Tại sao Putin là đồng minh không đáng tin cậy?

Print Friendly, PDF & Email

AP_obama_putin_ml_141111_16x9_992

Nguồn: Paul R. Gregory, “Why Putin Makes a Bad Ally”, Project Syndicate, 03/12/2015.

Biên dịch: Dương Trường Phúc | Hiệu đính: Nguyễn Thị Nhung

Sự can thiệp của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào cuộc khủng hoảng Syria từng được hoan nghênh bởi một số người, họ gọi đó là thời điểm để Điện Kremlin “bước ra khỏi vùng giá lạnh”. Theo họ, xung đột giữa Nga và Nhà nước Hồi giáo đã dẫn đến liên kết lợi ích quốc gia giữa Nga với các nước phương Tây. Thậm chí vụ bắn rơi máy bay Nga của Thổ Nhĩ Kỳ cũng không giảm bớt niềm tin này.

Thật vậy, trong một cuộc họp báo gần đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama lại thúc giục Putin tham gia liên minh chống Nhà nước Hồi giáo. Đồng thời, Tổng thống Pháp François Hollande cũng đã lên lịch trình cho chuyến thăm tới Moskva của mình, một nỗ lực để thiết lập một liên minh quốc tế rộng lớn chống lại các lực lượng khủng bố.

Thoạt nhìn, ý kiến cho rằng Nga là một đồng minh tự nhiên trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo nghe có vẻ rất có lý. Quốc gia này đã phải hứng chịu những cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng của những kẻ Hồi giáo cực đoan, trong đó có vụ đánh bom máy bay vào tháng Mười trên bán đảo Sinai, làm chết 224 hành khách và phi hành đoàn, phần lớn nạn nhân trong số đó là người Nga. Khoảng 20 triệu người Hồi giáo hầu hết theo dòng Sunni đang sinh sống trên lãnh thổ Liên bang Nga, và các quan chức an ninh của nước này cũng báo cáo rằng khoảng 7.000 chiến binh từ các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và Nga đã tham gia Nhà nước Hồi giáo.

Tuy nhiên, nếu nghiên cứu sâu hơn, rất dễ nhận thấy rằng một liên minh chống khủng bố với Nga là điều mơ tưởng. Putin đưa quân vào Syria không phải để đánh bại Nhà nước Hồi giáo. Ông ta chỉ can thiệp để bảo vệ cho người được Nga bảo trợ, đó chính là chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Có thể đôi lúc Putin tỏ ra sẵn sàng bỏ rơi Assad, nhưng cuối cùng Putin vẫn sẽ đứng ra bảo vệ ông ta. Phó mặc Assad cho số phận có thể là một dấu hiệu của sự yếu đuối – và vì vậy trái với “phong cách” của Putin.

Dân thường Nga có nguy cơ bị tấn công bởi những kẻ Hồi giáo cực đoan, nhưng chúng lại ít đe dọa đến Putin hoặc các đồng minh của ông. Nga trên thực tế đã hứng chịu nhiều cuộc tấn công khủng bố, bao gồm vụ thảm sát Beslan năm 2004, trong số 334 người thiệt mạng hầu hết đều là trẻ em. Gần như trong mọi trường hợp, việc trả đũa các cuộc tấn công khủng bố đều mang tính tàn khốc, phi lý và tốn kém nếu xét theo khía cạnh tổn thất tính mạng thường dân. Tuy vậy chính quyền của Putin vẫn nổi lên mà không hề bị tổn hại sau mỗi lần như thế. Mà ngược lại, các cuộc tấn công khủng bố tại thời điểm chuyển giao thế kỷ vừa qua đã khiến công luận thêm tin tưởng vào việc phải chống lại phiến quân Chechnya và mang lại cho Putin sự ủng hộ của công chúng mà ông cần để san bằng Grozny, thủ đô của Chechnya.

Sự tự tin của Putin trong việc đối phó với chủ nghĩa khủng bố cho thấy sách lược nhà nước an ninh của Nga. Nga  đầu tư cho an ninh nội bộ nhiều hơn là cho quốc phòng. Nước này có binh sĩ thuộc Bộ Nội vụ, lực lượng đặc biệt Cơ quan An ninh Liên bang (FSB), binh sĩ OMON (lực lượng tác chiến cơ động đặc biệt), binh sĩ tình báo quân đội, và một mạng lưới rộng lớn nội gián và các nguồn tin. Phe đối lập của chế độ không được phép ra tranh cử, quyền biểu tình của họ đều bị giới hạn, và họ là nạn nhân của sự tùy tiện pháp lý tại tòa án. Công dân hầu như không được bảo vệ trước việc nghe lén điện thoại hoặc chặn liên lạc điện tử.

Mỗi xã hội đều phải cân bằng giữa quyền dân sự với an ninh quốc gia. Nước Nga của Putin đã ở đỉnh của một bên thái cực, trong khi Mỹ và Châu Âu (mặc dù còn tồn tại những cuộc biểu tình của những người theo chủ nghĩa tự do dân sự) đã lựa chọn đứng về phía còn lại của thái cực. Quả thật, Nga là một ví dụ cho mức độ kiểm soát cao nhất của nhà nước đối với các hoạt động khủng bố. Gần như chẳng có một nhóm cực đoan nào không bị nội gián của Nga thâm nhập để báo cáo về Moskva. Thậm chí còn có bằng chứng cho thấy những kẻ thực hiện vụ thảm sát Beslan đã bị tình báo Nga thâm nhập trước đó. Hơn nữa, bất kỳ nhóm khủng bố nào cũng biết rằng khi tiến hành các chiến dịch, chắc chắn chúng sẽ vấp phải những biện pháp trả đũa bằng vũ trang cực đoan nhất. Ví dụ ở Beslan, lực lượng đặc biệt của Nga đã sử dụng đến vũ khí nhiệt áp.[1]

Như các phản ứng trước cuộc tấn công Paris đã chứng minh, vụ thảm sát dường như ngẫu nhiên 130 thường dân đã gây ra ảnh hưởng tâm lý cực kỳ lớn đối với phương Tây-đặc biệt khi để hiểu được động cơ tôn giáo và hệ tư tưởng là rất khó. Tuy nhiên, Điện Kremlin lại không coi trọng giá trị nhân mạng nhiều như ở xã hội phương Tây. Theo trù liệu của Putin, tổn thất tính mạng dân thường trong các vụ tấn công là điều không mong muốn, tuy nhiên vẫn có thể được chấp nhận nếu nó không đe dọa chính quyền.

Người Nga có thể kinh hoàng và sợ hãi trước các cuộc tấn công khủng bố. Nhưng chính quyền của họ thì lại ưu tiên đặt sự sống còn của bản thân lên hàng đầu, và cả khả năng tận dụng sự sợ hãi của quần chúng nhân dân để làm lợi cho mình. Phối hợp với phương Tây để chống lại Nhà nước Hồi giáo không phục vụ cho cả hai mục đích này của họ.

Paul R. Gregory, nhà nghiên cứu tại Học viện Hoover và nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức ở Berlin, là giáo sư của Đại học Houston.

Copyright: Project Syndicate 2015 – Why Putin Makes a Bad Ally

—————–

[1] Thermobaric weapon – là các vũ khí nổ, khi nổ có thể tạo ra hàng loạt sóng chấn động nhiều, lâu và lớn hơn các loại vũ khí nổ sử dụng các loại thuốc nổ đặc thông thường khác. Nó rất hữu dụng trong quân sự vì khả năng gây sát thương cao cũng như công phá các công sự chắc chắn, hay phương tiện cơ giới giáp nhẹ mà bình thường sẽ phải sử dụng các loại vũ khí chuyên dụng cho sát thương hoặc công phá. Nó được so sánh giống như vũ khí nguyên tử chiến thuật nhưng không phát ra phóng xạ (theo Wikipedia).
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]