13/01/1950: Liên Xô tẩy chay Hội đồng Bảo an LHQ

Yakov Malik

Nguồn:Soviets boycott United Nations Security Council,” History.com (truy cập ngày 12/01/2015).

Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1950, lần thứ hai trong một tuần, đại sứ Liên Xô tại Liên Hợp Quốc Yakov Malik bực tức rời bỏ một cuộc họp của Hội đồng Bảo an, lần này là để phản ứng việc đề nghị trục xuất đại sứ Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) của ông bị bác bỏ. Đồng thời, ông cũng công bố ý định tiếp tục tẩy chay các cuộc họp Hội đồng Bảo an của Liên Xô.

Ít ngày trước khi diễn ra cuộc họp ngày 13 tháng 1, Malik đã thể hiện sự không hài lòng về việc Liên Hợp Quốc từ chối trục xuất phái đoàn Trung Hoa Dân Quốc. Liên Xô đã công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa theo đường lối cộng sản là chính phủ thực sự của Trung Quốc, và muốn phái đoàn Trung Quốc thay thế các phái đoàn Trung Hoa Dân Quốc tại Liên Hiệp Quốc.

Tuy nhiên, Malik vẫn trở lại cuộc họp ngày 13 tháng 1 để bỏ phiếu cho nghị quyết của Liên Xô về việc trục xuất Trung Hoa Dân Quốc. Sáu quốc gia – Hoa Kỳ, Trung Hoa Dân Quốc, Pháp, Ecuador, Cuba, và Ai Cập – bỏ phiếu chống, và ba quốc gia – Liên Xô, Nam Tư, và Ấn Độ – bỏ phiếu thuận. Malik lập tức rời cuộc họp, tuyên bố rằng Hoa Kỳ đã “khuyến khích sự vô luật pháp” bằng cách từ chối thừa nhận rằng sự hiện diện của phái đoàn Trung Hoa Dân Quốc là “bất hợp pháp”.

Malik còn cho rằng “ngay cả phần tử phản động nhất” cũng phải thừa nhận sự công bằng của nghị quyết của Liên Xô, và thề rằng Liên Xô sẽ không bị ràng buộc bởi bất kỳ quyết định nào của Hội đồng Bảo an nếu đại sứ Trung Hoa Dân Quốc vẫn còn thuộc Hội đồng. Hy vọng ngăn chặn mọi hành động của Hội đồng Bảo an tương lai, Malik thông báo Liên Xô sẽ không tham dự các cuộc họp của nó. Các thành viên còn lại của Hội đồng Bảo an vẫn quyết định tiếp tục hoạt động bất chấp sự tẩy chay của Liên Xô.

Đến cuối tháng 6 năm 1950, rõ ràng hành động của Liên Xô đã phản tác dụng khi vấn đề chiến tranh Triều Tiên vẫn được đưa ra trước Hội đồng Bảo an. Đến ngày 27 tháng 6, Hội đồng Bảo an bỏ phiếu chấp thuận hoạt động quân sự đầu tiên của Liên Hiệp Quốc trong lịch sử của tổ chức này. Đáng lẽ Liên Xô đã có thể ngăn chặn hành động của Hội đồng Bảo an do Hoa Kỳ, Liên Xô, Trung Quốc, Anh, và Pháp đều có quyền phủ quyết tuyệt đối, nhưng Liên Xô đã không có đại diện trong thời gian này. Chỉ trong một thời gian ngắn, một lực lượng đa quốc gia của Liên Hiệp Quốc đã đến Hàn Quốc và cuộc chiến tranh kéo dài ba năm ở bán đảo Triều Tiên đã bắt đầu.

Ảnh: Đại sứ Liên Xô tại Liên Hợp Quốc Yakov Malik, mùa hè năm 1968. Nguồn: Getty Images.