Ngoại giao kinh tế (Economic diplomacy)

Print Friendly, PDF & Email

tumblr_mzgfp9Ziut1s4nh1ho1_1280

Tác giả: Hoàng Cẩm Thanh

Theo cách hiểu truyền thống hoạt động ngoại giao nhằm củng cố mối quan hệ chính trị giữa các quốc gia tạo điều kiện phát triển các mối quan hệ khác. Sự phát triển mạnh mẽ của quá trình toàn cầu hoá và khoa học công nghệ cũng như sự phân công lao động quốc tế đã làm cho kinh tế trở thành nhân tố đóng vai trò quan trọng trong quan hệ quốc tế. Kinh tế đồng thời trở thành yếu tố quyết định sức mạnh tổng hợp của một quốc gia. Chính vì vậy, quan hệ kinh tế trở thành “chất keo” trong quan hệ chính trị giữa các nước.

Từ những năm 50 của thế kỷ 20, hoạt động ngoại giao phục vụ mục tiêu kinh tế đã hình thành và được biết đến với tên gọi là ngoại giao thương mại. Thuật ngữ “ngoại giao kinh tế” cũng bắt nguồn từ đây và trở nên phổ biến. Vậy ngoại giao kinh tế cụ thể nghĩa là gì?

Theo định nghĩa của G. R. Berridge và Aliab James, ngoại giao kinh tế là hoạt động ngoại giao liên quan đến các vấn đề kinh tế bao gồm công tác của các đoàn ngoại giao cho đến các hội nghị quốc tế (do các tổ chức quốc tế đảm nhận, chẳng hạn như WTO). Đồng thời, hoạt động ngoại giao kinh tế cũng bao hàm việc theo dõi và báo cáo cho chính phủ về tình hình, chính sách kinh tế của nước nhận đại diện nhằm có những biện pháp thích hợp tạo nên sự ảnh hưởng đến kinh tế nước đó. Bên cạnh đó, ngoại giao kinh tế cũng liên quan tới việc sử dụng các nguồn tài nguyên kinh tế, các biện pháp như trừng phạt kinh tế nhằm theo đuổi những mục tiêu cụ thể của chính sách đối ngoại.

Ở Việt Nam, Nghị định 08/2003/NĐ-CP, ngày 10 tháng 02 năm 2003 quy định về Cơ quan của Việt Nam ở nước ngoài phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế định nghĩa ngoại giao kinh tế là hoạt động nhằm “thúc đẩy thương mại, hợp tác đầu tư, hợp tác khoa học công nghệ, du lịch, lao động, dịch vụ, thu ngoại tệ, bảo vệ lợi của nhà nước, quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân Việt Nam trong hoạt động kinh tế đối ngoại.” Chủ thể chính trong hoạt động ngoại giao là các quốc gia, nhưng trong quan hệ kinh tế quốc tế có hàng loạt các chủ thể ở cấp độ khác nhau nên điểm đặc biệt của ngoại giao kinh tế là sự đa dạng về mặt chủ thể từ các tổ chức kinh tế, tiền tệ, tài chính quốc tế, các nền kinh tế quốc gia, các công ty xuyên quốc gia, hay tập đoàn quốc tế.

Ngoại giao thương mại
Là nhiệm vụ của các phái đoàn ngoại giao nhằm hỗ trợ cho lĩnh vực thương mại và tài chính ở nước mình. Ngoại giao thương mại có điểm chung và cũng có điểm khác biệt so với ngoại giao kinh tế. Ngoại giao thương mại bao gồm việc xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước. Điểm quan trọng của ngoại giao thương mại là sự cung cấp thông tin cho bộ thương mại và các doanh nhân của nước cử đại diện về cơ hội đầu tư, xuất khẩu, duy trì liên lạc với các doanh nghiệp, văn phòng thương mại của nước nhận đại diện, đồng thời, tổ chức và hỗ trợ các phái đoàn từ nước nhà trong quá trình làm việc.

Về các hoạt động cụ thể , ngoại giao kinh tế có thể bao gồm những công việc như tuyên truyền và thông tin về nước mình, cung cấp thông tin kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm nguồn vốn, bạn hàng, đối tác, thị trường; làm cầu nối cho các cuộc gặp gỡ và đàm phán quốc tế….

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, Việt Nam luôn chú trọng phát triển hoạt động ngoại giao kinh tế. Năm 2007 đã được Việt Nam chọn là “Năm Ngoại giao kinh tế”. Việt Nam đã tham gia ngày càng chủ động và tích cực hơn vào các tổ chức, diễn đàn kinh tế, thương mại, tài chính khu vực và quốc tế như ASEAN, ASEM, APEC, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS), và đặc biệt là tham gia thực chất và tích cực vào hoạt động của WTO, trong đó có các cuộc đàm phán trong khuôn khổ vòng đàm phán Doha v.v… Ngoài ra, Việt Nam đã xây dựng một mạng lưới gồm hơn 80 cơ quan đại diện trải khắp các châu lục, góp phần vào việc thu thập thông tin kinh tế, dự báo các xu hướng phát triển mới trong khu vực và trên thế giới, đồng thời là một cầu nối giúp giới thiệu đối tác, tìm kiếm các thị trường cho hàng hóa, dịch vụ và lao động của Việt Nam. Chính vì vậy có thể nói hoạt động ngoại giao kinh tế đang ngày càng đóng vai trò quan trọng và đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế quốc gia nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng của Việt Nam.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]