Nguồn: “Master of emergencies”, The Economist, 07/11/2015.
Biên dịch: Vũ Hồng Trang – Nguyễn Thùy Dương
Vị Bộ trưởng Quốc phòng có uy tín là người duy nhất phục vụ cho mọi chính phủ Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Sergei Shoigu có thể trở thành vị tổng thống tiếp theo.
Vào ngày sinh nhật của Tổng thống Vladimir Putin hồi tháng 10, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã tặng cho Putin một món quà: đó là báo cáo mới nhất về tình hình chiến dịch quân sự của Nga ở Syria. Báo cáo gồm thông tin về việc tên lửa hành trình phóng đi từ biển Caspi đã đâm trúng các mục tiêu cách xa gần 1.500 km. Tổng thống Putin hài lòng phụ họa “Chúng ta đều biết các hoạt động quân sự như vậy phức tạp đến nhường nào”. Tối hôm đó, tổng thống Nga và ngài bộ trưởng quốc phòng đã ăn mừng bằng việc chơi một ván khúc côn cầu trên băng cùng với câu lạc bộ nghiệp dư của hai người. Tổng thống Putin ghi được 7 bàn thắng và bộ trưởng Shoigu cũng ghi thêm được 1 bàn. Đội của họ đã giành thắng lợi dễ dàng.
Kể từ lúc Shoigu tiếp quản vị trí bộ trưởng quốc phòng cuối năm 2012, sự hợp tác của ông với Tổng thống Putin cũng đã vượt ra ngoài môn thể thao khúc côn cầu trên băng. Các lực lượng vũ trang Nga trở thành công cụ chủ yếu trong chính sách đối ngoại của Putin. Tại Crimea và đông Ucraina, dọc theo rìa không phận NATO và giờ là ở Syria, Nga đã phô trương sức mạnh với hiệu quả chưa từng có. Evelyn Farkas, quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ về các vấn đề Nga cho biết: Dưới thời bộ trưởng Shoigu, lực lượng vũ trang Nga đã “thể hiện sự phối hợp giữa năng lực, tổ chức và hậu cần mà chúng ta chưa từng thấy trước kia”.
Nhưng còn có nhiều điều để nói về ông Shoigu ngoài cương vị bộ trưởng quốc phòng mới nhất của Nga mà ông nắm giữ. Ở tuổi 60, trẻ hơn Putin 3 tuổi, ông là thành viên thâm niên nhất trong chính phủ Nga. Shoigu phục vụ chính quyền từ năm 1990, trước khi Liên Xô sụp đổ, khi tổng thống Putin vẫn còn đang chật vật ở một vị trí vô danh tiểu tốt tại văn phòng thị trưởng thành phố Saint Pertersburg. Shoigu đã nổi danh từ khi còn ở Bộ các Tình trạng Khẩn cấp (Ministry of Emergency Situations), một dịch vụ cứu trợ bán quân sự với phạm vi hoạt động rộng do chính ông thành lập và lãnh đạo trong gần 22 năm. Bằng việc tài tình lách qua bộ máy hành chính cồng kềnh của Nga, Shoigu tích lũy quyền lực và danh tiếng mà không tạo ra bất cứ kẻ thủ đáng chú ý nào. Evgeny Minchenko, một nhà phân tích nghiên cứu về giới tinh hoa Nga, nói rằng “Không một ai trong giới cầm quyền giống ông ấy”. Đây là một câu chuyện hoàn toàn chưa từng có tiền lệ”.
Nga là một vùng đất của những tình huống khẩn cấp, từ hạn hán và cháy rừng cho tới các vụ tai nạn tàu ngầm, nổ bom ở các khu căn hộ và thảm kịch bắt cóc con tin ở trường học. Gần đây nhất là vụ tai nạn của chiếc máy bay chở khách trên bán đảo Sinai, rất có thể là do khủng bố gây ra. Vì thế việc ngài bộ trưởng quán xuyến những tình huống khẩn cấp trở thành một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trong nền chính trị Nga hầu như không gây bất ngờ. Mặc dù Shoigu không nằm trong nhóm trước đây thuộc Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) từ Saint Peterburg của tổng thống Putin, nhưng ông là một người thân cận đáng tin cậy. Minchenko, người công bố một báo cáo thường niên được lưu hành rộng rãi có tên “Bộ chính trị 2.0”, xếp bộ trưởng Shoigu ở vị trí thứ hai về tầm ảnh hưởng trong số các cộng sự của Tổng thống Putin, chỉ đứng sau Chánh văn phòng tổng thống Sergei Ivanov. Khi đưa ra các quyết định lớn như những hoạt động quân sự ở Ukraine hay Syria, thì không thể thiếu bộ trưởng Shoigu. Sự kết hợp của lòng trung thành, năng lực và tiếng tăm cũng khiến cho bộ trưởng Shoigu trở thành một trong số ít những người kế vị tiềm năng của tổng thống Putin.
Bộ trưởng Shoigu trưởng thành ở nam Siberia, thuộc cộng hòa Tuva ít được biết đến. Ông có sở trường đối với các môn thể thao, đấu bóng bầu dục và những cú biểu diễn mạo hiểm, như nhảy trên những tảng băng qua sông Yenisei chảy xiết. Những sự phấn khích ấy đã đem đến cho bộ trưởng Shoigu biệt danh Shaitan (“Sa-tăng”). Tấm bằng kỹ sư tại Đại học Krasnoyarsk và một vài dự án xây dựng thành công đã khiến ông được các lãnh đạo Đảng Cộng sản triệu tập tới Moskva vào năm 1990. Sau một thời gian làm việc trong một ủy ban kiến trúc, Shoigu phụ trách một nhóm mới gồm các nhân viên cứu hộ, và đã phát triển nhóm đó trở thành tổ chức có hiệu quả cao để rồi cuối cùng trở thành Bộ các Tình trạng Khẩn cấp. Ông cũng thể hiện thái độ phụng sự trung thành tuyệt đối khi trợ giúp Boris Yeltsin trong cuộc đảo chính tháng 8 năm 1991 và một lần nữa trong cuộc khủng hoảng hiến pháp tháng 10 năm 1993.
Trong sự hỗn loạn thập niên 1990, sự hiện diện của ông Shoigu luôn đem đến sự trấn an. Bên cạnh việc đối phó với thiên tai và các vụ cháy rừng, ông còn đóng vai trò trung gian trong các cuộc xung đột từ Nam Ossetia đến Tajikistan và Chechnya. Năm 1999, khi cựu tổng thống Yeltsin chuẩn bị chuyển giao quyền lực cho Putin, nội các cựu tổng thống đã tiến cử Shoigu lãnh đạo một đảng chính trị mới được gọi là Đảng Thống nhất, tiền thân của Đảng Nước Nga Thống nhất đang cầm quyền hiện nay. Yeltsin đã từng ngợi ca Shoigu như “ngôi sao vĩ đại của chúng ta”.
Khi Putin lên nắm quyền, các chiến lược gia của ông đã phải xây dựng hình ảnh cho nhà lãnh đạo mới còn chưa được biết đến đối với quần chúng nhân dân. Gleb Pavlovsky, cựu cố vấn chính phủ Nga, cho rằng chính quyền “chủ ý chế tác” hình ảnh của tổng thống Putin phần nào gần dựa vào hình tượng Shoigu: “Tổng thống Putin cũng cần được coi là người cứu nguy”. Shoigu, vốn dĩ không muốn tham gia chính trị đảng phái, đã khôn khéo nhường lại sự chú ý cho Putin. Shoigu hiểu rằng, “một khúc gỗ không thể chịu được hai con gấu”, như lời Pavlovsky mô tả.
Thay vào đó, Shoigu tự biết cách lấy lòng tổng thống Nga. Năm 2000, Shoigu tặng Putin chú chó đen giống labrador có tên Koni mà sau này trở thành chú chó cưng của tổng thống Nga. Shoigu cũng hộ tống Putin trong những chuyến đi mạo hiểm phong trần không sơ-mi đầy nam tính. Với tinh thần yêu nước, ngài bộ trưởng dành những ngày nghỉ trong các cánh rừng ở Nga thay vì trên những bãi biển Pháp. Hai người đều có chung sở thích về lịch sử. Ông Shoigu trở thành chủ tịch của Hiệp hội Địa lý Nga, một nhóm thời Sa hoàng được phục hồi hoạt động và đóng vai trò như một câu lạc bộ dành cho tầng lớp thượng lưu Nga.
Sĩ quan và quý ông
Sau khi bộ trưởng quốc phòng tiền nhiệm Anatoly Serdyukov bị thất sủng, tổng thống Putin giao phó lực lượng quân đội cho Shoigu. Serdyukov giám sát các công cuộc cải cách vô cùng cần thiết, nhưng lại làm cho giới sĩ quan chóp bu xa lánh. Shoigu vừa tiếp tục duy trì các cải cách, vừa khôi phục tinh thần. Mikhail Khodarenok, biên tập của tuần san về quốc phòng Nga Báo Công nghiệp quân sự cho hay: “Dưới thời Shoigu, quân đội bắt đầu tin tưởng vào chính mình”.
Shoigu tập trung vào khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội – và quan hệ công chúng. Dmitry Gorenburg, một chuyên gia về quân sự Nga thuộc đại học Harvard cho biết, bộ trưởng Nga tăng cường diễn tập và thanh tra đột xuất. Những quyết định ban đầu như việc hạ lệnh cho binh lính thay đổi từ việc quấn chân bằng vải kiểu xa xưa sang dùng tất giúp lấy lại danh tiếng cho quân đội vốn đã từng bị chế giễu suốt thời kỳ hậu Xô Viết.
Lúc đầu, thái độ thực dụng của bộ trưởng Nga cũng có ảnh hưởng (tích cực) đối với các quan hệ với phương Tây. Bộ trưởng Shoigu gọi Bộ trưởng quốc phòng Mỹ bấy giờ là Chuck Hagel một cách thân mật là “Chuck” (thay vì gọi bằng họ). Derek Chollet, một cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ cho biết: “Trong khi lập trường mặc định của nhiều quan chức an ninh Nga là phải dựng lên các rào chắn, thì Shoigu dường như thích việc dỡ chúng đi”.
Cuộc khủng hoảng Ukraine chấm dứt thái độ thân thiện ấy. Khi tổng thống Nga quyết định chiếm Crimea, Shoigu cử thứ trưởng Oleg Belaventsev giám sát việc xâm chiếm. (Belaventsev hiện là đặc phái viên tổng thống Nga ở Crimea). Kinh nghiệm của một nhà quản lý khủng hoảng đã hỗ trợ Shoigu rất nhiều. Minchenko cho biết: “Hoạt động quân sự ở Crimea đã cho thấy một quân đội Nga mới”. Và bộ trưởng Shoigu đã trở thành một biểu tượng của quân đội đó”.
Vào ngày 9 tháng 5, trong lễ kỷ niệm lần thứ 70 chiến thắng Đức quốc xã của Liên Xô, các máy quay truyền hình Nga dồn sự chú ý vào một chiếc xe mui trần màu đen chở bộ trưởng Shoigu tiến vào Quảng trường đỏ. Khoác lên mình bộ quân phục đầy ắp phù hiệu quân đội truyền thống, bộ trưởng Nga làm dấu chữ thập và tiến vào dưới những bức tường của điện Kremlin. Cử chỉ rất bất thường có vẻ như được tính toán để xua tan bất kỳ nghi vấn nào về đức tin Thiên chúa nửa Tuvan, nửa Nga của Shoigu. Sự chú ý dành cho Shoigu trở thành chủ đề bàn tán mới: liệu bộ trưởng Shoigu có được thăng chức?
Tình huống khẩn cấp cuối cùng
Câu hỏi về điều gì sẽ đến sau Putin ám ảnh toàn hệ thống chính trị của Nga. Sự kiểm soát quyền lực của Putin một phần dựa trên ý tưởng bezalternativnost, nghĩa là thiếu vắng người thay thế. Pavlovsky lập luận: Nếu một nhân vật thứ hai thực sự xuất hiện, thì điều đó có thể sẽ là “sự khởi đầu một trò chơi mà [Putin] lo sợ bởi vì Putin không thể kiểm soát được trò chơi đó”.
Nhưng nếu tồn tại một danh sách ứng cử viên thì rất có thể bộ trưởng Shoigu sẽ có mặt trong danh sách đó. Shoigu vẫn là chính trị gia đáng tin cậy và nổi tiếng nhất của Nga ngoài Putin. Ông từ trước tới giờ vẫn tránh được các vụ bê bối và được coi là tương đối trong sạch. (Nhà vận động chống tham nhũng Alexey Navalny đã cáo buộc ông xây một ngôi nhà mang dáng vóc kiểu chùa chiền hào nhoáng trị giá 18 triệu đô la, những lời cáo buộc mà đại diện của ông Shoigu phủ nhận). Ông Shoigu từ lâu đã phủ nhận là có tham vọng chính trị. Thế nhưng, điều đó có thể là lợi thế cho vị bộ trưởng này. Mark Galeotti, một học giả nghiên cứu về Nga tại Đại học New York, lập luận “Shoigu không tỏ ra quá ham muốn thăng quan tiến chức”, mà điều đó có thể có nghĩa là “chính ngài bộ trưởng sớm muộn cũng là người đứng trên đỉnh cao quyền lực”. Khi tình trạng khẩn cấp cuối cùng xảy ra, nhân dân Nga có thể tìm đến người cứu nguy hàng đầu của họ.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]