Cách mạng Tháng Hai và cơ hội bị Kerensky bỏ lỡ

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: John Quiggin, The February Revolution and Kerensky’s Missed Opportunity, The New York Times, 06/03/2017.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Cách mạng Tháng Hai là một trong những khoảnh khắc “giá như” lớn nhất của lịch sử. Nếu cuộc cách mạng này – xảy ra vào đầu tháng 03/1917 theo lịch Gregory của phương Tây (mà Liên Xô sau này mới sử dụng) – thành công trong việc tạo ra một nền dân chủ lập hiến thay thế cho đế chế của Sa hoàng, đúng như kỳ vọng của các nhà lãnh đạo nó, thì có lẽ thế giới đã trở thành một nơi rất khác.

Nếu người lãnh đạo chính phủ lâm thời, Aleksandr Kerensky, biết nắm lấy cơ hội từ cuộc bỏ phiếu ở Nghị viện Đức (Reichstag), mà hiện nay đã bị quên lãng, thì có lẽ Thế chiến I đã kết thúc trước khi quân Mỹ tiến vào châu Âu. Trong phiên bản lịch sử thay thế đó, Lenin và Stalin sẽ chỉ là những nhân vật bên lề, và Hitler sẽ chẳng thể làm gì khác ngoài một họa sĩ thất bại.

Tính đến tháng 02/1917, sau hơn hai năm chiến tranh đẫm máu và vô nghĩa, sáu triệu lính Nga đã chết, bị thương hoặc mất tích. Cảnh thiếu thốn ngày một tăng lên. Khi chính quyền của Sa hoàng Nicholas II thông báo về việc phân chia khẩu phần bánh mì, hàng chục ngàn người biểu tình, rất nhiều trong số đó là phụ nữ, đã ngập tràn các đường phố của St. Petersburg. Đình công nổ ra khắp đất nước. Sa hoàng đã cố gắng đàn áp biểu tình bằng bạo lực, nhưng những lời hiệu triệu của ông tới quân đội đã được đáp lại bằng các cuộc binh biến hoặc đơn giản là bị ngó lơ.

Sang đầu tháng 3, tình hình đã không còn có thể chấp nhận được: Nicholas buộc phải thoái vị và chấm dứt triều đại Romanov.

Khoảng trống tạo ra sau sự sụp đổ của chế độ chuyên chế đã được lấp đầy, một phần bởi chính phủ lâm thời, được hình thành từ các nhóm đối lập trong Duma vốn trước đây không có thực quyền, hay Nghị viện, và phần còn lại là bởi các Xô Viết, hay Ủy ban Công nhân. Ngay từ đầu, chính phủ lâm thời này đã là một sáng kiến thể hiện hy vọng của đa số người Nga.

Hi vọng đầu tiên trong số những hy vọng này, việc thay thế chế độ chuyên chế bằng chế độ dân chủ lập hiến, đã được thể hiện trong tên gọi của chính đảng cầm quyền sau Cách mạng Tháng Hai. Đảng Dân chủ Lập hiến, hay đảng Cadet, nổi lên sau một cuộc cách mạng thất bại vào năm 1905, gồm những nhà tự do chủ nghĩa trung dung nhận được ủng hộ đáng kể từ trí thức và tầng lớp trung lưu thành thị. Hoàng tử Georgi Lvov, một quý tộc trung niên, đã trở thành Thủ tướng, nhưng ông thường chỉ được xem như một nhân vật bù nhìn. Lãnh đạo đảng Cadet và Ngoại trưởng, Pavel Milyukov, mới là nhân vật chi phối trong những ngày đầu của cuộc cách mạng.

Thành viên đảng Cadet là những người ôn hòa nhất trong số các đảng tranh giành quyền lực sau Cách mạng Tháng Hai. Phía cánh tả của họ là đảng Cách mạng Xã hội, những người dù có tên gọi khá cực đoan, nhưng thực chất là một nhóm khá dân chủ và ôn hòa; họ tập trung chủ yếu vào việc thu đất từ các lãnh chúa phong kiến lớn và chia lại cho nông dân. Điều gây bối rối hơn, nếu nhìn từ quan điểm hiện đại, là việc các nhà cách mạng thực sự lại là Đảng Dân chủ Xã hội, một thuật ngữ hiện được dùng để gọi các đảng trung tả ôn hòa ở châu Âu.

Đảng Dân chủ Xã hội lại được chia thành hai nhóm với tên gọi dễ gây hiểu lầm. Nhóm nhỏ hơn, do Vladimir Lenin dẫn đầu, có tên là Bolshevik (hay đa số xã hội chủ nghĩa), trong khi nhóm lớn hơn, bao gồm hầu hết các nhà lãnh đạo nổi tiếng khác ngoại trừ Lenin, thì có tên là Menshevik (hay thiểu số xã hội chủ nghĩa). Khi đưa ra tên gọi “đa số” cho nhóm của mình, dù chỉ giành được lượng phiếu bầu thiểu số về mặt thủ tục, Lenin đã báo trước quyết tâm và sự tàn nhẫn vốn sẽ đưa ông lên nắm quyền tối cao.

Và đó chỉ là những nhóm lớn nhất. Những người theo chủ nghĩa vô chính phủ, theo chủ nghĩa nghiệp đoàn, nhóm người Do Thái theo cánh tả (Bundists), tất cả đều cạnh tranh, chiến đấu chống lại nhau và đôi khi cũng liên minh với nhau.

Khi chiến tranh nổ ra ở châu Âu vào mùa hè năm 1914, hầu hết các nhóm này, bất chấp sự phản đối của họ đối với chế độ Sa hoàng, đã ủng hộ những gì họ xem là một cuộc chiến phòng vệ trước sự xâm lược của Liên minh Trung tâm, gồm Đức và Áo-Hung. Trong bối cảnh này, họ giống như phần lớn các đảng xã hội chủ nghĩa và dân chủ xã hội ở châu Âu, những người đã từ bỏ chủ nghĩa quốc tế và tập hợp xung quanh lá cờ của các chính phủ quốc gia của họ.

Trong nhóm thiểu số các lãnh đạo chính trị phản đối chiến tranh, quan trọng nhất là Lenin, cùng với các lãnh tụ cánh tả Menshevik, như Yuli Martov và Leon Trotsky, tất cả đều đang phải lưu vong. Từ Zurich xa xôi, Lenin chẳng thể làm gì ngoài lên án “những người sô vanh xã hội chủ nghĩa” đã ủng hộ chiến tranh.

Tuy nhiên, khi chiến tranh tiếp diễn, sự ủng hộ chiến tranh của các tầng lớp chính trị và nhân dân Nga đã bị thu hẹp. Đợt tổng tấn công Brusilov năm 1916, được tung hô là một chiến thắng vĩ đại vào thời điểm đó, đã kết thúc với khoảng một triệu người Nga bị giết hoặc bị thương mà không tạo ra thay đổi đáng kể nào cho cuộc chiến. Việc Sa hoàng Nicolas quyết định đích thân chỉ huy lực lượng vũ trang Nga chỉ gây thêm thảm hoạ, làm mất uy tín cho cả Nicholas lẫn chế độ quân chủ.

Do đó, sự sụp đổ nhanh chóng của chế độ là không có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng khi đột ngột lên nắm quyền, chính quyền lâm thời phải đối mặt với vấn đề thường gặp của các chế độ cách mạng: làm sao để thỏa mãn các kỳ vọng mâu thuẫn nhau của những người dân đã đưa họ lên nắm quyền.

Chính phủ lâm thời nhanh chóng đưa ra những cải cách mà có lẽ sẽ hoạt động tốt trong thời bình: tiến hành phổ thông đầu phiếu và tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do báo chí và tôn giáo, và giải quyết nhu cầu của nhiều nhóm tuy là sắc tộc thiểu số nhưng đã tạo nên đa số dân số của nước Nga. Nhưng không có biện pháp nào trong số này đã đem đến ba điều người dân mong muốn nhất: hòa bình, bánh mì, và đối với các nông dân là đất đai.

Trong những thất bại này, quan trọng nhất là thất bại trong việc đem lại hoà bình. Chiến tranh cứ tiếp diễn, và sang tháng 4, Milyukov bị tiết lộ là đã gửi điện tín cho chính phủ Anh và Pháp, hứa hẹn rằng Nga sẽ tiếp tục hỗ trợ họ. Ông bị mất chức ngay sau đó, và nhà lãnh đạo đảng Cách mạng Xã hội, Kerensky, đã lên kế nhiệm.

Dù thất bại của Milyukov đã cho thấy bài học rõ ràng, Kerensky vẫn tiếp tục chiến tranh. Sau khi tới thăm chiến trường, ông đã thành công trong việc vận động những người lính mệt mỏi tham gia một cuộc tấn công khác. Dù có thành công bước đầu, cuộc tấn công của Kerensky đã dần trì trệ, gây ra tổn thất lớn về nhân mạng, và lặp lại mẫu hình tồi tệ của Thế chiến I.

Đỉnh cao trong quyền lực của Kerensky là sự kiện Những Ngày Tháng Bảy (July Days), khi một cuộc biểu tình tập thể được thực hiện bởi những người Bolshevik đã bị đánh bại bởi các lực lượng trung thành với chính phủ. Sau khi sự kiện Những Ngày Tháng Bảy bị dập tắt, Kerensky củng cố vị trí của mình bằng cách trở thành Thủ tướng, thay thế cho Lvov.

Gần như chính cùng thời điểm đó, ở Berlin, các đảng xã hội chủ nghĩa và dân chủ xã hội đã hối hận về quyết định tham chiến của họ. Người Đức cũng mệt mỏi vì chiến tranh hệt như người Nga, với những thương vong khủng khiếp và tình cảnh thiếu thốn lan tràn do phong tỏa của quân Đồng minh Hiệp ước. Một nghị quyết của Reichstag (Quốc hội Đức) đã được thông qua bởi đa số áp đảo, kêu gọi hòa bình mà “không có sáp nhập hay bồi thường” – tức là trở lại tình hình trước khi chiến tranh bùng nổ.

Tuy nhiên, ở thời điểm này, Đức về cơ bản đang ở dưới một chế độ độc tài quân sự. Quyền lực thực sự nằm ở Bộ Tư lệnh Tối cao, do các tướng Ludendorff và Hindenburg điều hành, cả hai sau này đã đóng vai trò nổi bật trong việc đưa Hitler lên nắm quyền. Không có gì ngạc nhiên khi Ludendorff và Hindenburg đã làm ngơ nghị quyết của Reichstag.

Đối với bất cứ ai đi theo quan điểm của người chiến thắng – mà theo đó, quân Hiệp ước đang chiến đấu trong một cuộc chiến phòng vệ để giải phóng các nước nhỏ, điều ngạc nhiên là Anh lại không trung thực về các mục tiêu chiến tranh, còn người Pháp thì từ chối nêu rõ mục tiêu của họ. Lý do là những mục tiêu đó đều không thể chấp nhận được để có thể thừa nhận một cách công khai. Trong một loạt các hiệp ước bí mật, họ đã nhất trí rằng trong trường hợp chiến thắng, họ sẽ chia chác đế chế của kẻ thù mà họ đánh bại.

Với người Nga, giải thưởng lớn sẽ là thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ, Constantinople, nay được gọi là Istanbul. Vùng đất này đã được hứa hẹn trao cho Nga trong một thoả thuận bí mật vào năm 1915. Việc đảng Bolshevik sau đó công bố các hiệp ước bí mật này đã làm mất đi uy tín của phe Hiệp ước.

Kerensky đã có thể bác bỏ các thỏa thuận của Sa hoàng và tuyên bố sẵn sàng chấp nhận công thức hòa bình của Reichstag mà không cần phải sáp nhập hay bồi thường. Bộ Tư lệnh Tối cao Đức có lẽ sẽ bỏ qua lời đề nghị này và tiếp tục chiến tranh (giống như họ đã làm khi phe Bolshevik đưa ra các điều khoản tương tự sau Cách mạng Tháng Mười vào cuối năm 1917). Nhưng tình hình trong tháng 07 thuận lợi hơn rất nhiều so với vào cuối năm 1917. Như cuộc tấn công của Kerensky đã chứng minh, quân đội Nga, dù bị mất tinh thần, nhưng vẫn là một lực lượng chiến đấu hiệu quả, và tiền tuyến của họ rất gần với lãnh thổ của phe Liên minh Trung tâm. Hơn nữa, Kerensky có uy tín với các đồng minh phương Tây và ông có thể sử dụng nó một cách hiệu quả.

Quyết tâm tiếp tục chiến tranh của Kerensky là một thảm hoạ. Trong vòng vài tháng, lực lượng vũ trang đã nổi loạn. Lenin, người đã quá cảnh nước Đức trong một chuyến tàu bí mật với sự chấp nhận của Bộ Tư lệnh Tối cao Đức, với hy vọng ông sẽ giúp đưa Nga ra khỏi cuộc chiến, đã biết nắm lấy cơ hội. Chính phủ lâm thời đã bị phe Bolshevik lật đổ trong cuộc Cách mạng Tháng Mười. Cách mạng Bolshevik đã đưa Cách mạng Tháng Hai rơi vào sự quên lãng của lịch sử.

Sau khi chấp nhận một hiệp ước nhục nhã do người Đức áp đặt, Nga đã sớm bị cuốn vào cuộc nội chiến còn tàn bạo và đẫm máu hơn cả Thế chiến I. Cuối cùng, chính phủ Bolshevik, được thành lập như là đại diện dân chủ của người lao động, lại là một nền độc tài trên thực tế, tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của một đảng viên Bolshevik trước đó còn là ẩn số, Joseph Stalin, người sẽ trở thành một trong những bạo chúa lớn nhất của lịch sử. Bên phía còn lại, việc Bộ Tư lệnh Tối cao Đức từ chối hòa bình cũng đã dẫn đến thất bại, sự ô nhục quốc gia và sự nổi lên của một bạo chúa lớn khác của thế kỷ 20, Adolf Hitler.

Chúng ta không thể biết liệu một phản ứng tích cực từ Kerensky đối với sáng kiến hòa bình của Reichstag có thể tạo ra điều gì. Nhưng thật khó để tưởng tượng ra một kết quả tồi tệ hơn điều thực sự đã xảy ra. Những năm đổ máu vô nghĩa đã đưa nước Nga đến hai cuộc cách mạng hóa ra chỉ là bước đầu cho những thập niên của chủ nghĩa toàn trị và chiến tranh toàn diện. Thất bại của Kerensky là một trong những cơ hội bị bỏ lỡ lớn nhất của lịch sử.

John Quiggin là Giáo sư kinh tế tại Đại học Queensland.

Karensky đang duyệt binh năm 1917. Nguồn: NYT.

Xem thêm: Các bài khác trong chuỗi bài Thế kỷ Đỏ

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]