance lại có 7,3% cổ phần trong Samsung Electronics, và đến lượt Samsung Electronics lại gián tiếp đầu tư vào Samsung C&T và Samsung Life Insurance.
Dạng cơ cấu sở hữu này có thể gây ra nhiều vấn đề trong quá trình chuyển giao quyền sở hữu cho các thế hệ sau. Như với bất kỳ triều đại nào, không ai có thể quả quyết rằng người thừa kế có khả năng làm được việc. Mới đây nhất, Lee đã tiếp quản chức vụ Phó Chủ tịch của Samsung Electronics. Tại thời điểm thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, ông phải cho thấy rằng mình là một nhà lãnh đạo với tầm nhìn xa trông rộng giống như cha và ông nội của mình, những người sáng lập tiên phong của công ty, đã biến một công ty thương mại địa phương nhỏ thành một tập đoàn toàn cầu về sản xuất chip bán dẫn và điện thoại thông minh.
Giống như các chaebol khác, Samsung đang đứng trước nguy cơ mất chỗ đứng trên thị trường toàn cầu do khoảng cách công nghệ ngày càng thu hẹp với Trung Quốc. Mặc dù Hàn Quốc vẫn vượt trội hơn Trung Quốc trong các ngành công nghệ cao như chip nhớ và ô tô, nhưng thế thượng phong của họ đang bị thu hẹp lại trong nhiều ngành công nghiệp nặng, chẳng hạn như thép, đóng tàu, hóa dầu và điện tử. Ở các thị trường mới nổi, Samsung Electronics đã mất thị phần vào tay các nhà sản xuất điện thoại thông minh của Trung Quốc như Huawei và Oppo.
Chính trong bối cảnh áp lực ngày càng cao này, vào năm ngoái, Moon Hyung-pyo, lúc đó là Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi của Hàn Quốc, đã bị cáo buộc gây áp lực lên Cơ quan Hưu trí Quốc gia (NPS) để ủng hộ một cuộc sáp nhập gây tranh cãi giữa hai công ty liên kết của Samsung vốn đóng vai trò thiết yếu nhằm đảm bảo quá trình chuyển giao quyền lực cho Lee diễn ra suôn sẻ. Moon, người sau đó trở thành Chủ tịch của NPS, hiện đã bị bắt giữ vì cáo buộc đó.
Cáo buộc đối với Lee cũng liên quan tới sự kiện này. Ông bị buộc tội quyên góp cho hai quỹ của Choi, và hỗ trợ tài chính cho con gái của Choi, để đổi lấy sự hậu thuẫn. Ông cũng bị cáo buộc tham ô và khai man. (Nhưng thẩm phán đã ra phán quyết rằng không có đủ chứng cứ để ban hành lệnh bắt giữ).
Trong khi Chính phủ bắt tay với các chaebol, các doanh nghiệp start-up và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) đang vật lộn để có thể tham gia vào thị trường. Năng suất lao động của các SME chỉ bằng 35% so với các doanh nghiệp lớn. Và năng suất lao động trong ngành dịch vụ chỉ bằng 45% so với lĩnh vực sản xuất – tương đương một nửa mức trung bình của OECD.
Để tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp nhỏ đầy sáng tạo và các startup khởi nghiệp, sự thống trị của các chaebol phải chấm dứt. Các nhà lãnh đạo Hàn Quốc cần phải bổ sung các quy định cứng rắn hơn để ngăn chặn các giao dịch bất hợp pháp và các quy trình không công bằng, bao gồm việc thông đồng giữa các chaebol và các quan chức chính phủ. Họ cũng cần củng cố quyền của các cổ đông thiểu số và các giám đốc bên ngoài để ngăn chặn việc chiếm dụng tài sản của các gia đình sáng lập.
Đã có một thời khi những gì tốt cho các chaebol là tốt đối với Hàn Quốc. Nhưng thời thế đã thay đổi, và các chaebol hiện đang gây hại nhiều hơn lợi. Với việc luận tội bà Park, Hàn Quốc đã tạo ra một cơ hội lý tưởng để bỏ lại phía sau di sản của cha bà.
Lee Jong-Wha, Giáo sư Kinh tế và Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Á tại Đại học Hàn Quốc, từng là Trưởng ban Kinh tế và Trưởng Văn phòng Hội nhập kinh tế khu vực tại Ngân hàng Phát triển châu Á và là cố vấn cấp cao về các vấn đề kinh tế quốc tế cho cựu Tổng thống Lee Myung-bak (Hàn Quốc). Cuốn sách gần đây nhất của ông, đồng tác giả với Robert J. Barro của Đại học Harvard, là “Education Matters: Global Gains from the 19th to the 21st Century” (Giáo dục là quan trọng: Lợi ích toàn cầu từ thế kỷ 19 đến thế kỷ 21).
Copyright: Project Syndicate 2017 – Taming the Chaebols
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]