Thách thức kinh tế của Tổng thống Putin

Print Friendly, PDF & Email

xw_1161122

Nguồn: Ander Aslund, “Putin’s New Prudence”, Project Syndicate, 11/12/2015.

Biên dịch: Nguyễn Hà Quyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thành tích kinh tế mà Nga đạt được trong năm nay là kém nhất trong nhóm G-20, khi GDP bị giảm 3,8%. Và tình hình đã có thể dễ dàng trở nên tồi tệ hơn nữa. Tổng thống Vladimir Putin quả quyết rằng những chính sách kinh tế của ông vẫn nhất quán, nhưng trên thực tế, Putin đã khéo léo thay đổi đường lối của mình, qua đó hạn chế những thiệt hại vốn có thể đã xảy ra nếu ông không thay đổi.

Vào cuối năm 2014, nước Nga đã lâm vào tình trạng hoảng loạn tài chính. Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đã đối phó với sự sụt giảm giá dầu bằng cách thả nổi đồng rúp, khiến cho đồng tiền này ngay lập tức mất giá chỉ còn một nửa. Những người dân Nga tuyệt vọng đã đổ xô đi mua bất cứ thứ gì có thể trước khi đồng tiền của mình trở nên vô giá trị. Lạm phát đã tăng vọt đến 16%.

Giải pháp của Putin – được đưa ra tại hội nghị báo chí thường niên của mình vào tháng 12 năm ngoái – đã không giúp trấn an dân chúng: “Chúng tôi dự định sẽ sử dụng những biện pháp đã được thực hiện tương đối thành công hồi năm 2008.” Tổng thống Putin đã nhắc đến phản ứng của Nga trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khi quốc gia này triển khai gói khích thích tài khóa lớn nhất trong nhóm G20 với quy mô không dưới 10% GDP. Kết quả đạt được: GDP của Nga giảm 7,8% – mức sụt giảm lớn nhất trong toàn nhóm G20. Tóm lại, Putin đang đề xuất sử dụng lại một chính sách thất bại.

May mắn thay, Putin đã không thực hiện lời hứa của mình đối với nước Nga. Trong năm 2008-2009, CBR đã theo đuổi chính sách phá giá dần dần, cấp tiền giải cứu tất cả những tập đoàn nhà nước và tư nhân lớn, bất kể thành tích hoạt động của chúng ra sao. Lần này, Nga đang duy trì một tỷ giá hối đoái thả nổi và bảo tồn nguồn dự trữ ngoại tệ của mình. CBR đã ổn định thị trường thông qua việc tăng mạnh lãi suất đột ngột rồi giảm từ từ, giống như bất kể ngân hàng trung ương nào cũng sẽ làm trong tình huống như vậy.

Nga cũng áp dụng một gói kích thích kinh tế chống khủng hoảng; nhưng ở mức tương đương 3,5% GDP thì gói này mới chỉ bằng một phần ba giá trị của gói năm 2008. Và dù chính phủ Nga coi một số công ty là mang tính “chiến lược”, nhưng thực ra họ cung cấp cho những công ty này một số tiền rất nhỏ. Nhiều công ty lớn, đáng chú ý nhất là những công ty trong ngành xây dựng và lĩnh vực hàng không, đã buộc phải phá sản. Sự “phá huỷ sáng tạo” này, vốn mang lại một thập kỷ tăng trưởng rất cao ở Nga vào cuối những năm 1990,  đã dường như được áp dụng lại. Đối với tầng lớp giàu có ở Nga, cuộc sống đang trở nên thiếu an toàn hơn trước.

Sau khi quốc hữu hóa Công ty Dầu mỏ Yukos vào năm 2004, chính sách của Tổng thống Putin trở nên rất rộng lượng với những công ty quốc doanh lớn. Nga cấp vốn cho các dự án mua sắm và đầu tư của chúng với nguồn ngân sách thu từ dầu mỏ có vẻ như sẽ không bao giờ cạn. Nhưng giờ đây, khi giá dầu đang lao dốc nhanh chóng thì tổng thu nhập từ xuất khẩu của Nga đã giảm 30% trong năm nay, và ngân sách nhà nước cũng trở nên vô cùng thiếu thốn.

Nếu có điều gì phải đưa ra để thừa nhận vai trò của Tổng thống Putin, thì đó là việc bảo tồn ngân sách. Năm nay, thâm hụt ngân sách của Nga được dự đoán chỉ ở mức 2% GDP, và tăng lên 3,5% trong năm 2016 – một thành quả rõ rệt trong hoàn cảnh đất nước này đã phải trải qua cú sốc thương mại và những trừng phạt tài chính quốc tế. Trong năm tới, chính phủ Nga dự định sẽ chi 40-45 tỷ USD từ vốn dự trữ để hỗ trợ ngân sách. Nhưng Nga có khả năng chi trả cho điều này: tổng dự trữ ngoại tệ của Nga hiện đạt 364 tỷ USD và nợ công chỉ ở mức 14% GDP.

Để đạt được những điều trên, Putin phải từ bỏ phần nào những điều kiêng kỵ đối với chế độ của mình. 15 năm đầu dưới sự lãnh đạo của ông, tiêu chuẩn sống của người Nga đã tăng lên đều đặn, nhưng đã trượt dốc nhanh chóng kể từ tháng 11 năm 2014. Mức lương thực tế được dự kiến sẽ giảm 10% trong năm nay. Lương hưu thực tế cũng đang giảm, và chi tiêu cho chăm sóc sức khoẻ và giáo dục cũng được dự báo sẽ giảm 8% trong năm tới.

Các công ty quốc doanh cũng chịu ảnh hưởng. Gazprom, Rosneft (tập đoàn đã tiếp quản công ty Yukos) và công ty đường sắt Russian Railways đã công khai xin tiền hỗ trợ của chính phủ. Tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Putin đã chấp nhận một kế hoạch tài trợ lớn cho Rosneft. Nhưng vào tháng 8 năm nay, rõ ràng là cả ba tập đoàn khổng lồ này đều chỉ nhận được một phần nhỏ số tiền hỗ trợ mà họ mong muốn. Vị chủ tịch đầy quyền lực của Russian Railways, ông Vladimir Yakunin, vốn là một cựu quan chức KGB và cũng là bạn của Tổng thống Putin, đã bị sa thải.

Trước những cấm vận tài chính do phương Tây áp đặt thì các nỗ lực nhằm duy trì ngân quỹ chính phủ của Tổng thống Putin là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, tầm quan trọng của những thay đổi này không nên được phóng đại. Tác động kinh tế vĩ mô là đáng kể nhưng không có các cải cách mang tính hệ thống nào được đưa ra trong chương trình nghị sự cả. Khác với Trung Quốc, Nga đã không cố gắng để kiểm soát tham nhũng đang tràn lan trong giới chức cấp cao, cũng không tiến hành bất cứ điều gì để củng cố nền pháp quyền. Hàng chục ngàn doanh nhân Nga có thể là vô tội đang bị tạm giam chờ xét xử do giới quan chức an ninh muốn thâu tóm công ty của họ. Chủ nghĩa bảo hộ phát triển nhanh chóng khi Nga ngày càng áp đặt thêm nhiều biện pháp trừng phạt thương mại.

Câu hỏi lớn đặt ra là người dân Nga sẽ phản ứng thế nào khi họ nhận ra sự sụt giảm mức sống của mình không chỉ là tạm thời, tương tự như hồi năm 1998. Vào năm 2014, GDP của Nga là 2,1 nghìn tỷ USD (theo tỷ giá hối đoái lúc đó), rồi rớt mạnh còn 1,1 nghìn tỷ USD. Những con số này không phản ánh sức mua, nhưng giới trung lưu ở Nga tính lương bổng của mình bằng đồng đô-la. Cho tới nay, phản ứng của công chúng đã bị ngăn chặn, tuy nhiên một cuộc biểu tình kéo dài 2 tuần của những tài xế xe tải về vấn đề lệ phí đường cao tốc mới đã cho thấy rằng sự im lặng của công chúng có thể sẽ không kéo dài mãi.

Tại cuộc họp báo tháng 12 năm ngoái, Putin đã đề ra những kỳ vọng của mình: “Trong một viễn cảnh giả dụ là tồi tệ nhất, tôi tin rằng (cuộc khủng hoảng này) sẽ kéo dài vài năm… . Sau đó, tăng trưởng là điều tất yếu, do tình hình kinh tế nước ngoài thay đổi cùng nhiều nguyên nhân khác. Một nền kinh tế thế giới đang tăng trưởng sẽ đòi hỏi thêm nguồn năng lượng bổ sung.” Tới tháng 12 năm nay, Putin phát biểu: “Tình hình hiện tại đang phức tạp, tuy nhiên không trầm trọng.”

Điều đó không còn đáng tin nữa. Kinh tế Nga đã trì trệ thậm chí ngay cả trước khi giá dầu toàn cầu rơi xuống đáy, và hầu hết các chuyên gia đều kỳ vọng rằng giá năng lượng sẽ tiếp tục được giữ ở mức thấp trong nhiều năm tới. Điều này tạo ra cho Tổng thống Putin một thách thức mà trước nay ông chưa từng đối diện: điều hành nước Nga khi không có một tia sáng hiện hữu nào ở phía cuối đường hầm.

Anders Åslund là thành viên cấp cao của Hội đồng Atlantic ở Washington, D.C., và là tác giả của cuốn Ukraine: What Went Wrong and How to Fix It.

Copyright: Project Syndicate 2015 – Putin’s New Prudence
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]